Đồng Nam Đồng Nữ - Chương 1
1.
Vào lúc nửa đêm, những cặp vợ chồng mong mỏi có con sẽ chấm máu từ ngón trỏ vào mắt đồng nam đồng nữ bằng giấy, nam trái nữ phải.
Sau khi chấm lại nói với người giấy rằng: “Con ngoan, nhanh đến nhà bố mẹ nhé.”
“Con sẽ là kho báu duy nhất của bố mẹ.”
Đồng nam đồng nữ có thể nhận được lời cầu nguyện và đầu thai vào bụng người phụ nữ, trở thành một cặp song sinh, long phượng thai.
Vốn dĩ điều này chỉ là một truyền thuyết.
Nhưng từ khi bố mẹ tôi biết được chuyện người giấy đồng nam đồng nữ của xưởng làm giấy thôn bên cạnh thật sự đã giúp cặp vợ chồng năm mươi tuổi trong làng mang thai long phượng, thì đã nghĩ đủ mọi cách để kiếm một đôi về nhà thờ cúng.
Đêm nay là ngày họ điểm mắt cho cặp người giấy đó.
Khi chấm xong, dường như có một cơn gió lạnh thổi qua khiến tôi rùng mình: “Bố mẹ ơi, đồng nam đồng nữ cười kìa!”
Là cười thật.
Một đường màu đỏ xuất hiện trên miệng người giấy, như thể có ai đó đã bôi máu vào đó.
Vẽ nên một vòng cung hướng lên.
Thay vì sợ hãi, bố mẹ tôi lại rất vui mừng.
“Như vậy là thành rồi!”
“Đại sư nói mỗi ngày đút máu một lần là đủ.”
“Còn phải tụng chú hằng ngày, không thể quên làm.”
Họ bảo tôi đặt bé trai bé gái người giấy đã chấm mắt vào trong phòng, tránh bị mưa xối ướt.”
2.
Bố mẹ tôi chỉ muốn một bé trai chứ không muốn bé gái.
Tuy nhiên, họ cầu thai thì chỉ có thể cầu cả cặp vì sợ cái gọi là quả báo.
Sau một tháng, mẹ tôi càng ngày càng bất mãn.
Bà bắt đầu cho bé gái ăn ít máu hơn.
Cũng không nói với bé gái rằng hãy nhanh tới với bố mẹ.
Tôi cảm thấy bé trai ngày càng giống con người hơn thậm chí lúc tôi chăm sóc nó còn sờ thấy làn da có độ đàn hồi.
Nó là bảo bối của bố mẹ tôi, mỗi ngày hai người đều phải ôm nó một cái mới chịu được.
Còn bé gái vẫn là giấy cứng thô ráp, không biết có phải do tôi tưởng tượng hay không mà nó hoen ố không ít.
Mẹ tôi nhận ra dù không đút cho bé gái ăn máu thì vẫn không gặp báo ứng, vì vậy bà liền bỏ mặc hoàn toàn, vứt bé gái vào phòng đồ cũ.
Mà nơi đấy chỉ có tôi thỉnh thoảng đi vào.
3.
Mùa đông, củi khan hiếm, bố tôi vào phòng đồ cũ tìm đồ đốt, bỗng lôi bé gái từ bên trong ra.
Giấy trên người bé gái đã hơi ố vàng. Thỉnh thoảng tôi có lau chùi nhưng nó vẫn không thể ngăn cản quá trình này.
Cha tôi ném bé gái xuống đất, kêu một tiếng cạch.
Mẹ tôi ôm bé trai, ai oán kêu lên: “Anh còn lấy nó ra làm gì?”
“Nhà không có đủ củi.”
Đây rõ ràng là một lời nói dối.
Bé gái tuy lớn nhưng lại làm từ tre, trong nhà tôi sẽ không thiếu chút củi này.
Tôi mở miệng, chưa kịp nói gì thì đã thấy bố đạp chân lên ngực bé gái.
Những dải tre bung ra, lồng ngực sụp đổ.
Tôi cảm thấy như hô hấp của mình bị tước đoạt, thở không ra hơi.
Tôi thở hổn hển, tầm mắt tối sầm, bố tôi vẫn không dừng lại, giẫm lên người bé gái thêm vài lần nữa, sau đó gấp nó lại rồi nhét vào giường sưởi.
Khuôn mặt đồng nữ hướng về phía chúng tôi, dưới ánh lửa, dường như tôi nhìn thấy được hai dòng lệ máu trên mắt con bé.
Trong chốc lát, bé gái đã biến thành tro bụi.
4.
Mẹ tôi bắt đầu cảm thấy buồn nôn, đi kiểm tra thử thì biết mình có thai được hai tháng.
Mẹ tôi vui mừng nói: “Cũng do con búp bê bé gái xui xẻo đó. Nhìn xem, đốt sạch rồi thì vận may không phải đang đến sao?”
Tôi nghĩ đến hai dòng nước mắt máu, nhưng không nói gì.
Mẹ tôi biết mình có thai nên hơi lơ là chuyện bé trai.
Nhưng tốt xấu gì nó vẫn là đứa con yêu quý, tuy nhiên máu vẫn không nhỏ xuống mỗi ngày.
Điều kỳ lạ chính là bé trai kia cũng ngày càng sa sút.
Nó đã từng trông rất giống một đứa trẻ con người.
Nó có làn da mịn màng, khuôn mặt hồng hào và được bố mẹ yêu thương.
Bây giờ nó đã mất đi vẻ bóng bẩy và đang dần trở lại hình dạng người giấy.
Một buổi sáng nọ, tách một tiếng bé trai bị vỡ thành nhiều mảnh mà không hề có dấu hiệu báo trước.
Bố mẹ tôi đều đã quên chuyện đó nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ.
Vì ngày bé gái bị dẫm dưới chân cũng hệt như vậy.
5.
Cha mẹ tôi không dám đốt bé trai làm củi vì sợ lửa thiêu ảnh hưởng đến đứa bé trong bụng.
Họ lại đi một chuyến đến xưởng làm giấy ở làng bên cạnh.
Ông chủ nói rằng người giấy nuôi dưỡng sẽ có linh hồn và đầu thai nên đương nhiên không cần cơ thể ban đầu.
Ông bảo bố mẹ tôi hãy chôn người giấy và chờ đứa trẻ chào đời.
Bố mẹ tôi chưa bao giờ nhắc tới bé gái, hoặc có lẽ họ đã quên mất bé gái bị hủy hoại, cứ vậy mà vui vẻ rời đi.
Họ cứ nói mãi về đứa con trai yêu quý của mình mà không hề quay đầu lại để thấy vẻ mặt khó hiểu trên khuôn mặt ông chủ tiệm giấy.
Sau khi thai kỳ của mẹ tôi ổn định, bà bắt đầu bàn việc nhận con nuôi với chú tôi. Bà nói rằng tên của tôi không thể theo gia phả của họ vì nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh con trai của họ.
Nhưng tôi vẫn phải ở nhà làm trâu làm ngựa cho họ. Mẹ tôi hứa rằng chú tôi chỉ là làm thủ tục và ký tên cho tôi thôi, sau này tôi kết hôn còn chia cho ông ấy một nửa số tiền sính lễ.
Giờ đây, đứa con trong bụng mẹ đã thực sự trở thành báu vật duy nhất của gia đình.
Mỗi ngày, mẹ tôi cứ nhắc mãi nên chuyện đó cũng trở thành chuyện hợp lý hợp tình.
6.
Khi mang thai được bảy tháng, mẹ tôi đột nhiên nói muốn ăn thịt.
Tôi đang ngồi xổm trong sân chuẩn bị giết gà. Mẹ tôi đứng sau lưng lạnh lùng nói: “Mẹ không ăn thịt gà trống.”
Tôi giật mình, con gà cắn tôi rất mạnh rồi bỏ chạy.
Ở nông thôn, gà mái được thả đẻ trứng nên việc ăn thịt gà đương nhiên sẽ chọn gà trống.
Máu của tôi chảy xuống đất. Mắt mẹ dán chặt vào tay tôi, bụng mẹ rung lên dữ dội.
Tôi có cảm giác như có thứ gì đó trong bụng mẹ sắp vồ lấy tôi.
Tôi bị sốc bởi suy nghĩ của mình và nhanh chóng rửa bàn tay đầy máu.
Mỏ con gà trống mổ quá mạnh, đến mức máu từ vết thương không thể cầm được.
Dù sao xét về tình thì cũng là do tôi muốn mạng của nó.
Mẹ tôi bảo tôi bắt một con gà mái và để lại cho bà một bát tiết gà sau khi giết con gà.
Bà ấy cứ nhìn chằm chằm vào tôi như thể thứ bà ấy muốn ăn không phải là gà mà là tôi.
Tôi luống cuống tay chân, vội chạy đi bắt gà sau đó để một tô tiết gà lớn cho mẹ.
Đồ ăn ở nhà vốn đã được tận dụng hết mọi công dụng, nhưng tôi không ngờ rằng mẹ tôi muốn uống máu tươi.
Một bát máu gà lớn như vậy mà bị mẹ uống sạch sẽ, cạnh môi còn vương lại chút máu.
Tôi rùng mình đặt món canh gà hầm lên bàn.
Mẹ tôi gần đây chỉ thích uống canh gà nấu tái, khi cắn vào thịt vẫn còn máu.
Bà ấy gắp một miếng thịt lên nhai, trong miệng có thể thấy màu hồng do máu ứa ra.
Tôi khó mà tiếp thu được, trong người chợt có cảm giác buồn nôn.
Buổi tối, lúc nửa tỉnh nửa mê tôi nhìn thấy một bóng người lờ mờ đứng trước giường mình.
Thân hình đó khom lưng và nghiêng người vươn đến.
Tôi cảm thấy vết thương của mình đang bị liếm.
Liếm chỉ là sự hiểu biết của tôi dựa trên chuyển động của bóng người, trên thực tế, tôi cảm thấy vết thương như bị giấy cọ xát.
Nó hơi đau một chút.
Bóng người xoay lưng rời đi, hình dáng cái bụng cao cao lộ ra.
Tôi toát mồ hôi lạnh. Hóa ra đó là mẹ tôi.
7.
Nhà tôi không có điều kiện để mỗi ngày đều có gà cho mẹ ăn, vì vậy bà ấy sẽ hỏi thăm trong thôn có nhà nào giết gia súc sau đó bảo tôi đi đến gia đình đó để xin máu.
Nhiều cũng được, ít cũng được.
Đối với dân làng, một ít máu chẳng có giá trị gì nên tất nhiên là cho hết.
Mỗi ngày mẹ tôi đều cần nó.
Có nhiều lần các cô các bà chặn tôi lại trên đường và nói rằng ngày mai nhà sẽ giết lợn, bảo tôi qua lấy.
Bố tôi không hề biết rằng mẹ tôi uống máu tươi hàng ngày, ông chỉ coi đó là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và không mấy quan tâm.
Lúc đầu, mẹ tôi sẽ tránh mặt tôi khi uống máu, nhưng bây giờ khi tôi lấy máu trở về, thỉnh thoảng trong bát còn bốc khói, vậy mà mẹ vẫn cầm lấy và uống hết trong một hơi.
Tôi có thể thấy trên nét mặt của mẹ có sự hưởng thụ, thoả mãn, như thể rất thích uống máu.
Nhu cầu máu hàng ngày này hơi giống việc cho đồng nam đồng nữ ăn lúc trước.
8.
Mẹ tôi sinh đột ngột, chưa đầy mười tháng đã sinh rồi.
Thật trùng hợp khi bà ấy bắt đầu đau bụng vào chạng vạng và kéo dài cho đến tận sáng sớm khi em trai cất tiếng khóc chào đời, thời gian đúng mười hai giờ.
Và hôm nay là tiết Thanh Minh.
Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đứa trẻ trong bụng bà ấy sẽ được sinh ra an toàn.
Nước mắt máu của bé gái luôn ở trong tâm trí tôi, và những cư xử khác thường của mẹ khi mang thai khiến tôi cảm thấy kỳ lạ.
Bố ôm em trai tôi vào lòng, cẩn thận mở khăn ra xem thứ mà ông ấy quan tâm nhất.
“Ha ha ha, đúng là có tay cầm!”
“Tôi có một đứa con trai, cuối cùng chúng ta cũng có một đứa con trai rồi!”
“Từ giờ trở đi, đây sẽ là gốc rễ của nhà họ Lâm chúng ta, vậy gọi là Diệu Tổ đi!”
Mẹ và bố tôi rất vui mừng.
Mẹ tôi nói: “Con chính là báu vật duy nhất của bố mẹ.”
Có tiếng sấm rền, mưa không rơi và gió rất mạnh.
Gió tạt khiến cửa sổ tự mở ra, cả ba chúng tôi đều hít được một luồng khí lạnh.
Ngoài cửa sổ có một bóng người mờ ảo đứng đưa lưng về phía ánh trăng, khó mà nhìn rõ mặt.
“Ai vậy! Sao lại nằm trên cửa sổ nhà người khác thế?”
Tia sét xé toạc bầu trời bên ngoài, trong chốc lát trời sáng như ban ngày.
Tất cả chúng tôi đều nhìn thấy khuôn mặt của nó.
Đó là người giấy!
Đó là một đồng nữ!
Ôi trời ơi, nó đã quay lại rồi!