Niệm Chi - Chương 3
7.
Khương Thuỵ từng nói Tề Kiến Chân có tình cảm sâu đậm với trượng phu quá cố của bà ấy.
Trong lòng ta áy náy, tan học vẫn không rời đi.
Tề Kiến Chân đang nằm nhắm mắt nghỉ ngơi trên chiếc ghế bập bênh trong viện, ta ngồi xổm bên cạnh và quạt cho bà ấy.
“Không việc gì mà ân cần, không phải lừa đảo thì là trộm cắp. Nói đi, có chuyện gì?”
“Hôm nay làm vỡ đồ của trượng phu quá cố của người, ta cảm thấy có lỗi…”
Tề Kiến Chân thắc mắc: “Chỉ vì chuyện này à?”
“Đây là chuyện nhỏ sao?”
“Không thể nhỏ hơn được nữa.”
“Người ở góa vì ông ấy, sao có thể nghĩ đây là việc nhỏ được?”
Tề Kiến Chân cười một tràng lớn: “Người khác thích nghe, thì ta nói cho họ nghe, chỉ vậy thôi.”
“Ta không hiểu.”
“Ôi chao, ngươi là đầu gỗ hả? Vậy ta hỏi ngươi, lấy chồng có ích lợi gì?”
“Hai bên đều có tình cảm, yêu thương tôn trọng lẫn nhau?”
“Hôn nhân mù quáng, sao hai bên đều có tình cảm được?”
Bấy giờ ta mới rõ, Tề Kiến Chân không đến đây để giữ tiết nghĩa cho trượng phu quá cố của mình, bà ấy chỉ không muốn tái giá.
“Vậy tại sao người phải nói dối?”
“Đây gọi là linh hoạt. Cũng giống như việc không kết hôn, bản thân không muốn gả và giữ tiết cho trượng phu, lại là hai việc khác nhau. Cái trước phiền phức, cái sau đơn giản, bỏ khó chọn dễ là lẽ thường tình.”
“Nhưng điều này khác với những gì được dạy trong sách.”
Lúc này Tề Kiến Chân mới mở mắt ra, nghiêng người sang một bên, nhìn ta với vẻ dù bận nhưng vẫn nhàn.
“Trên sách viết “Dưới đầu gối của nam nhân là vàng”, trên sách cũng viết “Đàn ông trai tráng co được thì dãn được”. Người nói xem, liệu đầu gối này có cong được hay không?
“Trên sách viết “Thà làm ngọc vỡ còn hơn làm ngói lành”, trên sách cũng viết “Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt”. Ngươi nói xem, rốt cuộc có muốn khí khái như thế không?”
“Sách do con người viết, lời do con người nói. Từ trước đến nay chỉ có con người làm việc, làm gì có chuyện làm người? Nếu ngươi đọc sách chỉ biết tiếp thu lý lẽ cứng nhắc, chi bằng không đọc. Dựa vào tính ngang bướng trời sinh, nói không chừng có thể sống tốt.”
“Bằng không chẳng khác nào quấn thêm vài sợi dây thừng quanh cổ, tự thắt chết mình lúc nào không hay.”
Ta chưa bao giờ nghe qua đạo lý này, trước giờ Tề Kiến Chân cũng chưa từng dạy như thế trên lớp.
Bà ấy nói: “Ta dạy như thế kia thì danh tiếng còn đâu nữa?”
“Vậy người không sợ ta sẽ truyền những lời người vừa nói ra ngoài sao?”
“Ngươi là học trò, ta là lão sư, nếu ngươi tung ra tin tức bất lợi cho ta, ngươi nghĩ người khác sẽ nói ta đi ngược lại với lẽ thường, hay nói ngươi đang khinh Thầy, diệt Tổ? Ngươi nói thì cũng phải có người bằng lòng tin.”
“Vậy nếu không phải chỉ một mình ta nói, người không sợ ba người nói thành hổ, miệng sắc như dao sao?”
“Niệm Chi, ngươi lớn lên trong gia đình quan viên, lẽ ra nên nhìn rõ lòng người. Ta có học vấn cao, tiền học phí thấp, giao thiệp rộng, ta là con thuyền lớn nhất mà bọn họ có thể dựa vào, đối với họ, hủy hoại danh tiếng học thuật của ta có ích lợi gì? Ngươi càng biến ta thành kẻ tồi tệ, họ sẽ càng coi ngươi là kẻ điên.”
“Vậy ta…thực sự không làm gì được người.”
Tề Kiến Chân nằm ngửa trên ghế bập bênh, nhắm mắt lần nữa:
“Dao nằm trên tay ngươi, ta chỉ cần vươn cổ sẽ bị giết, nhưng ngươi vẫn không giết được ta. Đây chính là dương mưu*.”
(*) Dương mưu: là đặt toàn bộ mưu kế ở trước mặt đối thủ. Nó không che dấu, không bí mật, gần như tất cả đều trong suốt, cho dù đối phương có đoán được kết cục thì cũng không biết mục tiêu của dương mưu là gì.
Lòng ta tâm phục khẩu phục: “Học trò xin nghe theo dạy bảo.”
Bà ấy không nói tiếp, dường như đã ngủ thiếp đi. Ta đứng dậy định về nhà, bà ấy đột nhiên hỏi: “Trước đây chúng ta thật sự chưa từng gặp nhau sao?”
Ta nói: “Nghiêm phu nhân không cho phép ta ra ngoài.”
Hơn nữa, nếu đã từng gặp qua một nhân vật như bà ấy, sao ta lại không có ấn tượng được?
8.
Chớp mắt đã tới Trung thu, Phùng Chiếu Thu hái mấy cân hạt dẻ, nào hấp, nào rang, còn nấu một nồi gà hạt dẻ hầm ngon ngọt.
“Đi mời mấy người bà cụ Khương đến ăn cơm.”
Chuyện này trước lạ sau quen, cách vách tường, ta rống to: “Khương Thuỵ, đưa bà nội qua ăn cơm!”
Bà cụ Khương tươi cười hớn hở, nhưng Khương Thuỵ lại rầu rĩ không vui.
Mẫu thân nàng truyền tin về, Trung thu năm nay bận việc kinh doanh nên họ không về.
“Biết thì là thương nhân, không biết còn tưởng họ là Đại Vũ cơ đấy. Con đường thông thương Kinh Hàng đi ngang qua thôn Bảo Hoa, nhưng chưa từng thấy họ về nhà một lần!”
Bà cụ Khương nói: “Cá gì? Hôm nay không có cá hả? Các người lén ăn cá của ta rồi à?”
Ta không nhịn được cười, Khương Thuỵ cũng cả giận cười. Bọn ta chạm mắt nhau, trông thấy bộ dạng buồn cười của đối phương lại bật cười ha hả.
Trong thoáng chốc, Lạc Niệm Chi, tiểu thư giả nhát gan và bất tài trong Hầu phủ dường như đã có mấy đời.
Nhưng ta chỉ hạnh phúc vì điều này.
“Cộc cộc cộc!”
Tiếng gõ cửa vang lên, Phùng Chiếu Thu hỏi: “Ai đó?”
Không ai trả lời.
Trong dịp đoàn tụ Trung thu thường rất ít người đến thăm, điều này thật kỳ lạ.
Khương Thuỵ đột nhiên đứng dậy: “Chẳng lẽ mẫu thân lừa ta, họ thực sự về nhà ư?”
Dứt lời, nàng nhảy chân sáo ra mở cửa, lúc cánh cửa hé mở, nụ cười trên mặt nàng cứng đờ.
Chỉ thấy người ngoài cửa mặc áo lụa, đầu đeo ngọc trai, là một kẻ cao quý mà Khương Thuỵ chưa từng gặp qua.
Ánh mắt thăm dò đó lướt qua Khương Thuỵ, rơi vào trên người ta, nhìn đến khi ta giật mình, người kia mới cong môi cười: “Niệm Chi, đã lâu không gặp, vẫn mạnh khoẻ chứ?”
Là Nghiêm Phu nhân.
Bà ta giả vờ rơi hai giọt nước mắt: “Ban đầu là ta hồ đồ, một lòng muốn thành toàn niềm vui đoàn tụ cho ngươi và mẫu thân ngươi, nhưng lại quên mất tình mẹ con giữa chúng ta. Lần này ta đến đây là muốn nói với ngươi, từ sau khi ngươi đi, không ngày nào ta không nhớ đến ngươi…”
Phùng Chiếu Thu cũng từng nói những lời như vậy, nhưng nhìn thoáng qua cũng có thể biết ai thật lòng, ai giả tạo.
Bà ta tới tìm ta, chắc hẳn vì Lạc Nhu đã xảy ra chuyện.
Ta đè nén cảm giác buồn nôn trong lòng, nói: “Nói xong rồi thì về đi.”
“Ngươi không muốn trở về với ta sao? Niệm Chi, chỉ cần ngươi bằng lòng, ngươi vĩnh viễn là Đại tiểu thư của Hầu phủ.”
“Nghiêm Phu nhân, ta không phải con gái của bà, càng không có quan hệ gì với Hầu phủ.”
Nghiêm phu nhân thấy cách này không có tác dụng với ta nên dứt khoát không diễn nữa.
Bà ta giận tái mặt: “Ngươi nói không liên quan là không liên quan sao? Ta không có công sinh ra ngươi, nhưng cũng có công dưỡng dục, chẳng lẽ ngươi không báo đáp? Muội muội ngươi giờ đang nằm triền miên trên giường bệnh, người làm tỷ tỷ như ngươi nên trở về chăm sóc cho nó!”
Bà ta đang đánh vào điểm yếu của ta, dùng thứ “Tình cảm” không thể nói rõ, cũng không thể diễn tả, tùy tiện phán xét để áp bức ta.
Bà ta nuôi ta mười sáu năm, hiểu rất rõ những điểm yếu của ta.
Tuy nhiên bây giờ ta không còn lẻ loi một mình, ta cũng có mẫu thân yêu thương và che chở cho ta.
Phùng Chiếu Thu đương nhiên sẽ không để bà ta ức hiếp ta.
Bà đứng cản trước mặt Nghiêm phu nhân, nói dõng dạc từng chữ một.
“Nếu ngươi nuôi dạy con bé thành người, ngươi với con bé, cả con gái ngươi có tình cảm gắn bó, đương nhiên sẽ không đến lượt ta từ chối.”
“Nhưng ngươi có coi con bé như con người không? Ngươi chỉ coi con bé như món đồ chơi, một vật để cản tai họa.”
“Thỉnh tượng Phật để tiêu tai giải nạn thì phải ngày đêm thờ phụng và thành tâm cầu nguyện. Nhưng ngươi đã đối xử với con bé như thế nào?”
“Nhỏ tuổi không biết lai lịch của mình, các người nhận con bé làm con gái, nhưng lại lạnh nhạt với nó, chưa bao giờ dành tình yêu thương của phụ mẫu cho nó.”
“Từ nhỏ nó đã thích đọc sách, ngươi mời lão sư đến, chẳng qua chỉ thêm một cái bàn, nhưng vẫn chọn hà khắc với nó.”
“Ngươi nghĩ ta không biết tại sao à?”
“Bởi vì con bé là con gái của thường dân, nên không xứng được bình đẳng với con gái của ngươi.”
Nghiêm phu nhân hất cằm, kiêu căng nói:
“Điều này có gì sai? Con người sinh ra đã khác biệt, từ trong bụng ta ra cao quý hơn từ trong bụng ngươi ra. Có thể cản tai ương cho con gái của ta, đó là phúc của nó.”
“Nhân lúc ta vẫn đang nói chuyện đàng hoàng với các người, thức thời một chút, ngoan ngoãn trở về với ta đi.”
Phùng Chiếu Thu lạnh lùng nói: “Không thức thời thì sao? Giữa ban ngày ban mặt, ngươi dám cướp người đi ư?”
Ánh mắt của Nghiêm phu nhân như rắn độc cắn tới, bà ta nói: “Phùng Chiếu Thu, năm nay ngươi vẫn chưa nộp đủ thuế lương phải không?”
“Nực cười! Ta đã nộp đủ từ sớm rồi, không thiếu một xu.”
“Không, ta nói ngươi chưa nộp đủ, thì ngươi chưa nộp đủ. Hôm nay có thể là thuế lương, ngày mai có thể là thuế ngân, sau này…nói không chừng ngươi còn có thể phạm tội, ăn cơm tù đó.”