Đông Vũ Hóa Xuân Hàn - Chương 12
26
Ngày hôm sau, thiếu gia lại dắt con lừa già về thành Ninh An. Đến ngày thứ ba, thuốc được phát đến từng nhà, hai đứa trẻ Hải Hải cùng Thanh Thanh bị bắt đến giúp việc, còn cả ta, để dạy dân làng cách sắc thuốc, cách bôi thuốc.
Ta không hiểu tại sao, ta trốn ra đến tận bờ lau sậy mà vẫn bị bắt trở lại. Đến cả Tiểu Hoàng cũng không khổ bằng ta, nó chỉ cần chạy nhảy làm không khí sôi động là được.
Lòng ta càng thắc mắc hơn, tối về ta hỏi thiếu gia: “Chàng thật sự biết chữa bệnh à?”
Thiếu gia không ngừng tay lật sổ ghi chép, giọng điệu vừa nhẹ nhàng vừa tự mãn: “Tất nhiên rồi, bản thiếu gia không phải chỉ là để làm cảnh đâu!”
Ta ôm chậu lan ra ngoài sân, định cho nó hấp thụ chút tinh hoa của đất trời, trong lòng lẩm bẩm: Hừm, sao chuyện này cứ nhắc mãi thế.
27
Đậu đũa và dây bầu nhà ta đã lớn. Ta đang dựng giàn bầu trong sân thì thấy mấy thím bước vào, mang theo những quả cà chua và dưa chuột sớm của nhà họ. Ta thò đầu ra hỏi: “Chưa đến lúc thu hoạch mà các thím.”
Các thím cười cười rồi đặt đồ trước cửa nhà, sau đó đến giúp ta dựng giàn.
Phúc đại tỷ nói: “Không phải để bán, tỷ cảm ơn muội, mang đến cho muội ăn.”
Thím Thu nói: “Thím cảm ơn thiếu gia nhà con, cho nó ăn.”
Thím Trương nói: “Ta không cảm ơn ai cả, ta chỉ muốn tặng cho nhà con ăn không thôi,” rồi tặng kèm một cái liếc mắt.
Khi những quả cà bắt đầu chuyển màu, lễ Đoan Ngọ cũng đến.
Cửa tiệm quá đông khách, thậm chí quý nhân từ phủ Hoàng Long cũng đến đặt mấy món ăn, và phủ tướng quân cũng đã đặt vài món từ tiệm. Ta không thể thực hiện lời hứa đón tiểu thư về làng chơi. Ta đã ra ruộng kiểm tra hai lần, giao việc chăm sóc gà vịt cho Hải Hải và Thanh Thanh, trả công là hai sợi dây ngũ sắc, rồi giao vườn rau cho Nhan thúc. Ông ấy bất mãn vì không được trả công, ta liếc mắt trả lại, dù sao ông ấy vẫn còn nợ công ta.
Sau khi sắp xếp ổn thỏa mọi thứ, ta thu hoạch thêm một lần nữa rồi cùng thiếu gia và tổ phụ trở về thành Ninh An để ăn mừng lễ Đoan Ngọ.
Cửa tiệm vẫn nhộn nhịp như thường. Tổ phụ đi tìm tổ mẫu nói chuyện, còn ta mang rau vào bếp. Thiếu gia loay hoay vác một bao lớn định bước qua ngưỡng cửa bếp. Hả? Giờ chàng ấy có thể vác được cả một bao cà chua nặng đến vậy sao?
Ta vội chạy tới đỡ lấy, trong lòng lo lắng: Cô cô bảo rằng món đậu phụ nấu với cà chua có vị chua ngọt, rất hợp để kích thích khẩu vị vào mùa hè, và ngày càng có nhiều khách gọi món này. Nhưng cà chua bây giờ chưa đúng mùa, chỉ có vài nhà trồng được loại cà sớm, số lượng này ít, làm rơi thì phí lắm.
Chiều mùng bốn, tiểu thư được nghỉ học, ta còn chưa kịp đi đón thì đã thấy nàng cùng một nhóm thiếu gia, tiểu thư khác chạy từ cuối con ngõ vào, đuổi theo một công tử cao hơn nàng nửa cái đầu. Tiểu thư vừa chạy vừa hét lớn: “A Bố, chặn tên họ Tiền kia lại!”
A Bố, đang đứng ngoài cửa tiệm trông ngóng, lập tức lao ra, đụng ngã vị công tử trông như một thư sinh. Nơi này quan võ nhiều hơn quan văn, thiếu gia nói rằng cha của vị công tử kia là Tiền Phong Hiệu, chính lục phẩm, dù ở kinh thành thì ông ấy cũng chỉ là một quan nhỏ, nhưng ở thành Ninh An thì không phải là người có thể xem thường.
Ta vội vàng chạy đến đỡ Tiền công tử dậy và bảo cậu ta chạy đi. Cậu ta nhìn ta đầy cảm kích, rồi vội vàng bỏ chạy mất. Tiểu thư vừa chạy đến trước mặt ta, thở hổn hển, vừa la lên: “Tiền Kế Văn, ta sẽ đ//ập bẹp đầu ngươi!”
Khuôn mặt trắng trẻo của tiểu thư đỏ bừng vì tức giận, khiến những thực khách trong tiệm cười ầm lên: “Tiểu thư A Miên, đừng đuổi nữa,Tiền phu nhân đang thêu gối thêu hoa, chọn con dâu đấy!”
Trương ma ma vội vàng kéo tiểu thư và nhóm bạn vào sân sau, chuẩn bị nước cho họ rửa tay rửa mặt. A Bố mang đến cho tiểu thư ly sữa đậu nành ngọt và chút đồ ăn nhẹ, hồi hộp nhìn xem liệu nàng có tức giận không.
Cô nương cài trâm ngọc bích là tiểu thư nhà chưởng quầy hiệu da lông Dao. Trong học viện ít nữ sinh, nên giờ nàng ấy là bạn thân của tiểu thư. Người đeo ngọc khắc hình kỳ lân là Đồ Đồ, con trai của phó sứ phòng thủ Trường Xuân. Cậu ta là người chuyên bắt nạt người khác, từng suýt khiến cha bị điều đi trồng liễu ở Cát Lâm, nên đã bị đưa đến thành Ninh An, giờ là anh em kết nghĩa của tiểu thư.
Tiền công tử kia đã giấu một miếng ngọc Hòa Điền trong túi gấm giả làm quả trứng gà, rồi tham gia trò đấu trứng với các học sinh trong học viện, thắng được kha khá. Nhưng đến khi cậu ta làm vỡ trứng thiên nga của Dao tiểu thư thì mọi chuyện vỡ lở. Đó là quả trứng mà gia đình tìm về cho nàng, được nàng đựng trong túi trứng thêu tặng cho tiểu thư A Miên. Trứng chưa được nấu chín.
Đồ Đồ nhận ra có điều gì đó không ổn, liền kéo túi gấm của Tiền công tử xuống và phát hiện đó là đá. Thế là “con hổ nhỏ” giận dữ, tiểu thư A Miên liền xông tới túm tóc cậu ta định đánh. Vũ sư phụ kịp thời xuất hiện và kéo họ ra, nhưng cả nhóm vẫn lườm nguýt nhau suốt đường về. Và cảnh rượt đuổi trong ngõ đã xảy ra như thế.
Màn kịch nho nhỏ này không ảnh hưởng đến việc tiểu thư ăn hết hai bát cơm vào bữa tối, cũng không cản trở không khí náo nhiệt của cả gia đình khi gói bánh chưng buổi tối. Lão gia cũng đến, ta chưa từng nói chuyện nhiều với ông. Lần này, ông lại bảo thiếu gia gọi ta đến, ta đang gói bánh thì vội vàng đặt xuống, lo lắng đi vào đại sảnh.
Phu nhân, tổ phụ, tổ mẫu, cô cô và cô trượng đều có mặt, Vương thúc cũng ở đó. Ta hỏi Vương thúc: “Sao thúc đến đây mà con không nhận ra vậy?”
Vương thúc vẫn cầm ấm trà trên tay, khẽ hừ một tiếng: “Ta đào một cái hầm, đột nhiên trồi lên từ dưới đất đấy.”
Tiểu thư nằm bò bên cạnh phu nhân, mắt lấp lánh: “Oa, Vương thúc là con chuột đất mà ca ca kể với con đấy.”
Mọi người cùng bật cười, sau đó, các bậc trưởng bối chào hỏi nhau. Rồi lão gia trang trọng nói với tổ phụ ta: “Lão Đinh, sinh thần của Minh ca trùng với lễ Đoan Ngọ.”
Cả tổ phụ lẫn tổ mẫu còn chưa hết ngạc nhiên thì lão gia nói tiếp: “Qua Đoan Ngọ, nó sẽ tròn 17 tuổi. Đứa trẻ này bị liên lụy vì ta, nhưng may mắn có Đông Vũ nghĩa khí và thông minh. Ta và mẹ nó rất quý mến Đông Vũ. Nếu gia đình không có ý kiến gì, thì nhờ Vương thúc làm chứng, ta muốn định chuyện hai đứa ngày hôm nay.”
Tổ phụ lắp bắp mấy tiếng, lại nhìn tổ mẫu cầu cứu: “Cái này… cái này chúng ta…”
Vương thúc vuốt ve chén trà, nhìn ta nhưng lại nói với tổ phụ: “Lão Đinh à, chuyện tốt thế này mà ông bà còn không chịu, chẳng lẽ ông muốn Đông Vũ làm vợ của trạng nguyên hay tướng quân à?”
Tổ phụ định phản bác, nhưng tổ mẫu bình tĩnh nói: “Nhà chúng tôi không với được đến trạng nguyên hay tướng quân, nhưng Đông Vũ nhà ta không thể làm thiếp.”
Bà nhìn về phía phu nhân: “Nhà các vị là nhà quyền quý, một ngày nào đó các vị sẽ trở về kinh thành. Tiểu thư nhà tướng quân có vẻ cũng có ý với Minh Ca. Nếu cậu ấy làm phu quân muội muội của tướng quân, cho dù không về kinh thành, thì gia đình chúng ta cũng không thể gánh nổi.”
Phu nhân định giải thích, nhưng thiếu gia đã c//ướp lời: “Không phải vậy. Con sẽ không nạp thiếp, cũng không cưới tiểu thư nhà tướng quân. Con đã nói với cha mẹ rồi, con sẽ ở rể.”
Thiếu gia lo lắng và sốt ruột, chàng kéo tay áo của ta và quỳ xuống trước mặt ông bà: “Đông Vũ đã mua con về làm rể, con không về kinh thành nữa. Con không có số làm trạng nguyên hay tướng quân, chỉ mong Đông Vũ đừng chê con là chậu hoa cảnh.”
Tổ mẫu vội vàng định kéo chàng đứng dậy, nhưng chàng không chịu. Tổ phụ lại bắt đầu: “Cái này… cái này…”
Vương thúc chen vào: “Ông đừng có cái này cái nọ nữa, hỏi xem Đông Vũ nghĩ thế nào đi. Cả gia đình ông cộng lại cũng không khôn ngoan bằng nó. Quyết định của nó chắc chắn là không thiệt đâu!”
Ta nhẹ nhàng gỡ tay thiếu gia ra. Chàng ngạc nhiên nhìn ta, ánh mắt dần trở nên thất vọng. Mắt chàng bắt đầu đỏ lên, trán chàng hiện lên một vẻ u ám khiến ta cảm thấy điều chẳng lành. Tiểu thư bất chợt thốt lên: “Ca ca sắp khóc rồi!” Điều này khiến ta không còn lựa chọn nào khác.
Được rồi, được rồi. Ta nhìn quanh, thấy tất cả mọi người đang theo dõi, ta thở dài trong lòng, rồi vội vàng cúi đầu trước mặt ông bà, phu nhân và lão gia: “Thôi được rồi, con đồng ý!”
Nói xong, ta đứng dậy và chạy vụt đi, Tiểu Hoàng lon ton theo sau. Gió trong sân thổi bay sự nóng bừng trên mặt ta, ta quyết định sẽ gỡ hết những quả táo đỏ trong bánh chưng năm nay mà vứt đi!