Hoàng Hậu Không Muốn Sống Nữa!! - Chương 7
Ta xoa nhẹ đôi mắt mệt mỏi, rồi lại cầm tấu chương lên. Trị quốc an bang, ắt phải bắt đầu từ việc biết chữ.
Bằng cách nhận diện từng từ qua ngữ cảnh, ta tạm thời chia tấu chương thành bốn loại: loại xu nịnh tâng bốc, loại không quá quan trọng, loại khẩn cấp, và loại ta không thể làm gì được.
Như vậy, công việc bỗng trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Những việc nhỏ, ta giao cho các đại thần xử lý, việc lớn thì đợi tân đế quay về quyết định. Còn những chuyện cấp bách, như phản loạn phía đông, lũ lụt phía nam, hạn hán phía tây, chiến tranh phía bắc… Có vẻ như quốc gia này sắp sụp đổ đến nơi rồi! Không hiểu sao tiên hoàng có thể trụ vững trước tình thế bốn bề thọ địch như vậy?
Ta liều mình thỉnh viện trợ, thấy vị tể tướng đã ngoài tuổi sáu mươi vất vả chạy đến, lòng ta không khỏi xấu hổ.
Ta lược thuật lại những vấn đề chính yếu, khiêm nhường thỉnh giáo: “Xin hỏi đại nhân, có phương sách gì để giải quyết những việc này chăng?”
“Thần không dám nhận! Mọi quyết định đều phải do Thái hậu định đoạt.” Tể tướng không hề ngẩng đầu lên, dáng vẻ hoàn toàn phục tùng.
Ta mơ hồ hiểu ra vì sao ở tuổi này, ông vẫn có thể vững vàng giữ vị trí tể tướng. Vì thế, ta chuyển hướng câu hỏi: “Vậy tể tướng có biết tiên hoàng đã quyết định thế nào không?”
“Việc này… thần không dám vọng ngôn.”
“Ái khanh theo hầu tiên hoàng đã nhiều năm, hẳn là người hiểu ý tiên hoàng nhất. Cứ nói thẳng, không cần e ngại.”
Tể tướng từ từ ngẩng đầu, vết thương băng bó dưới chiếc mũ sa đen nhạt nhòa hiện ra, ánh mắt ông ánh lên sự sắc sảo của tuổi già: “Thái hậu thánh minh, thần nguyện hết lòng bẩm báo.”
Ta nghiêm túc gật đầu: “Người đâu, ban ghế ngồi.”
May nhờ tể tướng thao thao bất tuyệt, ta mới thấu hiểu sâu sắc những căn bệnh trầm kha của quốc gia, cùng với nỗ lực của tiên hoàng.
Lân triều nhiều năm liền mở quốc khố cứu trợ nạn dân nhưng chẳng khác nào muối bỏ bể. Tiên hoàng đã tìm đủ mọi cách, từ việc xây đập, đắp đê ở phía nam, đào giếng và khơi thông kênh ngòi ở phía tây, thậm chí còn có tầm nhìn xa khi nghĩ đến việc dẫn nước từ nam sang tây.
Tiếc thay, dù là nhân lực, vật lực, tài lực hay kỹ thuật đều không đủ để thực hiện những ý tưởng này. Hầu hết mọi người không thể hiểu được những kế hoạch phi thực tế của tiên hoàng, nên đã dấy lên cuộc phản loạn ở phía đông, còn phía bắc thì chiến loạn liên miên.
Tiên hoàng ngược lại lợi dụng chiến loạn, điều động nạn dân vào quân ngũ, đại quy mô di dời họ đến phía đông và biên cương phía bắc. Nhờ vào lương thực và tiền bạc từ quân đội, ông giải quyết được nạn đói cho dân chúng. Cuối cùng, tiên hoàng sử dụng tù binh chiến tranh với chi phí lao động thấp nhất để gửi họ đến phía tây nam xây dựng công trình thủy lợi.
Toàn bộ Lân triều dường như chỉ nhờ vào sức mạnh của tiên hoàng mà duy trì vận hành. Càng tìm hiểu, ta càng khâm phục thủ đoạn của ngài, lại càng tiếc nuối cho sự ra đi khi còn đang tráng niên. Thế nhưng, hiện nay khi trụ cột ấy đột ngột sụp đổ, lòng dân trong nước trở nên ly tán, còn ngoại bang thì như hổ rình mồi. Các đại thần không ai dám quyết định vấn đề tài chính hay quân sự.
Ta thầm cảm tạ tiên hoàng đã để lại nền móng vững chắc, rồi nói với tể tướng: “Hãy tiếp tục mở kho quốc khố, nhưng phải lưu lại một nửa để phòng bất trắc.
“Hãy cho gia quyến của binh sĩ và nạn dân khai khẩn ruộng đất ở biên giới tây nam để trồng lương thực, khi mùa màng chín, lập tức chuyển thẳng ra tiền tuyến.
“Miễn thuế quan, cho phép thương nhân nộp thuế dựa trên lợi nhuận, còn nếu quyên góp vật tư thì có thể khấu trừ vào thuế.
“Phái đại thần ra kiểm tra sổ sách ở hai miền tây và nam, nhớ điều quan lại có gia tộc ở phía tây thì gửi xuống phía nam, còn quan lại gốc nam thì phái sang phía tây.
“Tạm thời giữ nguyên các chính sách của tiên hoàng, đợi tân đế về sẽ điều chỉnh sau.”
Mỗi lời ta nói, ánh mắt tể tướng càng thêm sáng rực. Cuối cùng, ông quỳ xuống đất thốt lên: “Thái hậu thánh minh!” Lời nói lần này nghe chân thành hơn trước không ít.
Ta vốn chẳng hiểu gì về việc trị quốc, nhưng hiện tại nút thắt lớn nhất chính là tiền bạc. Quốc khố trống rỗng, còn thảm hại hơn nhà của Tôn Thúc Ngao. Muốn bù đắp quốc khố chỉ có cách tăng thuế, mà thương nhân thì hoặc là lập sổ giả, hoặc là nâng giá lên cao. Giá cả tăng cao khiến dân nghèo không thể mua nổi lương thực, rồi triều đình lại phải chi thêm để cứu trợ nạn dân, cứ thế tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Muốn phá vỡ vòng xoáy này, phải vừa mở rộng nguồn thu, vừa tiết kiệm chi tiêu, đồng thời chỉnh đốn quan lại tham ô.
Tiễn tể tướng ra về, ta dựa vào long ỷ, uống một ngụm trà nóng, cảm giác trong lòng thư thái lạ thường.
Không biết hậu thế có lưu lại một chương sách nào về ta chăng…
Cơn gió nhẹ thoảng qua, lật giở từng trang sách trên bàn, khiến ta bỗng bừng tỉnh. Ta chợt nhận ra một sai lầm nghiêm trọng.
Ta vốn không phải là Hoàng hậu!
Suốt cả chặng đường này, ta mới sực tỉnh và nhận ra bản thân đã đi lệch quá xa so với mục tiêu ban đầu. Đạo đức đã kìm kẹp ta quá lâu, suýt nữa khiến ta lầm tưởng mình là một người tốt.
Tiếp theo, ta quyết định “sửa lại sai lầm,” với lý do sức khỏe không tốt, liền giao hết công việc cho các đại thần, một lòng chờ Tam hoàng tử trở về đăng cơ.
Nghĩ lại, ta không hiểu sao lúc trước lại quên hỏi mẹ ruột của Tam hoàng tử là ai, sớm giao lại ngôi vị Thái hậu cho mẹ của hắn thì đỡ phiền biết bao.
Tuy nhiên, bấy lâu cũng không thấy phi tần nào tranh giành với ta, thêm vào đó Tam hoàng tử bị điều đi biên ải phía bắc, có vẻ không được sủng ái, có lẽ mẫu phi của nó đã mất rồi.
Một tháng sau, tân đế Triệu Thừa Trạch dẫn theo ba trăm tinh binh trở về hoàng thành, ngoài thành còn có ba vạn kỵ binh khí thế hừng hực, đao kiếm sáng loáng.
Người hiểu thì biết là để đăng cơ kế vị, còn không thì tưởng hắn dẫn quân về mưu phản.
Có lẽ đó chỉ là ảo giác của ta, nhưng ánh mắt của các đại thần nhìn ta như thể cha mẹ tiễn con cái đi xa, đầy vẻ luyến tiếc và đau lòng.
À phải rồi, sau khi tân hoàng trở về, ta sẽ phải tuẫn táng. Dù chỉ ở bên các đại thần trong thời gian ngắn ngủi một tháng, có lẽ họ cũng có chút luyến lưu ta. Nếu đã vậy, ta sẽ bỏ qua những lời can gián quyết liệt của họ lúc trước.
Ta vô cùng mong mỏi đến lúc kết thúc vinh quang này, cho đến khi một chàng trai trẻ trung, khí phách, khoác long bào, đội mũ cánh thiện, từng bước mạnh mẽ tiến tới trước mặt ta, rồi không nói lời nào, liền dập đầu ba cái vang dội.
“Hài nhi bất hiếu, khiến mẫu hậu chịu khổ rồi!”
Ta thoáng giật mình, lòng chùng xuống, không muốn đối mặt với tai ương sắp tới, liền nhắm mắt lại và ngất đi.
6.
“Nếu mẫu hậu không tỉnh lại, trẫm sẽ khiến các ngươi toàn bộ tuẫn táng theo!”
Ta vốn định giả ngất thêm chút nữa, nhưng nghe thấy giọng nói lạnh lùng đầy sát khí kia, liền mở mắt ngay lập tức. Cả tẩm cung im ắng đến mức có thể nghe thấy tiếng kim rơi, ai nấy đều sợ đến mức không dám thở mạnh, chỉ lo khinh suất sẽ chọc giận tân hoàng.
Khuôn mặt khôi ngô tuấn tú của hắn áp sát ta, đôi mắt sáng lên khi thấy ta tỉnh lại, hắn vui mừng hỏi: “Mẫu hậu, người cảm thấy thế nào rồi?”
Ngươi là ai? Cơm có thể ăn bậy, nhưng mẫu hậu thì không thể nhận bậy được! Ta giả vờ ngơ ngác nhìn hắn: “Ngươi là ai?”
“Con là Sùng nhi mà!” Tiểu hoàng đế vội vàng nắm lấy vai ta.
Sùng nhi… cái tên nghe có chút quen thuộc.
“Hoàng hậu có lẽ đang nhớ Sùng nhi lắm nhỉ?” Giọng nói của tiên hoàng như vang lên bên tai ta, tựa như lời thì thầm của quỷ dữ.
Hoàng đế thứ ba của Lân triều, họ Triệu, tên Sùng, tự Thừa Trạch.
“Thì ra là Sùng nhi.” Ta khô khốc lặp lại một câu. Hóa ra Sùng nhi không phải là đứa trẻ yểu mệnh, nguyên chủ còn có một đứa con lớn như thế này!
Do ta – một vịTthái hậu – lại mắc sai lầm trọng đại, lễ đăng cơ bị hoãn ba ngày.
Ta lặng lẽ ngồi bên cạnh “con trai”, mặt không cảm xúc lắng nghe thái giám đọc thánh chỉ, ca ngợi những công tích khi sinh thời của tiên hoàng.
“Truy tôn tiên hoàng Triệu Doãn Huyền là Minh Đức Đế, phong Hoàng hậu Lý thị làm Vĩnh Thịnh Hoàng Thái Hậu…”
“Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!”
Mọi chuyện đã an bài, ta nghĩ rằng lúc này chính là thời khắc thích hợp để lên tiếng: “Nay Thừa Trạch đế đã bình an trở về, ai gia cũng có thể yên lòng mà đi theo tiên đế rồi.”
Tiểu hoàng đế mở to mắt nhìn ta: “Mẫu hậu, người nói gì vậy?”
Ta không đành lòng nhìn hắn, quay mặt đi, nói: “Ý ta đã quyết.”
Tiểu hoàng đế kích động đứng phắt dậy: “Vì sao? Có phải đám đại thần này ép người không?”
“Không phải…”
“Người đâu, bắt hết những kẻ trong điện này vào Thiên lao, chọn ngày chém đầu!” Tiểu hoàng đế phất tay mạnh mẽ, ta như ngửi thấy mùi máu tanh từ Thiên lao đang tràn ngập đến.
“Bệ hạ bớt giận!”
“Thần oan uổng!”
“Bệ hạ xin hãy nghĩ lại!”
Nhìn đám quan văn, võ tướng đang quỳ la liệt dưới đất, ta dường như đã hiểu rõ ánh mắt luyến tiếc của bọn họ ba ngày trước, cũng hiểu được vì sao tể tướng từng không tiếc mạng sống để giữ ta lại.
Đứa con này thật đúng là một bạo quân ngoài trừ mẫu thân ra thì không ai khuyên nổi! Người khác đăng cơ đại xá thiên hạ, còn Triệu Thừa Trạch thì đăng cơ xong liền muốn máu chảy thành sông, nguyên chủ thật sự đã sinh ra một “người con hiếu thảo”.
“Dừng tay!” Ta yếu ớt thốt lên, “Hoàng nhi hiểu lầm rồi, chuyện này để sau hãy bàn, mau thả các ái khanh ra đi.”
Nghe ta lên tiếng, nét mặt Triệu Thừa Trạch lập tức dịu đi: “Nếu mẫu hậu có điều ủy khuất, cứ nói với nhi thần, trong loạn thế cần phải dùng hình phạt nặng, kẻ nghịch ý mẫu hậu, trẫm tuyệt đối không tha!”
Con à, loạn thế dùng trọng hình cũng không phải thế này đâu! Ta mỉm cười, lắc đầu nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Là ai gia suy nghĩ không chu toàn, hiện giờ trong nước đang có nhiều nội loạn ngoại hoạn, hoàng nhi cần có các bậc hiền thần trợ giúp, tuyệt đối không nên hành động theo cảm tính.”
Triệu Thừa Trạch nghe vậy liền không suy nghĩ mà gật đầu ngay: “Mẫu hậu nói phải, bãi triều!”
Ta và các đại thần đồng loạt thở phào nhẹ nhõm.
Khi về đến Tiện An cung, ta gọi “cung nữ trung thành với nguyên chủ” đến hầu hạ. Nàng ta vừa chứng kiến toàn bộ màn kịch sáng nay, đang sợ đến run rẩy.
Ta không nhịn được oán trách: “Hoàng nhi từ trước tới giờ vẫn như thế này sao?”