Tự Thương Lấy Mình - Chương 1
1
Tôi bị ngã rất nặng.
Cầu thang đóng băng toàn bộ, tôi trượt chân, ngã thẳng xuống cầu thang trước tòa nhà.
Cũng may đồ mùa đông dày nên mới không bị chấn thương nội tạng.
Cô giáo với bạn học gọi xe cứu thương, cùng nhau đưa tôi đến bệnh viện.
Hoàn tất thủ tục, cô chủ nhiệm bảo với tôi là cô đã ứng tiền viện phí trước cho tôi, cũng đã báo về gia đình.
Mà khi nghe được nửa câu sau, tôi há hốc miệng, do dự mãi cuối cùng vẫn nuốt lời đến môi lại xuống bụng.
Tôi không muốn để người nhà biết.
Không thì thứ chờ đợi tôi còn tồi tệ hơn việc bị ngã gãy chân.
2
Mấy tiếng sau, mẹ tôi đến.
Còn chưa thấy bóng mẹ thì đã nghe thấy tiếng bà oang oang khắp hành lang:
“Đâu nặng đến thế, không phải chỉ ngã thôi à, sao phải nằm viện phẫu thuật?”
“Thanh niên mà yếu vậy sao?”
“Tôi thấy bệnh viện này muốn làm tiền thì có? Muốn thu phí linh tinh chứ gì?”
“Ở chỗ chúng tôi cùng lắm là đắp thuốc, nghỉ mấy ngày là khỏi!”
Sau đó hình như cô chủ nhiệm đứng ra thuyết phục thì giọng của mẹ mới dần nhỏ lại.
“Cô là chủ nhiệm của Ninh Ninh ạ? Làm phiền cô rồi.”
“Con bé này lúc nào cũng để người ta phải lo lắng! Đi mà cũng ngã được, sao các bạn khác không sao mà chỉ mình nó ngã cơ chứ!”
Giọng nói càng lúc càng gần, mẹ đã đi đến cửa phòng bệnh.
Tôi vô thức rụt người vào trong chăn, khẽ gọi: “Mẹ.”
Mẹ tôi nhướng mày, liếc xéo tôi một cái.
Mẹ bước tới trước giường bệnh, giật phăng cái chăn trên người tôi, sau đó chọc vào bên chân bị gãy của tôi.
“Để tao xem, tại sao lại phải phẫu thuật?”
“Mày cái thứ phiền phức, không để người ta yên được à?”
Mẹ vật qua vật lại cái chân bị gãy của tôi, tôi rít lên vì đau.
Cô chủ nhiệm đi nhanh tới chắn trước tôi: “Mẹ của Ninh Ninh à, trời tuyết đường trơn, dễ xảy ra tai nạn.”
Lúc này mẹ mới ngựng ngùng thôi, nhưng lại chạy tới chỗ bác sĩ đang đi buồng: “Bác sĩ à, có thể không dùng thuốc tê trong quá trình phẫu thuật không?”
Bác sĩ nhìn tôi, hỏi một cách máy móc: “Sao thế, bệnh nhân bị dị ứng thuốc tê à?”
Mẹ tôi cười, lắc đầu: “Không phải, tôi muốn nó đau một lần cho chừa.”
Bác sĩ và cô chủ nhiệm ngây người.
Những người khác trong phòng bệnh cũng dổ dồn ánh mắt về tôi.
Tôi xấu hổ gọi: “Mẹ!”
Nhưng mẹ lại nổi cơn tam bành.
“Mày gọi cái gì! Tiền xe cứu thương, tiền viện phí, tiền phẫu thuật, tiền thuốc tê không phải trả à?”
“Tao nói có sai không? Mày mù chứ tao thì không, ngã cái tốn mất mấy ngàn! Mày tưởng tiền là lá cây à?”
“Để mày đau một lần cho chừa!”
“Hơn nữa, còn trẻ, chịu đau tí thì sao! Còn trẻ phải va vấp nhiều!”
Bác sĩ khó chịu ngắt lời mẹ, quẳng lại một câu: “Phẫu thuật của bệnh nhân bắt buộc phải gây tê.”
Cô chủ nhiệm thấy thế khuyên ngăn: “Mẹ Ninh Ninh à, nếu chị có khó khăn gì thì nói với tôi, tôi có thể giúp nghĩ cách.”
Lúc này mẹ mới chuyển sang chế độ lẩm bẩm càm nàn, không phải chuyện tiền nong mà là bực vì tôi không để ý.
3
Thật ra nhà tôi không nghèo như cô chủ nhiệm nghĩ.
Mấy năm trước, ba tôi bị tai nạn ở công trường, được chỗ làm đền bù cho không ít tiền.
Nhớ mang máng cũng phải một trăm vạn.
Mẹ tôi luôn tính toán chi li với tôi nhưng chưa bao giờ tiếc tiền chi cho bản thân.
Ngay ngày nhận được tiền đền bù, mẹ đã tới trung tâm thương mại mua cho mình một bộ trang sức bằng vàng.
Thậm chí mẹ còn gọi điện khoe với bạn chơi mạt chược của mẹ: “Đáng đồng tiền bát gạo, lão ấy không ăn không uống làm ròng rã hai mươi năm cũng không kiếm được một trăm vạn này, tôi còn phải phục vụ lão lúc về già nữa chứ.”
“Giờ thì hay quá, người chết rồi, tôi lại được tiền.”
Tôi vừa lau nước mắt vừa nghĩ, sao mẹ có thể máu lạnh như vậy.
Người một nhà với nhau mà.
Dù ba thường bận công việc, rất ít khi về nhà, hai vợ chồng cũng không yêu đương thắm thiết, nhưng ít nhất lĩnh lương cái là sẽ chuyển ngay về cho mẹ.
Thỉnh thoảng ba về mà luôn mang theo vẻ mệt mỏi sương gió.
Trên quần áo lấm lem đất cát.
Mẹ thì tỏ ra khinh ghét vô cùng, bắt ba đứng ngoài cởi hết quần áo mới cho vào nhà.
Khó lắm ba mới được về nhà mấy bữa mà thái độ của mẹ vẫn chẳng lấy làm vui vẻ gì.
Nhưng ba rất thương tôi, biết mẹ giữ hết tiền nên lần nào về nhà cũng lén cho tôi mấy trăm, để tôi mua đồ dùng học tập.
“Con gái à, cố học cho giỏi, đừng như ba, không có bằng cấp, chỉ có thể bán sức lao động kiếm tiền!”
Tôi biết gần như toàn bộ tiền của ba đều đưa cho mẹ.
Mấy trăm này là ba dè xẻn tích góp lại.
Đoạn thời gian ba mới mất, tôi mất ngủ cả đêm, không dám khóc thành tiếng vì sợ bị mẹ biết nên chỉ có thể vùi đầu trong chăn âm thầm lau nước mắt.
Tôi khắc ghi hình bóng ba trong lòng.
Mẹ không cho tiền, tôi không theo được lớp phụ đạo nên chỉ có thể tự nghĩ cách.
Mẹ chơi mạt chược không quan tâm tới tôi, tôi ở lại trường học tới khuya, nỗ lực học tập.
Gặp giáo viên tăng ca hoặc trực tối, tôi còn có thể tranh thủ hỏi bài.
Sau đó, kết quả thi đại học của tôi rất tốt, đủ để vào trường trọng điểm nhưng mẹ quyết không đồng ý cho tôi theo học.
Mẹ nói với người ngoài là không muốn tôi đi học xa.
Con gái ấy à, học đại một trường gần nhà, với thánh tích này của tôi còn có thể được miễn giảm học phí!
Thật ra trường mà tôi để nguyện vọng một cũng rất gần, đi tàu hơn một giờ là đến.
Nhưng tôi biết, mẹ không muốn trả tiền học phí cho tôi.
Tôi hết cách đành phải tìm cô chủ nhiệm hồi ấy.
Cô chủ nhiệm lấy danh nghĩa đi thăm học sinh đồng khóa, đến nhà tôi tư tưởng lại cho mẹ tôi.
Cô chủ nhiệm tâng bốc ngành tôi chọn, đầu ra tốt ra sao, công việc thu nhập cao cỡ nào.
Không hổ là cô chủ nhiệm, gãi trúng chỗ ngứa của mẹ tôi.
Mẹ tôi lưỡng lự.
Đợi cô chủ nhiệm đi rồi, mẹ lấy một tờ giấy ghi nợ ra: “Tống Gia Ninh, tao cho mày tiền học phí nhưng chỉ là cho vay thôi.”
“Đợi sau này mày kiếm được việc, kiếm được tiền thì phải trả cả gốc lẫn lãi cho tao.”
Trên tờ giấy ghi nợ kia viết rõ tên người vay, thời gian, thỏa thuận, thậm chí còn ghi cả thời gian trả và tiền lãi.
Nhiều lúc tôi không hiểu nổi, rõ ràng mẹ có rất nhiều tiền, học phí một năm chỉ mấy ngàn mà tại sao phải keo kiệt thế.
Nhưng tôi không dám hỏi, sợ hỏi nhiều thì mẹ sẽ không cho tôi vay.
Sau đó lên đại học, tôi kiếm tiền bục mặt.
Vì mẹ tôi chịu cho tiền học phí nhưng không chịu cho tiền sinh hoạt.
Tôi chỉ có thể tự lo.
Lúc các bạn khác đang đi hát, đi chơi thì tôi đang làm đủ mọi công việc.
Bạn cùng phòng không muốn ăn cơm căng tin cùng mọi người mà muốn lên lầu hai ăn đồ mắc tiền, còn tôi thì không bao giờ tham gia.
Cải bắp xào một tệ rưỡi và một cái bánh bao năm tệ chính là một bữa cơm của tôi.
Ngay cả băng vệ sinh, tôi cũng mua loại rẻ nhất chứ đừng nói tới váy áo xinh đẹp và đồ trang điểm.
Ngay cả lần ngã gãy chân này cũng vì tôi vội đi làm sau khi tan học, đi vội quá mới bị trượt chân.
Nhưng mẹ tôi không hỏi, vừa tới đã mắng xối xả một trận.
Khi cô chủ nhiệm và các bạn đi rồi, mẹ vẫn không tha cho tôi.
Cuối cùng, chị gái ở giường bên cạnh không chịu được nữa phải nói: “Cô ơi, cô muốn nói thì ra ngoài nói, cô làm ảnh hưởng tới mẹ cháu đấy.”
Bấy giờ mẹ mới xấu hổ ngậm miệng lại.
Chị gái kia nhuộm tóc xanh khói, tay áo xắn lên để lộ hình xăm, trông có vẻ không dễ động vào.
Mẹ tôi chỉ dám liếc nhìn bóng lưng của chị ấy, lẩm bẩm mắng nhãi ranh.