Dương Hoa Lạc Tần Tử Quy Đề - Chương 4
Nhưng ta vẫn chưa quên hắn, làm sao ta có thể quên được hắn đây!
Thế nhưng, nếu đã không thể cùng người nắm tay trọn đời, ta chỉ mong chàng sống trăm tuổi bình an, không lo muộn phiền!
Ta vội lau đi nước mắt trên mặt, ngoảnh đầu lại đã thấy Đại thiếu gia đứng yên lặng nơi cửa, Trương Sinh chẳng biết đã đi đâu.
Ta nhìn gương mặt của Đại thiếu gia, trong giây lát ngẩn ngơ thất thần, nhưng rất nhanh lấy lại bình tĩnh, cúi mình hànhlễ nói:
“Thiếu gia, đêm sâu sương nặng, gió lạnh thấu xương, xin thiếu gia cẩn thận giữ ấm, nên trở về phòng nghỉ ngơi cho phải.”
Thiếu gia khẽ cười nhàn nhạt: “Không sao, ta ngắm trăng một chút.”
“Vậy để nô tỳ đi lấy cho ngài một chiếc áo choàng.”
Ta bước qua bên cạnh, vừa định rời đi thì thiếu gia bất ngờ nắm lấy tay ta, giọng trầm lắng hỏi:
“Vừa rồi ngươi nói gì đó?”
Ta giật mình quay lại nhìn thiếu gia, ấp úng đáp:
“Không… không có gì cả.”
“‘Đãn nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thiền quyên’. Lời hay ý đẹp! Nhưng đây là bài từ mới do Tô đại nhân viết ra năm ngoái, sao ngươi lại biết mà ngâm?”
Tim ta đập mạnh, vội rút tay ra, lui lại ba bước, cúi đầu hành lễ:
“Thiếu gia nghe lầm rồi, nô tỳ không nói gì cả. Đêm đã khuya, nô tỳ xin phép lui trước.”
Nói rồi, ta vội vàng quay lưng chạy về phòng, tim đập thình thịch tưởng như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Ta vỗ nhẹ lên mặt, tự trách: “Sao mình lại bất cẩn vậy chứ!”
Những ngày tiếp theo, có lẽ do thiếu gia càng ngày càng bận rộn với việc học, hoặc do cả hai chúng ta ngầm hiểu mà cố tình lãng quên chuyện đêm hôm đó, hoặc có lẽ vì ta cố ý tránh mặt, nên mọi chuyện cứ thế trôi qua êm đềm, không có gì đáng ngại.
Ta thầm thở phào nhẹ nhõm, nỗi lo lắng dần lắng xuống. Ta vẫn như trước, chăm chỉ làm việc mỗi ngày, hễ có chút thời gian rảnh là lại ghé thăm Lý ma ma ở hậu viện.
Tháng ngày trôi qua bình lặng, rồi ngày khoa cử cũng đến gần. Phu nhân dặn dò ta cùng Trương ma ma thu xếp hành lý cho thiếu gia lên kinh ứng thí. Ta chưa từng ra khỏi phủ, trong lòng có chút bối rối, đành dựa vào kinh nghiệm lần đi du ngoạn trước kia mà chuẩn bị đồ đạc cho thiếu gia.
Ngoài y phục và sách vở cần thiết, ta còn thức suốt đêm để khâu mấy chiếc túi vải nhỏ, trong đó phân loại các món đồ khác nhau.
Có mấy viên ô mai giúp ngăn cơn buồn nôn khi đi thuyền hay xe ngựa, có than hoạt tính giúp hút ẩm, giữ khô ráo, có hương liệu để khử mùi, có tấm bảo hộ đầu gối và khuỷu tay chống gió lạnh, cùng với vài chiếc túi vải lớn gấp gọn.
Trương ma ma nhìn ta chuẩn bị đồ, mấy món đầu thì hết lời tán thưởng, nhưng lại không hiểu tại sao ta lại chuẩn bị thêm mấy cái túi lớn như vậy.
Ta giải thích:
“Trên đường đi, nếu hòm rương có bị hỏng không thể dùng, thiếu gia có thể dùng túi lớn này để chứa đồ. Hơn nữa, nô tỳ nghe nói kỳ thi kéo dài ba ngày, không chỉ không được phép gặp người ngoài mà còn giới hạn đồ đạc mang theo. Phía Bắc xuân đến lạnh lẽo, thiếu gia có thể dùng túi này như túi đựng sách, nếu ghế ngồi lạnh quá, có thể lật túi ra dùng làm đệm ngồi. Nô tỳ đã nhồi lông cừu vào bên trong, rất ấm.”
Trương ma ma lật túi ra xem, quả nhiên bên trong được lót một lớp lông cừu mềm mịn, sờ vào ấm áp vô cùng. Trương ma ma hết lời khen ngợi sự chu đáo của ta, không quên dặn Trương Sinh nhất định phải mang theo những thứ này.
Ngày thiếu gia rời phủ, ta cùng đám gia nhân ở Bác Nhã viện tiễn thiếu gia đến tận cửa. Thân phận là nô tài, chúng ta chẳng có tư cách tiễn người đến tận bến thuyền.
Nhìn bóng dáng thiếu gia xa dần, ta quay về phòng, đóng chặt cửa sổ, cẩn thận lấy ra một mảnh giấy nhỏ từ trong tay áo. Trên giấy là bài từ nổi tiếng của Tô Thức, “Thủy điệu ca đầu”.
“Minh nguyệt kỷ thì hữu, bả tửu vấn thanh thiên? Bất tri thiên thượng cung khuyết, kim tịch thị hà niên? Ngã dục thừa phong quy khứ, hựu khủng quỳnh lâu ngọc vũ, cao xứ bất thắng hàn. Khởi vũ lộng thanh ảnh, hà tự tại nhân gian. Chuyển chu các, đê khỉ hộ, chiếu vô miên. Bất ưng hữu hận, hà sự trưởng hướng biệt thời viên. Nhân hữu bi hoan ly hợp, nguyệt hữu âm tình viên khuyết, thử sự cổ nan toàn. Đãn nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thiền quyên.”
Cuối cùng còn có cả bút tích đề tên.
Ta lấy kéo cắt đi phần bút tích, đốt nó thành tro, rồi khóa chặt mảnh giấy còn lại trong hộp trang sức của mình.
Sau khi thiếu gia rời đi, Bác Nhã viện vô cùng yên tĩnh. Ngoài việc quét dọn phòng mỗi ngày, ta cũng thường xuyên đến hậu viện trò chuyện cùng Lý ma ma. Đồng thời, ta còn dành thời gian chăm chút cho những loài hoa cỏ trong viện thêm phần tươi tốt.
Từ trước tới nay, ta vốn yêu thích loài lan, hương thơm của nó thanh khiết, nhẹ nhàng mà sâu lắng, có tác dụng an thần, tĩnh tâm. Lan lại là loài hoa quân tử, mang theo nét thanh cao, trang nhã, từ lâu đã được các bậc văn nhân mặc khách yêu mến.
Ta đã mấy lần nài nỉ Trương ma ma, cuối cùng bà cũng xiêu lòng, cho phép ta trồng vài chậu lan thanh nhã, thoang thoảng hương xa trong viện. Hoa lan thanh lịch, quả nhiên rất hợp với tên gọi Bác Nhã viện này.
Tay nghề trồng hoa của ta là do Vương ma ma đích thân truyền dạy, sau mấy lần tỉ mỉ chăm sóc, những chậu lan trong viện lần lượt nở hoa, tỏa hương thơm ngát, vương vấn khắp nơi.
Một ngày nọ, ta đang cùng Trương ma ma chăm sóc hoa cỏ trong sân, bỗng chậu nước đã cạn, ta liền xách bình ra hậu viện lấy nước.
Khi quay trở lại, chưa kịp bước vào tiền viện, ta đã nghe thấy Trương ma ma đang cung kính nói chuyện với một nam nhân. Ta rón rén nấp sau hành lang, áp tai lắng nghe, chỉ nghe thấy giọng nam tử ấy vang lên:
“Lan này giản dị mà thanh tịnh, tao nhã lại cao quý, trồng ở viện của đại ca, thật là hợp với tên Bác Nhã viện. Nhưng ta nhớ trước kia nơi này đâu có lan?”
Trương ma ma kính cẩn đáp:
“Lão nô không hiểu rõ, chỉ thấy hoa này đẹp, mùi lại dễ chịu nên tùy tiện trồng thử, không ngờ lại lọt vào mắt xanh của nhị thiếu gia. Nếu nhị thiếu gia thích, lão nô sẽ cho người mang vài chậu sang viện của ngài.”
Ta ngước mắt nhìn, thấy nhị thiếu gia phe phẩy chiếc quạt trong tay, đôi mắt ánh lên nét khó lường, bỗng bật cười ha hả mà nói:
“Loài lan bích ngọc này vốn là loài hoa yếu ớt, viện của ta toàn người thô tục, chỉ sợ chưa đến hai ngày là héo úa mất rồi, thật phí. Nào có được như người ở viện đại ca, người trong viện đúng là tài hoa, thanh cao, đến lan cũng được chăm chút tinh tế, trang nhã thế này.”
Rồi nhị thiếu gia lại cười lớn:
“Thôi, ta chỉ là người thưởng hoa mà thôi!”
Nói xong, hắn ngửa đầu cười lớn thêm vài tiếng, bật quạt ra rồi phẩy nhẹ hai cái, sau đó cùng đám gia nhân rời đi.
Đợi nhị thiếu gia đi xa, ta mới xách bình nước bước tới, khẽ thốt:
“Nhị thiếu gia sao lạ lùng như vậy, tự dưng lại ghé thăm Bác Nhã viện của chúng ta?”
Trương ma ma khẽ gõ vào trán ta, trách yêu:
“Chẳng phải tại con sao, nhất định đòi trồng lan, lại trồng khéo thế này. Nhị thiếu gia vốn là người tự xưng phong lưu tao nhã, thấy hoa lan nở rộ trong viện, làm sao không đến cho được.”
Ta lè lưỡi, nắm tay Trương ma ma mà lắc lắc, cười nói:
“Sao có thể trách con được chứ, nếu có trách thì phải trách ma ma có mắt tinh đời, chọn trồng đúng loại lan bích ngọc này, hương thơm lan tỏa, màu sắc lại tao nhã. Còn phải trách Vương ma ma dạy con tay nghề trồng hoa chu đáo, không giấu giếm điều gì, thế nên con mới chăm sóc được loài lan yếu ớt này tươi tốt thế này. Đều là lỗi của ma ma và Vương ma ma cả, sao có thể trách con được.”
Trương ma ma bật cười, không nhịn được lại gõ nhẹ vào đầu ta thêm lần nữa, khiến ta ôm đầu nhăn mặt.
“Con bé này, hèn chi Lý ma ma với Vương ma ma đều cưng chiều con, cái tài đổi trắng thay đen, làm người ta lạc lối không biết đường về của con thật là không tồi!”
Ta vừa ôm trán vừa cười hì hì, mở to mắt nhìn Trương ma ma mà hỏi:
“Thế ma ma có thích con không?”
“Con…”
“Ma ma, nói xem, ma ma có thích không?”
“Ma ma, người nói đi, người có thích không?”
Trương ma ma nhìn ta không biết làm sao, thở dài rồi lại nhéo mũi ta một cái, cười nói:
“Thích!”