Thập Lục Nương - Chương 3
3
Hơn mười ngày sau, nhị thiếu gia trở về.
Hôm đó, ta vừa nhặt rau xong, tranh thủ lúc rảnh rỗi ra sau viện giặt quần áo, bỗng nghe thấy tiếng ngựa hí ở tiền viện, sau đó là một loạt âm thanh liên tiếp vang lên.
Từ khi nhà họ Nguỵ xảy ra chuyện đến nay, cả căn nhà rộng lớn luôn u ám, chet lặng. Nay đột nhiên nghe thấy những âm thanh ồn ào, làm ta giật mình, thầm nghĩ không biết có phải có người đến tịch thu tài sản không.
Ta lấy hết can đảm đi ra xem, suýt chút nữa đâm đầu vào một bức tường người.
Người kia cũng không thèm để ý đến ta, sải bước vội vã chạy thẳng về phía viện của phu nhân. Ta chỉ kịp nhìn thấy một vạt áo đầy bụi bặm lướt qua.
Phía sau người đó là Ngô quản gia đang chạy theo. Ngô thúc thở hổn hển, dừng lại một chút khi đi ngang qua ta, rồi nói: “Nhanh đi chuẩn bị nước nóng cho nhị thiếu gia.”
Đôi mắt của Ngô thúc sáng bừng, lấp lánh một tia sinh khí đã lâu không thấy. Ta lập tức gật đầu làm theo, nhưng rồi chợt nhận ra ý nghĩa lời ông ấy vừa nói: “Hả? Nhị thiếu gia?”
Lúc này, từ viện phu nhân vang lên một tiếng nói nghẹn ngào: “Mẫu thân—xin lỗi—con về muộn rồi—”
Ta không hiểu sao trong lòng cũng run rẩy, rồi dần dâng lên một nỗi xót xa. Nhị thiếu gia trở về, cuối cùng nhà họ Nguỵ cũng đoàn tụ.
Nhị thiếu gia đã phải đi đường dài, chắc chắn cần tắm rửa nước nóng cho thoải mái. Ta nhóm lửa đun nước, lại chủ động làm thêm vài món ăn.
Ta nghĩ phu nhân chắc hẳn không muốn nhị thiếu gia biết hiện giờ nhà họ Nguỵ ăn uống thiếu thốn thế nào.
Nhị thiếu gia trở về, trong phủ cuối cùng cũng có thêm sinh khí. Quản gia Ngô, người chắc hẳn đã nhìn nhị thiếu gia lớn lên, những ngày này khi giao việc cho chúng ta, trên mặt thậm chí thỉnh thoảng còn có chút ý cười.
Việc đầu tiên nhị thiếu gia làm sau khi trở về là mời đại phu nổi tiếng nhất kinh thành đến bắt mạch cho phu nhân và đại thiếu gia. Sau đó, đích thân ngài ấy ra ngoài mua ít nhân sâm về nấu canh.
Nhị thiếu gia về, tất nhiên không thể thiếu người hầu hạ. Thôi Cửu được chuyển đến viện của ngài ấy, còn việc quét dọn thì Ngô thúc bảo, mỗi viện tự dọn dẹp, còn lại tiền sảnh và hành lang thì giao cho ta.
Đây là lần đầu tiên ta có cơ hội bước ra khỏi căn bếp nhỏ để nhìn ngắm nơi khác.
Phủ Nguỵ gia được xây dựng rất đẹp, mang vẻ thanh nhã kín đáo. Nghe nói năm đó Thái tử xem trọng đại công tử, đặc biệt mời danh gia đến xây dựng.
Nhưng ta cũng chỉ có thể cưỡi ngựa xem hoa, nhìn qua loa. Công việc trong tay vốn đã nhiều, giờ lại thêm việc quét dọn, hầu như không lúc nào được rảnh rỗi.
Hành lang vắng vẻ, phải quét chỉ toàn lá rụng. May thay lúc này chưa vào thu, mỗi ngày ta chỉ cần quét sáng và tối là đủ.
Vào một buổi tối, sau khi dọn dẹp bếp núc xong, ta đặt bát đĩa lên giá cho ráo nước, rồi như thường lệ, cầm chổi ra quét tiền sảnh.
Khi đến hành lang, ta bỗng nghe thấy từ xa vọng lại tiếng tiêu, trong ánh trăng dịu dàng, mang một vẻ cô quạnh khó tả.
Từ hành lang nhìn về phía bắc là viện của phu nhân. Nếu có gió thổi, có thể thấy từ xa những cành hoa lay động. Nhìn về phía nam là viện của đại thiếu gia, ẩn mình sau một rặng trúc xanh mướt.
Đi xa hơn nữa về phía nam là nơi nhị thiếu gia ở, nhưng viện của ngài ấy cách xa hơn, chỉ lờ mờ thấy một góc tường gạch xanh.
Tiếng tiêu vọng đến từ phía nam, không rõ là của đại thiếu gia hay nhị thiếu gia. Ta nghe đến ngây người, bất giác ôm chổi tựa vào hành lang. Cuối cùng ta cũng không nhớ mình quay về thế nào, chỉ biết rằng trong mơ, ta mơ hồ nghe thấy giai điệu lạ lùng ấy.
Về sau, mỗi lần ra quét dọn, ta đều không nghe thấy tiếng tiêu nữa. Như thể ngọn đèn lay động trong cơn gió đêm hôm ấy, chỉ là một giấc mơ thoáng qua.
Ngày thứ năm sau khi nhị thiếu gia trở về, phu nhân đến tìm ta.
Bà đứng trước bếp, nấu một bát chè đậu xanh giải nhiệt. Sau đó, bà nghiền nhỏ hoa quế khô từ năm ngoái, trông như muốn làm bánh hoa quế.
Đây là lần đầu tiên phu nhân vào bếp, không mang theo Châu Nhi tỷ bên cạnh.
Bà không nói gì, ta cũng không dám mở lời, chỉ lẳng lặng rút vài thanh củi cháy quá mạnh ra, điều chỉnh lửa cho nhẹ lại. Khi ngẩng đầu lên, ta thấy trên mặt phu nhân có nước mắt.
Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy xuống gương mặt bà, nhưng thân thể bà không hề run rẩy, cả người căng cứng như dây đàn. Ta không biết trái tim bà đang đau đớn đến mức nào.
Ngày đầu tiên ta đến nhà họ Nguỵ, cũng được đưa đến viện của phu nhân để nhận mặt. Lúc đó, ta chỉ cảm thấy bà là một người đoan trang và hiền thục. Vậy mà mới hơn mười ngày, trên tóc bà đã có sợi bạc, cả người gầy đi rất nhiều.
Ta biết, phu nhân đến đây là để làm đồ ăn cho nhị thiếu gia. Thôi Cửu nói với ta, phu nhân đã ép nhị thiếu gia quay về thư viện để học, ngày mai sẽ đi.
Với tình cảnh của nhà họ Nguỵ bây giờ, dù nhị thiếu gia có trở về cũng không giải quyết được gì. Nếu muốn gia tộc phục hồi, nhất định phải có người bước chân vào triều đình, nên nhị thiếu gia vẫn phải đi theo con đường làm quan.
Chè đậu xanh và bánh hoa quế này hẳn là những món nhị thiếu gia thích ăn từ trước.
Ta lấy từ trong áo ra chiếc khăn tay, gấp lại gọn gàng rồi đưa đến chỗ phu nhân có thể dễ dàng với tới. Sau đó, ta quay lưng, nhẹ nhàng khép cửa, dựa vào tường, ôm gối ngồi xuống.
Nhìn phu nhân lúc này, ta lại nhớ đến mẹ mình.
Hồi còn có mẹ, bà cũng thường nấu cho ta bát canh bánh bột.
Sau này, khi sức khỏe không tốt, bà dạy ta cách nấu ăn. Ta dựa vào kỹ năng này để sống dưới tay mẹ kế, rồi bây giờ đến nhà họ Nguỵ kiếm sống.
Nhà họ Nguỵ, dù có sa sút đến đâu, vẫn là một mái nhà. Còn ta thì chẳng còn nhà nữa.
Phu nhân khóc bên trong, ta ngẩn người ở bên ngoài.
Ánh hoàng hôn cuối trời đỏ như máu.
Đợi khoảng thời gian uống hết một chén trà, ta đứng dậy, phủi sạch bụi trên quần áo, ghé tai nghe động tĩnh bên trong rồi mới đẩy cửa bước vào.
Phu nhân đã dọn dẹp xong xuôi, đang loay hoay với cái bát, chỉ là khóe mắt hơi đỏ. Ta đi đến, hỏi bà có việc gì cần giúp không.
Phu nhân bảo ta múc một bát nước. Bà nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh ta, bà hỏi ta tại sao lại lựa chọn ở lại đây.
Trong số những người cuối cùng ở lại phủ, chỉ có ta là bà không quen. Ta thật thà đáp rằng, ngoài nhà họ Nguỵ, ta không còn nơi nào để đi.
Phu nhân thở dài: “Nhà họ Nguỵ bây giờ, cũng chẳng còn là chốn tốt đẹp gì.”
Thôi Cửu trước đây cũng từng nói vậy. Nhưng với ta, ở đâu mà chẳng phải làm việc?
Ở nhà họ Nguỵ, trời mưa còn có mái che, đói bụng còn có bếp nấu ăn, mỗi tháng lại có tiền công. Chẳng còn ngày tháng nào tốt hơn thế này.
4
Một tháng sau, từ Ba Lăng gửi đến một bức thư. Phu nhân đọc xong, lập tức ngất đi.
Thôi Cửu vội vàng chạy ra ngoài gọi đại phu, còn ta ở lại trông bếp, suốt đêm giữ ấm nồi cháo kê, lo rằng phu nhân tỉnh dậy sẽ muốn ăn.
Sau này nghe quản gia kể lại, ta mới biết bức thư đó không phải do lão gia gửi về, mà là do Lưu thúc, người theo hầu lão gia, viết.
Trong thư nói, lão gia trên đường đến Ba Lăng bị nhiễm bệnh. Họ đã nghỉ lại dọc đường hai ngày nhưng không thấy khá hơn. Vì lo chậm trễ hạn nhậm chức, lão gia cố gắng chịu đựng để lên đường. Nào ngờ, vừa đến Ba Lăng, bệnh tình đã không chịu nổi. Đến ngày bức thư được gửi đi, lão gia đã ho đến mức không thể rời giường.
Ngày hôm sau, phu nhân tỉnh lại, quyết định đi Ba Lăng chăm sóc lão gia. Quản gia hết lời khuyên ngăn cũng không lay chuyển được, cuối cùng phải kinh động đến đại thiếu gia.
Từ khi đến nhà họ Nguỵ, đây là lần đầu tiên ta chính thức được gặp đại thiếu gia.
Lần trước, khi ngài được người ta khiêng về trên một tấm ván gỗ, ta chỉ thoáng thấy bóng lưng m//áu me be bét.
Suốt một tháng qua, ngài ấy luôn ở trong phòng dưỡng thương, chưa từng bước ra ngoài.
Bây giờ, đại thiếu gia mặc một chiếc áo dài trắng bằng gấm, ngồi trên xe lăn, được Kiếm Như đẩy vào viện của phu nhân.
Trước đây, ta đã nghe Thôi Cửu kể nhiều về những ngày tháng huy hoàng của đại thiếu gia, nhưng chưa từng nghe mô tả về dáng vẻ của ngài ấy.
Lần này gặp mặt, ta gần như ngẩn người.
Đại thiếu gia… ngài ấy đẹp quá mức tưởng tượng.
Da ngài ấy rất trắng, môi cũng trắng, lại mặc y phục trắng, cả người ngồi đó như tượng Phật ngọc ta từng thấy trong đền vào dịp lễ hội.
Đại thiếu gia ở trong viện của phu nhân chưa đầy một khắc, Châu Nhi tỷ đã bước ra, lấy bát cháo ta đang cầm. Phu nhân đã chịu ăn uống.
Trong lúc phu nhân ăn, Thôi Cửu lại đi một chuyến nữa. Lần này là theo lệnh của đại thiếu gia, mang bức thư của Lưu thúc đến tiệm thuốc Bảo Tế Đường để tìm đại phu bốc thuốc theo triệu chứng ghi trong thư. Ngoài ra, còn mua thêm vài loại thuốc viên nổi tiếng ở kinh thành, chuyên dùng để tăng tuổi thọ.
Ý của đại thiếu gia là không thể ngăn phu nhân đi, nên thà chuẩn bị thật chu đáo còn hơn.
Phu nhân đi Ba Lăng, cần mang theo người hầu. Châu Nhi tỷ chắc chắn phải đi, quản gia là người giàu kinh nghiệm, mưu lược hơn người, cũng được đại thiếu gia chỉ định theo. Cuối cùng, đại thiếu gia còn gọi thêm Thôi Cửu, người trẻ khỏe, đi cùng.
Phu nhân ban đầu không muốn Thôi Cửu đi — đại thiếu gia trên người cũng mang thương tích, mà nhà cửa thì rơi vào tình trạng thế này. Phu nhân đi xa, thực sự không cần nhiều người đi theo như vậy. Với lại, ở Ba Lăng còn có Lưu thúc, ông ấy cũng là người thân thuộc với gia đình.