Thập Lục Nương - Chương 5
5
Ngày trước, phủ họ Nguỵ thịnh vượng, nghe nói tấp nập gia nhân, đèn đuốc sáng rực như ban ngày.
Giờ đây suy tàn, chỉ cảm thấy cửa ngõ lạnh lẽo, vắng vẻ.
Ban đêm, ta không ngủ được.
Trước kia, Châu Nhi tỷ ngủ không xa chỗ ta.
Xa hơn chút, ở dãy phòng bên kia là quản gia và Cửu thúc.
Nhưng giờ phu nhân dẫn mọi người rời đi, hai dãy phòng dài giờ chỉ còn lại một mình ta.
Kiếm Như không ngủ chung với chúng ta. Đại thiếu gia sức khỏe bất tiện, Kiếm Như ở cùng ngài, phòng khi ngài cần gì vào ban đêm.
Gió bên ngoài lớn, giống như tiếng sói hoang tru.
Ta vô cớ nhớ đến lời Cửu thúc từng đùa, kể rằng những nhà quyền quý lớn thường là nơi đầy rẫy chuyện bẩn thỉu: giếng nước có x/á/c người chet trắng bệch nổi lềnh bềnh, nửa đêm thường nghe tiếng khóc của nữ q/u/ỷ.
Phủ họ Nguỵ tuy được xây dựng xa hoa, ngay cả phòng người hầu cũng được chạm trổ tinh xảo. Ban ngày thì không sao, nhưng khi đèn tắt, ta một mình, ánh sáng lập lòe khiến tóc gáy ta dựng đứng.
Ta cuộn mình thật chặt trong chăn. Càng sợ hãi, ta lại càng buồn tiểu. Ta ôm bụng, trở mình mãi mà không ngủ được. Cuối cùng, không biết bằng cách nào, ta dần thiếp đi.
Đến sáng, khi rửa mặt, nhìn bóng mình trong nước, ta thấy dáng vẻ hốc hác, mặt không chút máu, y như nữ q/u/ỷ mà Cửu thúc hay kể, ngâm trong giếng nước nửa năm.
Chỉ cần nấu cơm cho ba người, dù thêm quét dọn thì công việc vẫn nhẹ nhàng. Sau khi làm xong việc, ta múc nước, cẩn thận giặt sạch áo khoác của đại thiếu gia từ trên xuống dưới.
Sau đó, tựa vào đống củi, khẽ nhắm mắt. Lần đầu đến kỳ kinh nguyệt, toàn thân đau nhức.
Tính ra, từ hôm phu nhân ngất đi sau khi xem thư của lão gia, ta đã ba ngày liền không được ngủ trọn giấc.
Quá mệt, quá buồn ngủ.
Ta thề, ban đầu ta chỉ định nghỉ một lát. Nhưng khi mở mắt, ta nhìn thấy ánh hoàng hôn cuối cùng xuyên qua khung cửa, ánh lên một lớp bụi vàng trong không khí.
Ta sực tỉnh, hoảng loạn bật dậy khỏi mặt đất.
Trời đã gần tối.
Giờ này mới nhóm lửa nấu cơm thì chắc chắn sẽ khiến đại thiếu gia bị trễ bữa. Nếu vì lỗi của ta mà chủ tử phải chịu đói, vậy ta…ta…
Ta bối rối không biết nên đi nhận tội trước hay nên nấu cơm trước. Cân nhắc một lúc, ta vội nhóm nước sôi, rồi trong lúc chờ, xách váy chạy thẳng đến viện của đại thiếu gia để nhận lỗi.
Nghe xong ý tứ, đại thiếu gia không hề tức giận. Ngón tay ngài ấy dừng lại trên trang sách đang mở, bình thản nói: “Đã muộn rồi, không cần làm món ăn nữa, nấu vài bát mì là được.”
Chủ nhân đã nhiều lần rộng lượng, vậy mà ta lại gây ra sai sót như thế này. Khi lui xuống, ta cúi đầu không dám nhìn biểu cảm của đại thiếu gia, cảm thấy bản thân như muốn xấu hổ đến chet.
Canh mì, canh mì, từ khi có ký ức, ta đã giúp mẹ làm việc ở quán, thuần thục đến mức gần như nhắm mắt cũng có thể làm được. Nhưng kể từ khi đến nhà họ Nguỵ, ta chưa từng nấu lần nào.
Ba bát mì nhanh chóng được bưng lên. Kiếm Như ăn rất nhanh, cầm bát húp sột soạt, hết sạch ngay. Nhưng đại thiếu gia chỉ nếm một miếng rồi dừng đũa, chân mày khẽ nhíu lại, không biết đang nghĩ gì.
Tim ta như thắt lại, nghẹn cứng nơi cổ họng.
“Chẳng lẽ không hợp khẩu vị của ngài?”
“Ta nhớ ngươi là người làng Bạch Vân, trấn Thanh Thạch?”
“Thiếu gia sao lại nhắc đến chuyện này? Chẳng lẽ… có điều gì không ổn sao?”
Đại thiếu gia thoáng xuất thần, như đang hồi tưởng ký ức xa xưa. Một lúc sau, ngài nở nụ cười ôn hòa: “Hóa ra là ngươi — năm đó ta theo cha vào kinh, từng nghỉ chân ở quán của mẹ ngươi.”
Hả? Ta với đại thiếu gia, hóa ra còn có mối duyên như vậy.
Ta vui vẻ định đáp lời, nhưng lập tức cảm giác bi thương trào lên trong lòng.
Mẹ ta… đã qua đời từ lâu, còn cha thì ở xa tận Ba Lăng, không biết bệnh tình thế nào rồi.
Vẫn là bát mì ấy, nhưng cảnh còn người mất.
Chắc hẳn đại thiếu gia trong lòng cũng không dễ chịu. Ngài ấy đổi chủ đề, nói tiếp: “Ngươi làm việc vốn rất chắc chắn, hôm nay tại sao lại như thế này? Sao lại chậm trễ, có chuyện gì xảy ra à?”
Đại thiếu gia như tiên nhân giáng trần, đứng trước ngài, ta rất khó nói dối.
Ta đáp: “Tối qua nô tỳ sợ hãi, không ngủ ngon, trưa nay muốn chợp mắt một chút, nào ngờ lại ngủ quên.”
“Sợ cái gì?”
“Nô tỳ chưa bao giờ ở trong một viện lớn như vậy, sợ ngủ một mình… cũng sợ bóng tối…”
Đại thiếu gia gật đầu: “Tuổi ngươi rốt cuộc vẫn còn nhỏ.”
Nghe lời đại thiếu gia mang ý tứ muốn đuổi ta, ta hoảng hốt ngẩng đầu, vội nói: “Nô tỳ không nhỏ, nô tỳ có thể làm được rất nhiều việc! Nô tỳ… nô tỳ tối nay sẽ không sợ bóng tối nữa, ngày mai nhất định không làm trễ việc!”
Nghe vậy, đại thiếu gia khẽ cười: “Ngươi không cần phải hoảng. Sợ bóng tối là chuyện ai cũng có, là ta sơ suất không nghĩ đến điều này. Ngươi ăn xong thì về thu dọn, viện của ta còn vài phòng trống, để Kiếm Như dẫn ngươi chọn một phòng, từ tối nay chuyển qua đó ở đi.”
Trên đời này lại có người tốt như đại thiếu gia, hạnh phúc đến bất ngờ. Ta lập tức vui mừng khôn xiết, cảm ơn ngài, rồi đứng dậy chạy ra ngoài.
“Trong nồi còn ít canh, ta đi múc thêm cho mọi người.”
Gió mát thổi nhè nhẹ từ xa, thoảng hương hoa hòe ngọt ngào. Trời đã tối đen, có lẽ vì tâm trạng tốt, ta không còn thấy sợ nữa.
Phía sau vang lên tiếng của Kiếm Như: “Thập Lục, còn mì không? Ta chưa no.”
Ta nhảy chân sáo, quay đầu lại, cười tươi giơ tay lên: “Đủ ăn!”
6
Đang giữa mùa hè, mưa không thiếu, không có người làm vườn chăm sóc, cỏ cây trong sân mọc um tùm. Cỏ cây quá dài sẽ che khuất ánh mặt trời, rêu xanh âm thầm mọc lên.
Trước đây, những căn nhà bỏ hoang ở làng chúng ta cũng dần dần hư hỏng như thế. Nhưng phủ họ Nguỵ lớn và tốt như vậy, nếu bị bỏ hoang, thật đáng tiếc biết bao.
Sau khi xin phép đại thiếu gia, ta bắt đầu từ từ chăm sóc lại hoa cỏ trong vườn.
Trong sân có một cây hoa hòe rất cao, nở hoa rực rỡ. Toàn bộ khu vườn, chỉ nơi này ta không nỡ quét dọn, dưới gốc cây là một lớp hoa rụng dày. Đôi khi, ta leo lên cây, ngắt một chiếc lá, cuộn lại, đưa lên miệng thổi.
Ánh nắng xuyên qua cành lá, tạo thành những vệt sáng lấp lánh dưới mặt đất. Đó là lúc ta cảm thấy vui vẻ nhất trong ngày.
Nhưng đời người, có vui cũng có buồn. Thời khắc buồn nhất trong ngày của ta là khi ngồi trên cây hoa hòe cao cao, nhìn từ xa thấy đại thiếu gia đi lại.
Ngài ấy luôn đi không vững.
Vết thương dần lành, Kiếm Như không còn dìu ngài nữa. Đại thiếu gia sai Kiếm Như ra ngoài đặt làm hai cây nạng, ngài chống nạng từ từ tập đi.
Ai cũng có thể nhìn ra chân phải của ngài dường như không thể chịu lực, mỗi bước đặt xuống nhẹ hơn chân trái rất nhiều.
Mỗi trưa đều có thầy thuốc đến châm cứu cho ngài, nhưng ngày qua ngày, dường như chẳng có tiến triển gì.
Có lần, ta vô tình thấy thầy thuốc dùng sức bóp chân ngài, hỏi có cảm giác gì không. Đại thiếu gia vẫn giữ bộ dạng bình thản, nhã nhặn, gặp ai cũng cười, giọng nói nhẹ như mưa bay:
“Có chút tê bì.”
Ta ghe mà lòng nặng trĩu.
Ta chỉ là một cô nương thôn quê, chuyện triều chính vốn không tới lượt ta bàn đến. Nhưng càng thấy đại thiếu gia phong thái ung dung như thế, ta càng thấy đau lòng.
Không biết Thánh thượng nghĩ gì, cách chức ngài ấy thôi chưa đủ sao, lại còn khiến ngài ấy phải chịu đau đớn như thế.
Vết thương hai tháng rồi còn chưa khỏi hẳn, khi bị đánh, ngài ấy phải đau đớn đến mức nào chứ?
Thầy thuốc là người của tiệm Bảo Tế Đường, đã chữa bệnh cho nhà họ Nguỵ nhiều năm. Có lần, sau khi thầy thuốc khám xong, ta tiễn ông ra khỏi phủ, không kìm được hỏi: “Chân của đại thiếu gia nhà chúng ta… còn có thể hồi phục không?”
Thầy thuốc nói: “Lấy lại được một mạng, đã là may mắn rồi.”
Lúc đó ta mới biết, hình phạt trượng trong triều có hai loại: một loại hai mươi trượng là đủ chet người, một loại bốn mươi trượng thì còn giữ được mạng. Đại thiếu gia bị loại thứ hai, người chịu trách nhiệm hành hình đã cố ý nương tay.
Đêm hôm đó, trời đổ mưa như trút nước, sấm chớp vang dội. Những hạt mưa to như hạt đậu xuyên qua khe cửa sổ rơi vào trong nhà. Ta giật mình tỉnh giấc, mang giày định ra đóng chặt cửa sổ thì chợt nghe thấy giữa tiếng mưa gió vang lên một âm thanh khác.
Là tiếng tiêu, đứt quãng.
Ta chợt hiểu ra, hóa ra tiếng tiêu lần trước là đại thiếu gia thổi. Nhưng lần này, tiếng tiêu nghe buồn bã, yếu ớt hơn.
Sau một tiếng sấm vang dội, tiếng tiêu hoàn toàn im bặt. Ta bừng tỉnh, mang giày, chạy vội về phía phòng đại thiếu gia.
Khi chạy ra ngoài, ta mới nhận ra mưa lớn đến mức nào. Những hàng cây hai bên hành lang bị gió thổi nghiêng ngả, gió mạnh cuốn theo mưa hắt vào người ta, khiến ta gần như không đứng vững.
Kiếm Như vốn ngủ cùng phòng với đại thiếu gia, nhưng vì vết thương của ngài đã đỡ hơn, nên huynh ấy đã dọn ra ngủ ở căn phòng nhỏ bên cạnh.
Đi ngang qua phòng Kiếm Như, thấy cửa đóng kín, có lẽ huynh ấy đã ngủ say.
Cửa phòng đại thiếu gia cũng đóng chặt. Ta đứng trước cửa, định đẩy cửa vào nhưng lại do dự. Sợ rằng mình nghĩ nhiều, nửa đêm nửa hôm tự ý xông vào phòng chủ nhân thì quá thất lễ.
Bên ngoài gió mưa dữ dội, ta chạy đến đây, người ướt sũng có thể vắt ra nước. Nhưng đứng trước cửa phòng đại thiếu gia, ta lại lo sợ phạm thượng, chỉ dám khẽ gõ cửa.
Không biết ngài ấy có nghe thấy không.
Ta chờ một lúc, rồi dùng lực gõ mạnh hơn, khẽ gọi: “Đại thiếu gia, ngài ổn chứ?”