Thập Lục Nương - Chương 6
Tiếng tiêu đã dừng, bên trong không chút động tĩnh. Đang do dự không biết có nên rời đi hay không, cánh cửa bỗng mở ra từ bên trong.
Ta vốn đang áp sát cửa lắng nghe, không ngờ cánh cửa đột ngột mở, khiến ta lao về phía trước, ngã vào một vòng tay rắn rỏi.
Chuyện này làm ta giật mình không ít, lập tức bật dậy. Trên người ta toàn nước, làm sao có thể để làm ướt đại thiếu gia được.
Ngước mắt lên nhìn, sắc mặt đại thiếu gia trắng bệch đến đáng sợ. Nhưng ngài vẫn giữ phong thái điềm tĩnh, lặng lẽ ngồi trên xe lăn, hỏi: “Có chuyện gì sao?”
“Nô tỳ nghe thấy tiếng tiêu, sợ ngài có chuyện gì… Ngài… không sao chứ?”
“Không sao.”
Ngài nói vậy, nhưng giọng khô khốc như rặn ra từ kẽ răng, yếu ớt vô cùng. Ta sực nhớ lúc nãy đại thiếu gia đỡ lấy ta, người ngài ấy còn lạnh hơn cả ta.
Như thế này mà bảo là không sao? Rõ ràng là có chuyện.
“Ngài chờ nô tỳ một chút!”
Nói xong, ta quay người chạy thẳng vào màn mưa, bỏ lại sau lưng tiếng gọi mơ hồ của đại thiếu gia.
Mưa lớn quá, ta không nghe rõ.
Vào tới phòng bếp, ta nhóm lửa, dựng nồi, đun nước nóng, chuẩn bị túi sưởi, làm thuốc theo công thức cũ, mọi thứ đều thuần thục.
Trước khi ra ngoài, ta còn lấy thêm một chai rượu trắng từ trên kệ.
Mãi tới khi chạy ra khỏi phòng bếp, ta mới chợt nhận ra vừa rồi trời tối như thế nào, đèn lồng trong hành lang đã tắt gần hết vì gió lớn – vậy mà ta quên cả việc mình sợ bóng tối.
Cửa phòng đại thiếu gia không đóng, ngài đã rời khỏi xe lăn, chống nạng đứng ở cửa, vẻ mặt lo lắng. Thấy ta quay lại, ngài như thở phào nhẹ nhõm mà không nói gì.
Mưa càng lúc càng lớn, khắp nơi mờ mịt hơi nước. Ta đứng sững lại, bất giác tự tát vào mặt mình một cái.
Vừa rồi chạy nhanh làm gì chứ? Đại thiếu gia gọi mà ta cũng không quay đầu, giờ thì hay rồi, khiến ngài bị dính nước mưa. Định giúp thì lại thành ra làm hỏng việc.
Ta nhanh chân bước tới, nhét hai túi sưởi vào lòng đại thiếu gia, đỡ ngài vào phòng.
Cửa vừa đóng lại, tiếng gió mưa dữ dội lập tức bị chặn ngoài kia. Trong phòng có hai chiếc đèn dầu, ánh sáng ấm áp. Người ta ướt sũng, còn đại thiếu gia đứng ở nơi gió lùa lâu như vậy, cũng không khá hơn là bao, vai áo ngài đã thấm ướt một mảng.
Ta lo lắng hỏi: “Phải làm sao đây, không biết ngài có sốt cao không. Hay để nô tỳ đi nấu chút nước gừng cho ngài uống?”
Đại thiếu gia không trả lời, ngài mở tủ áo, lấy ra một bộ quần áo. Thấy ngài định thay đồ, ta tự giác quay lưng đi. Không ngờ đại thiếu gia vỗ nhẹ vai ta từ phía sau, giọng ngài ấy không cho phép từ chối: “Thay đi.”
Hóa ra là đưa cho ta. Nhưng làm sao ta có thể mặc đồ của ngài ấy được?
Ta đang định từ chối, thì đột nhiên nhìn thấy vết m/á/u nơi khóe môi ngài – rõ ràng là ngài cắn đến bật m/á/u. Lập tức, ta không dám nói thêm lời nào, nhanh chóng chạy ra sau bình phong thay đồ, rồi lấy thêm một bộ khác giúp ngài thay. Sau đó đỡ ngài nằm sấp xuống giường.
Những gì có thể đắp được trong phòng ta đều lấy ra, đắp hết lên người ngài. Nhưng cơ thể ngài ấy vẫn lạnh băng, như một hồ sâu ba thước, càng xuống sâu càng lạnh buốt. Hai chiếc túi sưởi nhỏ bé không thể đủ.
Ta hỏi: “Đại thiếu gia, ngài có lạnh không?”
Ngài ấy đáp: “Cũng ổn.”
Lúc này môi ngài ấy đã từ trắng chuyển sang tái xanh. Ta thật sự không hiểu, trên đời sao lại có người cứng đầu như vậy. Những gì ngài nói, liệu có câu nào là thật không?
May mà ta mang theo chai rượu mạnh. Ta vội vàng rót một chén rượu, nhưng vừa nhớ ra ngài ấy vừa uống thuốc, đành bỏ qua. Vậy là chai rượu coi như vô ích.
Ta ngẫm nghĩ một chút, rồi khẽ nói: “Đại thiếu gia, ngài đừng trách nô tỳ nhé.”
Ngài ấy nhìn ta, vẻ mặt mơ hồ, rõ ràng không hiểu ta định làm gì để ngài ấy phải trách. Giây tiếp theo, ta đưa tay vào chăn, áp vào… mông của đại thiếu gia.
Cơ thể ngài ấy lập tức cứng đờ, sau đó từ từ căng lên, bởi ta đã bắt đầu xoa bóp từ mông dọc xuống.
Phải nói sao đây… Ngày xưa ở làng ta, mỗi khi đông về, chúng ta thường có tục muối cá.
Dùng muối chà xát lên thân cá, lật qua lật lại, xoa đều một hồi lâu rồi treo lên hong khô. Bây giờ cảm giác này cũng gần giống như vậy.
Ta không ngừng tay suốt hai khắc, đến mức tay mỏi nhừ, mới cảm thấy cơ thể ngài ấy bắt đầu ấm lên. Nhìn gương mặt ngài ấy đang nằm sấp, không còn trắng bệch nữa mà đã hồng hào hơn.
Có lẽ ngài ấy đã ấm lên thật rồi.
Ta hỏi: “Đại thiếu gia, ngoài lạnh ra, ngài còn đau không? Có đỡ chút nào không?”
Ngài nói: “Đỡ hơn rồi.”
Nhưng lời của đại thiếu gia, ta thật không dám tin. Ta đưa tay thăm thử trán ngài, cũng may là không phát sốt.
Ta nói: “Hay để nô tỳ đi mời đại phu đến xem qua một chút.”
Đại thiếu gia đáp: “Ngươi biết đường sao? Khuya thế này, cũng chẳng phải bệnh nguy cấp, không cần phiền phức như vậy. Ngươi cứ yên tâm, ta ngủ một giấc là ổn.”
Nói rồi, ngài khẽ khàng nhắm mắt lại, không nhìn ta nữa.
Trên sàn vẫn còn hai đống quần áo ướt sũng vừa thay ra vội vã. Ta nhẹ nhàng thu dọn chúng, tìm một chiếc khăn lau sạch vũng nước trên đất, rồi ngồi xuống bên bàn, hong khô mái tóc ướt dưới ánh nến.
Trong phòng lập tức trở nên yên tĩnh. Ta gục đầu xuống bàn, cơn buồn ngủ dần kéo đến.
Lúc này, đại thiếu gia đang nhắm mắt bỗng lên tiếng: “Thập Lục, tên ngươi có chữ Thập Lục, là hai chữ nào?”
Ta cố mở mắt, chống cằm trả lời: “Là số mười sáu trong tuổi mười sáu. Mẹ nô tỳ nói, mười sáu tuổi là độ tuổi đẹp nhất của một người con gái. Nhưng mà nô tỳ cũng rất thích ăn lựu. Ngày xưa, sân nhà nô tỳ có một cây lựu, quả chín đỏ rực như đá quý. Sau này cha không cho nô tỳ ăn nữa, nói để dành bán lấy tiền…”
Sáng hôm sau, ta bị Kiếm Như đánh thức. Ta giật mình tỉnh dậy, vừa mở mắt ra thì phát hiện ra Kiếm Như còn hoảng hốt hơn ta.
Huynh ấy tay trái bê chậu gỗ đựng nước nóng, tay phải chỉ vào ta, run rẩy như thấy ma: “Muội, muội, muội… sao muội lại ở đây?”
Ánh mắt huynh ấy cứ đảo liên tục trên người ta. Ta nhìn theo rồi giật mình – ta vẫn đang mặc quần áo của đại thiếu gia. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất.
Quan trọng là, ta đang ngon lành nằm trên giường của đại thiếu gia, đắp chăn của ngài, còn người lẽ ra phải nằm trên giường thì lại đang ngồi bên bàn, quần áo chỉnh tề, rõ ràng đã tỉnh dậy được một lúc.
Lúc này, ta cũng hoảng hốt, học theo cách của Kiếm Như mà lắp bắp: “Ta, ta, ta… Ta rõ ràng là…”
Cả căn phòng chỉ toàn những tiếng lắp bắp.
Đại thiếu gia dường như không chịu nổi, khẽ giơ tay ra hiệu dừng lại, nhíu mày nói: “Được rồi. Kiếm Như ở lại, Thập Lục – đi nghỉ bù đi. Hôm nay không cần nấu cơm, lát nữa Kiếm Như ra ngoài mua một mâm thức ăn về.”
7
Thực ra, đồ ăn ở phủ họ Nguỵ thường do các nông dân đem đến.
Khi quản gia Ngô còn ở đây, mọi thứ đã được sắp xếp chu toàn. Thịt và rau ba ngày giao một lần, gạo và bột mỗi tháng giao một lần.
Nhưng không hiểu sao, sáng ngày 21, người giao rau không đến.
Trong phủ vẫn còn ít đồ ăn. Ta thái khoai tây, xào chung với thịt khô, hấp thêm một đĩa bí đỏ, rồi chọn một ít ngọn rau cải còn tươi trong bó rau muống đã hơi héo để nấu canh.
Ta nghĩ chắc người giao rau có việc bận, nhưng đến chiều vẫn không thấy động tĩnh gì.
Nếu ngày hôm sau người đó không đến, vẫn có thể cố gom góp làm được một mâm cơm, nhưng khoai tây dù có ngon đến mấy thì cũng không thể ăn mãi được.
“Khéo tay khó nấu khi không có gạo.” Ta đem chuyện này bẩm báo với đại thiếu gia.
Đại thiếu gia nói: “Nếu vậy thì ra ngoài mua một ít về đi.”
Kinh thành, nơi chân thiên tử, không thiếu thứ gì có thể mua được. Nhưng vừa nghe đại thiếu gia nói, ta và Kiếm Như đồng loạt lộ vẻ khó xử.
Huynh ấy biết đường, nhưng không biết mua đồ ăn.
Ta biết mua đồ ăn, nhưng không biết đường.
Đại thiếu gia lại nói: “Không sao, hai người cùng đi là được.”
Ta và Kiếm Như đồng thanh: “Vậy sao được chứ?”
Đại thiếu gia hiện tại chân không tiện, bên cạnh nhất định phải có người.
Ta chợt nghĩ ra, hào hứng nói: “Đại thiếu gia, hay ngài đi cùng chúng ta?”
Kiếm Như liếc nhìn ta một cái đầy không tự nhiên. Động tác của đại thiếu gia cũng khựng lại một chút, rồi nhàn nhạt nói: “Ta còn có việc, không đi được.”
Thế này thì chắc chắn không thể để đại thiếu gia ở nhà một mình được.
Nếu chỉ có một người đi mua đồ, thì chỉ có thể là Kiếm Như. Dẫu sao không biết đường còn nghiêm trọng hơn không biết mua đồ, huống chi huynh ấy đi nhanh, chắc sẽ không mất nhiều thời gian.
Ta quay sang Kiếm Như: “Hay là huynh đi đi, mua ít hành, gừng, còn lại mua gì cũng được.”
Kiếm Như ngượng ngùng nói: “Giờ này rồi, đồ ăn chắc chắn không còn tươi… Hơn nữa, thật ra ta cũng không giỏi chọn đồ…”
Hả? PTa không ngờ đến chuyện này.
Tóm lại, dù không tươi cũng hơn là không có.
Ta vừa định nói không sao, cứ mang về rồi ta nhặt lại cũng được, thì đại thiếu gia cất lời: “Ngươi đến nhà họ Nguỵ đã hai tháng nay, trước giờ trong phủ nhiều việc, cũng chưa từng có dịp ra ngoài. Kinh thành có nhiều thứ thú vị, để Kiếm Như đưa ngươi ra ngoài dạo một chút đi.”
Chuyện này thì làm sao được? Đâu thể để ta ra ngoài chơi còn chủ nhân thì bị bỏ lại ở nhà?
Ta vừa định phản bác thì thấy đại thiếu gia đã cầm sách lên, ra vẻ không muốn nói thêm, ý đã quyết.
Ta đành im lặng, liếc mắt nhìn Kiếm Như, hành lễ rồi lui ra ngoài.
Trên phố, người đông như kiến. Khắp nơi đầy rẫy những quầy hàng và gánh rong. Người bán kẹo đường, làm xiếc, bán đồ ăn vặt…
Ta bị dòng người đẩy đến trước một quầy xiếc khỉ, không nhúc nhích được, cả người chỉ có đôi mắt là còn xoay chuyển. Nhưng ta lại không nỡ rời mắt, vì con khỉ đang nhảy nhót không ngừng, biết trồng cây chuối, biết nhảy qua vòng lửa, thật sự quá thú vị.
Kiếm Như chen chúc đứng bên cạnh ta. Rõ ràng huynh ấy là người từng trải, thấy bộ dạng như quê mùa của ta, liền có chút khinh thường, giọng nói lộ ra vẻ khoe khoang: “Sao hả, kinh thành của chúng ta phồn hoa, náo nhiệt chứ?”
“Tuyệt quá, thật là tuyệt vời! Ta chưa từng thấy trò khỉ nào hay như thế này… Haiz, bên ngoài vui thế này, giá mà đại thiếu gia cùng ra đây thì tốt quá. Ngài ấy không được xem, thật là tiếc.”
Kiếm Như khựng người một chút, sau đó khẽ nói: “Đại thiếu gia sẽ không ra ngoài đâu.”
“Tại sao?”