Thập Lục Nương - Chương 7
Kiếm Như không trả lời.
Lúc này ta mới chợt nhận ra. Ta đến nhà họ Nguỵ hai tháng rưỡi, trừ những lúc dưỡng thương, đại thiếu gia chưa từng bước chân ra khỏi nhà.
“Đại thiếu gia… trước đây ngài ấy cũng không ra ngoài sao?”
Kiếm Như liếc ta một cái: “Ngươi nói gì vậy? Ngài ấy phải vào triều, phải xử lý công việc, giao tiếp xã giao, bái kiến thân thích, sao có thể không ra ngoài? Ngươi chưa từng thấy cảnh ngài ấy ra ngoài thôi. Ngày đại thiếu gia thi đỗ Trạng nguyên, cưỡi ngựa dạo dài khắp phố, các cô nương trong kinh thành đều đuổi theo, ném túi hương cho ngài ấy. Đến tối về tắm, cởi áo ra, vai đã bầm tím cả rồi.”
Vậy chắc là từ sau khi bị thương, ngài không muốn ra ngoài nữa.
Haiz.
Ta kéo tay áo Kiếm Như: “Hai người ngày nào cũng ăn cơm ta nấu, có ngán không? Hôm nay hiếm khi được ra ngoài, hay là mua món gì khác mang về? Đại thiếu gia thích ăn gì nhất?”
“Cái này… không có.”
“Hả? Sao lại không có?”
Làm sao có người lại không có món gì mình thích ăn? Như ta, ta rất thích ăn kẹo hồ lô.
Kiếm Như suy nghĩ rất kỹ, sau đó khẳng định:
“Thật sự là không có. Ta theo bên cạnh đại thiếu gia bao nhiêu năm nay, chưa từng thấy ngài ấy kén chọn món gì. Từ hoành thánh ở quán vỉa hè, bánh bao trong quán sang trọng, trà chén ở nơi quê mùa, đến trà quý thượng cống, đại thiếu gia đều ăn như nhau cả.”
Ta: …
Hóa ra ta không bị đuổi vì cơm ta nấu ngon, mà là do chủ nhân không kén ăn?
Nghĩ đến vẻ bình thản của ngài ấy, từ khi ta biết ngài đến giờ, chưa từng nghe ngài than phiền điều gì. Kể cả khi ta ngủ quên làm lỡ việc, ngài cũng không trách mắng.
Ta gãi đầu, nói: “Nhưng chắc chắn phải có món không thích. Đại thiếu gia hình như không thích đồ cay lắm. Lần trước ta xào thịt với ớt, ngài ấy hầu như không động đũa.”
“Sao ngươi biết? Rõ ràng mỗi lần ba chúng ta ăn, đĩa nào cũng sạch mà.”
Ta thở dài: “Đó là do huynh ăn nhiều…”
Kiếm Như: “……”
Đại thiếu gia ở nhà một mình lâu như vậy không ổn, nên sau khi mua xong rau, ta và Kiếm Như vội vã quay về.
Huynh ấy rõ ràng không đồng tình với việc ta cố chấp mua một xiên kẹo hồ lô về.
“Ngươi mua cái này làm gì? Tưởng đại thiếu gia là trẻ con ba tuổi chắc?”
“Huynh đâu phải trẻ con ba tuổi, nhưng cũng ăn đấy thôi? Hơn nữa, chúng ta ăn rồi, không mang cho đại thiếu gia, vậy có được không?”
“Ngài ấy chắc chắn sẽ không ăn đâu.”
“Thế huynh nói xem, đại thiếu gia thích ăn gì? Chúng ta mua về.”
Kiếm Như nghẹn họng, gãi mũi, không trả lời.
Trong phủ họ Nguỵ, đại thiếu gia đang ngồi bên cửa sổ đọc sách, một tay hờ hững cầm cuốn trục, tay còn lại thò ra khỏi tay áo, chống cằm. Xung quanh yên tĩnh vô cùng, chỉ có chút gió nhẹ và vài cánh hoa rơi.
Ta và Kiếm Như, mỗi người xách một tay đầy rau, tay bị dây quai thít đến mức hằn trắng.
Đang giữa mùa hè, xiên kẹo hồ lô mang về đã bắt đầu tan chảy, giấy bọc dưới cùng thấm cả đường, dính nhơm nhớp, như sắp nhỏ giọt.
Sợ để lâu kẹo sẽ chảy hết, ta bước nhanh đến trước cửa sổ, vui vẻ gọi to: “Đại thiếu gia!”
Tiếng gọi này như hòn đá ném xuống mặt hồ tĩnh lặng. Đại thiếu gia khẽ sững sờ, ánh mắt vốn cô đơn bỗng sáng lên chút ánh quang. Ngài ấy nhìn sang ta, trên môi hiện ra một nụ cười: “Sao về sớm vậy?”
Ta quá lùn, cửa sổ lại cao, dù ta kiễng chân cũng chỉ lộ ra được cái đầu. Ta nhảy lên, giơ cao xiên kẹo hồ lô: “Đại thiếu gia, đỡ lấy, mau đỡ lấy!”
Ngài có vẻ hơi nghi hoặc.
“Đây là…?”
“Kiếm Như và nô tỳ mua cho ngài,” ta hào hứng nói, “không biết ngài có thích không?”
Một giọt đường từ xiên kẹo rơi xuống, đúng lúc nhỏ vào ly nước của ngài, tạo ra một vòng sóng lăn tăn. Ngài ấy hạ mắt nhìn ta, trầm giọng nói một câu cảm ơn.
Ôi dào, cảm ơn gì chứ.
Ngài đã để ta dọn vào ở trong viện của ngài, không phải ngủ một mình ở hai dãy phòng tối tăm kia, ta cảm ơn ngài còn không hết.
Ta vẫy tay, cười tươi: “Ngài mà thích ăn, lần sau nô tỳ lại mua nữa nhé.”
Đại thiếu gia khẽ mỉm cười, mở miệng vẫn là một câu cảm ơn: “Phiền ngươi rồi.”
Phiền gì chứ? Tiền mua kẹo hồ lô này vốn là của nhà họ Nguỵ, ta chỉ tự ý mua thôi, làm sao xứng đáng nhận được lời cảm ơn của chủ nhân.
Ta lại vẫy tay, xách hai giỏ rau, chạy biến đi. Đến ngày hôm sau, người giao rau vẫn không đến.
Trong bếp, ta đang ướp cá mua hôm qua, thầm mừng vì đã chuẩn bị sẵn, kéo Kiếm Như đi mua được khá nhiều.
Kiếm Như biết nhà của người giao rau ở đâu, ăn xong bữa trưa, huynh ấy đi tìm một chuyến.
Một canh giờ sau, Kiếm Như trở về với vẻ mặt khó coi. Huynh ấy không đến gặp đại thiếu gia, mà đi thẳng đến chỗ ta.
Thấy Khiến Như mặt mày không ổn, ta liền pha một ấm trà, đun nước nóng cho huynh ấy uống.
Lò lửa bập bùng, Kiếm Như cầm chiếc quạt lá quạt gió, chờ mồ hôi ráo bớt, lúc này mới bực dọc lên tiếng: “Người giao rau họ Trương, hôm trước bị ngã gãy chân rồi.”
“Ngã gãy chân? Đã mời đại phu đến khám chưa?”
“Hừ, ngươi thương hắn làm gì? Cái đ//ồ ch//ó nhìn người thấp!”
Tự nhiên sao lại nói người ta như thế? Câu trước câu sau chẳng ăn nhập, làm ta cũng rối tung.
Uống xong hai chén trà, ta mới hiểu ra chuyện.
Hóa ra người giao rau này làm thuê cho một hộ lớn cung cấp rau trong vùng, cung cấp cho không ít phủ đệ của các gia tộc quyền thế. Dù ông Trương bị gãy chân, nhà ông ấy vẫn còn người khác. Cùng lắm thì báo lên chủ nhà, đổi người khác giao rau cho nhà họ Nguỵ cũng chẳng phải chuyện lớn.
Nói trắng ra, họ coi thường nhà họ Nguỵ vì gia cảnh sa sút. Giờ đây, mỗi hai ngày mới giao một lần, lại chỉ giao lượng thức ăn đủ cho ba người. Lợi nhuận ít ỏi, họ đã chẳng mặn mà gì, nay mượn cớ gãy chân, giả vờ không biết, ngang nhiên gạt nhà họ Nguỵ ra ngoài.
Kiếm Như đi làm ầm một trận, đòi gặp chủ nhà của người giao rau. Nhưng chờ nửa canh giờ vẫn không thấy mặt, chỉ nghe bảo chủ nhà đang tiếp khách. Còn tiếp ai thì tiểu đồng giữ cửa không chịu nói, ý rằng chủ nhân của họ đang tiếp đón bậc quyền quý, chẳng liên quan gì đến Kiếm Như.
Kiếm Như nặng nề đặt chén trà xuống bàn, siết chặt nắm đấm, rồi lại buột miệng mắng:
“Đúng là ch//ó nhìn người thấp! Ngày xưa bợ đỡ nhà họ Nguỵ còn không kịp, cá tươi từ cực Nam đưa lên, vội vội vàng vàng mang tới, chỉ sợ chậm một khắc cá không còn tươi. Nếu không phải…”
Kiếm Như đột nhiên ngậm miệng.
Ta nhỏ giọng hỏi: “…Vậy là sau này, người giao rau không giao cho chúng ta nữa sao?”
Kiếm Như mím chặt môi, hồi lâu sau đấm mạnh xuống bàn, hừ lạnh: “Không giao thì thôi, nhà họ Nguỵ đâu thiếu bạc, chúng ta tự đi mua!”
Ta nói: “Vậy thì, từ giờ mỗi ngày ta sẽ dậy sớm thêm một canh giờ. Bây giờ ta đã quen đường, để ta đi mua rau. Rau sáng sớm cũng tươi hơn.”
Kiếm Như liền bảo: “Thế sao được, sau này hai chúng ta thay phiên đi.”
Từ lần đại thiếu gia phát bệnh giữa đêm mưa, gọi mãi Kiếm Như không thưa, huynh đã dọn về ngủ trong phòng đại thiếu gia. Mùa hè mưa nhiều, huynh không dám ngủ riêng nữa, sợ lại ngủ quên mà ngài xảy ra chuyện.
Chuyện thay phiên chắc chắn không ổn.
Ta bèn nói: “Kiếm Như ca, huynh còn phải hầu hạ đại thiếu gia rửa mặt chải đầu, ngài tỉnh dậy không thấy huynh thì làm sao? Với lại, ta vốn phụ trách bếp núc, mua rau cũng là việc trong bổn phận. Huynh cứ lo chăm sóc đại thiếu gia cho tốt.”
Từ đó, việc đi chợ mua rau thêm vào danh sách công việc của ta.
Kiếm Như giấu rất kỹ chuyện này với đại thiếu gia. Huynh ấy không hề nhắc đến việc người giao rau coi thường nhà họ Nguỵ, chỉ nói rằng người giao rau bị gãy chân, phải nghỉ một thời gian.
Có câu: “Không làm chủ không biết giá gạo củi.”
Trước đây rau đều do quản gia đặt sẵn, người giao chỉ việc mang tới, tiền bạc không qua tay ta. Nấu ăn thoải mái, ta chẳng cảm thấy gì là đắt đỏ.
Lần trước đi chợ với Kiếm Như, cũng là huynh ấy trả tiền. Đến lượt ta, mỗi lần mở túi tiền, trong lòng lại đau như cắt.
Dưới chân thiên tử, vật giá ở kinh thành sao mà đắt đỏ thế này? Một cái móng giò, số tiền mua được nửa tấm sườn ở quê ta.
Dù số tiền này không phải của ta, cũng chẳng đến lượt ta quyết định, nhưng việc tiêu tiền như nước khiến ta thấy không yên lòng.
Hiện tại nhà họ Nguỵ chỉ còn lão gia nhận bổng lộc triều đình, đại thiếu gia cần dưỡng bệnh, nhị thiếu gia đi học, nuôi thêm năm người hầu. Thân thể của lão gia và phu nhân cũng không tốt…
Cảm giác này làm ta nhớ đến cảnh cha ta ở quê, sau khi mẹ mất, một mình với hai mẫu ruộng cằn phải nuôi sống cả nhà. Cuối cùng, ta buộc phải tìm người môi giới, tự bán mình làm người hầu.
Ngồi ăn núi lở, ta không khỏi bất an.
Ngoài chợ, có một phụ nhân bán hàng thêu dạo. Ta có kim chỉ, Chu ma ma trước khi đi đã để lại cho ta cái giỏ kim chỉ của bà.
Ta lại gần xem. Bà ấy bán khăn tay, viền tạp dề, và yếm nhỏ cho trẻ con. Đường kim mũi chỉ tinh tế, thêu rất sống động. Vậy mà buôn bán cũng chẳng khấm khá.
Ta thầm cảm thán, thêu đẹp thế này, không biết phải luyện bao lâu ta mới bằng được một nửa của bà ấy.
Chợt nghĩ, thực ra cũng không nhất thiết phải bán đồ thêu. Trước đây, ta từng có một món khác để bán.
Hồi còn thích Thu Sinh ca, huynh ấy chuyên làm đồ bằng mây tre, ta cũng hay giúp huynh ấy. Mùa hè nóng nực, nếu làm vài cái quạt nan mang bán, có lẽ cũng kiếm được tiền.
Dù nhà họ Nguỵ sa sút, tiền lương tháng vẫn trả đúng hạn. Ta để dành một nửa gửi về quê, còn lại một nửa, tính ra cũng đủ mua vài thanh tre.
Ta bèn nhờ một ông chú bán rau, hôm sau mang giúp ta hai thanh tre từ ngoài thành.
Kiếm Như vô tình thấy ta kéo mấy khúc tre gãy về, hỏi ta định làm gì. Ta lấp liếm bảo: “Làm củi nhóm bếp.”
Ta đâu dám để huynh ấy biết, ta đang làm người hầu trong nhà họ Nguỵ, còn kiếm thêm việc bên ngoài.
Thế là, ngoài việc nấu cơm quét dọn mỗi ngày, hễ có chút thời gian rảnh, ta lại lén làm quạt tre trong phòng mình.