Cô Gái Nổi Loạn - Chương 1
1.
Tôi là tinh linh của sự bướng bỉnh.
Ngay lúc tôi vượt qua chín mươi chín đạo lôi kiếp, chuẩn bị phi thăng thành tiên.
Trên bầu trời bất ngờ tia sét thứ một trăm giáng xuống, đánh tôi xuyên vào một cuốn tiểu thuyết ngược tâm.
Gia đình trong truyện này có một người cha độc đoán, gia trưởng, một bà mẹ trọng nam khinh nữ, tính tình nóng nảy, một đứa em trai được nuông chiều quá mức và một nam chính không hiểu tiếng người.
Không sao cả, tôi có cách của mình.
Bởi vì tôi chính là tinh linh của chiếc xương thứ 208 trong cơ thể người – chiếc xương phản nghịch!
2.
Từ nhỏ, tôi đã có thêm một chiếc xương.
Người bình thường có 207 chiếc xương, nhưng tôi lại có 208 chiếc.
Chiếc xương thừa này là “thiết bị phát âm ngoài” của tôi – chính là xương ngược.
Năm tôi năm tuổi, mẹ lại sinh thêm một đứa em trai.
Một người họ hàng lắm chuyện đứng trước cửa nhà, chọc ghẹo tôi:
“Hiểu Hiểu, ba mẹ cháu có em trai rồi, sau này chắc không cần cháu nữa đâu!”
Tôi hơi nghiêng đầu, tỏ vẻ ngây thơ vô số tội nói:
“Chú ơi, sao chú biết ba mẹ cháu sẽ không cần cháu nữa? Là vì ba mẹ chú cũng không cần chú nữa đúng không?”
Chú đứng hình.
Tôi nhàn nhã bổ sung: “Chú yên tâm, ba mẹ cháu sẽ không bỏ cháu đâu. Nhưng với cái miệng của chú, chưa chắc đâu nha, nói không chừng ba mẹ chú… Ô ô ô…”
Mẹ vội vàng bịt miệng tôi, cười gượng:
“Trẻ con không hiểu chuyện, anh đừng để bụng nhé.”
Tôi gỡ tay mẹ ra, tiếp tục líu lo:
“Đúng đúng, chú đừng nhỏ mọn thế. Nhỡ đâu ba mẹ chú thật sự không cần chú thì… Ô ô ô …”
Mẹ lại bịt miệng tôi lần nữa.
Lên tiểu học, có một thằng bé ngồi sau cứ ngày ngày giật tóc tôi.
Tôi mách cô giáo, nhưng cô chỉ cười cho qua:
“Ôi, Thành Thành muốn kết bạn với em đó. Bạn nhỏ Hiểu Hiểu, em đừng có hẹp hòi như vậy, hãy hoà thuận với Thành Thành nhé.”
Tôi gật đầu, ra hiệu cô giáo cúi xuống.
“Có chuyện gì thế?”
Cô giáo cười hỏi.
Tôi cũng cười, rồi giáng một bạt tai lên mặt cô.
Trước khi cô kịp nổi giận, tôi nói ngay:
“Đánh là thương, mắng là yêu, em muốn hoà thuận với cô mà. Chắc cô không nhỏ nhen như vậy đâu nhỉ?”
Cô nghiến răng, mặt méo mó:
“Tất nhiên không! Cô cũng rất yêu quý em!”
Tôi bật cười: “Cô ơi, em cũng thích cô lắm đó!”
Nói xong, tôi nhanh như chớp tát thêm hai cái nữa.
Rồi tôi không tát thêm được, vì cô đã đứng dậy.
Tôi tiếc nuối thở dài.
Quay lại lớp, Thành Thành vẫn giật tóc tôi.
Sau khi tôi cảnh cáo nhiều lần mà nó vẫn không nghe, còn tỏ ra ngạo mạn:
“Hôm qua cậu nói chuyện với con bé mập kia đúng không? Không phải tôi bảo cậu đừng nói chuyện với nó à, sao cậu lại không nghe lời!”
Nói xong, nó lại đưa tay định giật tóc tôi.
Tôi gạt tay nó ra, chiếc xương ngược trong tôi bắt đầu rục rịch.
Tôi kiên nhẫn giải thích:
“Cậu là cái thá gì mà bảo tôi phải nghe cậu? Cho dù ba cậu nói vậy, tôi cũng chẳng nghe.”
Thành Thành chết lặng:
“Cậu là con gái sao lại nói chuyện thô lỗ như thế? Như vậy là không đúng đâu!”
Thằng bé còn nhỏ mà đã có điệu bộ ông cụ non:
“Con gái phải dịu dàng, nết na, không được nói mấy lời tục tĩu như vậy…”
“Chát!”
Tôi tát thẳng vào mặt nó, mỉm cười:
“Con gái thì nên thế nào cơ?”
Nó im thin thít.
Tôi lại tát thêm cái nữa: “Cậu mà còn quản chuyện của tôi, tôi cho cậu một bài học đấy. Lần sau còn quản nữa không?”
Nó lắc đầu nguầy nguậy.
Nhìn gương mặt sưng đỏ của nó, tôi chợt nhớ ra.
Hình như thằng nhóc này chính là nam chính của cuốn tiểu thuyết ngược luyến tình thâm tôi đang xuyên vào.
Nghĩ đến việc hồi nhỏ hắn giật tóc tôi, lớn lên còn định ngược tâm ngược thân tôi, cơn giận liền bùng lên.
Thế là tôi tát thêm hai cái nữa.
Cuối cùng, Thành Thành khóc lóc chạy đi mách cô giáo.
Cô giáo hỏi tôi vì sao đánh Thành Thành.
Tôi giả vờ ngây thơ, vẻ mặt vô tội: “Em không có ạ! Em rất thích bạn Thành Thành, muốn chơi cùng bạn ấy thôi. Bạn ấy sẽ không nhỏ mọn như vậy đâu, bạn ấy cũng vui vẻ chơi với em mà!”
Dưới ánh mắt “đe doạ” của tôi, Thành Thành vừa rơi nước mắt vừa gật đầu.
Từ đó về sau, hễ Thành Thành có hành vi không phù hợp với tư cách học sinh gương mẫu, tôi đều cho nó “hai bạt tai giáo dục”.
Dưới sự “bồi dưỡng tích cực” của tôi, Thành Thành lớn lên đúng chuẩn người chính trực.
3.
Năm lớp tám, ba dẫn cả nhà về quê cúng tổ tiên.
Hôm đó, vừa đúng lúc tôi đến kỳ kinh nguyệt.
Ba nhíu mày, nhìn tôi như thể nhìn thứ gì đó dơ bẩn:
“Con gái đến tháng là không sạch sẽ, không được vào từ đường cúng bái, xui xẻo lắm!”
Ban đầu, tôi cũng chẳng hứng thú muốn vào. Nhưng nghe ba nói thế, chiếc “xương ngược” trong tôi như bị đốt nóng lên.
Không vào thì không được, nhất định phải vào xem thử!
Tôi tìm một chiếc túi, đi khắp làng, gom tất cả băng vệ sinh từ nhà vệ sinh của từng nhà vào đó.
Chờ đến khi ba mẹ ngủ trưa, tôi lén lút mang túi băng vệ sinh vào từ đường, dán kín khắp nơi.
Là người công bằng, tôi dán mỗi bài vị tổ tiên một miếng băng vệ sinh.
Là người hiếu thảo, tôi còn đặc biệt chọn loại băng vệ sinh đỏ tươi, mới tinh để dán lên bài vị.
Buổi chiều, khi ba vào từ đường, nhìn thấy từng miếng băng vệ sinh dày đặc khắp nơi, ông hoàn toàn sụp đổ.
Ông tức giận đến mức vơ lấy cây chổi bên cạnh, định đánh tôi.
Tôi vừa chạy vừa rút một miếng băng vệ sinh từ túi quần ra, ném thẳng vào mặt ông, hô lớn:
“Băng vệ sinh phong ấn!”
Miếng băng vệ sinh từ từ trượt khỏi mặt ba, để lại những vệt đỏ rõ rệt.
Ba đứng sững, như bị điểm huyệt.
Sau đó, ông ôm mặt, bật khóc nức nở.
Ngày hôm sau, ba quỳ trước từ đường, nước mắt đầm đìa, miệng không ngừng rên rỉ:
“Hu hu~ Con trai bất hiếu, thật hổ thẹn với liệt tổ liệt tông. Sao lại để thứ dơ bẩn thế này vào từ đường chứ, hu hu~”
Tôi trốn sau bài vị, hạ giọng trầm xuống: “Nếu đã biết sai rồi thì đi mua ngay cho con gái ông mấy món: tôm hùm đất cay, bún miến nghêu, bánh tôm thập cẩm, mì trộn tương, đùi gà chiên, gà rán lớn, chân gà, cánh gà chiên cay, cánh gà mật ong, cánh gà xốt cay, gân gà, chả gà, bò bít tết, pizza, mì om, thịt luộc cay, nồi lẩu cay…”
Tôi chưa kịp nói xong thì ba đã cầm chổi xông tới.
Em trai tôi run rẩy nép sát vào một góc.
4.
Sinh nhật năm mười lăm tuổi, tôi tự mua cho mình một chiếc bánh gato nhỏ.
Sinh nhật tôi và em trai trùng hợp lại là cùng một ngày, nhưng mẹ chỉ tổ chức cho em, chưa bao giờ mua bánh cho tôi.
Dù đã biết trước mẹ thiên vị con trai từ cốt truyện của tiểu thuyết, tôi vẫn không khỏi cảm thấy thất vọng khi nhìn cảnh đó.
Để giải tỏa cảm giác hụt hẫng, tôi trực tiếp lật tung bàn ăn, đồ ăn và bánh ngọt rơi tung tóe khắp sàn nhà.
Mẹ tức đến mức run người, còn em trai thì sợ hãi, trốn vào góc không dám ho he.
Từ đó về sau, mỗi lần mẹ muốn tổ chức sinh nhật cho em, tôi lại lật bàn.
“Đủ rồi, Hứa Hiểu Hiểu, mày nổi điên cái gì thế hả!” Mẹ tôi tức giận đến tái xanh mặt.
“Nhìn xem mày bây giờ thành cái dạng gì!”
Tôi đau lòng trách mẹ: “Mẹ thật sự không thể làm được điều đơn giản như công bằng sao? Nhưng không sao, con là người công bằng.”
Mỗi lần mẹ lén mua đồ ngon hay quần áo mới cho em trai, tôi đều xuất hiện từ mọi góc độ.
“Ồ, mẹ mua đồ chơi mới cho em à!”
*Rắc!* Đồ chơi hỏng.
“Ồ, mẹ mua quần áo mới cho em à!”
*Xoẹt!* Áo bị rách toang một đường.
Buổi tối, tôi sẽ ngồi bên giường ba mẹ, ánh mắt sâu kín nhìn bọn họ.
Mẹ từng nghĩ đến việc gửi tôi về ở với ông bà nội, nhưng tôi sẽ lập tức báo cảnh sát.
Chú cảnh sát rất “có tâm,” lần nào cũng đưa tôi về nhà và kèm thêm một bài giảng đạo lý miễn phí cho ba mẹ tôi.
Cuối cùng, sau bao nỗ lực không ngừng, mẹ tôi bị suy nhược thần kinh.
À nhầm, mẹ học được cách đối xử công bằng.
Từ đó, nhà tôi không ai tổ chức sinh nhật nữa.
Nhưng con người phải luôn hướng về phía trước.
Hôm nay, tôi quyết định tạm tha thứ cho sự thiên vị của mẹ, tự mua một chiếc bánh nhỏ mừng sinh nhật mình.
Ai ngờ, vừa thấy tôi mang bánh về, mẹ lập tức chuyển sang chế độ chỉ trích, giọng cao vút:
“Hứa Hiểu Hiểu, mày cũng xứng đáng tổ chức sinh nhật à? Mày có biết mẹ đã phải khổ sở thế nào khi sinh mày không? Tao nói cho mày biết, ngày mày ra đời chính là ngày tao chịu khổ, không được phép tổ chức sinh nhật!”
Tôi ngẩng đầu, ngạc nhiên đôi chút.
Đây là đâu ra chiêu *pua* mới học, trông khác hẳn trước kia nhỉ?
Tôi cắn một miếng bánh, bình thản đáp:
“Được thôi, vậy từ giờ con sẽ tổ chức sớm mười tháng, đó là ngày ba mẹ ‘sướng’ nhất mà.”
Mẹ im bặt.
Bà tức đến mức cả khuôn mặt méo mó.
Còn em trai tôi vẫn nép vào góc, run lẩy bẩy.
5.
Trong nguyên tác, em trai của nữ chính là một thằng “cậu ấm” được nuông chiều quá mức.
Còn trong thực tế, đúng là nó cũng được cưng chiều như vậy.
Điểm khác biệt duy nhất là nó rất sợ tôi.
Trên con đường đấu trí với ba mẹ, tôi thường “vô tình” lôi nó vào cuộc.
Ví dụ, khi lật bàn, tôi để đồ ăn rơi hết lên đầu nó.
Hoặc nửa đêm tôi lẻn vào phòng nó, vừa mài dao vừa cười.
Nó chưa bao giờ dám khóa cửa phòng, vì hễ khóa, mẹ tôi sẽ phát điên đập cửa, thậm chí lấy rìu phá cửa.
Năm sáu tuổi, trong lúc chơi với bạn ở trường, nó bị ngã.
Mẹ tôi lập tức nhắn tin, gọi điện cho giáo viên liên tục, còn làm ầm lên đến văn phòng hiệu trưởng, bắt mấy đứa bạn của nó xin lỗi.
Mẹ không bao giờ cho nó ra ngoài một mình, luôn sợ nó bị bắt cóc hoặc gặp tai nạn.
Có lần vài đứa trẻ rủ nó đi chơi bóng rổ, mẹ biết được liền tới nhà từng đứa chửi bới, trách chúng không được rủ rê em trai tôi, nhỡ có chuyện thì sao.