Thập Lục Nương - Chương 9
9
Ngày Tết nhanh chóng cận kề.
Lão gia và phu nhân gửi thư nói rằng mùa đông rét mướt, đường xa núi dài, lão gia không có chiếu chỉ cũng không tiện hồi kinh, nên sẽ không trở về.
Học viện lại cho nghỉ hai mươi ngày. Hôm nhị thiếu gia về, trời rơi tuyết nhẹ, Kiếm Như bận rộn trước sau giúp ngài ấy mang đồ.
Từ sớm, ta đã thái sẵn thịt dê, nhóm bếp lửa, hâm rượu cho ấm. Các món ăn kèm đều đã rửa sạch, chỉ chờ nhị thiếu gia nghỉ ngơi xong là dọn tiệc.
Đại thiếu gia và nhị thiếu gia đã lâu không gặp, biết họ cần hàn huyên, ta và Kiếm Như khéo léo không ngồi vào bàn.
Một canh giờ sau, khi ta đến dọn dẹp bát đũa, nhị thiếu gia đã say mềm. Đại thiếu gia thì vẫn ổn, chỉ là mặt hơi đỏ.
Kiếm Như vừa kéo vừa đỡ nhị thiếu gia về phòng. Tay ta ôm bát đĩa, do dự một lát rồi hỏi đại thiếu gia: “Sau khi rửa xong bát, nô tỳ có phải theo xuống để hầu hạ không ạ?”
Đại thiếu gia hỏi: “Ngươi định hầu hạ cái gì?”
“Hầu hạ nhị thiếu gia ạ.”
“Thế ngươi định hầu hạ thế nào?”
“Chải tóc, tắm rửa…”
Đại thiếu gia không nói gì thêm, nhưng vẻ mặt mơ màng, lông mày nhíu lại, rõ ràng là không vui, cười lạnh một tiếng: “Ngươi muốn đi à?”
Ta chắc chắn là không muốn đi rồi… Nhị thiếu gia còn chưa chắc đã cho ta ở trong viện của ngài ấy. Nếu lại bắt ta quay về ngủ một mình ở dãy phòng phía Tây thì… đáng sợ chet mất.
Nhưng nhị thiếu gia là chủ, chủ đã về thì bên cạnh không thể thiếu người hầu.
Trước đây là Thôi Cửu, giờ Thôi Cửu đã theo phu nhân đi Ba Lăng. Kiếm Như lại là thân tín của đại thiếu gia, chỉ có ta là người thích hợp hầu hạ nhị thiếu gia.
Ta ngập ngừng: “Tất cả đều theo lời chủ nhân căn dặn.”
Đại thiếu gia mím môi: “Không cần ngươi, ta đã dặn dò Kiếm Như rồi.”
“…Vâng.”
“Ngươi—!” Đại thiếu gia lại tức giận.
Ta nhận ra đại thiếu gia dường như không thích từ “vâng” này. Mỗi lần ta nói thế, ngài ấy đều nổi giận.
Ta cúi đầu, ngoan ngoãn đổi từ khác: “Được ạ.”
“…”
Đại thiếu gia liếc ta một cái, đứng dậy về phòng. Hiện tại, vết thương của ngài ấy đã hồi phục tốt, không cần dùng nạng nữa, nhưng đi lại vẫn hơi tập tễnh.
Không biết có phải do uống rượu hay không, lúc đột ngột đứng dậy, ngài ấy suýt nữa không đứng vững.
Ta giật mình, vội vàng lao tới đỡ.
Khi ta đưa tay ra, đại thiếu gia khựng lại, nhíu mày. Theo ánh mắt ngài nhìn xuống, ta thấy mình đang giữ lấy khuỷu tay ngài, còn tay áo thì lộ ra một đoạn cánh tay.
Ta vội xấu hổ kéo tay áo xuống.
Nửa năm nay, ta lớn nhanh quá. Bộ đồ phát lúc mới vào phủ đã không còn vừa. Giờ mặc chiếc áo bông lấy trong kho ra, chỉ mặc tạm được. Quần áo thì vừa, nhưng phần thân trên hơi chật, cứ động tác mạnh một chút là lộ cổ tay.
Đại thiếu gia cúi mắt, lấy từ trong ngực ra một túi tiền, đưa cho ta, bảo ta đi cắt may hai bộ mới.
Ta định may áo, nhưng đâu thể dùng tiền riêng của đại thiếu gia.
Ngài ấy nói rằng, đây là tiền thưởng cuối năm của phủ phát. Nhà giàu, dịp lễ Tết đều thưởng tiền cho hạ nhân, nhưng túi tiền trong tay đại thiếu gia, chỉ nhìn lượng thôi cũng đã thấy quá nhiều.
Ta rất do dự.
“Những năm trước đều vậy à? Kiếm Như ca cũng có sao?”
Đại thiếu gia ngừng lại một chút: “…Có.”
Lúc này ta mới yên tâm nhận lấy, định dành số tiền này để tiết kiệm.
Câu đối Tết là do đại thiếu gia tự tay viết. Câu viết là: [Hoa đẹp trăng tròn người an thọ, thời hòa tuổi vui năm phồn vinh.]
Ở bên đại thiếu gia suốt thời gian này, ta chỉ cảm thấy ngài là người nho nhã như ngọc, mọi thứ đều tốt, chỉ là đôi khi thiếu chút hơi thở đời thường.
Giờ đây ngài hơi nghiêng người, xắn tay áo, cầm bút, trên bàn trải giấy đỏ viền kim, viết lên những mong mỏi thường nhật của người dân cho năm mới. Ta bỗng nhận ra, hóa ra đại thiếu gia, thật ra, cũng không quá xa cách với một tiểu nha đầu như ta.
Viết xong, ngài ấy gọi ta đến, bảo ta cũng viết một đôi. Ta thì biết viết gì câu đối Tết đâu?
Đại thiếu gia chống tay lên cằm, nhàn nhã nhìn ta cười: “Đã dạy ngươi nửa năm, một câu đối cũng không viết được. Tiểu Thập Lục, có phải ngươi lén lười biếng sau lưng ta không?”
Lười thì không có. Nhưng lén bán trâm thì đúng là có.
Ta chột dạ, mặt đỏ bừng, nhận bút, chậm chạp viết lên giấy: [Năm năm bình an lễ, xuân xuân như ý mùa.]
Nếu năm nào tháng nào cũng yên bình như vậy thì thật tốt biết bao.
Ngày mồng 5 Tết, nhị thiếu gia muốn ra ngoài cưỡi ngựa. Không biết ngài ấy nghĩ gì, nhất quyết kéo ta đi cùng.
Trong phủ vốn có năm, sáu con ngựa, nhưng từ sau khi nhà họ Nguỵ gặp chuyện, quản gia cho nghỉ bớt người làm, ngựa cũng bán đi, chỉ còn lại một con, thường ngày do Kiếm Như chăm sóc.
Nhị thiếu gia cưỡi ngựa lững thững, may là trên đường đông người, ngài ấy không thể phi nhanh, ta chỉ cần nhón chân chạy bộ cũng có thể theo kịp.
Sau đó, có lẽ ngài ấy cảm thấy đông người làm mất hứng, không cưỡi ngựa được thoải mái, nên nhảy xuống đi bộ cùng ta. Lúc này ta mới được đi chậm lại, vì chạy bộ nãy giờ mà toát cả mồ hôi.
Nhị thiếu gia liếc nhìn ta một cái, ném qua một bình nước. Ta ngửa cổ uống hai ngụm, cuối cùng cũng điều hòa được hơi thở.
Thực ra, ta và nhị thiếu gia không thể coi là quen thân, nhưng giữa cảnh náo nhiệt xung quanh, bầu không khí giữa chúng ta lại bỗng dưng tĩnh lặng.
Nhị thiếu gia có lẽ cũng thấy gượng gạo, đi thêm một đoạn thì bắt đầu kiếm chuyện để nói: “Thập Lục, ngươi quê ở đâu?”
“Thôn Bạch Vân, trấn Thanh Thạch.”
“Thôn Bạch Vân? Chưa nghe qua, xa không?”
“Cách kinh thành tám mươi dặm.”
“Tám mươi dặm… Ừm… nếu đi nhanh, một ngày đi về cũng đủ.”
Nghe giọng điệu nhị thiếu gia như muốn đi đến thôn Bạch Vân, ta giật mình hoảng hốt. Đi hơn trăm dặm khứ hồi, nào phải muốn là đi được ngay.
Huống hồ ngài ấy không biết đường, lúc ta đến kinh thành, đi bằng xe bò của người buôn nô, giờ mà quay về chỉ sợ đường đi cũng không nhớ rõ, còn phải hỏi đường suốt dọc đường.
Nhị thiếu gia thấy ta không định đi cùng, cụt hứng, đá một viên sỏi bên đường.
“Muốn đưa ngươi về nhà mà ngươi cũng không chịu, đúng là tiểu nha đầu vô vị.”
Ta cười lấy lòng: “Thiếu gia khó khăn lắm mới về kinh, chẳng lẽ không đi chơi với bạn học mà lại đi về quê với một nha đầu như nô tỳ, thật không đáng.”
Nhị thiếu gia hừ một tiếng: “Bọn họ ấy à, từ sau khi đại ca gặp chuyện, kẻ thì xa lánh, kẻ thì cẩn trọng, sợ nói sai một câu lại đụng đến lòng tự ái của ta. Hừ, bổn thiếu gia lười nhìn những bộ mặt như người chet của họ.”
Câu nói của nhị thiếu gia làm ta ngẩn ngơ.
Phải biết rằng, nhà họ Nguỵ là gia đình danh giá, chưa kể đại thiếu gia thanh tao xuất chúng, ngay cả lão gia và phu nhân cũng đều ôn hòa nho nhã. Thế mà nhị thiếu gia… lại là như thế này?
Ta không kìm được, lén đánh giá ngài ấy.
Hai huynh đệ bọn họ, nói giống thì giống, nói không giống thì cũng chẳng giống. Đại thiếu gia nho nhã, còn nhị thiếu gia thì có phần sắc sảo hơn, eo thon, chân dài, tóc cột cao, đúng là một vị công tử mặt ngọc.
Ta nói: “Ừm… vậy hay là quay về, để Kiếm Như đi cùng ngài cưỡi ngựa dạo chơi giải sầu? Huynh ấy chắc chắn biết cưỡi mà.”
Nhị thiếu gia uể oải nói: “Kiếm Như dù sao cũng là nam nhân, cưỡi chung ngựa với một nam nhân thì có gì thú vị? Ngươi tuy kém sắc và nhạt nhẽo, nhưng dù sao cũng là con gái.”
Ta: …??
Ngài ấy sao mà thẳng thắn quá vậy?
Hơn nữa—dù ta là con gái, ngài ấy cũng đâu có cho ta cưỡi chung, rõ ràng là ta đã chạy bộ suốt từ đầu đến giờ!
Thấy mặt ta lúc trắng lúc đỏ, nhị thiếu gia cuối cùng bật cười, kéo dây cương, nói phía trước đông người, hình như có người đang biểu diễn, rủ ta qua đó xem.
Ai ngờ hôm đó ra ngoài, ta lại không xem ngày lành. Chuyện náo nhiệt phía trước, nhìn một cái là thấy ngay vấn đề.
Ta bị ai đó vỗ vai từ phía sau, quay lại thì thấy một đôi tỷ muội đang khoác tay nhau. Một người trông quen mắt, nhưng chưa kịp nhớ ra là ai thì cô nương ấy đã mở miệng: “Thập cô nương, sao lâu rồi không thấy cô ra bày quầy bán? Lần trước ta mua cây trâm gỗ đào của cô, muội muội ta thích lắm, cứ nhắc mãi muốn mua thêm. Bao giờ cô lại bày quầy thế?”
Nhị thiếu gia đứng cạnh nhìn ta, ta chỉ cảm thấy cả da đầu và tóc mình như muốn nổ tung, vội vàng bịa vài câu để tiễn tỷ muội nhà đó đi.
Khi quay lại, ta thấy nhị thiếu gia đang nhìn ta đầy ẩn ý, cười toe toét: “Thập cô nương? Trâm gỗ đào? Tiểu Thập Lục, bổn thiếu gia cứ tưởng ngươi là người thật thà nhất trong phủ, không ngờ bên ngoài không những có tên có tuổi, mà còn có cả nghề riêng?”
Ta chỉ muốn òa khóc. Nếu không phải đang giữa đám đông, chắc ta đã quỳ xuống trước mặt nhị thiếu gia rồi.
“Nô tỳ… cái này… chuyện này dài lắm…”
Nhị thiếu gia cười tít mắt: “Cứ nói đi, bổn thiếu gia không thiếu thời gian.”
Thế là ta đành ngoan ngoãn kể hết mọi chuyện từ đầu đến cuối.
Cuối cùng, ta cúi đầu nói: “Nhị thiếu gia, số tiền đó thật sự nô tỳ không bỏ túi riêng đâu, đều dùng để mua thức ăn cả rồi. Còn số tiền bán trâm gỗ đào, tổng cộng chưa đến hai lượng bạc, vì không cần nô tỳ đi mua thức ăn nữa, nên vẫn cất giữ rất kỹ, chưa tiêu một xu.”
Nhị thiếu gia nói: “Ta tin ngươi, nhưng ngươi nói với ta cũng vô ích, bây giờ nhà họ Nguỵ do ca ca ta quản, được ca ca tin mới quan trọng.”
Ta rầu rĩ, chẳng lẽ chuyện này cuối cùng vẫn phải đến tai đại thiếu gia à?
Đang thất vọng, lại nghe nhị thiếu gia đổi giọng: “Muốn ta không nói với ca ca cũng được, lần tới ngươi bày quầy, gọi ta theo. Từ nhỏ đến lớn ta chưa từng được thử bày quầy bán hàng bao giờ.”
Nhị thiếu gia chống cằm nghĩ ngợi, vỗ tay một cái: “Chọn ngày không bằng làm ngay, hôm nay luôn đi.”
Hả? Ta đờ người.
Nhị thiếu gia đưa tay đẩy lưng ta một cái: “Đứng ngẩn ra làm gì, mau về lấy trâm gỗ đào đi.”
Có lẽ hôm nay đông người, hoặc cũng có lẽ vì nhị thiếu gia đẹp trai lại khéo ăn nói. Tóm lại, ta bày quầy lâu như vậy, chưa bao giờ buôn bán tốt thế này.
Các cô nương, các bà các mẹ vây kín quầy nhỏ của ta không chừa một khe hở. Nhị thiếu gia lo bán hàng, ta lo trả tiền thừa, bận rộn đến mức mặt đỏ bừng.
Chỉ trong một buổi chiều, tất cả trâm gỗ đào đều bán hết, tính ra được hơn ba lượng bạc. Cộng thêm số tiền ta tích góp trước đây, tổng cộng được năm lượng.
Nhị thiếu gia đi ngang qua một tửu lầu, ghé vào một lúc, khi ra, số bạc vụn đã đổi thành một thỏi bạc nhỏ.
Ngài ấy một tay dắt ngựa, một tay tung thỏi bạc lên xuống, trông thật hớn hở.
Đến cổng phủ, năm lượng bạc lại trở về tay ta.
Ta vừa mừng vừa lo, không biết nhị thiếu gia có định kể chuyện này với đại thiếu gia không.
Cuối cùng không nhịn được, bèn hỏ nhỏ ngài ấy.
Nhị thiếu gia vươn vai, như không nghe thấy, vừa xoa vai vừa đi vào trong: “Ôi dào—cưỡi ngựa cả ngày, mỏi tay thật đấy—cái gì nhỉ, tối nay muốn ăn sườn xào chua ngọt.”
Ta lo đến cuống cả lên, nhỏ giọng đuổi theo ngài ấy: “Nhị thiếu gia, nhị thiếu gia?”
Nhị thiếu gia chân dài vai rộng, mặc dù đi không nhanh, nhưng ta đuổi mãi vẫn không kịp.
Hừ, người này.
Thật là…!