Niệm Chi - Chương 5
12.
Những năm qua, Phùng Chiếu Thu đã tiết kiệm được không ít bạc, tạm thời không cần phải bán đất.
Ngày rời thôn Bảo Hoa, Khương Thuỵ đến tiễn ta.
Nàng khóc thảm thiết, khuôn mặt nhỏ nhăn nhúm, thậm chí không thể nhìn thấy mắt.
“Tỷ thật đáng ghết! Tỷ cũng đáng ghét như phụ mẫu ta vậy! Nói đến là đến, nói đi là đi…”
Trong lúc phàn nàn oán giận, nàng thổi ra một bong bóng nước mũi.
Ta ho khan nhằm che giấu ý cười, đưa ngọc bội đeo bên hông cho nàng: “Tuy mảnh ngọc bội này không đáng tiền, nhưng nó là vật ta đã đeo từ nhỏ đến lớn. Đừng khóc nữa, thôn Bảo Hoa gần kinh thành như vậy, ngươi có thể đến tìm ta bất cứ lúc nào.”
Khương Thuỵ cũng tháo vòng bình an trên cổ xuống, đặt vào tay ta: “Niệm Chi tỷ tỷ, bảo trọng nhé.”
Lần này Phùng Chiếu Thu thuê một chiếc xe ngựa, bà nói: “Niệm Chi, chúng ta nở mặt nở mày trở về thôi!”
Trước khi bước lên xe ngựa, ta nhìn lại khoảng sân nhỏ nơi Phùng Chiếu Thu đã sống hơn mấy chục năm, hai cây đào đối diện nhau, không hề cô đơn.
Phùng Chiếu Thu lên xe mà không hề ngoảnh đầu, xưa nay bà luôn như vậy, khăng khăng nhìn về phía trước.
“Niệm Chi, đi thôi!”
Vó ngựa khuấy động bụi đất thôn Bảo Hoa, một đường từ nơi hoang vu đến phồn hoa. Khi nhìn thấy hai chữ “Yên Kinh”, ta hiểu rằng mình không cần phải ngoảnh đầu.
Bọn ta mua một căn nhà ở thành nam. Vừa bước vào tiểu viện, tuy nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi.
Phùng Chiếu Thu thích cây hồng trong sân nhất. Bà nói rằng nó nở hoa rực rỡ khi kết trái, chỉ cần nhìn cũng khiến người khác vui.
Về phần khoảng đất trống trong viện, bà dự định dùng để trồng rau, bên phía bức tường trong viện sẽ rải hạt giống hoa tường vi.
“Hoa tường vi được lắm, nở hoa rất đẹp, còn có gai nhọn, che kín vách tường, kẻ nào dám trèo lên sẽ bị gai đâm vào mông!”
Nhìn dáng vẻ bận rộn của bà, không hiểu sao ta cảm thấy chóp mũi chua xót, như thể cuộc sống của ta trôi qua như vậy mới đúng.
Sau khi sắp xếp chỗ ở xong, chúng ta đi dạo phố Tây để ngắm cửa tiệm.
Đối với việc làm ăn, ta không có kinh nghiệm gì, nhưng Phùng Chiếu Thu am hiểu rất rõ.
Bà dự định mở một cửa tiệm tơ lụa, bán vải vóc Giang Nam.
“Thứ nhất, vải của Giang Nam nổi tiếng thanh lịch và sang trọng, trong kinh không có nhiều, nhưng người giàu có khá đông, nên không cần lo về nguồn tiêu thụ.”
“Thứ hai, phu thê Khương gia đang kinh doanh tuyến Kinh Hàng, việc thu mua hàng hóa có thể trực tiếp giao cho bọn họ, không lo về nguồn cung ứng.”
“Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, những đồ tốt này đều phải cho con gái của ta mặc.”
Ta đỏ mắt cười: “Con gái ai mà hạnh phúc thế?”
Bà nắm chặt tay ta: “Còn có thể là con gái của ai? Chính là con gái của Phùng Chiếu Thu đấy.”
13.
Ngày khai trương cửa tiệm tơ lụa, pháo nổ không ngớt, ta bịt tai ngóng chờ cuộc làm ăn đầu tiên.
Nhưng chờ đợi mãi chỉ có một cơn mưa rào ập đến, tro pháo bị cuốn trôi mà vẫn không có ai bước vào cửa tiệm.
Thấy ta luôn nhìn chằm chằm ra ngoài cửa, Phùng Chiếu Thu bày bàn trà cho ta trên tầng hai: “Nếu không có việc gì thì đi đọc sách đi.”
Ta ngồi vào bàn, cầm cuốn sách trên tay nhưng chỉ nhìn ra đường.
Rõ ràng có người đến người đi nhưng lại không có người vào mua vải?
Phùng Chiếu Thu bưng trà và trái cây tới, mỉm cười nói: “Cầm sách ngược rồi kìa.”
Ta xấu hổ đặt sách xuống: “Mẫu thân, việc buôn bán này không dễ hơn việc đọc sách. Không đúng, nó còn khó hơn. Sách có in chữ trên đó, viết ra những đạo lý. Cho dù không lợi hại bằng lão sư, mọi người đọc ra được một ý, cũng coi như đọc thành công.”
“Nhưng mua bán có thành công hay không, còn phụ thuộc vào người khác.”
“Lấy tiền từ túi người khác, sao không khó được?”
Bà vừa nói xong, bầu trời vang lên tiếng sấm rền, gió lại bắt đầu gào thét, bà nhìn lá rơi bị cuốn bay ngoài cửa sổ, thở dài: “Một cơn mưa thu lạnh lẽo, mùa đông sắp đến rồi.”
Hầu hết bách tính nghèo khổ không thích mùa đông.
Tuyết trong miệng nhà thơ tựa như tiên nữ, nhưng lại là lưỡi dao đoạt mạng trên cơ thể người ăn mặc đói rách.
Lưu Nhuỵ Nhi xuất hiện trong cơn tuyết nhẹ lạnh giá.
Quần áo của nàng ấy chắp vá, đôi dép rơm dưới chân ướt đẫm nước bùn, mũi giày thủng lỗ chỗ, ngón chân tím tái vì lạnh, cuộn tròn hết mức để tránh làm cho lỗ thủng ngày càng lớn.
Cô bé được nàng ôm trong ngực không đến nỗi quẫn bách như thế, chỉ dùng vải vụn để khâu vài bông hoa nhỏ trên ống tay áo, không có bất kỳ dấu vết khâu vá nào dư thừa.
Phùng Chiếu Thu nhìn thấy họ, lập tức cầm ô đi ra ngoài đón họ vào.
Ta bưng nước nóng tới, Lưu Nhụy Nhi vội vàng nhận lấy, luôn miệng cảm ơn.
Nàng ấy kém ta hai tuổi, là người Đạm Châu, quê nhà gặp lũ lụt, sau khi thất lạc khỏi phụ mẫu và huynh đệ, nàng ấy dẫn muội muội đi xin ăn và đến Yên Kinh để đoàn tụ với họ hàng.
“Nhưng nhà người họ hàng đó cũng chỉ có bốn bức tường, không thể nhận bọn ta vào. Thím Phùng, ta biết thêu thùa và may quần áo, thím có thể nhận ta vào làm trong cửa tiệm được không? Ta không cần tiền hàng tháng, miễn bao ăn bao ở là được!”
Ta tưởng Phùng Chiếu Thu sẽ từ chối, nào ngờ bà đồng ý một cách sảng khoái.
“Không giấu gì ngươi, công việc kinh doanh chỗ ta bình bình, vẫn đang thâm hụt, nên ta vốn không có ý định thuê người. Hôm nay gặp được ngươi xem như có duyên, ngươi cứ ăn ở trong tiệm, về phần tiền hàng tháng, ta không trả riêng cho ngươi đâu, ngươi sẽ hưởng hoa hồng từ số sản phẩm bán được, thấy thế nào?”
Đương nhiên không thể tuyệt vời hơn.
Lúc về đến nhà, ta không nhịn được mà hỏi: “Mẫu thân nhận họ vào, vì thấy họ đáng thương sao?”
“Đúng được một nửa.”
“Nếu Nhuỵ Nhi thêu thùa không tốt, dù hai tỷ muội họ có đáng thương đến đâu, ta nhiều lắm chỉ cho họ một ít tiền phòng thân, chứ không có khả năng giữ họ làm việc trong cửa tiệm.”
“Người này không thể chỉ đáng thương được. Bên cạnh chữ “Nghèo nàn” là “Dễ bị bắt nạt”.”
“Người sang tự lập phải giỏi một nghề hoặc có tham vọng lập nghiệp. Bản thân phải có điều gì có lợi cho người khác, thì người khác mới sẵn lòng đưa tay ra kéo con.”
Ta luôn cảm thấy Phùng Chiếu Thu và Tề Kiến Chân giống nhau. Tề Kiến Chân là một kẻ vô lại trong sách thánh hiền, trong khi Phùng Chiếu Thu là một người khôn ngoan trong khói bụi chợ búa.
Họ đều dạy ta cách sống tốt hơn.
Phùng Chiếu Thu bảo Lưu Nhuỵ Nhi may một số quần áo mùa đông cho hai tỷ muội trước. Mùa đông ở Yên Kinh rất dài nên không thể qua loa.
Vốn chỉ định để nàng ấy rèn luyện tay nghề đôi chút, nhưng không ngờ nàng ấy rất có thiên phú về mặt này. Không chỉ kiểu dáng mới lạ mà màu sắc cũng được kết hợp trang nhã.
Nàng ấy mặc bộ quần áo do mình may và đứng ở quầy như một tấm biển sống, công việc kinh doanh trong cửa tiệm dần dần được cải thiện.
[Nhuỵ Nhi nói đang may một chiếc áo khoác màu đỏ cho ta, sau Tết ta có thể mặc.]
[Khương Thuỵ nhờ người đưa thịt khô đến, nói do bà cụ Khương tự làm. Ta cắn một miếng, quả nhiên bà ấy không phân biệt được đường muối.]
Ta xem lại sổ ghi chép của mình những ngày gần đây và thấy rằng những thứ ta nhớ được ngày càng nhỏ đi, không phải ăn thì chính là mặc.
Thật là nhục nhã!
Phùng Chiếu Thu lại vô cùng hài lòng.
14.
Sau khi vào đông, tuyết rơi dày đặc trong hơn một tháng.
Vào ngày đông chí, Phùng Chiếu Thu gõ bàn tính xong, tặng cho hai tỷ muội Lưu Nhuỵ Nhi hai phong bì màu đỏ.
Lưu Nhuỵ Nhi cười nói muốn đi mua lẩu xương dê ăn, ta trêu nàng ấy hào phóng, bỗng một nhóm người bất ngờ tụ tập trước cửa tiệm chỉ trỏ.
Hóa ra Nghiêm phu nhân lại đến đây, nhưng lần này bà ta không còn cao ngạo nữa.
Bà ta quỳ gối trước cửa tiệm, tuyết dưới gối bà ta hết tan rồi lại đóng băng.
“Niệm Chi, ta cầu xin ngươi, trở về gặp muội muội ngươi cùng ta đi!”
Bà ta nói sức khỏe của Lạc Nhu không thấy khá hơn, gần đây nàng ta hay ho ra máu.
Nghiêm phu nhân chỉ có duy nhất một đứa con này, nếu không đến mức tuyệt vọng, bà ta sẽ không hạ mình đến quỳ xuống cầu xin ta trên đường phố tấp nập.
Phùng Chiếu Thu muốn ra ngoài đuổi bà ta đi, nhưng ta kéo ống tay áo bà lại và nói: “Mẫu thân, để con đi.”
Nhìn thấy ta đi ra, hai mắt Nghiêm phu nhân loé sáng: “Niệm Chi, ngươi có sẵn lòng cứu muội muội mình không?”
Ta lắc đầu: “Ta không phải thuốc của nàng ta, ta không cứu được.”
Vẻ mặt bà ta hốt hoảng: “Làm sao có thể? Chỉ có ngươi mới cứu được con bé! Ngươi không muốn cứu con bé đúng không? Ngươi là đồ vong ơn bội nghĩa!”
Mắng xong, bà ta lại kéo vạt áo của ta và cầu xin: “Xin hãy cứu nó, con bé chỉ mới mười sáu tuổi, còn trẻ như vậy…”
Ta không rút áo về, cũng không cúi xuống dìu bà ta.
Với tư cách là mẫu thân của Lạc Nhu, bà ta cũng là người mẫu thân tốt nhất trên đời, nhưng bà ta đối xử không tốt với ta.
“Nghiêm Phu nhân…”
Bà ta sửng sốt: “Ngươi gọi ta là gì?”
“Nghiêm phu nhân, bà có bao giờ nghĩ rằng, bất luận là đứa con đầu lòng chết, hay Lạc Nhu mắc bệnh đều là do con người tạo ra, chứ không phải do trời trừng phạt không?”
“Ý ngươi là gì?”
“Nếu bà tạm dừng nước bùa của Lạc Nhu, nói không chừng bệnh của nàng ta sẽ khỏi.”
Lúc đầu Nghiêm phu nhân không như vậy.
Khi mang thai đứa con đầu lòng, bà ta từng cùng Lạc Hầu ra ngoài lễ Phật.
Trên đường đi gặp một đạo sĩ già, đạo sĩ già kia hơi điên dại, ông ta chỉ vào bà ta và nói rằng số mệnh của bà ta quá cao quý, chèn ép đến khí vận của đứa bé, cái thài sẽ không bảo vệ nổi, hoặc đứa bé sẽ bị chết yểu.
Khi đó bà ta và Lạc Hầu mới kết hôn, đó là khoảng thời gian yêu thương sâu đậm, cho dù bà ta nghe được lời này, Lạc Hầu cũng không nghe lọt tai.
Lão đạo sĩ kia bị đánh nhưng vẫn chỉ vào bà ta và nói “Không thể sinh ra được”.
Mà vào ngày bà ta hạ sinh, quả nhiên bà ta đã sinh ra một đứa bé chết yểu.
Ngày còn bé, ta vô tình bước vào một Phật đường nhỏ do Nghiêm phu nhân dựng lên.
Ta không thể nhớ được cái tên được khắc trên tấm bài vị.
Ta chỉ nhớ rằng Nghiêm phu nhân vốn luôn lạnh lùng và vô tình đang gục trên bàn thờ khóc thầm.
Vào lúc đôi mắt đau đớn đó chồng lên nhau, bà ta dường như hiểu ra gì đó, nhưng không thể tin được.
Bà ta đứng dậy, bước về trong bàng hoàng.
Âm mưu này thực chất không hề cao minh, nhưng Hầu phủ lại ma quái đến mức bất cứ ai đứng trong đó dù có đi thế nào cũng sẽ bối rối.
Tuyết rơi dày đặc, chẳng mấy chốc lưng bà ta đã bị vùi trong màu trắng bao la.
Cắt xuyên qua mảnh màu trắng là một chiếc ô màu xanh lục.
Người dưới ô nở nụ cười tinh nghịch, vẫn nói năng ngọt xót như lần đầu gặp mặt: “Ta đâu có nói sẽ đến, tại sao đặc biệt ra ngoài đợi ta? Chẳng lẽ đây là thần giao cách cảm?”
Ta vui vẻ nghênh đón: “Lão sư!”