Ta Viết Dã Sử Hot Khắp Dân Gian! - Chương 2
07
Ta đang ở nhà, gãi đầu đến sắp hói.
Nhưng ta đang bị tắc ý, ngồi trước án thư cả nửa ngày mà vẫn không biết viết hồi thứ ba như thế nào.
Ta đang nghĩ: “Giá như được gặp Nhiếp chính vương để tìm chút cảm hứng thì tốt biết mấy.”
Nào ngờ, vừa mới nghĩ vậy thì có một đạo thánh chỉ đến.
Viên thái giám truyền chỉ nói lải nhải một hồi, ta chỉ nghe được: “Ban cho Phương Nhược làm Sử quan của triều đình, lập tức vào cung.”
Ta lập tức tái mặt, run rẩy như cầy sấy.
Trời ơi!
Cha ta làm Sử quan giờ hẵng còn trong ngục.
Huynh ta làm Sử quan bị đày đến Lĩnh Nam hít khí độc.
Giờ Nhiếp chính vương lại không tha cả ta nữa!
Viên thái giám nhìn thấy vẻ mặt tái nhợt của ta, trong mắt lóe lên vẻ khinh miệt: “Phương cô nương… à không, phải gọi là Tiểu Phương đại nhân mới đúng. Nữ Sử quan này là lần đầu tiên trong lịch sử, ngài còn không mau tiếp chỉ đi!”
Ta run rẩy nhận lấy thánh chỉ.
Rồi lại run rẩy theo viên thái giám vào cung.
Đi qua những bức tường cao ngõ sâu, viên thái giám đưa ta vào Nghị sự các: “Các vị đại nhân, Tiểu Phương đại nhân đã đến.”
Ta bước vào nhìn, lập tức quỳ xuống đất.
Đây chẳng phải là Nhiếp chính vương khét tiếng và bảy tên thái giám huynh đệ của hắn ta sao?!
Ta đã rơi vào hang ổ của kẻ thù rồi sao?
Chẳng lẽ việc ta viết “Dã sử” đã bị phát hiện?
Không thể nào, ta viết cái đó đều dùng bút danh mà, quy tắc giang hồ là không được tự ý vạch trần danh tính người khác.
Huống chi hắn còn phong cho ta làm Sử quan.
Ta không hiểu chuyện gì đang xảy ra, run rẩy hành lễ: “Tham… tham… tham kiến Nhiếp chính vương và các vị đại nhân.”
Ta càng run, Nhiếp chính vương càng hứng thú.
Hắn cười và nói với tôi: “Phương Nhược, ta cho ngươi một cơ hội để cứu cha và anh trai ngươi, ngươi muốn hay không?”
Ta không chút khí tiết quỳ xuống đất.
Vừa dập đầu vừa kêu lên: “Có câu cổ ngữ nói rất hay: Kẻ biết thời thế mới là người tài giỏi!”
08
Ta đã trở thành Sử quan.
Ngày hôm sau tại triều, Nhiếp chính vương chỉ vào ta nói: “Đây chính là con gái út của cựu Sử quan Phương, hôm qua Thánh thượng đã đề bạt nàng làm tân Sử quan.”
Vị Hoàng đế còn nhỏ dại vẫn đang ngồi trên ngai ăn bánh.
Các vị Thị lang và đại thần bên cạnh xì xào to nhỏ: “Này, triều ta có một nữ Sử quan, mới mẻ quá!”
Chỉ có viên Ngôn quan bước ra khen ngợi: “Cựu Sử quan họ Phương trung thành gan dạ, chắc hẳn tiểu Phương đại nhân cũng không thua kém.”
Ta hơi ngượng ngùng cúi đầu.
Ta nào có thua kém hơn đâu, mà còn thua kém rất nhiều mới đúng.
Ngày đó tại triều sớm, Ngôn quan rất nhanh lại cãi nhau với Nhiếp chính vương.
Nhiếp chính vương tức giận đỏ mặt tía tai: “Đồ súc sinh! Bổn vương muốn chém đầu ngươi!”
Ngôn quan mặt không đổi sắc: “Tiểu thần hi sinh vì nước là việc may mắn, chết một Ngôn quan như ta, vẫn còn hàng ngàn hàng vạn Ngôn quan can gián khác.”
Vị Thị lang đứng ra hòa giải.
Ông nói: “Nhiếp chính vương một người chi phối vạn người, sao phải so đo với tên súc sinh này! Chi bằng bỏ qua chuyện này đi?”
Nhiếp chính vương càng thêm tức giận: Sáng sớm bị người ta chỉ thẳng mặt mắng một trận, giờ lại bảo hắn bỏ qua?!
Hắn nuốt không trôi cơn giận này.
Nhưng nghĩ lại, hắn vẫn nuốt xuống, người làm việc lớn không câu nệ chuyện nhỏ.
Tuy nhiên vẫn không quên trả đũa Ngôn quan một phen.
Nhiếp chính vương chỉ định ta: “Sử quan, việc lớn như vậy tại triều sớm hôm nay, chẳng lẽ không đáng để ghi chép lại sao!”
Ta vốn đang ngáp vì phải dậy sớm đi chầu.
Bị gọi tên đột ngột, ta giật mình tỉnh táo.
Ta run rẩy đứng lên: “Viết… viết… viết gì ạ?”
Nhiếp chính vương liếc mắt nhìn.
Rồi làm động tác cắt cổ với ta.
Ta sợ hãi lập tức hiểu ra: “Viết… Nhiếp chính vương nhịn nhục trên triều, quả thật là bậc khai quốc công thần có lòng khoan dung độ lượng!”
Ngôn quan kinh ngạc nhìn ta.
Ông ta im lặng hồi lâu, cuối cùng chỉ nói được một câu: “Ngươi thật sự là họ Phương sao?”
Nhiếp chính vương vui vẻ trả lời thay: “Đúng không sai! Ngay cả Sử quan cũng nói bổn vương khoan dung độ lượng, vậy bổn vương sẽ không so đo với ngươi nữa.”
09
Ta hiểu rõ việc gió chiều nào theo chiều ấy.
Ta cũng hiểu việc lập công.
Đi chầu được vài ngày, ta liền chạy đến hỏi Nhiếp chính vương: “Ngài thấy gần đây thần biểu hiện tốt như vậy, hay là ban cho thần chút ân huệ?”
Nhiếp chính vương tâm trạng tốt.
Lập tức đáp ứng ta: “Ngày mai sẽ cho anh trai ngươi từ Lĩnh Nam về kinh!”
Ta vô cùng mừng rỡ.
Những ngày phải dậy sớm điểm danh khi trời còn chưa sáng thật không phải là cách sống của con người.
Ta mong ngóng từng ngày cuối cùng cũng đón được anh trai về kinh thành.
Ta lấy ra cây bút Sử quan đưa cho huynh ấy.
Rồi lại nói với Nhiếp chính vương: “Hạ quan tài học nông cạn, anh trai thần mới thực sự là Sử quan, hay để anh ấy thay thế vị trí của thần.”
Nhiếp chính vương do dự, dù sao anh trai ta cũng từng viết xấu về hă hắn.
Ta lại nói: “Đó đều là chuyện quá khứ rồi, anh trai thần giờ không viết nữa.”
Anh trai ta ở Lĩnh Nam chịu đủ đắng cay.
Về đến nơi liền ăn một hơi ba bát cơm lớn.
Huynh ấy ôm bát to khóc lóc: “Muội muội, huynh không muốn đi Lĩnh Nam nữa đâu, cái gì mà khí độc côn trùng, trời ơi đất hỡi, huynh từ bé là công tử thế gia làm sao chịu nổi khổ cực như vậy chứ!”
Ta nghĩ chắc chắn huynh ấy không dám đắc tội với Nhiếp chính vương nữa đâu.
10
Ta vui vẻ giao hết mọi việc cho anh trai.
Thoải mái ngủ đến tận trưa.
Những ngày không phải dậy nửa đêm để điểm danh thật là sướng quá!
Nào ngờ mới được nửa ngày tốt đẹp, ta đã bị Viên công công truyền chỉ kéo ra khỏi chăn ấm:
“Tiểu Phương đại nhân, anh trai của ngươi ngày đầu tiên vào triều đã đắc tội với Nhiếp chính vương, Thánh thượng hạ chỉ cho ngươi quay lại triều đình.”
Ta hai mắt trợn tròn quỳ xuống nhận chỉ.
Sao lại thế này!
Ta hỏi viên công công: “Thế… thế… thế còn anh trai của ta?”
Viên công công che miệng cười nhạo: “Nhiếp chính vương đã đày hắn đến Mạc Bắc rồi, khởi hành cách đây nửa canh giờ. Làm quan mới nửa ngày đã bị đày đi, quả thật là chuyện chưa từng có! Nhà các ngươi đúng là nhân tài xuất hiện liên tiếp!”
Khó mà tưởng tượng được anh trai của ta đã nói gì trên triều đình.
Mà Nhiếp chính vương lại có thể lập tức đưa huynh ấy đến Mạc Bắc.
Nhưng Mạc Bắc cũng đâu có dễ chịu hơn Lĩnh Nam!
Trời ơi anh trai của ta, huynh đã làm chuyện tày trời gì vậy!
Hôm sau lên triều, Nhiếp chính vương thấy ta thì thở phào nhẹ nhõm: “Vẫn là ngươi khiến ta yên tâm hơn.”
Ngôn quan thấy ta liền xoay người khinh thường.
Dường như đang nghĩ nhà ta trung liệt cả họ sao lại sinh ra kẻ phản bội như ta.
Vẫn là vị Thị lang hay góp vui chạy đến kể cho ta nghe: “Huynh trưởng của ngươi thật là gan dạ!”
Nghe nói hôm qua anh trai ta đã chỉ thẳng mặt mắng Nhiếp chính vương.
Không chỉ giúp Ngôn quan mắng Nhiếp chính vương.
Mà còn liên tục chọc vào nỗi đau của Nhiếp chính vương.
Nhiếp chính vương: “Bổn vương thấy việc này nên thế này thế kia…”
Huynh trưởng ta: “Ngươi giết vua.”
Nhiếp chính vương: “Bổn vương thấy việc đó nên thế này thế kia…”
Huynh trưởng ta: “Ngươi giết vua.”
Nhiếp chính vương: “…”
Huynh trưởng ta ném cuốn sử sách xuống đất, tức giận bỏ việc: “Trong này viết toàn những gì vậy! Tại sao không viết việc ngươi giết vua, mà lại viết đầy những chuyện ngươi trung thành yêu nước?! Ta không làm nữa!”
11
Sau khi tan triều.
Ta viết dài dòng một lá thư chất vấn anh trai.
[Huynh không phải nói không muốn chịu khổ nữa sao? Hả?!]
[Huynh không phải đã nhớ thịt nhớ cơm đến phát điên rồi sao?!]
[Huynh nói xem huynh chọc giận Nhiếp chính vương làm gì?]
Huynh trưởng ta nhanh chóng hồi âm.
Thái độ rất thành khẩn, nói rằng do dậy quá sớm nên đầu óc chưa tỉnh táo, lần sau chắc chắn sẽ không như vậy nữa.
Huynh ấy còn nói Mạc Bắc khô hanh, sẽ làm làn da mịn màng của huynh ấy trở nên thô ráp.
Bảo ta nghĩ cách đưa huynh ấy trở về.
Ta thở dài.
Còn có thể làm gì nữa đây?
Là anh trai ruột của mình, đương nhiên phải tiếp tục cứu rồi!
Thế là ta lại bắt đầu cuộc sống dậy sớm đi chầu.
Mỗi ngày lên triều, Ngôn quan trước tiên phản đối mọi quyết sách của Nhiếp chính vương.
Sau đó Thị lang nhảy ra hòa giải thuận tiện làm dịu tình hình.
Cuối cùng ta ôm sử sách ra quỳ nịnh Nhiếp chính vương.
Nửa tháng sau, quy trình này cả triều đình đều quen thuộc.
Trên đường gặp các vị đại nhân đều khen ta một câu: “Tiểu Phương đại nhân quả là thiếu niên anh tài!”
Ta mới chợt nhận ra—
Chết rồi, ta đã trở thành trụ cột triều đình mất rồi.
Nhưng vẫn phải tiếp tục cứu anh trai.
Ba tháng sau, ta chọn lúc Nhiếp chính vương tâm trạng tốt để hỏi: “Ngài thấy anh trai của ta… tuổi trẻ nông nổi, ăn nói bừa bãi, huynh ấy đã biết lỗi rồi, lần sau chắc chắn không dám nữa đâu, ngài cho huynh ấy về kinh được không?”
Nhiếp chính vương suy nghĩ một lúc rồi đồng ý.
Những ngày qua ta đã phần nào hiểu được tính tình của hắn.
Nhiếp chính vương mặt mỏng thích thể diện, lại nóng tính, dễ nổi giận, nhưng khi hết giận rồi lại bắt đầu nói lý.
Hắn đồng ý cho anh trai ta về.
Chỉ là không đồng ý cho huynh ấy thay thế vị trí của ta.
Được về là tốt rồi.
Chức này ta cứ làm trước, đợi cứu được phụ thân ra rồi sẽ từ quan.
Nhưng lần này từ Mạc Bắc trở về, anh trai ta không gầy đi.
Không những cao hơn, da dẻ còn trở nên thô ráp đen sạm, cả người cũng vạm vỡ hơn nhiều.
Huynh ấy nói: “Ta ở Mạc Bắc quen biết vài người bạn, họ dạy ta ít võ nghệ, đều là những người trung thành gan dạ, đây mới là trụ cột của đất nước.”
Kết quả là anh trai ta ở bên ngoài quen biết vài trụ cột.
Về nhà lại mắng ta là trụ cột này.
Huynh ấy thấy sử sách ta viết,
Lập tức nổi giận: “Đồ phản bội! Sao có thể nói tốt cho tên nghịch tặc giết vua!”
Đúng lúc Nhiếp chính vương đến phủ tìm ta.
Vừa vào cửa đã nghe anh trai ta mắng ta, tiện thể mắng luôn cả hắn.
Nhiếp chính vương đại nộ: “Đưa hắn đi đày đến Ninh Cổ Tháp!”
Những ngày sau đó lại trở nên có quy củ.
Huynh trưởng ta lại bị đày đi.
Ta mỗi ngày lên triều quỳ nịnh Nhiếp chính vương, tiện thể tìm cơ hội cứu anh trai về kinh.
Nhưng bây giờ yên tâm hơn rồi.
Mỗi lần có lệnh triệu hồi, anh trai ta liền viết thư mắng Nhiếp chính vương.
Chẳng cần huynh ấy về kinh nữa.
Nhiếp chính vương lại ra lệnh: “Đưa hắn đi đày đến Nam Cương/Ngọc Môn Quan/Tây Vực!”
Trong một năm, anh trai ta đã đi khắp biên cương.
Cho đến lần cuối cùng, Nhiếp chính vương giận quá, tìm trên bản đồ hồi lâu, cuối cùng chỉ vào một hòn đảo nhỏ trên biển: “Đây cũng là lãnh thổ của chúng ta! Đưa tên hay viết thư kia đến đó, cả đời đừng về nữa!”
Thế là anh trai ta lại bị đày đến Lưu Cầu.