Cuộc Đời Thứ Hai - Chương 4
Nghe giọng tôi nghẹn ngào, mẹ vuốt ve đầu tôi đầy thương cảm.
“Thiến Thiến ngoan, đừng khóc, con mà khóc, mẹ sẽ đau lòng lắm !”
Ba nuôi nhìn thấy hai mẹ con tôi khóc, liền đứng dậy, vỗ nhẹ vào lưng chúng tôi.
“Thiến Thiến, không sao đâu, bố có thể nuôi cả nhà mà. Con chỉ cần yên tâm mà học hành là được.”
Đi học ư? Nhưng giờ tôi thậm chí còn không được đến trường nữa.
Ba nuôi chợt nhận ra mình lỡ lời, vội vàng sửa lại.
“Không sao đâu, chuyện này sẽ sớm kết thúc thôi, đến lúc đó con có thể quay lại trường học rồi.”
Lời của ba nuôi làm tôi tỉnh ngộ, giống như đã nhắc nhở tôi rằng chuyện này đúng là cần phải nhanh chóng kết thúc.
Tối hôm ấy, tôi đăng một bài viết lên Weibo, trong đó kể rõ toàn bộ sự việc và sự thật.
Tôi không tìm đến phóng viên, vì dựa vào hiểu biết của tôi về Vương Dũng hiện tại, nếu ông ta phát hiện ra, chắc chắn sẽ dùng tiền để dập tắt mọi bài báo.
Hơn nữa, giờ đây có lẽ ở cả thành phố Nghi Thành cũng chẳng ai muốn vì một học sinh trung học bình thường như tôi mà đối đầu với Vương Dũng.
Chờ khoảng mười mấy phút, bên dưới bài viết của tôi bắt đầu có những bình luận xuất hiện lác đác.
【Ba mẹ sinh ra cô, không biết ơn thì thôi, lại còn muốn bôi nhọ chính ba mẹ ruột của mình nữa à, đúng là cái thứ vô ơn bạc nghĩa.】
【Rõ ràng là cô không muốn cứu em trai mình, còn định bao biện, thật nực cười.】
【Sao thế, ba nuôi cô không lấy được tiền, giờ bắt đầu lên mạng kể khổ rồi?】
【Nếu cô còn chút lương tâm, thì mau đi cứu em trai mình đi.】
Những bình luận đầy ác ý này khiến tôi một lần nữa nhận ra sức mạnh của đồng tiền.
Hóa ra, chỉ cần có tiền, người ta có thể đảo lộn trắng đen, biến đúng thành sai.
Lúc tôi đang cảm thấy bất lực nhất, một tin nhắn riêng như đã cứu vớt tôi.
“Xin chào, tôi là phóng viên của báo ‘Triều Dương’, tôi rất quan tâm đến câu chuyện của bạn. Nếu có thể, tôi muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn với bạn.”
Tôi không dám tin, cứ đọc đi đọc lại tin nhắn ấy. Thật sự có người muốn giúp tôi sao?
Dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhoi, tôi cũng sẵn sàng thử.
Tôi gọi điện cho phóng viên đó, hóa ra là một nữ phóng viên, giọng nói của cô ấy rất dịu dàng.
Chúng tôi hẹn nhau lúc 11 giờ sáng hôm sau tại một quán cà phê ở con phố bên cạnh.
…
Sáng hôm sau, tôi đến quán cà phê từ lúc 10 giờ rưỡi, chờ đợi.
Đúng 11 giờ, cô ấy xuất hiện trong bộ vest đơn giản nhưng rất sang trọng, toát lên phong thái của một người chuyên nghiệp.
“Chào em, chị là Hà Mạn, em có thể gọi chị là chị gái.”
“Chị… chị gái.”
Tôi ngoan ngoãn gọi một tiếng.
Cô ấy nở một nụ cười rạng rỡ, trông rất vui vẻ.
Sau đó, cuộc phỏng vấn kéo dài nửa tiếng bắt đầu. Tôi đã giao tất cả những bằng chứng hữu ích mà tôi có cho cô ấy !
Trong đó có đoạn ghi âm mà tôi đã nghe lén cuộc trò chuyện giữa Thẩm Lan và Vương Dũng đêm ấy, cùng với đoạn ghi âm lần cuối cùng họ đến trường tìm tôi.
“Thiến Thiến, em thật sự rất giỏi. Dù họ đã làm rất nhiều điều quá đáng với em, em vẫn không làm gì sai trái cả. Sau này em chắc chắn sẽ trở thành một người có ích cho xã hội.”
Lời khen bất ngờ của chị ấy khiến tôi hơi ngại ngùng, tôi quay đầu, khẽ nói một tiếng “Cảm ơn.”
Chị ấy cười rồi xoa nhẹ đầu tôi, giọng điệu nghiêm túc: “Không có gì.”
Ngày hôm sau, toàn bộ các trang tin tức trên Internet đều đưa tin :
[Vợ chồng doanh nhân xuất sắc của Nghi Thành, Vương Dũng và Thẩm Lan, bỏ rơi con gái mắc bệnh tim suốt 16 năm, sau đó ép buộc cô phải hiến thận cho con trai họ.]
Trên phiên bản tin tức mạng, họ còn trực tiếp đính kèm các đoạn ghi âm mà tôi đã cung cấp, còn trên báo giấy thì dùng lời lược thuật lại sự việc.
Dù Vương Dũng có khả năng phi thường thế nào cũng không thể ngăn tất cả các bài báo bị lan truyền.
Những cư dân mạng trước đây không biết sự thật giờ đã thấy bằng chứng, và họ đồng loạt đứng lên tố giác hành vi độc ác của Vương Dũng, nói rằng ông ta quá tàn nhẫn, không xứng đáng làm cha.
Công ty của Vương Dũng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tai tiếng này, hình tượng doanh nhân nổi tiếng của ông ta lập tức sụp đổ, trở thành một người cha ác độc bị mọi người khinh ghét.
Ba nuôi tôi kể rằng, hôm qua, một khách quen của quán là người làm môi giới nên đã giới thiệu cho ông một mặt bằng, giá cả rất hợp lý.
Căn nhà cũng hai tầng, nhưng nằm trong khu dân cư, có vẻ hơi xa xôi một chút.
Cha tôi vừa nghe nói giá rẻ hơn gần 2000 tệ so với chỗ cũ liền đi xem, thấy khá ổn nên đã ký hợp đồng.
Chúng tôi nhanh chóng chuyển vào căn nhà mới ở đường An Hòa.
Ngôi nhà này lớn hơn nhiều so với ngôi nhà cũ của chúng tôi trước đây. Dù khu vực này không náo nhiệt, nhưng tay nghề của ba tôi rất giỏi, chỉ cần dựa vào khách trong khu vực này cũng đủ để nuôi sống cả gia đình tôi rồi.
Tin đồn đã được làm sáng tỏ, việc tiệm quán cũng đã giải quyết xong, nhưng trường học vẫn chưa thông báo cho tôi về chuyện trở lại học.
Điều đó khiến tôi cảm thấy có chút lo lắng.
….
Tôi không chờ được thông báo từ trường học cũ, ngược lại nhận được thư mời nhập học từ một trường cấp ba tư thục.
Trường Phong Hòa, ngôi trường tư thục nổi tiếng nhất thành phố Nghi Thành, với đội ngũ giáo viên hàng đầu trong thành phố.
Họ đưa ra điều kiện, chỉ cần tôi đồng ý vào học tại trường, thì học phí sẽ được miễn hoàn toàn và thậm chí họ còn có thể xin học bổng cho tôi.
Mặc dù thành tích của tôi không tệ, nhưng cũng không đến mức khiến họ đưa ra đề nghị như vậy.
Thấy tôi do dự, thầy Trần – người đưa thư mời cho tôi, đẩy nhẹ cặp kính và mỉm cười, nói :
“Đây là đề nghị của phóng viên Hà Mạn, chỉ cần em đồng ý vào trường, cô ấy sẽ viết một bài báo cho trường chúng tôi.”
“Hiện tại em có sức hút, và em cũng hoàn toàn có năng lực, chúng ta đều vì lợi ích của đôi bên, em không cần phải cảm thấy gánh nặng đâu.”
“Hơn nữa, học bổng được trao với điều kiện tiên quyết là em luôn nằm trong top 3 của lớp. Nếu em rớt khỏi top 3 thì học bổng sẽ không được cấp nữa.”
Nghe thầy nhắc đến tên Hà Mạn, tôi dần buông lỏng sự phòng bị trong lòng.
Tôi đã đồng ý đến học tại Phong Hòa.
Tối hôm đó, tôi gọi điện cho Hà Mạn để cảm ơn vì tất cả những gì cô ấy đã làm cho tôi, cô ấy cười và bảo tôi rằng nên đích thân đến cảm ơn trực tiếp thì hơn.
Dù không hiểu ý cô ấy là gì, tôi vẫn đáp lại bằng một tiếng : “Vâng.”
Ngày hôm sau, tôi đến Phong Hòa, ngôi trường chỉ cách chỗ tôi ở khoảng 15 phút đi bộ, rất thuận tiện.
Ngày đầu tiên đến trường, tôi có chút lo lắng, đứng mãi trước cổng mà chưa dám bước vào.
“Làm sao, cậu đang đợi bữa sáng của tôi à?”
Một giọng nói trêu đùa quen thuộc truyền đến từ phía sau, rồi một túi đồ ăn sáng với bánh bao và bánh quẩy rơi xuống từ trên trời.
Tôi cố kìm nén niềm vui trong lòng, quay đầu nhìn lại, ánh mắt chạm phải đôi mắt tràn ngập nụ cười của Quý Lễ Trần.
Cậu ấy vẫn như trước, đứng sau lưng tôi, dịu dàng mỉm cười.
“Cậu… tại sao lại ở đây?”
Cậu ấy nhét bữa sáng vào tay tôi, và tôi cũng vô thức mà liền đón lấy.
“Người đứng nhất đã bị họ mang đi rồi, người thứ hai là tôi, đành phải tự mình đuổi theo thôi !”
Nhìn cậu ấy, lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó giải thích được, muốn nói gì đó nhưng lại không thể thốt nên lời.
Cậu nhìn tôi, lắc đầu cười trêu chọc : “Đi thôi! Ngày đầu tiên đến trường mà đi muộn thì không tốt đâu đó.”
Tôi và Quý Lễ Trần cùng học chung một lớp. Các bạn trong lớp cũng đều rất tốt với tôi, không ai nhắc lại chuyện xảy ra trước đó không lâu cả.
Khoảng một tuần sau, có tin tức cho biết công ty của Vương Dũng bị điều tra vì làm giả sổ sách.
Vương Dũng có thể sẽ phải ngồi tù.
Còn Thẩm Lan, tựa hồ như bà ta đã đoán trước được điều này, liền bỏ lại Vương Thành Vũ còn đang nằm viện, mang theo tiền rồi trốn ra nước ngoài.
Vì số tiền liên quan quá lớn, luật sư nói rằng Vương Dũng sẽ phải đối mặt với mức án 5 năm tù giam.
Trước khi vào tù, như thể bỗng dưng ông ta tìm lại được chút lương tâm, tự nguyện đề nghị được hiến thận cho Vương Thành Vũ.
Vương Thành Vũ vì vậy mà may mắn sống sót.
Mọi chuyện cuối cùng cũng khép lại, cuộc sống của tôi dần quay trở lại đúng chiều hướng bình thường như trước.
Một ngày nọ, lúc tan học, tôi lại gặp người đã giúp đỡ tôi trong lúc tôi tuyệt vọng nhất, ngay trước cổng trường.
Tôi tưởng chị ấy đến tìm mình, nhưng chị lại gọi Quý Lễ Trần đứng bên cạnh tôi lại.
Chị nhìn chúng tôi với một nụ cười tràn ngập ý vị mơ hồ, pha chút gì đó khó đoán.
“Trần Trần, thứ bảy tuần này là sinh nhật ông ngoại. Ông đã dặn đi dặn lại, bảo chị nhất định phải đưa theo em về, đừng có trốn nữa đấy !”
Quý Lễ Trần có vẻ hơi bối rối, vừa nói vừa đẩy Hà Mạn rời đi.
“Biết rồi, biết rồi. Mau đi đi !”
Đi được vài bước, Quý Lễ Trần đột nhiên dừng lại, quay đầu mỉm cười nói với tôi.
“Mai gặp lại nha !”
Tôi có thích một người, mỗi lần nhìn thấy cậu ấy, trên gương mặt cậu luôn hiện diện một nụ cười rạng rỡ.
Sau này, tôi mới phát hiện ra rằng, cậu ấy không phải lúc nào cũng cười với tất cả mọi người.
Chỉ với tôi mà thôi !
(Hết)