Thập Lục Nương - Chương 8
Mọi chuyện cũng suôn sẻ, chỉ là những nan tre rất sắc, dù ta đã cố gắng mài nhẵn, nhưng vẫn hay bị dằm cắm hoặc trầy xước tay.
Tối hôm ấy, sau bữa cơm, ta thu dọn bát đũa mang về bếp rửa. Không hiểu sao đại thiếu gia lại tự mình xoay bánh xe lăn đến cửa bếp.
Bóng dáng của ngài kéo dài trên mặt đất, in đậm dưới ánh hoàng hôn. Đại thiếu gia lạnh giọng hỏi: “Ngươi đang làm gì?”
Ngài ấy đột ngột xuất hiện, làm ta há hốc mồm, nhìn chằm chằm vào đôi đũa trên tay và đống bát đĩa trên đầu gối. Ta chỉ cảm thấy dù có mọc tám cái miệng cũng không giải thích nổi.
Ta đâu phải ăn tr//ộm thức ăn của nhà chủ!
Bởi thịt mua ngoài chợ đắt như thế, khi ăn cơm ta hầu như chẳng dám động đũa vào món thịt. Lúc thu dọn đĩa vào bếp, thấy trong đĩa còn mấy miếng thịt thừa, ta tiện tay gắp lên ăn.
Nhưng ánh mắt của đại thiếu gia lúc này, như thể ta đã lén giữ lại thịt trong nồi, chờ không ai thấy rồi bới ra ăn.
Thật sự có nhảy xuống sông Hoàng Hà cũng không rửa sạch được.
Ta bối rối mở miệng, theo bản năng giấu đống bát đĩa sau lưng. Hành động này chẳng khác nào che tai tr//ộm chuông, làm sao qua mắt được đại thiếu gia.
Giọng ngài càng lạnh hơn, chậm rãi từng chữ, lặp lại câu hỏi: “Ngươi đang làm gì?”
Đại thiếu gia vốn nhân hậu, chưa bao giờ nói nặng lời thế này, khiến ta sợ đến mức líu lưỡi:
“Đây… đây là thức ăn thừa… Nô… nô tỳ không phải ăn tr//ộm… chỉ là… chỉ là thấy tiếc của…”
Sắc mặt đại thiếu gia trầm xuống, đôi môi mím chặt. Lần đầu tiên ta cảm thấy may mắn vì chân ngài không tiện. Nếu ngài muốn đánh ta, ta vẫn có thể chạy. Nhưng dĩ nhiên, trước khi chạy, ta đành hạ mình nhận lỗi trước.
Ta cúi đầu, lí nhí: “…Nô tỳ sai rồi, lần sau sẽ không ăn nữa.”
Sắc mặt đại thiếu gia càng khó coi, nghiến răng nói: “Ta, Nguỵ Chiêu, còn nuôi không nổi một tỳ nữ sao?”
“…Ồ.”
“Ngươi! ——”
Đại thiếu gia đột ngột vỗ mạnh tay lên thành xe, làm ta giật mình. Chẳng ai nói ngài không nuôi nổi cả. Rõ ràng là ngài nuôi rất tốt, lương tháng của ta chẳng phải do ngài chi trả sao?
Ta đã nói “ồ” rồi, ngài còn hung dữ làm gì?
Thật là khó hiểu.
Đại thiếu gia tức đến trắng bệch cả mặt, đưa tay xoa trán, rồi ném lại một câu: “Đi theo ta.”
Nói xong, ngài xoay bánh xe lăn đi. Ta không dám thở mạnh, lẽo đẽo theo sau.
Đến thư phòng, đại thiếu gia lấy từ một ngăn bí mật ra một cuốn sách, lật đến trang cuối cùng có chữ, đưa cho ta, bảo: “Đọc.”
Ta: “…”
Cuốn sách này, có thể nói là nó nhận ra ta, nhưng ta không nhận ra nó.
Ta nói: “Nô tỳ không biết chữ.”
Đại thiếu gia: “……”
Một khoảng lặng chet chóc, ngực ngài phập phồng dữ dội, ta sợ ngài tức quá mà ngất đi.
Mãi lâu sau, đại thiếu gia nghiến răng hỏi: “Là Ngô Khởi mua ngươi vào phủ đúng không?”
Ngô Khởi, chính là quản gia.
Ta sắp khóc đến nơi. Rốt cuộc ta phạm tội lớn đến mức nào, đến nỗi phải lôi cả quản gia vào, chẳng qua chỉ là ăn tr//ộm vài miếng thịt thừa mà thôi.
Ta rưng rưng: “Thật sự là nô tỳ sai rồi, lần sau sẽ bỏ hết không ăn nữa.”
Đại thiếu gia: “Ngươi khóc cái gì?”
Đến khóc cũng không được sao! Sao lại có kiểu người như ngài ấy chứ!
Ta còn ngày nào cũng mua kẹo hồ lô cho ngài ấy —— đôi khi là bánh gạo ngọt!
Ta quay mặt đi, không muốn nói chuyện với ngài nữa. Đột nhiên, cảm giác có người đỡ lấy mặt ta —— đại thiếu gia mạnh tay xoay đầu ta lại.
Ngài ấy thở dài, giọng dịu đi đôi chút, lại hỏi: “Ngươi khóc cái gì?”
Khóc cái gì? Ngài rõ ràng là hỏi thừa mà.
Ta nức nở, nhỏ giọng, không trả lời. Đại thiếu gia cũng không chờ ta đáp, lấy từ ống tay áo ra một lọ thuốc nhỏ, nắm tay ta lại, nhẹ nhàng bôi thuốc lên.
“Tay này sao lại thế này? Đầy vết xước, cả bàn tay đều bị thương.”
Khoảnh khắc đó, ta bỗng hiểu ra, hóa ra đại thiếu gia hạ mình đến bếp là để đưa thuốc cho ta!
… Thôi thì tạm tha thứ cho ngài ấy lần này vì đã hung dữ với ta.
Ta không dám nói mình làm quạt tre để bán, chỉ bảo là bị dằm trên củi làm xước tay. Đại thiếu gia trầm ngâm một lát, nói sau này bảo Kiếm Như chẻ củi giúp ta, nếu Kiếm Như bận, thì ngài ấy sẽ giúp.
Ta sợ đến mức nhảy dựng lên, liên tục nói không thể được, còn vẽ trời thề đất, hứa rằng từ giờ sẽ cẩn thận, tuyệt đối không để bị thương nữa. Lúc này ngài ấy mới để ta lui về.
8
Kể từ ngày hôm đó, mọi chuyện đã có hai sự thay đổi.
Sự thay đổi đầu tiên là, mỗi ngày đại thiếu gia dành ra một canh giờ để dạy ta nhận mặt chữ, còn giao bài tập cho ta.
Kiếm Như thì nói rằng, có lẽ đại thiếu gia thật sự là quá rảnh rỗi không có việc gì làm.
Khi Kiếm Như nói vậy, ánh mắt đầy vẻ hoài niệm. Nhớ lại năm xưa, đại thiếu gia phụ tá Thái tử, phong quang biết bao, nay lại là kẻ tài hoa tám đấu mà không nơi thể hiện, một sớm hổ sa đồng cỏ, đành phải dạy một nha đầu nhóm lửa như ta học chữ.
Đại thiếu gia thực sự rất đáng thương. Nhưng mà ngài ấy rảnh rỗi đến mức không có việc gì làm, sao lại đến làm khổ ta?
Ta phải quét dọn, nấu cơm, học chữ, còn phải đan quạt tre, trời chưa sáng đã phải dậy, tranh thủ lúc đi chợ mua rau để lén ra chợ bán quạt.
Thật là khổ không nói nên lời! Thật đáng thương hơn cả!
Sự thay đổi thứ hai là, mỗi lần ăn cơm, đại thiếu gia đều gắp thức ăn cho ta, gắp đến mức bát cơm của ta đầy ắp, không thể chứa thêm được nữa.
Nhưng trên bàn chỉ có từng ấy món ăn, đại thiếu gia gắp cho ta hơn nửa, những người khác ăn gì đây?
Ta đành phải khi xào thịt thì xào nhiều hơn, nhưng tiền chợ chi ra cũng ngày càng nhiều, tiền bạc chẳng tiết kiệm được đồng nào.
May mà ta bán quạt tre, bù lại được ít tiền, mới giảm bớt phần nào nỗi đau lòng vì hao tổn tiền bạc.
Về hành động này của đại thiếu gia, Kiếm Như nghĩ đi nghĩ lại, bỗng một ngày, huynh ấy bắt đầu trở nên khách sáo với ta.
Khách sáo nhưng lại làm ta cảm giác thật xa cách.
Chẳng hạn như trước đây, khi huynh ấy ở chuồng ngựa cho ngựa ăn, làm rách áo sẽ mang đến nhờ ta vá giúp. Nhưng bây giờ, huynh ấy lại mượn giỏ kim chỉ từ ta, nói thế nào cũng không đồng ý để ta giúp, cứ nhất định muốn tự mình vá.
Kiếm Như thì làm sao mà khéo tay dùng kim chỉ được chứ? Nhưng mà nói huynh ấy xa cách thì cũng không hẳn, đôi khi huynh ấy lại rất thân thiết với ta.
Mỗi khi đi ra ngoài làm việc, đều phải báo trước với ta một tiếng, hỏi ta có cần mang gì về không, thái độ tốt đến không thể tả, dáng vẻ ấy, chẳng khác gì khi huynh ấy bẩm báo với đại thiếu gia.
Ta rụt rè hỏi huynh ấy sao vậy. Kiếm Như vỗ vai ta, nói: “Thay đổi à? Có thay đổi gì đâu! Kiếm Như ca của muội vẫn luôn đối xử như thế với muội mà!”
Cuối cùng, huynh ấy lại nói thêm: “Con gái, nghĩ nhiều làm gì. Đây chẳng phải vì thấy muội lớn lên rồi, nam nữ có khác biệt mà thôi.”
Nghe là biết nói dối!
Ta vào nhà họ Nguỵ tổng cộng chỉ mới ba tháng, làm sao lớn lên được gì?
Có điều đại thiếu gia ngày ngày ép ta ăn thịt, còn bắt ta uống canh, quả thực rất hiệu quả. Những bộ quần áo phát khi mới vào phủ, giờ mặc đã hơi chật.
Lớn lên gì chứ, chắc là béo ra thôi.
Ta thực sự rất buồn. Thu đến gió mạnh, quạt tre dần không bán được.
Ta nghĩ, hay là đổi sang làm trâm gỗ đào, bốn mùa đều có thể bán.
Chưa kịp vẽ mẫu cho trâm gỗ đào, thì một hôm trong bữa cơm, đại thiếu gia bỗng nhiên hỏi: “Người nông dân giao rau kia, chân còn chưa khỏi sao?”
Ta theo phản xạ siết chặt đũa, nhìn về phía Kiếm Như. Kiếm Như lại rất điềm tĩnh. Huynh ấy không nhanh không chậm nuốt miếng thức ăn đang nhai, rồi điềm nhiên đáp: “Chưa khỏi.”
Đại thiếu gia hơi nhướn mày, chậm rãi lặp lại: “Chưa khỏi?”
“Ừm, mấy hôm trước mới hỏi thăm, nói là vẫn chưa khỏi.”
Đại thiếu gia không nói gì nữa, gõ hai ngón tay lên bàn, tuy nhẹ nhưng làm ta dựng tóc gáy. Ngài ấy cụp mắt, bảo ta dọn hết thức ăn xuống.
Ta bê mâm cơm đi ra ngoài, đi được một đoạn, len lén ngoảnh lại, vừa lúc thấy Kiếm Như đã quỳ xuống trước mặt đại thiếu gia.
Mãi lâu sau ta mới nghĩ thông suốt. Tên nông dân họ Trương kia bị ngã gãy chân, dù có nặng đến đâu, cũng chẳng nặng bằng đại thiếu gia chịu bốn mươi gậy. Huống hồ, người dân bình thường mở mắt ra là phải lo miếng ăn, sao có thể nghỉ làm hai tháng liền một cách nhàn nhã như thế?
Đại thiếu gia gần như lập tức nhận ra Kiếm Như đang nói dối.
Cả tối hôm ấy, lòng ta bồn chồn không yên, sợ đại thiếu gia xử lý xong Kiếm Như lại đến xử lý ta. Dù gì chuyện này ta cũng biết, hơn nữa ta còn cố tình giấu đại thiếu gia.
Nhưng đại thiếu gia mãi vẫn không tìm đến ta để hỏi chuyện.
Qua thêm một ngày, Kiếm Như nói với ta rằng, nhà họ Nguỵ đã lại có người giao rau, huynh ấy đã ra ngoài tìm một nhà buôn nhỏ ở địa phương.
Đại thiếu gia chỉ xử lý Kiếm Như mà không xử lý ta, khiến ta rất áy náy. Ta lén hỏi Kiếm Như: “Đại thiếu gia không nói gì về ta chứ?”
Kiếm Như bực mình: “Đại thiếu gia có thể nói gì với muội được?”
“Thế thì tốt rồi. Kiếm Như ca, huynh muốn ăn gì? Món chính hay đồ ăn vặt? Chỉ cần ta biết làm, huynh cứ thoải mái gọi.”
Kiếm Như không do dự đáp: “Thịt kho tàu.”
“Được, ta nấu cho huynh một tô.”
Kiếm Như liếc ta một cái: “Muội… Trên bàn ăn, đừng nói là ta muốn ăn nhé.”
“Ta sẽ nói, là ta muốn ăn.”
Lúc này Kiếm Như mới mỉm cười, vỗ vai ta như thể khen ngợi ta hiểu ý. Bỗng từ xa vang lên tiếng sáo, ta ngoảnh lại, thấy giữa bóng xanh của rừng trúc, đại thiếu gia với búi tóc được cố định bằng mũ ngọc trông ung dung nhã nhặn vô cùng.
Thấy đại thiếu gia, Kiếm Như lập tức thu lại nụ cười bông đùa, hạ tay đặt trên vai ta xuống, rồi vội vã rời đi.
Nhà họ Nguỵ lại có người giao rau, khiến ta tiết kiệm được bao nhiêu việc, nhưng việc không phải ra chợ mua rau cũng mang lại một số phiền phức —
Ta không còn cơ hội bán trâm gỗ đào. Gỗ đào thì đắt hơn tre nhiều, nếu lô hàng này tồn đọng, ta sẽ lỗ nặng.
Hơn nửa tháng trôi qua, ta không nhịn được nữa, đành lén lút đến chỗ đại thiếu gia, ngó nghiêng thăm dò.
Đại thiếu gia đang vẽ một bức tranh Thu Sơn. Ta biết khi làm việc, ngài ấy không thích bị làm phiền, nên chỉ dám giả vờ đi ngang qua cửa sổ, thầm quan sát xem ngài ấy đã vẽ xong chưa.
Đến lần thứ năm lén lút đi qua cửa sổ, đại thiếu gia gọi ta lại, đặt bút xuống, nói ngắn gọn: “Nói.”
Ta lập tức hào hứng, bước đến bên cửa sổ, nhón chân, nịnh nọt: “Đại thiếu gia, bức tranh này, vẽ thật đẹp quá!”
Đại thiếu gia không động lòng: “Có việc thì nói thẳng.”
Ta ngượng ngùng xoa mũi chân: “Chuyện là… Đại thiếu gia, ngài có muốn ăn kẹo hồ lô không? Nô tỳ đi ra ngoài mua cho ngài.”
Đại thiếu gia hạ ánh mắt, nhìn ta một cái, sau đó mỉm cười dịu dàng, phẩy tay nói: “Đi đi. Mang theo ít bạc, thấy gì thích thì tiện thể mua về.”
Thế là, mượn danh nghĩa đi mua kẹo hồ lô, cứ mỗi năm sáu ngày, ta lại lén lút ra ngoài bán trâm gỗ đào.
Có lần, đại thiếu gia hỏi ta mua gì mà lâu thế không chịu về phủ.
Ta có thể mua gì chứ, ta là đi bán đồ mà. Ở ngoài lâu thêm một chút, biết đâu lại có thêm khách mua hàng.
Nhưng trước mặt đại thiếu gia, ta không thể nói như thế, nên đành ấp úng: “Mua một cây trâm gỗ đào…”
Đại thiếu gia hỏi: “Sao không thấy ngươi đeo?”
Ta đáp: “… Chỉ mua một cây, tiếc không dám dùng…”
Cứu ta với… Nói dối một lần rồi sẽ là vô số lần.
Lúc ấy đại thiếu gia có chút không vui. Tim ta đập thình thịch, sợ rằng đại thiếu gia lại nhìn ra ta đang nói dối.
“Tiền tiêu hàng tháng của ngươi không đủ dùng sao?”
“Đủ dùng mà.”
Đại thiếu gia thở dài: “Thập Lục, Nguỵ Chiêu ta vẫn nuôi nổi ngươi.”
Câu này ta từng nghe đại thiếu gia nói một lần trước đây. Ta cười nịnh: “Chủ nhân là lợi hại nhất.”
Đại thiếu gia lại thở dài, dường như bất lực: “Ngươi đó…”