Quả Ngọt - Chương 1
01
Tôi là con thứ hai của bố mẹ ruột, phía trên còn có một chị gái. Mẹ tôi bụng lớn, chạy đông trốn tây muốn sinh con trai.
Chị gái mười tuổi vì có thể giúp đỡ việc nhà nên được mợ miễn cưỡng giữ lại. Tôi bảy tuổi thì bị bỏ lại ở nhà.
Đó là mùa hè, bụng của mẹ tôi không thể che giấu được. Bà và bố phải trốn trong núi vào ban ngày, ban đêm mới lén lút xuống núi nấu cho tôi ăn.
Họ dùng nắp tre đậy thức ăn trên bàn. Lần đó, họ không về nhà suốt hai ngày. Tôi đói khủng khiếp, uống nhiều nước lạnh để cầm cự.
Sau đó, không thể chịu nổi nữa, tôi xúc cơm thiu còn lại trong nồi lớn trên bếp, không kịp lấy đũa, bốc từng nắm vào miệng.
Những con ruồi tranh giành thức ăn trong bát của tôi, tôi cũng không xua đuổi chúng.
Các bạn biết mùi cơm thiu thế nào không? Chua, hơi đắng, khi lấy lên sẽ kéo dài thành sợi, trông giống như…bãi nôn.
Bố nuôi nhìn thấy tôi qua cửa sổ sắt. Ông ngăn tôi lại, đưa cho tôi một miếng bánh. Hơi đắng, cũng tan chảy. Không ngon hơn cơm thiu là bao.
Sau này tôi mới biết đó là sô cô la nhập khẩu, rất đắt, một miếng có thể đổi lấy hai cân kẹo bạc hà.
Ông dạy tôi vẽ tranh bằng cành cây trên đất, ở lại với tôi hai ngày, cuối cùng bố mẹ ruột tôi cũng trở về. Họ bế theo em trai mới sinh, trắng trẻo, mập mạp. Không giống tôi, bẩn và gầy.
Nghe nói bố nuôi muốn đưa tôi đi, mẹ tôi đã do dự cả đêm. Sáng hôm sau, bà bảo bố tôi giet một con gà, hiếm khi gắp cả hai chiếc đùi gà cho tôi.
“Ăn nhanh lên!” Đùi gà nấu chưa mềm, cắn làm chảy m//áu răng tôi. Nhưng tôi không quan tâm, nhai đ//ứt x//ương, hút sạch nước trong x//ương.
Mẹ tôi vuốt ve khuôn mặt gầy gò của tôi, nước mắt rơi như mưa: “Đừng trách mẹ, nhà nào cũng phải sinh con trai. Chú ấy nhìn là biết nhà giàu, con đi với họ sẽ tốt hơn ở đây. Đến nhà người ta, phải ngoan ngoãn nghe lời biết chưa.”
02
Tôi bám chặt lấy chân mẹ, khóc lóc van xin bà: “Sau này con sẽ nghe lời hơn, đừng đưa con đi.”
Nhưng bố tôi bẻ tay tôi ra, ông rất khó chịu: “Con muốn ở lại, em trai con phải nộp phạt. Nhà mình làm gì có tiền?”
Hôm đó trời nắng gắt. Bóng của ông ấy kéo dài, phủ kín lên người tôi. Tôi khóc nức nở trong bóng tối, run rẩy.
Bố nuôi tiến đến, bịt chặt tai tôi, cau mày nói: “Đừng nói những điều này trước mặt trẻ con. Cô bé chẳng làm gì sai cả!”
Ông bế tôi lên chiếc xe máy cao, đội lên đầu tôi chiếc mũ bảo hiểm duy nhất. Mũ quá lớn, như một ngọn núi lắc lư. Cũng giống như… một vòng tay lớn.
Xe máy nổ máy, toả ra một làn khói đen. Mẹ tôi đuổi theo, nhét cho tôi nửa gói kẹo bạc hà: “Cho con hết, cho con hết này!”
Mấy viên kẹo này bình thường bà ấy đều bỏ tủ khóa lại, chỉ khi tôi làm tốt mới thưởng một viên.
“Đừng trách mẹ, mẹ cũng không còn cách nào.”…
Bố nuôi vặn ga, cơn gió mạnh thổi tung lời dặn dò và hối tiếc của mẹ. Tôi nắm một nắm kẹo bạc hà nhét vào miệng. Thật mát. Thật đắng!
Lúc nhỏ tôi không hiểu. Tại sao một viên kẹo thì ngọt như vậy, mà một nắm kẹo lại đắng đến thế?
Bố nuôi đưa tôi về nhà, tổ chức tiệc sinh nhật cho tôi. Ông nắm tay tôi, nói: “Hôm nay là ngày tái sinh của con, từ nay mỗi năm vào ngày này sẽ là sinh nhật của con.”
Họ hàng trong nhà đều đến. Ngoài mẹ nuôi nhìn tôi với vẻ mặt lạnh lùng, mọi người đều nói chuyện nhẹ nhàng với tôi.
Tôi mặc váy công chúa, cầm d//ao nhựa, trước mặt là bánh sinh nhật hai tầng, cứng đơ đối diện với chiếc máy ảnh đen, nặn ra một nụ cười gượng gạo.
Tôi cảm thấy sợ hãi, giống như mình là một tên tr//ộm. Ăn tr//ộm thời gian của một công chúa nào đó. Khi phép thuật biến mất, tôi sẽ trở về nguyên hình.
Quả nhiên, đêm đó tôi không ngủ được, nghe mẹ nuôi nghiêm nghị chất vấn.
“Anh đã lăng nhăng với những người phụ nữ đó thì thôi, bây giờ còn mang cả đứa trẻ về nhà. Anh để tôi ở đâu?”
“Con nuôi gì chứ, nó chính là con riêng của anh đúng không? Anh còn muốn tôi làm mẹ của nó, anh thật quá đáng!”
….
Ánh trăng mờ mịt, tôi nắm chặt cửa. Ngẩng đầu nhìn thấy cửa phòng đối diện mở, ánh mắt căm ghét của anh trai Sở Kỳ xuyên qua khe cửa, dính chặt vào tôi.
03
Tôi cẩn thận đóng cửa, sợ đến nỗi không dám đi vệ sinh. Kết quả, tè dầm. Trời biết khi tôi tỉnh dậy, tôi đã tuyệt vọng đến thế nào.
Mẹ nuôi vốn dĩ ghét tôi, ngày đầu tiên tôi đã làm bẩn ga giường thơm mềm, bà ấy chắc chắn muốn đuổi tôi ra ngoài ngay lập tức.
Năm giờ sáng, tôi lén lút thức dậy, ôm ga giường vào nhà vệ sinh. Ngâm ga giường vào thùng nước lớn, tôi đứng chân trần nhảy vào.
Đạp được một lúc, sau lưng vang lên một giọng nói lạnh như băng: “Con đang làm gì vậy?”
Tôi giật mình, ngã ngửa, ngã ngồi xuống đất. Thùng lật, nước đổ ướt sũng người tôi. Mẹ nuôi giơ tay về phía tôi.
Tôi theo phản xạ ôm đầu, run rẩy: “Bố ơi, đừng đánh con, đừng đánh con, lần sau con không dám tè dầm nữa.”
Đợi một lúc lâu, một bàn tay lạnh lẽo kéo tôi dậy: “Thùng đó để giặt cây lau nhà.”
Hả? Nhưng nó còn sạch hơn cả thùng nước ở quê tôi.
“Quần áo ga giường có thể giặt trong máy giặt.”
Máy giặt hai ngăn hiệu Tiểu Thiên Nga, tôi không biết dùng. Mẹ nuôi cầm tay dạy tôi, nói: “Sau này quần áo trong nhà đều giao cho con giặt.”
Việc này nhẹ nhàng hơn so với giặt đồ ở sông nhiều. Nhưng tôi vẫn gây chuyện. Tôi giặt lẫn quần áo màu sẫm và màu sáng, váy trắng của mẹ nuôi bị nhuộm thành màu bẩn.
Bà ấy rất tức giận: “Con có biết chiếc váy này bao nhiêu tiền không? Ta nhịn hai tháng mới mua được, mới mặc một lần!”
“Việc nhỏ như vậy con cũng làm không xong.”
Bố nuôi bước ra hòa giải: “Tiểu Giác không cố ý, mua chiếc mới là được.”
Mẹ nuôi càng tức giận: “Nói thì dễ, váy này đắt như vậy.”
Bố nuôi không chỉ nói cho qua. Tối đó ông mua một chiếc giống hệt về. Còn lén gọi tôi ra ngoài, đưa cho tôi một viên kẹo lớn như nắm tay.
“Đây là viên kẹo lớn nhất trong siêu thị, ăn đi. Dì con suốt ngày cau có, nhưng bà ấy là hổ giấy, tâm địa tốt, con đừng sợ bà ấy.”
Mẹ nuôi không giống hổ giấy, vì bà ấy phát ra tiếng gầm của sư tử.
04
“Viên kẹo này tám đồng một viên, tám đồng có thể mua hai cân thịt! Sở An Bang, trong đầu anh đang nghĩ gì vậy!”
“Còn chiếc váy này, tôi ngâm vào dung dịch tẩy trắng lại là được, tiền trong túi anh nóng quá phải không?”
…
Khi đó bố mẹ nuôi thường cãi nhau vì những chuyện như thế này. Tôi lúc đó không hiểu, lớn lên mới hiểu.
Bố nuôi là một họa sĩ, tính tình tốt, lãng mạn từ trong x//ương tủy. Ông có hai mươi đồng trong túi, nhưng sẵn sàng rút hết tiền ra, mua một bó hoa hồng đẹp nhưng vô dụng cho mẹ nuôi.
Một ngày nào đó ông có cảm hứng, cưỡi xe máy đi lấy cảm hứng sáng tác. Ông là một họa sĩ lãng tử đẹp trai, cũng có nhiều tri kỷ về nghệ thuật.
Tất cả những việc vặt vãnh trong cuộc sống đều dồn lên mẹ nuôi. Sự đối lập giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. Không thể nói ai đúng ai sai.
Bố nuôi không phải là người đàn ông tốt, nhưng chắc chắn không phải là người xấu!
Vì vậy mẹ nuôi vừa ghét vừa yêu, suốt ngày nóng giận. Cũng không cười với tôi. Chiếc kẹo lớn đó tôi sau này đưa cho Sở Kỳ.
Anh ấy nhận rồi ném xuống đất, nhìn tôi với vẻ thù địch: “Tao không cần kẹo của mày!”
Bố nuôi là người không thể ngồi yên. Lần này vì tôi, đã ở nhà hơn một tháng. Sau khi lo liệu xong thủ tục nhập học của tôi, vào một buổi chiều tối trời âm u, ông để lại một bức thư, lại cưỡi xe máy lên đường.
Mẹ nuôi giận dữ, xé thư thành từng mảnh, nắm tay kéo tôi ra ngoài, đẩy tôi ra khỏi cửa.
“Cút cút cút, ông ta đi thì mày cũng cút! Còn muốn tao chăm sóc mày, mơ đi!”
.….
Đêm khuya tháng chín se lạnh. Đèn cầu thang hỏng, tôi ôm tay ngồi dưới cửa sổ, nhìn lên trăng non bị mây đen che phủ.
Đây chính là thế giới của tôi. Dù có trăng, cũng chỉ là một chút ánh sáng mờ mịt. Không biết ngồi bao lâu. Tôi sắp ngủ gật.
Cửa phòng kêu lên tiếng “cọt kẹt”. Mẹ nuôi nhìn xuống tôi, ánh mắt lạnh lùng xen lẫn chán ghét: “Vào đi.”
Trên bàn ăn đặt một bát mì trứng nóng hổi, trên bày đũa chuyên dùng của tôi. Mẹ nuôi đã đóng cửa phòng ngủ chính.
Bụng tôi kêu râm ran, tôi cẩn thận ăn hết bát mì đó. Bố nuôi mỗi tuần gọi điện về hai lần, hỏi tôi sống thế nào, có ổn không.
Ông kể cho tôi nghe những điều ông thấy trên đường. Một bông hoa màu sắc kỳ lạ, một chú chó quê đặc biệt thông minh, còn có cảnh bình minh rực rỡ nhất đời.
Ông cũng kiên nhẫn lắng nghe tôi chia sẻ những chuyện hàng ngày. Kết thúc ông luôn nói: “Tiểu Giác, chờ chú lấy cảm hứng về, mang cho con một món quà bí mật!”
Mỗi lần nói xong, điện thoại chuyển cho mẹ nuôi thì bà luôn không vui: “Trước đây nó không có ở đây, mười ngày nửa tháng cũng không thấy gọi điện.”
“Sao, mẹ con chúng tôi cộng lại còn không quan trọng bằng nó?”
…..
Mẹ nuôi đối xử với tôi luôn lạnh lùng. Anh trai cũng rất thù địch. Chúng tôi học cùng trường.
Hàng ngày cùng nhau đi học, tôi chỉ dám đi theo xa xa. Bạn học của anh trêu: “Sở Kỳ, đây là em gái mới của cậu à?”