Đào Đào - Chương 6
14.
Chân thiếu gia hồi phục rất nhanh.
Sau ba tháng nằm trên giường, chân trái của hắn đã có thể chạm đất, chống đỡ sức nặng. Tuy chân phải còn nghiêm trọng hơn một chút, chưa dùng được lực, nhưng hắn đã có thể dùng gậy gỗ chống mà đi dạo.
Mùa hạ nóng bức, thiếu gia chỉ mặc bộ trung y mỏng manh, chống gậy bước đi, khiến không ít cô nương trong làng tò mò, thường xuyên thò đầu ngó nhìn.
Cô nương đẹp nhất trong làng, A Nguyên, thường đến tìm ta trò chuyện, nhưng rõ ràng ý đồ chẳng nằm ở lời nói, ánh mắt nàng hầu như dính chặt lấy thiếu gia.
Kỳ lạ thay, người trước kia từng xé sách để đốt kiến, giờ lại cầm sách mà đọc ngày đêm. Nếu phu nhân biết chuyện này, chắc sẽ sợ rằng thiếu gia bị hồn ma của kẻ sĩ nhập vào thân.
Dù ta chưa kiếm được năm trăm lượng bạc, nhưng mỗi tháng vẫn mang ít rượu thịt đến nhà lao, bọc ít tiền đỏ để lót tay bọn lính canh, chỉ mong họ đối đãi tử tế với phu nhân và đại nhân trong ngục.
“Thu gom phân mà cũng kiếm được nhiều tiền thế sao?”
Thiếu gia vừa tập chân vừa nhìn đống bạc chất trên giường, ngạc nhiên hỏi.
“Đương nhiên rồi!” Ta tự hào gật đầu.
Trong các ngành nghề ở chợ, ai ai cũng tranh nhau việc, chỉ riêng nghề thu gom phân là bị khinh bỉ. Mà điều đó cũng đồng nghĩa với việc ta có thể độc chiếm thị trường.
Người ngày ngày đều phải bài tiết, đảm bảo nguồn hàng không bao giờ thiếu, mà nông dân lại luôn cần phân bón, không lo không có đầu ra. Nếu ta không kiếm tiền, thì ai kiếm đây?
…
Con người thật không nên tự mãn quá mức. Đêm đó, một bọn người kéo đến tranh giành địa bàn thu mua phân với ta.
Kẻ dẫn đầu là một gã to lớn, nhưng nói năng lại lắp bắp: “Khu… khu này… là của bọn ta, muốn… thu gom… phân ở đây, phải… phải nộp tiền.”
Gã này ta biết, vốn không phải người Hoa Kinh. Hồi nhỏ bị bọn buôn người bắt cóc, sống nhờ ở ngôi miếu đổ nát ở phía nam thành, lớn lên nhờ cơm thừa canh cặn của dân chúng.
Trước khi vào nghề này, ta đã điều tra kỹ, bọn họ thường chỉ hoạt động ở phía nam, hiếm khi bước chân đến phía tây, nên ta mới bắt đầu từ đây.
Giờ bọn chúng kéo xe đến, rõ ràng là muốn chiếm lĩnh địa bàn. Bảo ta nộp tiền thì không bao giờ, nhưng cho hắn một gáo phân thì có thể nghĩ lại.
Ta giữ vững thái độ, cứ tưởng rằng bọn họ không đạt được mục đích sẽ tự bỏ đi. Ai ngờ, hôm sau bọn chúng lập tức ra tay, c//ướp sạch số phân mà đám người của ta đã thu gom.
Ta giận đến nghiến răng. C//ướp tiền của ta, khác nào đoạt m//ạng ta?
Vậy nên, sau vài ngày bị c//ướp, ta liền úp một gáo phân lên đầu gã to lớn kia.
Vì chuyện này mà ta hối hận vô cùng. Bởi lẽ, gáo phân ấy đã khởi đầu cho một trận “phân chiến” kinh hoàng trong con hẻm nhỏ.
Đến cuối cùng, chẳng còn ai phân biệt được ai là người của ta, ai là người của hắn. Mọi người đều đen kịt, bẩn thỉu, mùi hôi thối xông lên tận trời.
Sự phẫn nộ khiến chúng ta vừa nôn mửa, vừa quyết tâm chiến đấu. Cuối cùng, ta không chịu nổi nữa.
Ta chen qua đám đông, nhảy lên xe gỗ, quyết tâm múc một gáo dạ hương.
“Ngươi là lão đại phải không? Đừng để huynh đệ của ngươi chịu khổ nữa. Chúng ta phân thắng bại bằng một gáo này.”
Gã to lớn không chịu thua, cũng múc lên một gáo: “Được… làm thế… nào?”
Ta khẽ cười khinh miệt, đưa gáo phân lại gần miệng: “Ai dám uống hết gáo này, người đó sẽ nắm quyền cai quản nghề thu mua phân ở Hoa Kinh.”
Gã trố mắt nhìn ta, tất cả mọi người xung quanh đều kinh hãi nhìn về phía ta.
Phía sau, Tiểu Hạo Tử yếu ớt nói vọng lên: “Tỷ tỷ ta giỏi lắm, chỉ cần một hơi là uống hết!”
Ta trừng mắt nhìn nó, nếu không biết nói thì im đi.
“Sao hả?” Ta khiêu khích, lắc lư gáo phân trong tay.
“Ai… sợ ai?”
Chúng ta nhìn chằm chằm vào nhau, từ từ đưa gáo phân lại gần miệng.
Xung quanh, từng tiếng nôn mửa dần vang lên.
Ta càng lúc càng lo lắng. Sao gã này vẫn chưa dừng lại? Mùi hôi quá nồng nặc, khiến ta suýt nữa thì buông xuôi.
Đúng lúc ta định từ bỏ, gã đột ngột lên tiếng: “Thôi… ta không mặt dày… bằng… ngươi.”
Đêm đó, ta một trận thành danh.
Nhiều năm sau, trong phố phường vẫn truyền tụng về một nữ tử kỳ lạ.
Nàng được gọi là “Nương tử mua phân,” nổi tiếng vì tính cách lạnh lùng, nói ít làm nhiều. Ai mà chọc giận nàng, nàng sẽ kéo người đó cùng uống nước phân.
15.
Toàn thân dơ bẩn trở về nhà, ta tất nhiên lại bị thiếu gia mắng một trận ra trò. Thiếu gia, giống như phu nhân, vốn rất thích sạch sẽ, ngày thường ưa thích rửa tay cả trăm lần. Ta cúi đầu, lặng lẽ ra giếng, múc nước gội đầu.
Nước giếng ban đêm rất lạnh, ta vừa run rẩy vừa dùng gáo gỗ múc nước.
“Bộ ngươi ngốc sao? Đêm hôm lại đi gội đầu bằng nước lạnh.”
Không biết từ khi nào, thiếu gia đã chống gậy tập tễnh bước ra, giọng nói cứng rắn, không mang chút cảm xúc.
Thiếu gia bưng một chậu nước nóng từ gian bếp ra, không dùng gậy nên bước đi càng chậm. Tay áo xắn lên, để lộ đôi cánh tay rắn chắc.
Ta ngồi xổm xuống đất, cúi đầu, thiếu gia cầm lấy gáo nước từ tay ta, pha nước nóng và lạnh với nhau, từng gáo từng gáo dội lên mái tóc ta.
Ta kinh hãi đến nỗi suýt đổ nhào vào chậu nước.
“Làm sao dám để thiếu gia gội đầu cho nô tỳ chứ?” Ta khẽ cất giọng run rẩy.
Tay thiếu gia vẫn không ngừng, giọng điệu không tốt: “Ngươi còn dám đi thu mua phân, thì còn điều gì không dám nữa?”
“Ta thấy ngươi chính là nữ tử liều lĩnh nhất trần gian này.”
Ta cười gượng gạo, rón rén dịch sang một bên, sợ rằng mùi tóc dơ bẩn sẽ làm thiếu gia khó chịu.
Ai ngờ, ngay sau đó, cánh tay ta bị kéo mạnh, cả người ta ngã vào người thiếu gia.
Rõ ràng đã sa cơ thất thế, phải ở trong căn nhà tranh đổ nát, thế nhưng trên người thiếu gia vẫn phảng phất một mùi hương thanh khiết.
Thiếu gia khẽ ho một tiếng, có vẻ không thoải mái, rồi tay hắn bắt đầu chải mượt mái tóc rối bời của ta.
Sau đó, chúng ta đun đến hai nồi nước mới có thể tẩy sạch hết bùn đất trên thân thể ta.
Mãi đến lúc đó ta mới chợt nhận ra: Không biết chứng thích sạch sẽ của thiếu gia đã khỏi chưa? Trước kia, chỉ bị Trương góa phụ chạm tay một cái, thiếu gia đã phải lau tay nửa ngày. Bây giờ lại có thể chạm vào mái tóc dơ bẩn của ta.
Thật là kỳ quái.
Công việc kinh doanh phân bón của ta ngày càng thịnh vượng. Dân làng cũng bắt đầu cùng ta làm phân bón. Hoa Kinh quản lý hai mươi huyện, ta phải mất cả tháng để đi khắp mọi nơi. Mỗi huyện, ta đều cử một người đến thu gom phân về bán.
Cứ thế, mỗi ngày, những người thu gom phân lại đưa về làng ta, rồi ta cùng dân làng ủ phân, sau đó bán cho các huyện làng đến mua. Ta kiếm lời từ việc buôn trung gian, tính ra mỗi tháng cũng kiếm được hơn một trăm lượng. Sau khi trừ tiền công trả cho dân làng, còn lại hơn tám mươi lượng.
Năm trăm lượng chỉ còn là chuyện sớm muộn.
Chỉ là các huyện lân cận đất đai có hạn, một năm ba vụ mùa, nhu cầu phân bón sẽ giảm. Ta đã nghĩ đến việc vươn ra vùng xa hơn. Phu nhân từng kể ta nghe rằng, vùng đất phía nam phì nhiêu, thóc lúa nhiều, mà sản lượng lương thực nhiều thì nhu cầu phân bón cũng lớn.
Vì thế, ta đẩy thiếu gia đi đến bờ sông để xem xét một chiếc thuyền chở phân. Gặp lúc Thánh thượng đi tuần về phía nam, chúng ta đứng bên đường để xem.
Đội ngũ của Hoàng đế đi tuần thì vô cùng long trọng, đại giá xa giá ba mươi sáu chiếc, đội tùy tùng nối dài không dứt. Có lời đồn rằng đương kim Thánh thượng vốn là vị Hoàng tử ít được kỳ vọng nhất, nhờ dùng thủ đoạn mà lên ngôi. Lại có người nói rằng người chỉ biết hưởng lạc, không chăm lo chính sự, mặc dân tình oán than khắp chốn.
Đoàn xe càng lúc càng tiến gần. Một cơn gió thổi qua làm tấm rèm lụa khẽ bay lên. Chỉ trong khoảnh khắc tấm rèm buông xuống, ta đã nhìn thấy phu nhân mà ta ngày đêm mong nhớ, đang mặc bộ xiêm y lụa vàng lộng lẫy, ngồi bên cạnh Thánh thượng.
Phu nhân đầu đội trang sức lộng lẫy, vàng bạc khẽ rung theo từng bước đi, nhưng vẻ tiên nhân trong sáng ngày nào đã biến mất, thay vào đó là một nét đẹp trần tục kiều diễm.
Trong thoáng chốc ngắn ngủi, ta nhìn rõ gương mặt lạnh lùng, ánh mắt vô hồn của nàng, chẳng khác nào nước chet không một gợn sóng.
Ta đưa tay bịt chặt miệng, chỉ sợ không kìm được mà thốt lên thành tiếng.
Thiếu gia cũng thấy rõ, ánh mắt hắn lạnh như băng, bàn tay siết chặt đến trắng bệch, chỉ nghe một tiếng “rắc”, phần tay vịn của chiếc xe gỗ bị hắn bẻ gãy một mảnh.
Khi đoàn xe dần khuất khỏi góc phố, ta khẽ thốt lên: “Thiếu gia, e rằng năm trăm lượng bạc cũng vô dụng rồi…”