Không Ngoảnh Lại - Ngoại truyện
1.
Nam thành có nạn lụt, triều đình phân bổ mười vạn lượng cứu trợ nhưng dân tị nạn vẫn tràn lan, thậm chí còn trốn tới kinh thành, bị chặn lại ngoài cổng thành.
Phụ hoàng ra lệnh cho ta điều tra.
Hạ triều xong, lão Tứ cười chúc mừng ta, ánh mắt vừa âm trầm vừa đố kỵ.
Ta lười để ý, định đi ra ngoài kiểm tra tình hình dân chúng, nên trực tiếp bỏ qua hắn.
Không ngờ hắn bước lên một bước, ghé sát tai ta nói nhỏ: “Phụ hoàng chỉ thiên vị ngươi thôi, ngươi còn tưởng bản thân thật sự có bản lĩnh ư?”
Ta dừng bước, mỉm cười hờ hững: “Cũng tạm, vẫn hơn ngươi không văn không võ.”
Hắn ngẩn ra, mặt mày tái xanh, ta liền bỏ đi.
Gần đây lão Tứ càng ngày càng quá đáng, thậm chí còn thò cả tay chân vào phủ của ta. Thế nhưng,, ta cứ cảm thấy có gì đó không ổn.
Lão Tứ không có đầu óc đến thế.
Ta tạm thời đè nén sự nghi ngờ trong lòng, bước lên thành tường.
Nhìn thấy cảnh tượng dân tị nạn đông nghìn nghịt ngoài thành, ta nhíu mày, bên ngoài ước chừng có mấy ngàn người, sao lại nhiều như vậy?
“Điện hạ? Đây…?” A Sinh theo ta từ nhỏ, lúc này thấy sắc mặt ta không tốt, nhìn thấy cảnh tượng này liền rụt rè lên tiếng.
Ta quay người xuống khỏi tường thành, tìm một cửa hàng may mặc, thay ra bộ đồ rách nát bẩn thỉu.
A Sinh ngạc nhiên nhìn ta.
Ta khẽ nâng mắt, hắn liền vội vàng đi vào thay bộ đồ tương tự.
Ngắm nhìn mình trước gương một lát, ta còn làm rối tóc, bôi bẩn mặt và tay, rồi ra khỏi thành.
May mà có người phát cháo, chắc là binh lính cứu trợ, lòng ta bớt đi phần nào không vui.
—
Đội phát cháo dài chừng nửa dặm, trong đó có những lão già run rẩy, những tiểu hài gầy gò mặt mày vàng vọt, và cả những kẻ bệnh tật gầy trơ xương.
Ta xếp mình vào hàng, vừa chậm rãi bước tới, vừa hỏi thăm tình hình lão trượng phía trước.
Ông thở dốc nặng nề, trông thể lực suy yếu, miệng mắng chửi triều đình vô dụng, cháo ban phát cho dân mà lại trộn lẫn cát bụi.
Chạy nạn đến tận kinh thành, lại chẳng được cho vào.
Dứt lời, ông ho mấy tiếng.
Ta ngước nhìn phía trước đội, bước tới đầu hàng, trông thấy không phải quan binh, mà là một thiếu nữ chừng mười sáu mười bảy tuổi. Nàng cẩn trọng đưa từng bát cháo cho dân chạy nạn. Đôi mi thanh tú, ánh mắt như sao, mang nét trong sạch hiếm thấy nơi cung đình. Ánh mắt ấy không có sự toan tính, chẳng mang vẻ thẹn thùng, mà tràn ngập thành thật và tự do.
Nàng thấy ta tiến lên, khẽ nhíu mày: “Ngươi làm gì chen ngang?”
Ta ngẩn người, không biết đáp sao, vốn nghĩ rằng đây là quan binh triều đình phát cháo…
“Sao lại thở dài thế?”
Nàng nhìn ta ngây người, nét mặt dịu lại vài phần, nhanh nhẹn múc một bát cháo đưa ta, còn bỏ thêm một cái bánh vào.
“Lần sau đừng có chen ngang nữa, lát nữa nhớ trả lại bát cho ta.”
“Ừm.”
Ta nhận bát, thoáng thấy cổ tay trắng nõn cùng những đầu ngón tay hồng hào. Ta ngẩng đầu nhìn, nàng lại bắt bắtddaauf bận rộn, hoàn toàn không để ý đến sự lúng túng của ta.
Ta quay trở lại, đưa bát cháo cho lão trượng khi nãy, ông rối rít cảm tạ rồi vội mang cháo về gốc cây cho đứa cháu nhỏ, từng chút một bón cho nó.
Đứa nhỏ gầy gò trơ xương, uống vài ngụm rồi bảo không đói nữa, nhưng cứ khăng khăng đòi chia phần cháo với ông lão.
Ta hỏi thăm xem người phát cháo là ai, họ nói là người Đinh gia.
Nhớ tới đôi mắt của nàng, ta tìm hiểu, biết rằng nàng tên là Đinh Yên Nhi. Từ ngày đó, ta trở thành một trong những “nạn dân,” cùng họ ăn ngủ, chẳng mất quá năm ngày đã nắm rõ tình hình của Nam thành.
Nhưng đói khát thì chẳng thể nào tránh được.
Mỗi ngày chỉ có hai bát cháo, hai cái bánh.
Ngày nọ, khi ta đang ngồi tựa lưng vào gốc cây, đột nhiên có đôi tay vỗ nhẹ lên vai ta.
Mở mắt ra, ta thấy ngay đôi mắt sáng như sao trời, nàng đưa cho ta hai miếng điểm tâm, rồi bảo tỳ nữ dâng thêm một bát trà.
“Ngươi là quan sai đến điều tra tình hình lũ lụt đúng không?”
Giọng nói của nàng nhẹ nhàng như âm thanh của loại nhạc cụ quý giá, trong trẻo, dễ nghe.
Ta khẽ nghiêm mặt, chưa kịp nghĩ cách ứng phó, thì nàng đã cười mỉm, chỉ tay về phía tay ta.
“Ngươi chẳng có vết chai nào, nhưng cũng thật giỏi, thực sự chịu ở lại đây ăn uống như dân thường.”
Trong lòng ta khẽ mềm lại, cũng chẳng giả bộ nữa, ta lười biếng dựa vào gốc cây, chỉ tay về phía bát trà.
Nàng bất đắc dĩ, bảo tỳ nữ rót thêm cho ta một bát.
“Nhạt nhẽo quá.” Ta giả bộ chê bai.
Nàng bỏ ngoài tai lời phàn nàn của ta, hào hứng nói: “Ngươi phải điều tra cho kỹ, lôi hết đám quan tham chuyên bóc lột dân chúng xuống cho ta!”
Nghe những lời nhiệt huyết mà ngây thơ ấy, ta không khỏi bật cười: “Được.”
“Thôi được, ngươi đói thì cứ tới tìm ta, ta có bao nhiêu điểm tâm cũng cho ngươi ăn hết.”
Ta nhìn chiếc bánh thô ráp trong tay, lắc lắc với nàng. Khuôn mặt nàng hơi đỏ: “Mùi vị cũng được đấy chứ… khụ khụ.”
Nói xong, nàng thản nhiên dúi nốt chỗ điểm tâm còn lại vào tay ta rồi quay người rời đi.
Lúc đó, ánh chiều đỏ rực khắp bầu trời, ta nhìn bóng lưng cỗ xe ngựa của nàng mà không hiểu sao trong lòng lại trống trải.
Cắn một miếng bánh kỳ quái đó.
Chậc, thật khó ăn.
Trở về cung, ta báo cáo mọi việc, nhưng không đề cập đến chuyện nhà họ Đinh phát cháo.
Quan lại còn không thèm quan tâm tới sự sống chết của nạn dân, một thương hộ lại dám lo liệu, quá dễ bị nhắm vào.
Phụ hoàng nổi giận đùng đùng, lệnh cho ta điều tra đến cùng.
Nam thành là địa phận của lão Tứ, hắn cho rằng ta cố ý nhắm vào hắn, ánh mắt nhìn ta như muốn giết người.
Nhưng đáng tiếc, hiện giờ hắn chẳng thể làm gì được ta.
Việc trà trộn vào đám nạn dân giúp ta nhanh chóng phát hiện trung thần và gian thần. Kẻ nào dù trước mặt ta có giả vờ làm người tốt đến đâu, nhưng đối với dân chúng, chúng vẫn chỉ là loài cầm thú.
Không ngờ việc thu thập chứng cứ lại kéo dài đến ba tháng, nhìn từng chứng cứ rõ ràng, đủ để kết tội tru di cả gia tộc.
Và ta cũng đã gặp phải ám sát.
Lão Tứ lớn gan hơn ta tưởng nhiều.
Sau khi báo cáo, cơn thịnh nộ giáng xuống, các quan đầu sỏ đều bị xử tử, gia quyến lưu đày, những kẻ còn lại tùy theo mức độ mà xử lý.
Lão Tứ bị cấm túc nửa năm.
Sau buổi triều, phụ hoàng giữ ta lại, nở nụ cười: “Làm tốt lắm.”
Ta cúi đầu hành lễ, tạ ơn.
Phụ hoàng ho khan vài tiếng, ánh mắt đầy toan tính: “Ta xem còn ai dám nghi ngờ năng lực của ngươi nữa không.”
Nói xong, ông cười ha hả.
Ta lại sững người: “Phụ hoàng biết chuyện của Nam thành?” Ta không tin nổi mà hỏi.
Ông cười mà không đáp, mọi thứ trở nên hiển nhiên.
Ta cười gượng, rời khỏi cung, trong lòng lại như sóng dữ cuộn trào.
Hóa ra tất cả đều là do phụ hoàng cố ý buông lỏng… mục đích là để mở đường cho ta. Nghĩ đến cảnh tượng thi thể la liệt khắp Nam thành, ta đau đớn nhắm chặt mắt.
Trong số đó còn có những bộ hài cốt bé nhỏ, chưa kịp trưởng thành đã trở thành một nắm đất vàng.
Trên đường về phủ, ta bất giác nhớ đến đôi mắt trong sáng kia. Nàng mỉm cười, nói với ta phải kéo những quan lại ức hiếp dân lành xuống.
Nhưng nguồn gốc của mọi sự bẩn thỉu này, lại chính là ta.
“Điện hạ?”
A Sinh thấy ta ngồi ngây người trước án thư, lặng lẽ lui ra, để lại không gian riêng cho ta.
Ta thở dài một hơi, chống tay lên trán.
Làm vua, rốt cuộc là gì? Nếu ta thực sự ngồi lên ngôi vị đó, liệu cuối cùng ta có trở nên như vậy không?
Không hiểu sao, ta bỗng nhiên muốn nhìn lại đôi mắt trong sáng ấy một lần nữa.
May mắn thay, nàng rất dễ tìm, thường ở trong cửa tiệm của mình, đàm phán với khách hàng hoặc quản gia.
A Sinh nhìn bộ y phục bẩn thỉu của ta, do dự: “Thuộc hạ có cần đi theo ngài không?”
“Không cần, cứ âm thầm theo sau là được.”
Khi ta đến Hồng Lụa Các, nàng đang nói chuyện với một khách hàng, mặc một bộ y phục màu hồng nhạt, ánh mắt rực rỡ, mang theo chút láu lỉnh như hồ ly. Lòng ta chợt mềm lại đôi chút, nhưng nàng nhìn thấy ta, thoáng có chút nghi ngờ, rồi bỗng ánh mắt sáng lên.
“Nghe nói lần này xử lý nạn lụt ở Nam thành rất tốt, các con đường thương mại đều đã thông.”
Nàng vẫn giữ sự trong sáng và thẳng thắn như thường lệ, còn ta…
Chỉ dám nấp sau bộ y phục bẩn thỉu này, lén lút quan sát.
“Sao vậy?”
Nàng thấy ta không nói, bèn hỏi, rồi nhìn ta từ trên xuống dưới.
“Sao không thay y phục của mình?”
Ta không đáp, chỉ cúi đầu: “Lần này, ta đã làm không tốt.”
Nàng nhìn ta, ánh mắt dịu dàng hơn vài phần: “Người dân đều ca ngợi, sao lại không tốt?”
Ta không biết nói sao cho phải: “Chuyện lần này, dường như do ta mà ra.”
Nàng sững sờ: “Chuyện nạn lụt sao có thể do ngươi? Ngươi có làm rút bớt vật liệu ở đập đâu? Mà chuyện đó đã từ mười mấy năm trước rồi, khi đó ngươi vẫn còn là đứa trẻ mà.”
Nàng nói rồi tiến lại gần, hương hoa quế thoang thoảng đến bên mũi ta.
Lòng ta bất giác loạn nhịp, vội vàng lùi lại: “Ý ta là… họ tham nhũng, là vì ta… do phụ hoàng mặc kệ.”
Nàng càng thêm nghi hoặc: “Phụ hoàng ngươi tại sao lại mặc kệ?”
“Vì muốn mở đường cho ta.”
Nàng dường như không hiểu lắm, cắn môi hồng.
Ta tự thấy hổ thẹn, đột nhiên không biết mình đến đây làm gì, quay người định bỏ đi, nhưng lại bị nàng kéo tay áo.
“Ngươi biết chuyện này?” Trong mắt nàng như có lửa bùng cháy.
Ta lắc đầu.
Nàng trông có vẻ buồn, có lẽ vì thương xót cho dân chạy nạn, nhưng vẫn nhẹ nhàng xoa đầu ta, như đã quen làm vậy.
“Đừng dùng lỗi lầm của người khác để trừng phạt bản thân, nhưng phụ hoàng ngươi sai, ông ta phải chịu trách nhiệm.”
Trong lòng ta bỗng chua xót, nhìn nàng. Nàng đâu biết rằng, người đó vốn không thể bị trừng phạt.
Cơn gió thổi qua, cuốn theo một lọn tóc rối của nàng, ta bỗng dưng thấy tay mình ngứa ngáy, đột nhiên cảm thấy ghen tị với cơn gió ấy.
Rời đi xong, ta bảo A Sinh điều tra về nàng.
Phát hiện nàng có vị hôn phu tên là Tần Tử Trúc, là người được tuyển chọn làm chồng cách đây 5 năm, nhỏ tuổi hơn nàng.
Chẳng trách, mới hay vỗ đầu người ta thành thạo đến vậy, chắc cũng thường làm với hắn, như dỗ dành trẻ con.
Ta nhìn tờ giấy trên bàn, lại đi gặp nàng một lần nữa. Quả nhiên, như ta dự đoán, người thanh niên kia quay lưng về phía ta, không nhìn rõ mặt.
Nhưng ta lại có thể thấy niềm vui và sự yêu mến trong mắt nàng, khiến lòng ta như bị đè nặng.
Nếu quen biết sớm hơn, liệu có cơ hội nào không?
Ta nhắm mắt lại, từ bỏ ý định cướp nàng về. Nàng vốn chẳng biết ta là ai, hơn nữa, ta cũng không muốn ánh sáng trong mắt nàng vụt tắt.
Nàng đáng có cuộc sống như nàng mong muốn, làm công việc yêu thích, kết hôn với người mình yêu, và sống một đời hạnh phúc.
Về đến phủ, ta ném tất cả tài liệu và bộ y phục bẩn thỉu vào lò lửa, nhìn chúng bị thiêu rụi cùng với những suy nghĩ viển vông không nên có.
Tam ca đã chết nay lại sống dậy.
Nhìn tờ mật thư trong tay, ta bật cười. Hắn chính là Tần Tử Trúc.
Chẳng trách, ta đã nói sao Tứ ca lại dám lớn gan đến vậy, còn dám thò tay vào phủ của ta, phái người ám sát.
Ta từng nghi ngờ Nhị ca, nhưng không ngờ lại là một kẻ chết từ lâu gây sóng gió.
“Điện hạ, bây giờ cả kinh thành đều đã biết chuyện…”
A Sinh lo lắng nói.
Ta cười lạnh: “Không sao, ta sẽ vào cung một chuyến.”
Vào cung, phụ hoàng bình tĩnh nhìn ta: “Lát nữa ta sẽ ban chỉ, gả Hà Oánh cho con.”
Ta cau mày: “Hà Oánh là người của Tam ca.”
Phụ hoàng cười lạnh: “Cũng là tâm can của lão già Hà Khôn, sao, con không muốn?”
Ta gật đầu, ngay giây tiếp theo, một cái nghiên mực ném thẳng xuống chân ta.
“Ân Cửu Hà, nếu không phải mẫu hậu con vì sinh con mà mất mạng, con nghĩ ta nguyện ý trao ngôi vị này cho con? Ta hỏi con, con có cưới không?”
Ta mím môi không nói gì.
Phụ hoàng nheo đôi mắt dài, tuổi tác không làm giảm đi vẻ sắc bén của ông, ngược lại còn tăng thêm phần uy nghi từ năm tháng tích tụ.
“”Trong lòng con có người rồi à?”
Ta nghĩ đến đôi mắt trong sáng ấy, lắc đầu nói: “Con chỉ là không muốn bất chấp thủ đoạn.”
Phụ hoàng giận quá hóa cười, chỉ vào ta: “Trẫm thật không nên để con vừa sinh ra đã sở hữu những thứ này, chiều hư con đến mức ngây thơ ngu ngốc như vậy. Nếu đã thế thì con cút đi.”
Ta quỳ xuống tạ ơn, phía sau truyền đến tiếng đồ vật bị ném vỡ xuống đất.
Ngày hôm sau, Thượng thư Bộ Lễ dâng tấu, nói rằng huyết thống của ta có điều đáng ngờ.
Phụ hoàng nhìn ta với ánh mắt đe dọa, ta biết, đó là cơ hội cuối cùng mà người dành cho ta. Thế gian này ai cũng nghĩ ta là con của ông và hoàng hậu, thực ra ta là con của ông và một cô gái dân thường mà ông yêu thương.
Đáng tiếc, sinh mẫu của ta khó sinh, sinh xong ta thì qua đời.
Nhìn ánh mắt của phụ hoàng, ta cúi đầu, ngày hôm đó bị phế bỏ ngôi thái tử.
Chẳng bao lâu sau, những người ủng hộ ta bắt đầu có động thái.
Ta cùng họ liên lạc đường lui, bình thản ngồi trong thư phòng uống trà ăn điểm tâm, nhìn A Sinh suýt nữa thì bứt tai vò đầu.
“Điện hạ, thánh thượng chẳng phải luôn sủng ái ngài, sao tự nhiên lại…”
Ta phẩy tay.
“Lão tam sắp trở về, giúp hắn một tay.”
A Sinh há miệng, ta biết hắn muốn nói ta điên rồi.
Nhưng sau sự việc này, ta hiểu rõ vị trí đó không hợp với ta. Nói ta ích kỷ cũng được, nói ta không biết trân trọng phúc phận cũng được, dù sao đi nữa, ta không muốn trở thành người như phụ hoàng.
Hơn nữa, ông đối với ta tốt như vậy, đâu phải vì cái gọi là tình yêu, mà là vì cảm giác tội lỗi.
Ta đã sớm biết rồi, trước khi mẫu thân lâm bồn, ông đã thành thân, tối đó mẫu thân sinh non, khi mất, ông cũng không ở bên cạnh, vì vậy mới dồn hết nỗi áy náy lên ta, thậm chí không tiếc ép hoàng hậu uống thuốc đoạn tử.
Ở một mức độ nào đó, phụ hoàng và lão tam thật sự giống nhau.
Sau chuyện đó, ta bị giam trong phủ, nhị đệ mất, nghe nói là mắc bệnh tạp uế.
Tứ đệ cũng bị đày đến đất phong, sống cuộc đời lưu đày.
Ta giao khế bán thân của A Sinh cho hắn, bảo hắn cùng Tử Ngọc cao chạy xa bay, đừng ngày ngày xuất hiện trước mặt ta nữa.
Nhưng hắn hình như đoán ra điều gì, không chịu rời đi.
Ngày lão tam được nhận lại thân phận, hắn còn đến chào hỏi ta, một khuôn mặt ôn hòa, không có chút sát khí nào, trông như một đứa trẻ chưa trưởng thành.
Đôi mắt như phủ một lớp sương, nhìn không rõ ràng.
“Hoàng huynh, lâu rồi không gặp, thật nhớ quá.”
Hắn cười, trong mắt có vài phần thâm hiểm, ta gật đầu: “Ta biết rồi.”
Sau đó rời đi, A Sinh lặng lẽ nói với ta rằng biểu cảm của lão tam trông rất đáng sợ.
Ta không đáp lời.
Đinh Diễm Nhi có biết bộ mặt này của hắn không nhỉ?
Nhưng ngay khi vừa có suy nghĩ đó, ta lại tự giễu cười cười, chuyện đó liên quan gì đến ta…
“A Sinh, ta mệt rồi.”
A Sinh sửng sốt, ngạc nhiên nhìn ta, ta khẽ cười một tiếng. Hắn cúi đầu, quỳ xuống bên cạnh ta: “Bất kể điện hạ quyết định thế nào, A Sinh cũng là người của điện hạ.”
Ta nhìn hắn, nhắm mắt lại.
Chẳng bao lâu, “ta” tạo phản.
Phụ hoàng biết ta không thể làm chuyện đó, nhưng người vẫn “tin”, hẳn là vì người thấy lão tam giống ông hơn.
Về sau, người nhìn ta, dường như xuyên qua ta để nhìn người khác, giọng lạnh nhạt nhưng vẫn vương chút lưu luyến: “Mẫu thân ngươi cũng ngây thơ như vậy, rồi bị sự ngây thơ của mình hại chết.”
Ta cười gật đầu: “Phải, yêu một người như phụ hoàng, nhưng con có chút tò mò, mẫu thân ở biệt viện, tin tức bế tắc, làm sao biết được ngài thành thân?”
Sắc mặt người lạnh đi.
Ta cười đến chảy cả nước mắt, lặng lẽ nhìn mặt người.
Cuối cùng, người không nói gì, phất tay áo rời đi.
Quả nhiên, người biết đó không phải là một tai nạn.
Hy vọng cuối cùng bị đập nát hoàn toàn, ta hít một hơi sâu, nói với A Sinh: “Bắt đầu đi.”
Ngày hôm sau, ta lần cuối cùng nhìn người con gái mà ta hằng nhung nhớ, nàng đang ngồi trên xích đu, vuốt ve bụng mình, nói chuyện gì đó, hoa đào bay tán loạn.
Ta nhìn thật kỹ khuôn mặt dịu dàng ấy, muốn khắc sâu khoảnh khắc này vào tâm trí. Chắc chắn lão tam sẽ đón nàng vào cung, nàng không thể tiếp tục buôn bán nữa.
Nhưng ta biết lão tam thật lòng yêu nàng, nếu không với tính cách của hắn, đã sớm xóa sạch sự tồn tại của Đinh phủ rồi.
Vì vậy, ta có thể yên tâm rời đi.
Vài tháng sau, ta làm phản rồi “chết” trong loạn lạc.
Rời khỏi kinh thành, ta mới phát hiện ra rằng, thế gian này còn nhiều điều tốt đẹp đến thế, ta thay đổi dung mạo, tìm đến một ngôi làng nhỏ bình yên.
Người ở đó rất lương thiện, ánh mắt trong sáng.
Ta thu hết tai mắt, không còn dò la tin tức về nàng nữa. Nhưng không ngờ, ba năm sau, ta lại nghe tin nàng qua đời từ miệng của dân làng.
Lần đầu tiên ta hối hận đến vậy, hối hận vì đã không giành lấy nàng.
Người con gái với đôi mắt sáng và trong trẻo, khiến ta day dứt suốt ngần ấy năm, lại ra đi như thế sao?
– Hết –