Số Phận Của Bốn Nha Hoàn - Chương 3
10.
Thu Sương lau khô nước mắt, giả vờ tức giận, hùng hùng hổ hổ rời đi.
Nàng cố ý gây ra tiếng động thật lớn, để người khác biết rằng ta đã sợ hãi đến ngây ngốc, cũng căm ghét Hạ Hà đến tận cùng.
Nhưng ta biết chuyện chưa kết thúc, Xuân Lộ tỷ đã bỏ trốn, Đại phu nhân nhất định sẽ đến hỏi tội ta.
Nhị phu nhân lại thở dài bước vào: “Ban đầu ngươi có thai là chuyện vui, nhưng bây giờ trong phủ rối ren, ta cũng không thể thay ngươi chúc mừng được. May mà lão phu nhân thương tình, không cho phép những người kia đến hỏi han ngươi nữa, tránh ngươi hồi tưởng lại cảnh tượng đẫm máu mà ảnh hưởng đến thai nhi.”
Thì ra đại phu vừa đến bắt mạch cho ta, ta thật sự đã có thai.
Ta bị tin tức này làm choáng váng, phải một lúc lâu sau mới nghiêm trang hành lễ với Nhị phu nhân, nói: “Tạ ơn ngài, ngài thật là một người tốt.”
Ta hiểu rất rõ lão phu nhân, nhất định là Nhị phu nhân đã chủ động đề xuất việc để ta dưỡng thai, lão phu nhân mới thuận nước đầy thuyền. Bà sợ nhất người khác nói bà cay nghiệt con thứ, công phu ngoài mặt lúc nào cũng làm rất tốt.
Nhị phu nhân không giống Đại phu nhân làm chuyện gì cũng phải khua chiêng gõ trống, nàng chỉ lặng lẽ miễn cho ta lễ sáng tối, còn thêm khẩu phần thức ăn, mọi thứ đều kín đáo, nhưng rất thích hợp để ta an thai.
Đứa con này, ta lo lắng hơn bất kỳ ai, cũng tránh né những người ở viện của Đại phu nhân nhiều nhất. Cho đến khi mang thai sáu bảy tháng, bà đỡ có kinh nghiệm mới nói rằng ta nên đi lại nhiều hơn để dễ sinh nở, ta mới đi dạo quanh hoa viên vài lần.
Đi nhiều, khó tránh khỏi gặp đám trẻ đang chơi đùa ở đó.
Đại phu nhân bế thiếu gia Trình Viễn, khuôn mặt đầy vẻ hiền từ, cẩn thận dỗ dành, không nỡ để người khác bế thay dù chỉ một lúc.
Ta núp trong góc, lặng lẽ nghĩ, dù gì thì Hạ Hà cũng được như ý một lần. Nhi tử của nàng sẽ rất tốt, rất tốt.
11.
Ta cứ ngỡ đây là chuyện lớn nhất mà ta có thể gặp phải khi đi dạo trong hoa viên.
Nhưng gần đến ngày sinh, ta càng mất ngủ, đôi khi không kìm được lại đi dạo một mình vào ban đêm. Lần đó, ta bắt gặp Hữu Tuệ tiểu thư đang lén trèo cây hái đào.
Ban ngày ta đã nghe nàng nói muốn trèo cây, nhưng Nhị phu nhân không cho phép, vậy mà ban đêm nàng lại lén ra ngoài một mình.
Cái cây ấy cao đến thế, một tiểu cô nương mới hơn ba tuổi lại đứng loạng choạng trên đó. Ta sợ làm nàng hoảng nên không dám gọi lớn, nhưng khi tìm khắp vườn cũng không thấy một hạ nhân nào cả.
Không kịp nghĩ ngợi gì thêm, khi nàng ngã thẳng xuống, ta đã vô thức lấy thân mình đỡ lấy.
Ta ngã xuống đất, đau đớn dữ dội, đứa trẻ cuối cùng cũng sợ hãi khóc lớn, lúc đó mới có người gác đêm chạy đến cứu giúp.
Từng chậu nước đỏ như máu được bưng ra ngoài, Nhị phu nhân nhét nhân sâm vào miệng ta, siết chặt tay ta để động viên: “Đại phu nói nếu không nhờ ngươi đỡ lấy lúc ấy, chân của Hữu Tuệ tiểu thư có thể đã bị tật. Tiểu Tuyết, chỉ cần ngươi sống sót, bất kể ngươi muốn gì, ta đều đáp ứng.”
Cảm giác máu thịt bị xé rời khỏi cơ thể làm ta tưởng như mình sắp chết. Nghĩ đến đứa trẻ bụ bẫm trong hoa viên, lòng ta bỗng dấy lên lòng tham, ta không nói rằng đây là điều ta phải làm, mà siết chặt tay Nhị phu nhân, nói:
“Phu nhân, ta không cầu cho bản thân, có thể gặp được người và Nhị gia đã là phúc của ta. Ta chỉ cầu xin người một điều, bất kể hôm nay ta sống hay chết, xin người hãy ghi đứa trẻ này dưới danh nghĩa của người.”
Lòng người vốn không bao giờ đủ, trước đây chỉ cần là con của chủ tử, ta đã mãn nguyện. Nhưng giờ có cơ hội, ta lại muốn tương lai của đứa trẻ trong bụng tốt đẹp hơn.
Nhìn thấy Nhị phu nhân gật đầu trong chớp mắt, cơ thể ta như được tiếp thêm sức lực. Ta dùng hết sức lực cuối cùng, tiếng khóc của đứa trẻ vang lên.
12.
Theo thứ tự của Hữu Tuệ tiểu thư, Nhị gia đặt tên cho đứa trẻ là Hữu Nghi.
Đại phu nói ta bị tổn thương nặng, có lẽ sẽ không thể sinh thêm đứa thứ hai, ta có chút thất vọng vì không thể sinh thêm một đệ đệ để bảo vệ nàng.
Nhưng trong cái rủi có cái may, Nhị phu nhân đối xử với nàng càng thêm chu đáo, Trình Sơn thiếu gia và Hữu Tuệ tiểu thư cũng thích trêu đùa nàng.
Nàng được nuôi dưỡng trong viện của Nhị phu nhân, ta kiềm chế không đến thăm, càng ít tiếp xúc với thân mẫu ruột, tương lai của nàng càng tốt đẹp hơn.
Khi nàng ba tháng tuổi, Nhị phu nhân mang nàng đến thăm ta, không hài lòng nói: “Ngay cả nữ nhi ruột của mình mà cũng không dám gần gũi, ngươi là không tin tưởng ta sao?
“Ngươi giờ đã làm nương, nên hiểu rằng, đêm đó ngươi cứu Hữu Tuệ, cũng chính là cứu ta. Ta nói với ngươi lời thật lòng, ta và phu quân đều là thứ xuất, chúng ta hiểu nỗi khổ của di nương, ngươi không cần phải làm như vậy.”
Ta tất nhiên hiểu, ngay từ đầu ta chọn Nhị gia, chính là vì họ có lòng đồng cảm này, nên nhất định sẽ đối xử tốt với thứ tử và thứ nữ. Nhưng ta cũng biết, họ là cặp phu thê thực sự ân ái, vốn không nên có ta.
Nhị phu nhân đối xử chân thành với ta, ta lấy hết dũng khí hỏi: “Nhìn tình cảnh trong viện của Tam gia, người thật sự chưa từng sợ hãi, cũng không hận ta sao?”
Trước đây, Đại phu nhân không cho Đại gia nạp thiếp, Nhị gia thì tự mình không muốn, Tam gia tuổi còn nhỏ mới thành thân, ân ái với Tam phu nhân như keo sơn, trong ba viện đều không có người ngoài.
Lão phu nhân nhúng tay một lần, ban đầu ai cũng nghĩ Đại gia sẽ là người phóng túng nhất, nhưng cuối cùng lại là Tam gia hưởng thụ ngọt ngào, nạp từng phòng từng phòng thiếp thất. Tam phu nhân không có sự sắc bén và gia thế của Đại phu nhân, chỉ có thể nuốt nước mắt vào trong.
Nhị phu nhân cười: “Làm nữ nhân sao có thể không sợ? Nhưng dù sợ đến đâu, ta cũng biết người khiến ta an tâm không phải là ngươi, mà là phu quân của ta. Nếu chàng muốn, có hay không có ngươi đều như nhau.”
“Huống hồ, trong phủ này còn có lão phu nhân. Loại gia đình như chúng ta, nếu không có một phòng thiếp thất, người bị chỉ trích sẽ chính là ta. Dù không phải là ngươi, cũng sẽ là người khác.
“Ta ngược lại thấy may mắn vì đó là ngươi, người hiểu tiến lui lại thiện tâm. Nếu không, Hữu Tuệ của ta sẽ ra sao đây?”
Tháo gỡ được khúc mắc này, ta bớt đi một phần áy náy, nhưng vẫn hỏi: “Phu nhân, xin người tha thứ cho ta mạo phạm. Khi người còn là cô nương, người có từng ngưỡng mộ đích tỷ của mình không? Ngưỡng mộ nàng có một người mẫu thân gả vào vọng tộc, không phải nghe những lời không hay.”
Nhị phu nhân nhìn ta, hồi lâu mới thở dài.
Nàng hiểu rồi, nỗi sợ của ta từ trước đến nay không phải vị chủ mẫu là nàng này, mà là thân phận nha hoàn của ta, sẽ khiến Hữu Nghi đau lòng vì ta.
Sợi dây liên kết càng ít, nàng sẽ càng bớt đau lòng vì ta.
13.
Nhị gia không cần ta phải sinh thêm con để bảo đảm vị trí, nên khi đến phòng ta chỉ cần nói chuyện phiếm. Ta và họ dần trở thành người thân.
Hữu Nghi lúc nhỏ thật đáng yêu, nàng nghĩ ta là muội muội của Nhị phu nhân, mỗi lần không tránh được việc gặp mặt, nàng đều ngọt ngào gọi ta là “A di”.
Lúc một tuổi, nàng nhỏ dãi khắp nơi, ta làm khăn tay cho nàng.
Ba tuổi, nàng nghịch ngợm không kém gì Hữu Tuệ tiểu thư, ta lặng lẽ đi theo phía sau, không dám rời mắt.
Bốn tuổi, nàng cãi nhau với Hữu Tuệ tiểu thư rồi khóc trong viện, ta không dám xuất hiện dỗ dành, chỉ có thể hái thật nhiều cánh hoa, bảo tiểu nha hoàn rải đầy lên đầu nàng, khiến nàng từ khóc chuyển sang cười, như cười thẳng vào tim ta.
Sáu tuổi học chữ, bảy tuổi gặp nữ tiên sinh, từng việc từng việc, ta đều vui mừng khắc ghi. Hữu Nghi của ta, lớn lên xinh đẹp không kém gì Hữu Tuệ tiểu thư.
Nhưng năm nàng tám tuổi, nàng xông vào phòng ta, mắt đỏ hoe hỏi: “Tuyết di nương, bọn họ nói người mới là thân mẫu của ta, điều đó có đúng không?”
Một tiểu nha hoàn chạy theo sau nàng, khóc thảm thiết nói: “Tiểu thư, là ta nói bừa, xin đừng hỏi nữa. Nếu để phu nhân biết, ta sẽ bị đánh chết mất.”
Nha hoàn đồng lứa bên cạnh tiểu thư thường ngây thơ hơn, nghe cha mẹ bàn tán vài câu liền không nhịn được mà nói hết với Hữu Nghi.
Ta hoảng hốt, tay chân run rẩy, cố gắng giữ vẻ bình tĩnh mà lắc đầu: “Tam tiểu thư, đừng đùa ta. Người được nuôi dưỡng trong viện của phu nhân, sao có thể là con của ta?”
Nhưng trên bàn của ta lại đặt chiếc khăn tay thêu hoa đào, đó là kiểu hoa nàng thích nhất.
Nàng giận dữ trừng mắt nhìn ta, không nói thêm lời nào, chỉ cầm lấy chiếc khăn tay rồi bỏ chạy. Ta muốn đuổi theo, nhưng chân lại mềm nhũn, một bước cũng không bước nổi.
Cuối cùng, vẫn là phu nhân sai người đưa thư đến cho ta, nói rằng Hữu Tuệ tiểu thư đang khuyên nàng. Chỉ là tiểu nha hoàn kia, nàng nhất quyết không chịu bị trừng phạt hay đuổi đi.
Ta lo lắng chờ đợi, sợ nàng làm loạn, sợ lời đồn bị người khác nghe thấy, sợ dấu ấn xuất thân của ta ảnh hưởng đến nàng.
May mắn thay, cuối cùng mọi chuyện cũng yên bình trôi qua.
Nhưng từ đó, ta không dám thường xuyên trốn trong bóng tối để nhìn nàng nữa, những ngày tháng bỗng chốc trở nên thật khó khăn.
Đến ngày sinh thần, Nhị phu nhân chuẩn bị cho ta một bàn tiệc rượu. Người cùng Nhị gia phải ra ngoài xã giao không thể tới, tiểu nha hoàn theo giúp ta uống vài chén, say đến mức ta phải cho nàng về nghỉ ngơi.
Hữu Nghi đến đúng lúc đó, trên tay cầm một cuộn giấy, khuôn mặt nhỏ vẫn hờn dỗi, bước đến bên cạnh ta, mở cuộn giấy ra nói: “Tiên sinh dạo gần đây dạy chúng ta viết chữ ‘thọ’, mẫu thân nói làm người phải tiết kiệm. Ta đã viết, nên tặng cho người vậy!”
Nàng giả vờ không quan tâm, nhưng ánh mắt lại vô tình lộ ra sự chờ mong, mong ta vui vẻ.
Thực ra, chẳng cần đến bức chữ này. Từ lúc nàng bước vào phòng, ta đã biết mọi thứ đều đáng giá. Nhị phu nhân dạy dỗ nàng thật tốt, tốt đến mức ngay cả một người như ta, nàng cũng thừa nhận.
Ta không nhịn được ôm chặt lấy nàng, nàng nhỏ giọng khóc thút thít bên tai ta: “A tỷ nói người làm mọi thứ đều vì con. Chỉ cần trong mắt người ngoài con là lớn lên bên mẫu thân, dù biết thân thế của mình, tương lai con cũng sẽ tốt hơn là lớn lên bên cạnh người. Vậy nên, con không thể gọi người là nương sao?”
Lời nàng khiến tim ta thắt lại, ta lo lắng kéo nàng ra, cẩn thận nhìn từ trên xuống dưới: “Có chuyện gì sao? Phu nhân đối xử với con không tốt à? Không thể nào, người là người tốt như vậy.”
Nàng cúi đầu: “Mẫu thân tất nhiên là tốt, người là người tốt nhất trên đời. Nhưng con biết con và a tỷ không giống nhau, ánh mắt người nhìn chúng con là khác biệt.”
“Giống như bây giờ, chính ánh mắt người nhìn con, dù người nhận hay không, con cũng biết người là nương của con.”
“Nương, con hiểu chuyện mà. Con sẽ không gọi trước mặt người khác, nhưng lén gọi có được không?”
14.
Không có mẫu thân nào có thể cãi lại con mình, từ đó mỗi năm vào ngày sinh thần, đều trở thành ngày ta mong chờ nhất.
Nhưng đến năm Hữu Nghi lên mười tuổi, Thu Sương hiếm hoi tìm đến ta.
Những năm qua, chúng ta đều hy vọng đối phương sống tốt, nhưng bề ngoài lại ít qua lại.
Nàng gần như quỳ xuống trước mặt ta: “Tiểu Tuyết, ngươi giúp ta với, Hạo nhi đọc sách giỏi như vậy, ta không đành lòng để hắn làm nô bộc cả đời.”
Khi xưa ta không muốn đóng chiếc đinh vào lòng nàng, nhưng chậm mười mấy năm, chính ta lại tự tay đóng nó.
Con trai của nàng, Lưu Hạo, bảy tuổi vào tộc học làm việc, năm năm trôi qua, đã thuộc hết những quyển sách mà đám thiếu gia không nhớ nổi.
“Chúng ta vốn không dám mơ hắn làm người đọc sách, nhưng mỗi lần thấy ánh mắt hắn nhìn sách sáng rực, lòng ta lại đau xót. Một vị tiên sinh tốt bụng trong tộc học nói nhỏ với hắn, nếu hắn tiếp tục học, nếu hắn có thể đi ứng thí, tương lai đỗ đạt còn có hy vọng lớn hơn tất cả thiếu gia trong phủ.”
“Cha hắn đã chạy hết các mối quan hệ, nhưng đi đâu cũng chỉ nhận được một câu: ‘Phủ này, không bao giờ cho phép nô tài chuộc thân.'”
Thu Sương ngẩng đầu nhìn ta, như nhìn cây cỏ cứu mạng cuối cùng: “Tiểu Tuyết, ngươi ở nội viện, xin ngươi, giúp ta một lần này thôi!”