Người Mẹ Giả Của Tôi - Chương 2
06
Thực ra, tôi mơ hồ đoán được Triệu Điềm sẽ nói gì với giáo viên chủ nhiệm. Thậm chí tôi còn có chút mong đợi.
“Phụ huynh của Hứa Yên, việc giáo dục con cái không chỉ là trách nhiệm của nhà trường. Kể từ khi Hứa Yên vào lớp chúng tôi, tôi chưa từng gặp cô. Tôi hiểu là cô bận…” Cô giáo liếc qua cách ăn mặc của Triệu Điềm, “… nhưng hiện tại, thành tích của em ấy giảm sút quá nghiêm trọng. Từ top 10 của khối mà tụt xuống ngoài top 100. Cô không hề quan tâm sao?”
Triệu Điềm nhún vai. Cô giáo chủ nhiệm nghĩ bà ấy không phục nên định nói thêm.
Nhưng bà ấy đã mở sách của tôi ra, nói: “Đúng là tôi không đủ quan tâm đến Hứa Yên. Nhưng, thành tích giảm sút của con tôi không liên quan đến điều đó.”
Cô giáo nhìn chằm chằm vào bà ấy, có vẻ bất ngờ vì chưa từng gặp phụ huynh nào vô trách nhiệm như vậy.
Triệu Điềm gõ ngón tay lên trang sách: “Cô giáo, Hứa Yên đã nói với cô chuyện con bé bị bắt nạt trong trường chưa?”
Đó là một trong những trang sách bị vẽ bậy nhiều nhất, những lời lẽ nhục mạ chằng chịt khắp trang.
Ở những chỗ trống ngoài lề, giữa các dòng công thức, đầy rẫy những từ ngữ tục tĩu:
[Đồ rác rưởi!]
[Mày đang dụ dỗ ai vậy?]
[Không biết xấu hổ à?]
Triệu Điềm đọc từng dòng, từng dòng: “Và đây chỉ là một trang thôi. Cô giáo, những nội dung này Hứa Yên có từng đưa cho cô xem chưa?”
“Bị nhục mạ như vậy, mà tâm lý không suy sụp sao? Không ảnh hưởng đến việc học sao? Con bé phải mạnh mẽ đến mức nào mới chịu đựng được?”
“Cô đừng nói với tôi là cô chưa bao giờ để tâm nhé?”
Cô giáo chủ nhiệm thực sự chưa để tâm. Khi tôi tìm đến cô ấy, kể rằng mình bị bắt nạt và bị nhục mạ, tôi đã đưa cho cô xem những trang sách này.
Cô ấy nhìn qua rồi chỉ buông một câu hờ hững:
“Được rồi, để tôi nói với các em ấy sau. Các em không thể sống hòa thuận sao? Thật phiền phức!”
Lúc này, bị Triệu Điềm hỏi đến mức á khẩu, cô giáo chủ nhiệm mới lúng túng hỏi lại: “Cô… chẳng phải vừa rồi cô đã…”
Hóa ra, cô giáo cũng thấy cảnh Triệu Điềm đối chất với phụ huynh của Chu Binh Học và Thường Diễm Diễm.
Nhưng Triệu Điềm không quan tâm đến câu hỏi đó, bà ấy thẳng thừng: “Đúng vậy, vừa rồi tôi đã làm những gì mà một người mẹ nên làm.”
“Vậy còn cô, cô đã làm tròn trách nhiệm của một giáo viên chưa? Nếu cô làm tốt, thì đã chẳng cần tìm tôi để nói chuyện.”
“Nếu cô chịu quan tâm, có lẽ bây giờ Hứa Yên đã là học sinh đứng đầu toàn trường rồi!”
07
Sau khi rời khỏi văn phòng của cô giáo, tôi vẫn băn khoăn liệu có nên đòi lại một phần tiền không. Bà ấy làm rất tốt, thậm chí tốt hơn những gì tôi mong đợi.
Nhưng vẫn quá đắt.
100 đồng có thể giúp tôi thoải mái hơn rất nhiều trong những ngày tới.
Triệu Điềm cúi đầu bước đi, lẩm bẩm trong miệng, không hề nhận ra sự do dự của tôi:
“Nhìn sách của cháu này, mua bộ mới đi. Như thế bọn chúng không dám vẽ bậy nữa.”
“Cô giáo chủ nhiệm của cháu là thần thánh gì mà chẳng để ý gì cả? Cô ta làm chủ nhiệm kiểu gì vậy?”
Tôi không trả lời. Thực ra, không phải cô giáo chủ nhiệm không bao giờ để ý đến ai.
Trước đây, cô ấy cũng từng giải quyết những vụ bắt nạt khác. Nếu không, ngay từ đầu tôi đã chẳng tìm đến cô ấy để cầu cứu.
Sau đó, tôi phải năn nỉ nhiều lần, cô ấy mới đồng ý giải quyết. Nhưng cách giải quyết cuối cùng chỉ là nhắc nhở chung trong buổi họp lớp, không chỉ đích danh.
Ngay sau buổi họp lớp đó, Thường Diễm Diễm chặn tôi trong nhà vệ sinh và ra tay: “Con ranh! Học được cách mách lẻo rồi hả?”
Sau này, tôi đã từng nghĩ tại sao cô giáo chủ nhiệm lại giúp đỡ người khác mà lại không mấy quan tâm đến tôi?
Nghĩ tới nghĩ lui, có lẽ vì thành tích của tôi sa sút quá nhiều, cô ấy không thích tôi nữa. Còn nữa… Cô ấy nhiều lần yêu cầu gặp phụ huynh của tôi, nhưng bố mẹ tôi chẳng ai đến.
Nên trong tiềm thức, cô ấy đã nghĩ rằng tôi là một đứa trẻ không có ai quan tâm. Bố mẹ đã không quan tâm, thì cô ấy cũng chẳng cần phải để ý làm gì.
“À này,” Triệu Điềm bất chợt hỏi tôi: “Mẹ cháu chưa bao giờ đến họp phụ huynh sao? Mẹ cháu mất rồi à?”
Tôi chưa kịp trả lời. Bởi ngay lúc đó, một người túm lấy tay áo của tôi.
“Chị Hứa Yên!”
Giang Nồng nở nụ cười đầy châm chọc: “Bà cô này là ai vậy? Sao chị lại đi cùng một người ăn mặc lố lăng thế?
“Còn nữa, tại sao bà ta lại nói mẹ chị chet rồi?”
08
Chát!
Má trái của tôi đau nhói, ngay lập tức nóng bừng lên. Tai tôi ù đi. Mẹ tôi là người làm việc tay chân, sức rất mạnh, cú tát này khiến tôi mãi không hoàn hồn.
“Cô!” Giang Nồng nhẹ giọng gọi.
“Nồng Nồng, đừng cản cô!” Mẹ tôi kéo tôi một cái, khiến tôi loạng choạng. Bà nhìn cô giáo chủ nhiệm, trên mặt mang theo vẻ áy náy:
“Thật xin lỗi cô giáo, đứa trẻ này từ nhỏ đã nghịch ngợm. Tôi không ngờ nó lại chơi với người ngoài, cũng không ngờ nó gan lớn đến mức dám làm phiền cô giáo như vậy.”
“Bà đang làm gì vậy?!” Triệu Điềm phản ứng lại, muốn chạy đến cản. Nhưng còn chưa kịp đến gần, đã bị mẹ tôi đẩy ra.
Thân hình nhỏ bé của bà ấy, dù có lời lẽ sắc bén đến đâu, cũng không thể đối đầu với kiểu phụ nữ “trưởng thành” như mẹ tôi, người vừa nói đã lôi toàn những lời tục tĩu ra mắng chửi.
Mẹ tôi mắng Triệu Điềm một trận, rồi chỉ tay vào bà ấy: “Tôi đang dạy dỗ con gái tôi, đến lượt bà xen vào sao? Bà đợi đấy, tôi sẽ báo cảnh sát ngay, tố bà tội lừa đảo! Bà lừa con gái tôi bao nhiêu tiền rồi?”
Sau đó, bà quay sang tôi, trừng mắt: “Tiền mày ở đâu ra? Mày có dư tiền sao? Nhà ai cũng sống chật vật, mà mày còn có tiền thuê người giả làm phụ huynh?”
“Mày kiếm tiền từ đâu? Có phải mày làm chuyện mất mặt không?”
Tôi không thể chịu nổi nữa. Cú tát ban nãy không khiến tôi khóc, nhưng khi nhìn thấy Giang Nồng đứng không xa, khoanh tay, ánh mắt thờ ơ nhìn tôi – người thân ruột thịt nhất của cô ta, nhưng trong lòng cô ta hoàn toàn không có chút vị trí nào – tôi cuối cùng không nhịn được mà bật khóc.
Tôi cảm thấy nhục nhã.
Mẹ tôi, người dùng những lời lẽ khó nghe nhất để mắng tôi. Còn đứa trẻ bà nuông chiều thì đứng nhìn, chẳng thèm quan tâm.
Vừa nãy, khi mẹ biết Triệu Điềm là người tôi thuê, bà kéo tôi từ hành lang thẳng đến văn phòng cô giáo chủ nhiệm.
Trên đường đi, Triệu Điềm không nhịn được mà bật cười: “Hóa ra mẹ cháu chưa chet à!”
Mẹ tôi càng giận dữ hơn. Bà la hét đòi báo cảnh sát, muốn bắt Triệu Điềm vào đồn!
“Báo đi!” Triệu Điềm cũng hét lên: “Báo cảnh sát để họ xem! Một người làm mẹ, con mình bị bắt nạt mà không hề hay biết! Một giáo viên dung túng cho những hành vi xấu trong lớp! Thật đúng là tấm gương sáng cho ngành giáo dục!”
“Tôi kiếm 200 đồng này là bằng công sức lao động! Tôi còn bị tổn thương tâm lý đó! Tôi bị mấy người làm tôi ghê tởm!”
“Sao? Cô không đến họp phụ huynh cho con bé thì con bé thuê người đến cũng không được à?”
Cô giáo chủ nhiệm vội vàng nói không thể báo cảnh sát.
“Chị Hứa! Nhìn người mà chị giao du kìa! Sao bà ta lại dám nói vậy với cô chứ?” Giang Nồng hét lên, cố gắng kéo sự chú ý của mọi người quay lại về phía tôi.
Và quả nhiên, mẹ tôi lập tức bị kéo vào.
“Cô ta dám quản à? Cô ta là gì mà quản? Chắc đây là lời mày muốn nói đúng không?” Mẹ tôi quay phắt đầu, túm lấy tóc tôi, hét lên: “Người khác không bị bắt nạt, chỉ có mày bị bắt nạt đúng không?”
“Sao mày cứ thích gây chuyện thế? Nồng Nồng học cùng trường với mày, lại còn học dưới mày một lớp, sao con bé không bị bắt nạt, mà chỉ có mày bị bắt nạt?”
“Mày đi chơi với mấy người ngoài xã hội thì ai chẳng bắt nạt mày? Cô giáo quan tâm mày làm gì? Tự mày không học tốt, cô giáo mắc nợ mày chắc?”
“Bà đ//iên rồi à?!” Triệu Điềm cắt lời, hét lên:
“Bà lo được việc họp phụ huynh cho cháu gái, mà không lo được cho con gái mình à?”
“Cô cháu gái này có phải con riêng của bà không đấy?” Bà ấy lao lên, cố gỡ tóc tôi ra khỏi tay mẹ tôi: “Thả ra! Thả con bé ra ngay!”
Vốn dĩ tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng.
Khi mẹ nói tôi là một đứa bỏ đi, khi bà chất vấn tại sao người khác không bị bắt nạt, mà chỉ có tôi. Khi cô giáo chủ nhiệm nhìn tôi với ánh mắt thương hại.
Nhưng khi Triệu Điềm lao lên, cố gắng gỡ tóc tôi ra, không hiểu sao, tôi bỗng như được tiếp thêm sức mạnh.
Tựa như, mọi bất mãn dồn nén bấy lâu nay, cuối cùng cũng tìm được lối thoát…
Khi mẹ tôi giơ tay định tát Triệu Điềm, tôi dùng hết sức đẩy mạnh bà. Dù bà cao lớn, khỏe mạnh, mẹ vẫn bị tôi đẩy loạng choạng.
“Cô ơi!” Giang Nồng định chạy đến đỡ bà.
“Đủ rồi!!” Da đầu tôi đau rát, tôi gào lên với tất cả sức lực: “Mấy người muốn làm gì? Gây náo loạn hết cỡ à? Cứ làm to chuyện lên, đến bảo vệ cũng phải đến đây! Báo cảnh sát ngay đi!”
“Mày đ//iên à?” Mẹ tôi bị tôi hét làm cho đứng sững lại.
Cũng đúng thôi, bà đã thấy nhiều phiên bản của tôi.
Tôi u sầu.
Tôi tự ti.
Tôi van xin bà chút tình thương của một người mẹ.
Nhưng, tôi ương ngạnh, tôi lớn tiếng, đã biến mất từ khi Giang Nồng đến nhà tôi.
Cả lớp im phăng phắc.
Ánh mắt mẹ nhìn tôi xen lẫn kinh ngạc và uất ức. Bà uất ức cái gì chứ?
Trái tim tôi thắt lại, nước mắt tuôn rơi, tôi khàn giọng nói: “Mẹ vừa hỏi con, tại sao người khác không bị bắt nạt, mà chỉ có con đúng không?”
“Mẹ à, tất cả là nhờ mẹ đấy. Mẹ còn nhớ không? Lần đó, con xin mẹ mua cho con một cái áo ngực. Mẹ còn nhớ mẹ đã nói gì không?”