Thiên Thần Bảo Hộ - Chương 2
3.
Tôi bị kéo đi làm các loại kiểm tra giống như một con rối gỗ, nhưng ca phẫu thuật lại bị hoãn lại.
Live stream của chị gái kia có ảnh hưởng rất lớn, trên mạng lan truyền tấm ảnh chất lượng cao về cánh tay và mu bàn tay của tôi rất nhanh, còn thấy được lỗ kim trên đó rất rõ ràng, trông rất đáng sợ.
Thậm chí không biết là ai đã ghi âm lại cái tát mà mẹ tôi đánh tôi ở trong phòng bệnh, cùng với những lời bà ấy buột miệng thốt ra, sau đó đăng lên trên mạng.
Cha mẹ tôi không có tài khoản mạng xã hội, nhưng cư dân mạng lại tìm được tài khoản Weibo của anh trai tôi, trong phần bình luận đều hỏi anh ấy nghĩ như thế nào khi hút máu em gái để sống.
Có lẽ là vì anh ấy cũng là người bệnh, hơn nữa còn bệnh rất nặng nên cư dân mạng bình luận vẫn khá nhẹ nhàng.
Nhưng trong phần đánh giá trên internet và Weibo của bệnh viện thì đầy những lời nói khó nghe, cư dân mạng nghi ngờ không biết cách làm của bệnh viện có hợp lý hay không, có khi nào bệnh viện chỉ suy xét tới lợi ích mà bệnh nhân đưa ra, rồi không màng nguy hiểm mà ca phẫu thuật này có khả năng mang lại, cưỡng ép trẻ vị thành niên như tôi hiến bạch cầu, hiến tế bào gốc, hiến tủy nhiều năm qua, bây giờ lại còn hiến thận nữa.
Rất nhiều tài khoản có lượt tương tác cao đều tiến hành thảo luận về sự kiện này, liên tục có người @ cảnh sát, Hội liên hiệp phụ nữ, hội chữ thập đỏ, trường học.
Vào lúc đầu sóng ngọn gió này, bác sĩ của anh trai tôi nói khéo với cha mẹ tôi rằng, ca giải phẫu tạm thời không thể thực hiện được.
“Bây giờ mày hài lòng chưa?” Mẹ tôi nhìn tôi đầy lạnh lùng, sau khi trở về từ bệnh viện, bà ấy đã bỏ đi lớp ngụy trang, không còn cười với tôi nữa.
“Sao mày máu lạnh thế! Đáng lẽ tao không nên sinh mày ra!”
Cửa bị đóng sầm lại.
Tôi nghe thấy tiếng khóa cửa, qua một hồi lâu tôi mới ra khỏi phòng, đi xem thì thấy cửa nhà đã bị khóa lại rồi.
Còn tôi thì bị nhốt trong nhà.
Tôi ngồi trên giường ôm chặt bé thỏ bông trong lòng, chỉ có một mình tôi nhưng tôi không thấy sợ hãi, vì theo ký ức của tôi thì tôi thường xuyên ở nhà một mình thế này.
Anh trai tôi rất hay bị bệnh phải nằm viện, kiểm tra, lọc thận, uống thuốc nên chi phí rất cao, cha tôi bận rộn kiếm tiền, thường xuyên làm ba công việc cùng một lúc.
Còn mẹ tôi thì luôn ở bệnh viện cùng anh trai tôi, có đôi khi cũng sẽ dắt tôi tới bệnh viện, nhưng hầu hết thì bà ấy hay để tôi ở nhà một mình.
Vậy nên tôi đã quen ở nhà một mình rồi, chỉ là lần này có gì đó không giống như xưa nữa, trong lòng trống rỗng.
Tôi sờ gò má bên trái, vết sưng đỏ vẫn còn chưa biến mất, lúc sờ vào còn thấy rất đau, chỉ là không đau bằng những khi lấy máu thôi.
Tôi nhớ tới đủ các loại ống dẫn mà mình nhìn thấy trên người anh trai, có ống dẫn tĩnh mạch, có ống dẫn lọc thận, ống dẫn đó gắn liền với máy lọc thận, máu bị rút ra khỏi người anh trai rồi đi qua cái máy đó, cuối cùng quay về trong người anh ấy.
Chắc chắn như thế cũng rất đau.
“Không đau, chỉ là thời gian dài quá nên hơi nhàm chán thôi.”
Đã có lúc tôi thấy tò mò và hỏi điều đó, anh trai tôi đã trả lời như thế.
Tình trạng suy kiệt thận của anh trai tôi chuyển biến xấu rất nhanh, trong vòng một tuần mà anh ấy bị yêu cầu lọc thận tới ba lần, mỗi lần hơn hai tiếng.
Cha mẹ tôi mua cho anh ấy một cái tai nghe rất đắt, mỗi lần lọc thận, anh trai tôi sẽ đeo tai nghe vào nghe nhạc hoặc xem phim.
Tôi rất hâm mộ, cũng rất muốn, nhưng mẹ tôi nói tôi còn nhỏ nên không thể dùng được, sau đó cho tôi một bé thỏ bông làm đồ chơi.
Bé thỏ có màu trắng mặc váy hoa nhí, sau lưng còn có một đôi cánh nhỏ, lông bé thỏ rất mềm, cũng trông rất đẹp
Vậy nên tôi rất thích, tối nào cũng ôm bé thỏ để ngủ.
Nhưng bây giờ nhìn thấy bé thỏ bông này, cuối cùng tôi cũng hiểu ra, đây chẳng qua chỉ là món đồ bồi thường để tôi ngoan ngoãn nghe lời mà thôi.
Cũng giống như việc mẹ tôi là một người mẹ tốt, nhưng tình thương của bà ấy chỉ có bấy nhiêu, đã dành cho anh trai tôi rồi thì không còn đủ để dành cho tôi nữa.
Mẹ tôi không thương tôi, lẽ ra tôi phải nhận ra điều này sớm hơn mới đúng.
Rõ ràng là căn phòng không có một bóng người, thế nhưng tôi lại có thể nghe thấy giọng nói của mẹ văng vẳng bên tai.
“Sao mày máu lạnh thế! Đáng lẽ tao không nên sinh mày ra!”
Cuối cùng tôi cũng cất tiếng khóc òa lên.
== Ủng hộ nhà dịch tại web metruyen.net.vn ==
4.
Buổi tối mẹ tôi vẫn không về nhà, chắc là ở lại bệnh viện để chăm anh trai rồi.
Tôi lại không biết nấu cơm, lục lọi một vòng trong nhà thì tìm được một gói mì sắp hết hạn, tôi không đun nước nóng mà nhai sống luôn.
Trước khi đi ngủ, tôi không hề nghĩ xem anh trai tôi đang như thế nào ở bệnh viện, mà lại nghĩ cửa bị khóa rồi thì ngày mai tôi phải đi học như thế nào đây?
Có lẽ lời mẹ tôi nói là đúng, tôi là một người máu lạnh.
Hôm sau thức dậy, quả nhiên mẹ tôi vẫn chưa trở về, tôi vệ sinh cá nhân xong, soạn cặp đầy đủ nhưng lại không thể ra khỏi cửa.
Nhà chúng tôi ở lầu hai, bên ngoài ban công phòng khách là dàn nóng của điều hòa, bên cạnh có ống dẫn nước. Tôi mở cửa sổ ra, suy nghĩ xem nếu giẫm lên dàn nóng trước rồi sau đó leo xuống theo ống dẫn nước thì xác suất thành công là bao nhiêu.
Nói là làm, tôi ném cặp sách xuống trước rồi cẩn thận leo lên dàn nóng điều hòa, sau đó giơ tay về phía ống dẫn nước bên cạnh.
“Nguyệt Nguyệt, cháu đừng nhúc nhích.”
Giọng một người phụ nữ truyền tới từ dưới lầu. Tôi giật mình, cả người lảo đảo một cái, cuối cùng cũng đứng vững lại được trong vô số tiếng hô hoán.
Tôi nhìn xuống dưới lầu, là dì út của tôi, là người đầu tiên ôm tôi vào lòng ngoại trừ bác sĩ y tá sau khi tôi sinh ra.
Dì út làm việc ở một thành phố khác, vậy mà bây giờ lại xuất hiện ở dưới lầu nhà tôi, chắc là đã đọc được tin tức trên mạng rồi.
Người đứng vây xem ở dưới lầu càng ngày càng nhiều, trong đám người có một hình bóng quen thuộc, không đợi tôi nhìn kỹ thì tôi lại nghe thấy tiếng dì út đứng dưới lầu kêu rằng tôi nhất định phải đứng cho vững vào.
“Nguyệt Nguyệt à, cháu tuyệt đối không được nhúc nhích nhé.” Trong giọng nói của dì út mang theo từng tiếng nức nở: “Dì út tới rồi, cháu đừng sợ, đừng làm gì dại dột mà.”
Tôi muốn giải thích là tôi không suy nghĩ luẩn quẩn gì cả, chỉ là tôi muốn đi học mà thôi. Nhưng thấy có người đã tìm thang tới, một người đàn ông cao to leo lên thang, mới giơ tay lên đã tóm được tôi rồi.
Chờ tới khi tôi đứng trên mặt đất thì dì út nhào tới ôm tôi vào lòng, khóc òa lên.
“Mặt cháu bị sao thế, ai đánh cháu hả?” Dì út hỏi tôi, sau đó thì tự nhận ra được: “Có phải là mẹ đánh cháu không? Sao chị ta nhẫn tâm thế, cháu còn đau không?”
“Không đau, dì út ơi, cháu không muốn hiến thận, cháu sợ.” Tôi nép vào lòng dì út, cũng oà khóc lên.
“Đúng là tạo nghiệp, con bé còn nhỏ thế mà.” Một ông cụ đứng gần đó tấm tắc một tiếng.
Mấy bà mấy cô đa sầu đa cảm cũng đã rưng rưng nước mắt rồi.
Cuối cùng tôi không thể đi học được vì không biết vừa rồi ai đã báo cảnh sát, bây giờ cảnh sát tới.
Sau khi cảnh sát hiểu được tình huống thì nhìn tôi bằng ánh mắt đồng tình, một chú cảnh sát nói với tôi rằng: “Bạn nhỏ à, cháu còn rất nhỏ, con đường về sau còn rất dài, có biết không?”
“Người nhà phải trông kỹ cô bé vào, con nít trong thời kỳ này rất dễ nghĩ quẩn đấy.” Cảnh sát trao đổi nhỏ với dì út, hiển nhiên là đã biết câu chuyện đằng sau từ những lời của hàng xóm láng giềng: “Đừng để cô bé ở một mình.”
“Tôi biết rồi, cảm ơn anh.” Dì út liên tục gật đầu.
Dì út đưa tôi tới quán ăn rồi mua đồ ăn sáng cho tôi.
Ăn được một nửa thì di động của dì út vang lên, tôi nhìn thoáng qua, trên màn hình báo là cuộc gọi từ mẹ tôi.
Dì út ngồi đối diện tôi, lúc nhận cuộc gọi thì giọng mẹ tôi vang ra từ ống nghe, mặc dù có khác đi một chút nhưng lại rất rõ ràng.
“Tiểu Hạo vừa mới hôn mê, bác sĩ còn đang cấp cứu, lập tức đưa con bé tới bệnh viện ngay cho chị!”