Thập Lục Nương - Chương 12
Nói xong, đại thiếu gia vén áo quỳ xuống bên cạnh nhị thiếu gia. Tim ta thắt lại — ngài ấy làm sao chịu được chuyện này?
“Mấy đứa… Mấy đứa thật giỏi! Rất giỏi! Huynh đệ các con chỉ biết chọc giận ta!”
Phu nhân nhìn trái nhìn phải, cuối cùng ném roi đi, khóc đến mức nghẹn thở. Nhị thiếu gia nằm dưỡng thương hơn mười ngày, phu nhân cũng khóc suốt hơn mười ngày.
Không khí trong phủ ảm đạm, ta cũng cảm thấy buồn theo. Có lần, ta lén dựa vào gốc cây hòe già thổi sáo lá, đại thiếu gia đi ngang qua, đứng lại nghe rất lâu.
Cuối cùng, nhị thiếu gia vẫn ra đi. Ngài để lại một lá thư, không từ mà biệt. Nhưng ngài không biết rằng, một ngày trước khi rời đi, phu nhân đã vào bếp, tự tay làm rất nhiều bánh, lén đặt vào hành lý đã chuẩn bị sẵn của ngài ấy.
Dẫu sao cũng là đứa con do mình sinh ra và tự tay nuôi lớn, sao bà có thể không biết rằng ngài ấy định trốn đi?
Lần này cùng phu nhân trở về còn có quản gia Ngô và một nha hoàn tên Thúy Nhi.
Về phần Thôi Cửu — lúc này ta mới biết rằng, năm đó khi xảy ra chuyện, huynh ấy chọn ở lại không phải vì nhà họ Ngụy có ơn với huynh.
Người mà nhà họ Nguỵ thực sự có ơn là Châu Nhi tỷ. Thôi Cửu vì thích Châu Nhi tỷ nên mới ở lại.
Họ cùng đến Ba Lăng, trên đường đi, Thôi Cửu luôn chăm sóc chu đáo, cuối cùng đã cưới được người đẹp.
Lão gia và phu nhân cảm động trước lòng trung thành của họ, đã xóa bỏ thân phận nô tỳ cho hai người, thậm chí còn tổ chức tiệc cưới cho họ.
Giờ đây, Châu Nhi tỷ đã mang thai và sắp sinh.
Nhị thiếu gia đã đến Bắc địa tòng quân. Từ khi ngài ấy đi, phu nhân bắt đầu ăn chay niệm Phật, ngày ngày cầu bình an cho ngài.
Phu nhân ở lại phủ một thời gian, sau đó bàn bạc với đại thiếu gia về việc bán ngôi nhà tại kinh thành, cùng trở về Ba Lăng, vì dù sao lão gia cũng đang ở đó, cả gia đình cần đoàn tụ.
Không biết đại thiếu gia và phu nhân đã nói gì với nhau, nhưng cuối cùng, đại thiếu gia không đi, mà ngôi nhà cũng không bán.
Phu nhân lại trở về Ba Lăng.
Ta thật sự rất khâm phục bà, ở cái tuổi đáng lẽ được hưởng an nhàn, bà vẫn phải bôn ba khắp nơi, chịu bao khổ cực đường sá vất vả.
Trước khi phu nhân rời đi, ta đã làm cho bà hai đôi giày nhẹ nhàng tiện lợi. Mùa hè sắp đến, khi bà về Ba Lăng, vừa hay có thể mang.
Phu nhân nắm tay ta, nói: “Thập Lục, con là một cô gái ngoan. Tấm lòng này của con, ta xin nhận. Con giờ cũng xem như người trong viện của Chiêu nhi, sau khi ta đi, nhờ con chăm sóc tốt cho nó.”
Người trong viện… viện của Chiêu nhi?
Ta đỏ bừng mặt, luống cuống xua tay: “Nô… nô tỳ không phải đâu, chỉ là… chỉ là sợ bóng tối thôi…”
Phu nhân hiền từ nói: “Được rồi, không cần giải thích, ta đều biết cả. Ba Lăng có đầm lớn, hoa sen hồng phấn như ánh chiều tà, cảnh sắc đẹp hơn kinh thành nhiều. Nếu con không muốn ở lại kinh thành, bất cứ lúc nào cũng có thể đến Ba Lăng tìm chúng ta.”
Sau khi phu nhân và nhị thiếu gia rời đi, nhà họ Nguỵ lại trở nên vắng lặng.
Quét dọn, nấu cơm, cắt tỉa cây cối, học cờ vây, học văn chương, thậm chí học cả tính toán với đại thiếu gia, một năm bốn mùa cứ thế trôi qua nhanh chóng.
Khi ta học được chữ, đại thiếu gia gọi ta vào thư phòng, lấy quyển sổ lần trước ra và lật lại trước mặt ta.
Lần này, ta mới hiểu, đó là một cuốn sổ sách.
Bên trong ghi rõ nhà họ Nguỵ có bao nhiêu đất đai, ngân phiếu, bao nhiêu đồ vật do hoàng gia ban tặng, thậm chí còn có mấy cửa hàng.
Đại thiếu gia hỏi ta: “Thế nào?”
Ta bối rối đáp: “Đại thiếu gia, ngài cho nô tỳ xem sổ sách này làm gì?”
Đây có phải thứ một nha hoàn như ta nên xem đâu?
Đại thiếu gia nhướng mày: “Nuôi ngươi như vậy, ta vẫn nuôi được chứ?”
Ta? Thì ra thiếu gia dạy ta biết chữ, tốn bao nhiêu công sức, chỉ để chứng minh điều này?
Nhưng ta nào có nghi ngờ gì chuyện ngài ấy nuôi được ta đâu…
Ta cười nói: “Thiếu gia nhà ta thật tuyệt vời! Thiên hạ đệ nhất, không ai sánh bằng!”
Đại thiếu gia hừ lạnh, rút sổ sách khỏi tay ta, quay lưng bước đi. Nhưng ta cảm giác dáng lưng ấy có chút tự mãn, lại có chút vui vẻ…
Khi ít việc, ta xin phép về thăm nhà một chuyến. Chân của cha ta đã khỏi, còn ấu đệ thì đã được cứu sống.
Người ta nói con gái đi lấy chồng như bát nước đổ đi, ta tuy chưa lấy chồng, nhưng từ khi mẹ ta qua đời, kế mẫu sinh thêm em trai em gái, thì ta trong cái nhà này cũng chẳng khác gì bát nước đã đổ.
Ba tháng một lần, ta đều gửi tiền về nhà. Nhà ta đã rào thêm một mảnh đất lớn, dựng hàng rào, nuôi vài con gà thả rông.
Cha và kế mẫu nói chuyện với ta, lời trong lời ngoài chỉ xoay quanh chuyện sau này phải lo sính lễ cưới vợ cho hai em trai, còn em gái thì phải chuẩn bị của hồi môn.
Kế mẫu còn nói ta là con gái, chẳng biết gì cả, nên chi bằng gửi hết tiền lương về, bà sẽ giữ giúp. Sau này, nếu gia đình chủ rộng lòng cho ta về nhà, bà sẽ trả lại số tiền đó. Có tiền trong tay, ta muốn lấy chồng hay học nghề mở cửa tiệm đều sẽ yên tâm hơn.
Cha nghe xong thì rất tán thành.
Đấy, họ lúc nào cũng nghĩ cho ta, nhưng ta về nhà hơn một năm rồi mà ngay cả một bát canh gà cũng chẳng được uống.
Thu Sinh ca vẫn chưa thành thân với ai. Ta từ xa nhìn thấy, ánh mắt huynh gặp ta liền vội vàng tránh đi, trông rất lúng túng.
Làng Bạch Vân không mấy tốt đẹp, mà kinh thành cũng chẳng yên bình gì.
Triều đình liên tiếp xảy ra mấy vụ án lớn, Cẩm Y Vệ khắp nơi bắt người, kẻ bị tịch thu gia sản, người bị lưu đày, nghe đồn còn liên quan đến Thái tử.
Nhưng mấy chuyện này, chúng ta làm sao biết được sự thật bên trong, chỉ toàn là lời đồn từ đầu đường cuối ngõ.
Đến mùa đông, ta hỏi ý kiến đại thiếu gia, rồi cắt vài bộ áo bông gửi ra biên cương, trong lớp áo lại khâu thêm ít bạc.
Nhị thiếu gia tuy có quân lương, nhưng không biết có đủ tiêu hay không. Nơi biên ải lạnh giá khắc nghiệt, có thêm ít bạc trên người chắc chắn không hại gì.
Hơn một tháng sau, nhị thiếu gia gửi thư nhà về, ngoài thư gửi cho đại thiếu gia, không ngờ còn có một bức riêng gửi ta.
Nhưng cũng chỉ có hai dòng: [Tiểu Thập Lục, biên cương vô vị lắm, so ra, ngươi vẫn thú vị hơn nhiều.]
Ta hỏi đại thiếu gia, nhị thiếu gia ở đó liệu có gặp nguy hiểm không. Đao kiếm vô tình, nhỡ có chuyện gì thì phải làm sao?
Đại thiếu gia nhìn áng mây trôi trên bầu trời, trầm mặc hồi lâu, tay lần chuỗi tràng hạt từng vòng từng vòng. Cuối cùng, ngài nói với ta: “Người họ Nguỵ sẽ không chet, dù có ngã xuống cũng sẽ đứng dậy.”
13
Xuân vừa mới sang, đại thiếu gia không hiểu sao lại nói muốn đi Giang Nam một chuyến.
Ta xin được đi theo, nhưng ngài nói lần này không thể, vì có việc quan trọng cần làm.
Ta hỏi ngài khi nào sẽ trở về.
Đại thiếu gia đáp: “Chưa định được ngày về, có thể ba, năm ngày, có thể mười mấy ngày, hoặc cũng có thể một hai tháng. Nói không chừng ngày mai ta đã về, nên đừng để ta bắt gặp ngươi ăn qua loa đồ thừa nhé.”
Đi Giang Nam mà chỉ mất ba, năm ngày thì làm sao được. Nhưng đại thiếu gia lại nói thế.
Ngài còn hỏi: “Ngươi dám ngủ một mình không?”
Ta gật đầu:“Dám chứ, dù sao cũng lớn thêm được một tuổi rồi.”
Đại thiếu gia bật cười: “Giỏi lắm.”
Đêm ấy trời mưa phùn nhẹ nhàng. Ta ôm gối ngồi trên giường, lắng nghe tiếng mưa rơi tí tách bên ngoài. Xung quanh im lặng đến lạ, ngoài tiếng mưa, chẳng còn âm thanh nào khác.
Ta nghĩ lẽ ra mình nên sợ, vì ta vốn sợ bóng tối, lại sợ ở một mình. Nhưng không hiểu sao trong lòng chẳng cảm thấy quá đáng sợ.
Đây là viện của đại thiếu gia. Như ngài nói, có lẽ ngày mai ngài sẽ về.
Lúc đó, ta sẽ không phải ở một mình nữa.
Ta chấm tay vào chút nước trên khung cửa sổ, rồi viết nguệch ngoạc trên mép giường. Đại thiếu gia đã dạy ta rất nhiều chữ, nhưng có hai chữ ta chưa từng viết liền nhau bao giờ.
Chữ viết bằng nước, chỉ chốc lát là khô đi, biến mất chẳng còn dấu vết. Rõ ràng là một khoảng trống, vậy mà ta lại ngẩn ngơ nhìn hồi lâu.
Hai chữ ấy là “Nguỵ Chiêu”.
Có lẽ lòng thành khiến lời ước nguyện linh nghiệm, sáng hôm sau, khi ta đang phơi quần áo trong sân, nghe tiếng xe ngựa ngoài cổng, đại thiếu gia thật sự đã trở về.
Ngài không mang theo hành lý gì, chỉ cầm trên tay một cây giống. Cây giống cao nửa thân người, đại thiếu gia chân cẳng không tiện, ta vội chạy lên giúp ngài.
Ta hỏi tại sao ngài lại đột ngột quay về, ngay cả Kiếm Như cũng không đi cùng.
Đại thiếu gia dừng bước, theo thói quen định xoa xoa đầu ta, nhưng đưa tay ra nửa chừng lại rụt lại, chỉ phủi lớp bùn dính trên cây giống.
Ngài mỉm cười nói với ta: “Thập Lục, ngươi đã đến tuổi cập kê rồi.”
Lúc này ta mới nhớ ra, hôm nay là sinh nhật mình.
Chúng ta cùng đào hố, lấp đất, tưới nước. Cuối cùng, cây giống được trồng ngay bên ngoài cửa sổ thư phòng của đại thiếu gia, chỉ cần mở cửa là có thể nhìn thấy.
Đó là một cây lựu.
Tối đến, sau khi rửa bát xong, ta về phòng và thấy trên bàn có một chiếc hộp gấm. Mở ra, bên trong là một cây trâm và một đôi khuyên tai bằng đá quý đỏ rực, được chạm khắc thành hình trái lựu.
Chủ nhân tốt đến đâu, cũng hiếm ai tặng quà vào lễ cập kê cho nha hoàn. Ta không thể nhận món quà này.
Ta ôm hộp gấm đến gõ cửa phòng đại thiếu gia.
Ngài mở cửa, khoác chiếc áo choàng dày màu đen ánh xanh, sắc mặt hơi nhợt nhạt. Tuy sáng tối xuân còn se lạnh, nhưng trong phòng không đến mức phải mặc dày như vậy.
Ta giật mình hỏi: “Thiếu gia, ngài lại thấy lạnh sao?”
Đại thiếu gia gật đầu.
“Nô… để nô tỳ xoa bóp cho ngài nhé.”
Theo thói quen, ta vội vươn tay, nhưng bị Đại thiếu gia nhanh chóng ngăn lại. Ngài nói:“…Không cần… thật ra cũng không lạnh lắm.”
Tay ta bị đại thiếu gia nắm chặt, lúc đó ta mới nhận ra, mình đã đến tuổi cập kê, làm sao còn có thể… xoa bóp cho đại thiếu gia được…
Mặt ta lập tức đỏ bừng, nóng ran. Ta cuống quýt rút tay ra khỏi tay ngài, lắp bắp nói: “À… cái này… đột nhiên nô tỳ nhớ ra còn chút việc… để, để nô tỳ đi chuẩn bị chậu than cho ngài…”
Ta chạy trốn.
Chạy vấp váp, rối tinh rối mù.