Hoa Hoa Như Ý - Chương 2
2.
Tôi quay về nhà bố mẹ ruột.
Nhà bố mẹ ruột rất to, một dãy phòng nối tiếp nhau, có đường đi vừa rộng lại còn vừa phẳng, sạch sẽ đến mức tôi cảm thấy bản thân là một vết mực bẩn dính trên đó, nhưng rõ ràng trước khi đến đây mẹ đã mặc cho tôi bộ quần áo sạch sẽ xinh đẹp nhất rồi.
Đó là một chiếc váy hoa cũ, mặc dù là hàng vỉa hè nhưng cũng có màu xanh màu đỏ, có mùi của quần áo mới, cũng không phải là quần áo cũ mà những nhà thường dân không mặc nữa.
Từ trước đến nay tôi đều tùy ý, cũng chưa từng đến nơi nào tốt đẹp thế này, tay chân theo bản năng cứng đờ lại, làm gì cũng không có sức.
Bố mẹ ruột đối xử với tôi rất tốt, tốt đến mức khiến tôi sợ hãi, thậm chí tôi còn không biết trên đời này bố mẹ sẽ đối xử với con mình như vậy.
Tôi vừa đến đã có sẵn một căn phòng chuẩn bị cho mình.
Phòng tôi ở tầng hai, có một chiếc giường rất to ở sát cửa sổ, bên ngoài có một cây lên, cành cây được tu sửa vươn ra ngoài giống như một chú sóc con đang nghịch ngợm.
Tôi sợ hãi đứng trước cửa, không thể tin được đây chính là phòng tôi.
Bố ruột tôi ngồi xuống, dịu dàng nhìn tôi, cười hiền lành: “Bé cưng, bố nghe nói con rất thích cây lê nhà bố mẹ nuôi nhưng đã bị người khác chặt mất. Khi đó chắc con rất đau lòng.”
Chưa từng có ai gọi tôi là “bé cưng”, cũng chưa có ai nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng như vậy, càng không có ai để ý tôi có từng đau lòng hay không.
Chúng tôi ở nông thôn, chỉ sống thôi đã rất khó rồi, nào có ai rảnh mà để ý đến những chuyện này? Người nghèo thường ngầm thừa nhận bản thân không có tư cách để buồn bã, vừa mở mắt là đã phải nghĩ xem hôm nay có được ăn cơm không, càng không nhắc đến việc trong nhà chúng tôi còn có người bệnh.
Tôi không trả lời ông ấy, chuyển ánh mắt sang chỗ khác, nhìn chằm chằm mũi chân của mình, sức lực ngày thường không còn chút nào.
“Bé cưng, con đừng khách sáo, đây là nhà con, là ngôi nhà thật sự của con. Lại đây xem thử cây lê đi, bố đã đặc biệt mời người dời đến trước cửa sổ phòng con, còn gọi người chỉnh sửa cánh cây thành hình con sóc, trông có đẹp không?”
Bố ruột thấy tôi không được tự nhiên, ông ấy kéo tôi đến cạnh cửa sổ, nhiệt tình giới thiệu cây lê.
Cây lê xum xuê, nhìn tràn đầy sức sống, rất giống cây lê trước cửa nhà tôi ngày trước.
Lúc này mẹ ruột tôi đi đến, bà ấy đi từng bước nhỏ, dáng đi vô cùng thanh lịch. Trên tay bà ấy là một đĩa hoa quả được cắt thành hình thỏ nhỏ, trắng nõn đáng yêu.
“Bé cưng, con ngồi xe có mệt không? Nào, mẹ cắt hoa quả cho con đấy, con ăn trước đi, ăn xong chúng ta xuống dưới ăn cơm.”
Bà ấy vừa nói vừa dùng tăm cắm vào thỏ nhỏ đưa đến miệng tôi.
Tôi ngẩn người, nhìn món đồ chơi tinh tế, không biết cắn ở đâu, dứt khoát dùng tay cầm lấy, để trên lòng bàn tay nhìn kĩ.
Mẹ ruột thấy dáng vẻ này của tôi thì lại đỏ mắt, bà ấy đặt đĩa trái cây xuống, ôm tôi khóc.
Tôi không biết mình đã làm gì khiến bà ấy khóc, trong lòng khó chịu, lại không biết biểu đạt thế nào, thử dùng tay còn lại vỗ lưng bà ấy.
Bố ruột nhìn thấy vậy thì vươn tay ra, lấy con thỏ trong lòng bàn tay tôi, không để ý bàn tay bị bẩn do nước hoa quả của tôi, ông ấy nắm thật chặt, không ngừng nói: “Bé cưng của bố chịu khổ rồi, bé cưng của bố chịu khổ rồi.”
Thật ra tôi cũng không cảm thấy khổ, tôi vừa đến đã cho tôi cây lê, lại làm cho tôi thỏ nhỏ bằng hoa quả, tôi thấy những thứ ngày trước tôi chưa từng thấy, sao có thể nói là chịu khô được?
Mẹ ruột khóc đủ rồi lại vội vàng tắm rửa thay quần áo cho tôi, mọi thứ đều tự tay làm, tôi không được thoải mái nhưng lại sợ từ chối sẽ khiến bà ấy khóc, cho nên chỉ có thể kiên trì tiếp nhận.
Đây là lần đầu tiên tôi ăn mặc sạch sẽ như vậy, nhìn rất chỉnh tề, mẹ ruột nhìn tôi một vòng, trên mặt xuất hiện ý cười.
Tôi cất váy hoa mẹ tôi chuẩn bị đi, bố mẹ ruột đi đến bên cạnh, một trái một phải kéo tay tôi, đưa tôi xuống tầng ăn cơm.
Khi chúng tôi đi xuống, cô gái lúc trước đã ngồi trên bàn cơm.
Tôi chú ý đến khi cô ấy thấy bố mẹ ruột nắm tay tôi, ánh mắt hơi tổn thương.
Nhưng cô ấy nhanh chóng nở nụ cười, giọng nói nhẹ nhàng vui vẻ: “Bố, mẹ, em gái, mọi người xuống rồi, chúng ta mau ăn cơm thôi.”
Mẹ ruột nhìn sắc mặt tôi, lại trao đổi ánh mắt với bố, cũng chỉ gật nhẹ đầu với cô gái, cảm giác có hơi lạnh nhạt.
Bầu không khí giữa mấy người họ rất kỳ quái, ngay cả tôi cũng cảm nhận được.
Sắc mặt cô gái lập tức thay đổi, vành mắt cũng đỏ lên, cô ấy cúi đầu, giả vờ đảo cơm.
Mẹ ruột không để ý đến cô ấy, ngược lại lại dịu dàng giới thiệu đồ ăn cho tôi, hỏi tôi thích ăn gì, bố ruột cũng giúp tôi kéo ghế rồi đỡ tôi ngồi xuống.
Bọn họ nói chuyện nhỏ nhẹ, không sợ phiền hỏi tôi muốn ăn gì, động chút lại gắp đồ ăn cho tôi, nói nhỏ: “Bé cưng, nếm thử cái này đi.”
Thậm chí họ còn thỉnh thoảng dịu dàng cười nhìn tôi, sau đó lại nhìn nhau, hiểu ngầm gì đấy với nhau mà bật cười.
Tôi bị họ làm cho rùng mình, cho dù ăn thịt rồng cũng không thấy ngon.
Vì để di chuyển một chút lực chú ý của bố mẹ ruột với mình, tôi chủ động hỏi tên của cô gái kia, cô ấy cười với tôi, cẩn thận nói: “Tô Như Ý, Như Ý trong “Nhàn lộng ngọc như ý, thiên hà bạch luyện hoành”. Em thì sao? Em tên là gì?”
Tôi gắp cơm, thuận miệng nói: “Vương Thúy Hoa, tên cũng không tệ, có hoa có cỏ, nghe là vui.”
Tô Như Ý nhíu mày, thắc mắc hỏi: “Tên em có hoa nhưng đâu có cỏ?”
Tôi chóp chép nhai thức ăn, vừa ngon vừa thơm, bớt chút thời gian trả lời cô ấy: “Mẹ em nói có, bà ấy nói Thúy nghĩa là màu xanh, cỏ nhỏ chính là màu xanh. Con gái tên Hoa là tốt, bông hoa kiều diễm, cỏ nhỏ kiên cường, dễ nuôi, cho dù điều kiện có kém thì vẫn sống tốt. Mẹ nói người nghèo phải dễ nuôi, nuôi thế nào cũng có thể sống được, không phải không có hi vọng.”
Tôi vừa nói xong mẹ ruột đã che mặt khóc chạy vào phòng, bố ruột cũng đỏ mắt đuổi theo.
Ông trời ơi, sao hai người này lại giống biển vậy? Một ngày đa sầu đa cảm nhiều lần thật đó.
Một ngày của họ lúc nào cũng nước mắt đầm đìa, tôi nhìn mà mệt tim, nhìn còn mệt hơn cả ở nhà cắt lúa.
Nếu không phải là bố mẹ không cần tôi nữa, muốn tôi đến thành phố tận hưởng cuộc sống đi học nhàn hạ thì tôi thật sự không muốn đến.
Nói đến đây mới nhớ, cũng không biết trâu trong nhà có được cho ăn đủ không, còn cả mấy con heo nữa, bố mẹ hiền lành, lại còn không biết đếm số, cũng không biết người ta có lừa họ, đưa ít tiền hay đưa tiền giả cho họ không.
Tôi đang âu sầu vì trâu và heo ở nhà thì nghe thấy tiếng Tô Như Ý, tôi giật mình, cũng không nghe rõ cô ấy nói gì, vô thức hỏi cô ấy thêm lần nữa.
Tô Như Ý không tức giận, dịu dàng nhìn tôi, nhẹ nhàng nói lại thêm lần nữa: “Em gái, chị nói là mẹ khóc, chúng ta đi qua nhìn thử một chút, an ủi mẹ.”
Cô ấy nói cũng không phải không có lý, tôi không từ chối, đi sau lưng cô ấy đến căn phòng bố mẹ ruột vừa đi vào.
Chúng tôi rón rén đi đến trước cửa, đang định gõ thì nghe thấy tiếng họ nói chuyện.
Mẹ ruột vừa khóc vừa nói, bà ấy hạ giọng xuống nhưng từng câu từng chữ lại vô cùng rõ ràng: “Ông xã, em đau lòng quá. Con gái ruột chúng ta lưu lạc bên ngoài, con bé đâu được sống tử tế? Đã thời đại nào rồi còn đặt tên là Vương Thúy Hoa, còn cả cỏ nhỏ thì kiên cường, dễ nuôi, con gái của em phải như châu như ngọc mới đúng, cho dù con bé có muốn sao trên trời em cũng hái xuống cho con bé.”
Bố ruột nhỏ giọng khuyên bảo bà ấy: “Bà xã, em đừng nghĩ như vậy, ít nhất bé cưng của chúng ta vẫn còn, vẫn sống, bố mẹ nuôi đã nuôi con bé lớn từng này rồi.”
Tôi cảm thấy bố ruột nói rất có lý, bố mẹ đã cố gắng hết sức rồi, nhà nghèo như vậy nhưng vẫn kiên trì để tôi đi học, phải biết có rất nhiều bé gái trong thôn chúng tôi phải bỏ học từ sớm, đến xưởng làm công kiếm tiền nuôi gia đình.
Vừa đủ tuổi đã lập tức gả chồng, đưa cho bố mẹ một số tiền hỏi lớn để anh trai hoặc em trai cưới vợ, cả đời đều phải hy sinh cho gia đình.
Mẹ ruột vẫn khóc, trong giọng nói tràn ngập phẫn nộ: “Ý của anh là sao? Con gái chúng ta chỉ xứng được nuôi lớn thôi sao? Chẳng lẽ chúng ta không giúp họ nuôi con gái? Anh có biết là con gái của họ đã lấy đi cuộc sống của con gái chúng ta không?”
“Anh nhìn đi, chúng ta nuôi con gái họ tài giỏi đến mức nào? Từ nhỏ đã học trường danh giá, biết múa ballet, có thể đánh dương cầm, cũng thường xuyên được ra nước ngoài thi đấu, có thể nói từ lúc bắt đầu đã bỏ xa người khác! Nhưng con gái chúng ta thì sao? Vẫn luôn ở nông thôn chăn trâu cắt cỏ, chăm sóc em trai bị bệnh, cãi chửi nhau với người ta, ngay cả cây lê con bé thích cũng bị chặt. Anh có biết không, em vừa nhìn đã đau lòng, đau đến mức em ước đó không phải là trái tim của mình. Em chỉ cần nghĩ đến những chuyện này đã muốn rơi nước mắt.”
Bố ruột ngăn bà ấy lại: “Bà xã, em đừng nói khó nghe như vậy, cẩn thận Như Ý nghe được.”
Mẹ ruột càng khóc đau lòng hơn, sự tức giận trong giọng càng rõ ràng hơn: “Nó nghe được thì nghe đi, em không quan tâm! Dù sao chúng ta nuôi nó ăn sung mặc sướng lâu năm như vậy, nó cũng phải biết rõ.”
Bố ruột vẫn khuyên nhủ như cũ: “Bà xã, em đừng nói như vậy. Dù sao chúng ta cũng chăm sóc Như Ý nhiều năm như vậy, tốt xấu gì cũng có tình cảm. Trước kia em thương con bé nhất, con bé ho một tiếng em cũng lo đến mức mất ngủ.”
Có lẽ do bố ruột nói trúng lòng mẹ ruột, giọng bà ấy có thêm chút oán trách: “Tô Thâm, năm đó chúng ta khổ sở như vậy để làm gì? Nói cho cùng cũng không phải vì con của chúng ta sao? Kết quả thì sao? Chúng ta may áo cưới cho con nhà người khác! Anh nói em nên nghĩ thế nào?”
“Lúc đó em đã nói chúng ta chỉ đón con gái ruột về, con gái của họ họ tự chăm, không đón Như Ý về nữa nếu không em sẽ cảm thấy không công bằng. Anh không nghe, nhất định đòi đón về cho bằng được, bây giờ em cứ nhìn thấy con bé là cảm thấy đau lòng cho con mình.”
Những lời này có thể giết chết trái tim của một người.
Tô Như Ý che miệng, im lặng rơi lệ, nước mắt như mưa rơi trên cánh hoa.
Tôi rút bàn tay chuẩn bị gõ cửa về, yên lặng dùng tay bịt tai cô ấy lại, dùng giọng điệu dịu dàng nhất cuộc đời nói:
“Đừng nghe. Chuyện này không phải do chị.”
Nói xong, tôi chủ động nắm lấy tay cô ấy dắt ra ngoài.