Sau Khi Bị Đoạt Mối Hôn Sự, Ta Lựa Chọn Tu Hành - Chương 3
09.
Nhàn phi nương nương tính tình ôn hoà, còn dưỡng dục hoàng tử nên người, sinh thần năm nay lại đúng năm tuổi tròn, nên hoàng đế đặc biệt ban ân điển, tổ chức thật lớn.
Nơi hậu cung đã rất náo nhiệt.
Lúc bọn ta tới nơi, đã có không ít thân quyến của quan lại đến đây.
Sau khi mẫu thân dặn ta phải an phận thủ thường, bà dẫn Thiện Linh đi tìm những phu nhân quen mặt để trò chuyện.
Thiện Linh cũng sắp đến tuổi cập kê, mẫu thân đang lót đường cho hôn sự của muội ấy.
Ta nhìn theo bóng dáng cứ như mẹ con ruột của họ, dễ dàng bỏ rơi ma ma mẫu thân để lại cạnh ta.
Thơ thẩn đi đến Phi Tinh Lâu, đó là nơi ở của quốc sư các triều.
Binh lính thấy ngọc bội trong tay ta, để cho ta vào.
Trong Phi Tinh lâu, quốc sư Tố Lê đang ngồi ở chủ vị nơi chính điện, bên dưới là bốn thiếu nam thiếu nữ mặc y phục trắng đứng hai bên.
Ta hành lễ: “Quốc sư!”
Người nọ ừ một tiếng: “Tới rồi? Thay quần áo đi. Một lát ta dẫn mọi người đi gặp Đế Hậu, ngày mai sẽ cùng về núi Hồng Mông.”
Ta không nhiều lời, đi cùng bọn họ.
Hồng Mông sơn là môn phái tu hành duy nhất trên thế gian, cũng không xuất thần nhập hóa như lời đồn.
Nhưng đúng là rất biết bói chuyện may rủi, xem vận thế, cầu phúc tránh tai ương gì đó.
Người của Hồng Mông sơn rất hiếm khi xuống núi, nhưng lại được thế nhân tôn sùng kính ngưỡng.
Phi Tinh lâu quốc sư các triều cũng đều xuất thân từ Hồng Mông sơn.
Nhưng Hồng Mông sơn có một luật lệ bất di bất dịch, đó là người vào núi tu hành phải đoạn tuyệt trần duyên. Không còn quan hệ gì với người quen cũ, tựa như bắt đầu lại một kiếp người.
Người của Hồng Mông sơn cũng không được thành thân, một khi đã vào núi, thì không có người nối dõi tông đường.
Cũng chính vì thế nên dù có được tôn sùng đến đâu, cũng không ai muốn bái nhập Hồng Mông sơn.
Chỉ có người gia cảnh bần hàn, cùng đường tuyệt lộ, lại có thiên phú mới bước vào đây.
Mà ta, là trường hợp đặc biệt.
10.
Lần đầu gặp quốc sư, là năm ta mười hai tuổi.
Năm đó cô cô tặng ta một chiếc đàn tranh, ta rất thích nó.
Nhưng mẫu thân lại nói giúp cho đường tỷ, bà nói: “Cô cô tặng tỷ tỷ con một cây tỳ bà, nhưng thật ra nó thích đàn tranh hơn. Dù sao cũng là tấm lòng của cô cô, nó không tiện từ chối. Thiện An, con đưa đàn tranh cho tỷ tỷ con đi.”
Con người này của ta, đối với một số chuyện thì vô cùng chấp nhất.
Nếu cây đàn đó là của ta, ta sẽ cho tỷ ấy. Nhưng đó là đàn cô cô tặng, đúng như lời mẫu thân nói, đó là tấm lòng của cô cô, ta không thể nào đem cho người khác được.
Thế nên ta kịch liệt chống đối mẫu thân, nói thế nào cũng không đưa.
Bà ấy tức giận phạt ta quỳ suốt một buổi chiều, đầu gối ta khi ấy đau nhức không thôi.
Năm ấy ta vẫn còn quan tâm đến thái độ của mẫu thân, bà đối xử với ta như vậy, ta thấy ấm ức vô cùng.
Nhưng lại không biết làm sao, đành trèo tường ra khỏi phủ, núp dưới góc tường thút thít.
Ta cũng không biết mình đã khóc bao lâu, lúc ngẩng lên đã thấy quốc sư Tố Lê đứng cách đó không xa, vẫn luôn nhìn ta.
Y nhìn ta bằng đôi mắt nhân hậu bao dung, nhưng thực ra hai mắt trống rỗng, căn bản không hề đặt người ta.
Thấy ta chú ý tới y, lúc này quốc sư mới thật sự nhìn ta.
Trong mắt y có vẻ mơ hồ không rõ: “Ngươi khóc vì cái gì?”
Ta trước nay hiếm được người hỏi han, nghe y hỏi vậy thì có dịp trút hết những tâm sự trong lòng, nức na nức nở nói: “Mẫu thân ta thiên vị, không thương ta.”
Nghi hoặc trong mắt người nọ càng nặng hơn: “Trên đời này có người thương con, thì cũng có người không thương. Bà ấy không thương ngươi, ngươi cũng nên không quan tâm đến bà mới phải, sao phải khóc làm gì.”
Ta kinh ngạc nhìn Tố Lê: “Nhưng bà là mẫu thân ta mà!”
Y nói: “Vậy thì sao?”
Thấy dáng vẻ nói đến đúng tình hợp lý của y, ta sững sờ đứng đó hồi lâu cũng không kịp đáp.
Sau đó ta cũng có gặp lại y mấy lần, lúc nào y cũng mang dáng vẻ trích tiên không nhiễm bụi trần ấy, hoàn toàn không hiểu được hỉ nộ ái ố nhân gian.
Thật ra quốc sư cũng không nói với ta được mấy câu, nhưng từ lần đó trở đi, cứ lần nào gặp ta là y lại hỏi ta có muốn đến Hồng Mông sơn không.
Sau này ta mới biết, tu hành không đơn giản chút nào.
Xem bói tính vận, Hồng Mông sơn cần rất nhiều người duy trì, nhưng lúc nào nơi đó cũng thiếu người, Tố Lê thì lại nhìn ra được ta có mấy phần thiên phú, nên hỏi theo thông lệ mà thôi.
Còn về chuyện từ khi nào thì ta muốn vào Hồng Mông sơn ấy hả?
Hẳn là từ lúc Vân Dương Hầu phu nhân đề cập đến chuyện hôn nhân, lúc ấy trong lòng ta không hề vui vẻ, chỉ có cảm giác bài xích tuyệt đối. Lúc này ta mới phát hiện, thật ra ta không muốn trải qua cuộc sống cưới chồng sinh con đến hết đời như vậy.
Tình thân của ta với người nhà cũng vô cùng đạm bạc, dù ta rời bỏ họ hay họ buông bỏ ta cũng không ảnh hưởng gì nhiều.
Khi đó ta mới phát hiện, thật ra đến Hồng Mông sơn lại là một lựa chọn tốt.
Được người đời kính ngưỡng, đổi lấy cả đời cô độc, cũng không tệ chút nào.
11.
Sau khi ta thay xong y phục, quốc sư dẫn bọn ta đến Phúc Lâm các gặp Đế Hậu, đó cũng là nơi tổ chức tiệc sinh thần cho Nhàn phi nương nương.
Quân hộ vệ thấy bọn ta đi tới, không hề ngăn cản mà trực tiếp cho vào.
Quốc sư dẫn đầu, cả nhóm người chắp tay hành lễ với Đế Hậu.
“Bẩm Đế Hậu, lần này Hồng Mông sơn nhận thêm năm đệ tử, tên bắt đầu bằng chữ Uý, lần lượt là Lập, Lam, Thanh, Hi, Duẫn.”
Ta đứng bên trái sau lưng Tố Lê, là người thứ nhất được y giới thiệu, nên nhận tên Uý Lập.
Hoàng đế ngồi phía trên tươi cười chúc mừng Hồng Mông sơn lại có thêm đệ tử, sau đó mời quốc sư cùng ngồi xuống uống một ly.
Quốc sư chắp tay từ chối, dẫn bọn ta xuất cung.
Lúc sắp rời khỏi Phúc Lâm các, ta có nhìn mẫu thân một cái, thấy bà đang kinh ngạc nhìn ta.
Thấy chúng ta phải đi, mẫu thân há miệng định gọi tên ta, nhưng vẫn nhịn lại.
Tố Lê nói sau này y sẽ là sư thúc của bọn ta, đều là đồng môn, kêu sư thúc là được, đừng kêu quốc sư nữa.
Sau vài ba câu dặn dò, y cho chúng ta nửa ngày để gặp người muốn gặp.
Bởi sau này sẽ rất khó gặp nhau, có gặp cũng xem như không quen biết.
12.
Lúc bọn ta rời cung thì tiệc rượu ở Phúc Lâm các cũng sắp tàn, ta một thân một mình trở về nhà, nhưng thật ra lại đến Tô gia gần như cùng lúc với mẫu thân.
Dù sao bà cũng là người sinh thành dưỡng dục nên ta, ta muốn từ biệt bà một câu.
Ta bước tới cạnh bà, còn chưa kịp mở miệng đã ăn một cái tát, ta bỗng thấy trên mặt vô cùng bỏng rát.
Mẫu thân nổi trận lôi đình: “Đòi đến Hồng Mông sơn cùng quốc sư mà đúng không? Còn trở lại đây làm gì? Gan lớn hơn tuổi rồi đúng không? Ai cho con tự tiện quyết định? Con có để cha mẹ vào mắt nữa không?”
Bà làm cho ta một chập.
Ta chọn câu có thể trả lời mà đáp: “Trở về từ biệt mẫu thân, sắp phải đi rồi.”
Bà cứng người một lát, rồi lại giận lên: “Còn dám mạnh miệng! Muốn đi thì đi, từ biệt cái gì, ai cần?”
Nói xong bà đẩy ta ra, tự đi vào phủ, vừa đi vừa nói: “Lá gan càng ngày càng lớn, còn dám nhờ quốc sư diễn trò với con. Có bản lãnh như vậy thì hôm nay đừng bước vào cái nhà này.”
Bà bước vào mấy bước, quay đầu lại thấy ta đứng yên nơi đó, chân mày bỗng nhíu chặt.
Hình như ta thấy tay bà hơi run.
Ta cũng không ngờ mẫu tử bọn ta, lại từ biệt nhau theo cách này.
Nhiều năm sau nhớ lại, chỉ nhớ năm đó mẫu thân đứng dưới bậc thềm, chau mày ngước mặt lên nhìn ta.
Bà nói: “Con hành động tự tiện, chống đối trưởng bối, phạt con đứng ở nơi này tự mình suy nghĩ, khi nào biết lỗi thì vào.”
Nói xong thì bước một mạch vào trong, còn không quên dặn người gác cổng canh chừng ta chịu phạt.
Thấy bà đã bước vào nhà, ta biết, nợ thân tình của ta giờ đây đã hoàn toàn đứt đoạn.
Ta không quan tâm phản ứng của gia nhân, chỉ thản nhiên quỳ xuống, dập đầu ba cái với Tô phủ, rồi đứng dậy rời đi.
Ta nghe bọn họ gọi với theo phía sau:
“Nhị tiểu thư, phu nhân bảo người đứng trước cửa chịu phạt, người định đi đâu?”
Ta không quan tâm nữa, chỉ cất bước nhanh hơn.
13.
Trước khi lên núi, ta còn nghĩ người ở Hồng Mông sơn đều cứng nhắc không thú vị.
Nhưng đến khi theo học, ta mới biết người ở đây rất khác trong tưởng tượng, lúc nào cũng cười đùa vui vẻ, giữa đồng môn với nhau hết sức thoải mái.
Hiếu động cũng hay, trầm tĩnh cũng được, đồng môn sống với nhau rất ổn.
Nhưng cũng chỉ là ổn mà thôi.
Giống như mối quan hệ xã giao ngoài thế gian, chỉ giới hạn đến đó mà thôi.
Không phát sinh thêm tình cảm hay thân mật gì khác.
Ở đây được một thời gian, ta nhận ra không biết có phải là do tu luyện tâm pháp hay không, mà tâm tính ta ngày càng bình tĩnh.
Ta vẫn nhớ những chuyện khi còn là nữ tử Tô gia, nhưng trong lòng lại không hề gợn sóng.
Cứ như đang dửng dưng đứng nhìn câu chuyện của một người khác vậy, chuyện xưa xa xôi như thể đã qua một đời.
14.
Phải đến ba năm sau, ta mới trở lại kinh thành.
Mỗi năm Tấn quốc sẽ tế xuân cầu phúc một lần, do quốc sư chủ trì.
Ba năm nay ta cũng luyện được chút thành tựu, trở thành hữu thiếu sư, cùng tả thiếu sư hỗ trợ quốc sư Tố Lê chủ trì cầu phúc.
Lần cúng tế cầu phúc đó rất thành công.
Ta ngồi trên đài tế cao cao, mười ngón tay thành thạo kết ấn, cảm nhận linh lực vờn quanh thân thể.
Lúc nhìn những gương mặt thành kính bên dưới, trong lòng chợt có niềm xúc động lâu rồi mới gặp.