Buông Tay - Chương 1
1
Khi Tạ Chí đến đón tôi xuất viện, suýt nữa thì tôi đã báo cảnh sát. Anh ta phải giơ giấy kết hôn ra, mới miễn cưỡng xua tan sự nghi ngờ trong tôi.
Tôi nhìn bức ảnh trên giấy kết hôn, hai người mới cưới nhưng chẳng hề thân thiết, hỏi: “Anh thực sự là chồng tôi à? Trông anh có vẻ không yêu tôi lắm thì phải.”
Khuôn mặt đầy khó chịu của Tạ Chí khựng lại.
“Tôi cũng không nghĩ là mình sẽ gả cho một người không yêu mình, nhất định là có gì đó nhầm lẫn rồi.”
Tạ Chí đưa tôi về nhà của chúng tôi.
Vừa mở cửa, chỉ thấy bóng tối bao trùm.
Ở ngay lối vào, anh ta đập chân vào bậc cửa, bực bội nói với tôi: “Sao lại phải làm chỗ này cao như vậy?”
Tôi không có chút ký ức nào về ngôi nhà này, không biết trả lời thế nào.
Lối vào thực sự tối, Tạ Chí mò mãi vẫn không tìm được công tắc đèn.
Cuối cùng, anh ta hỏi tôi: “Đèn ở đâu?”
Tôi đáp lại: “Đây không phải là nhà anh sao?”
Tạ Chí im lặng, một hồi lâu sau, anh ta mới mò thấy công tắc đằng sau lọ hoa.
Ánh đèn màu vàng ấm áp chiếu sáng lối vào, dường như cũng xua tan đi bóng tối trong phòng khách.
Tôi chợt nhớ ra vài điều. Tôi nhớ dù khuya thế nào, lối vào vẫn luôn sáng đèn chờ Tạ Chí về, giống như trái tim tôi luôn mở rộng cửa vì người chồng này của mình.
Tôi sực tỉnh và thấy Tạ Chí đang cầm một tờ giấy ghi chú, có lẽ vừa lấy từ công tắc.
Tôi nhìn thoáng qua, đó là nét chữ của tôi: “Bạn Tạ, chúc mừng anh cuối cùng cũng tìm được công tắc rồi nhé!”
Tôi không nhịn được cười: “Trước đây tôi trẻ con vậy sao?”
Tạ Chí vẫn đang quan sát tôi, nghe vậy thì vứt tờ giấy sang một bên, đáp một cách hờ hững.
“Không chỉ trẻ con, còn hay ghen tuông nữa.”
Tôi nhướng mày: “Anh bên ngoài có người khác chứ gì.”
Anh ta nghẹn lời, sau đó phát cáu hỏi lại: “Trần Nguyên, có phải em đang giả mất trí nhớ không đấy? Đừng gây rối nữa! Tôi không có thời gian chơi với em đâu!”
Mọi người đều nghi ngờ tôi giả mất trí nhớ. Rõ ràng tôi không gặp tai nạn, cũng không chịu cú sốc lớn nào, chỉ đơn giản là ngủ một giấc rồi tỉnh dậy, không còn nhận ra Tạ Chí nữa.
Tôi nhìn chằm chằm vào Tạ Chí. Tôi không nhớ người đàn ông trước mặt này, thậm chí cũng quên đi mọi cảm xúc dành cho anh.
Trái tim trong lồng ngực mách bảo tôi rằng, tôi từng rất yêu anh ấy.
Tôi bật cười: “Anh đang thấy có lỗi hả?”
Tạ Chí không nói gì thêm, bước vào phòng khách.
Đèn phòng khách nằm ở bên trái, anh đưa tay là bật lên được, rồi ngồi trên ghế sofa màu trắng ấm, giận dỗi không nhìn tôi.
Tôi tò mò nhìn công tắc hai lần.
Chiều cao của Tạ Chí cho phép anh dễ dàng với tay bật đèn, còn tôi phải kiễng chân.
“Tôi đúng là đối xử với bản thân quá tệ.”
Tạ Chí cau mày: “Em cố ý phải không? Tôi đã nói là tôi không có nhiều thời gian để chơi với em!”
Tôi ngồi xuống chiếc ghế nhỏ đối diện, nhìn quanh.
“Nếu không có thời gian, vậy đừng chơi nữa.” Tôi lấy ra giấy đăng ký kết hôn mà Tạ Chí đã đưa cho tôi trước đó, “Dành chút thời gian, chúng ta ly hôn nhé.”
Tạ Chí không thèm ngẩng đầu, trả lời rất nhanh, như sợ tôi đổi ý: “Được, chính em nói đấy nhé.”
Tôi gật đầu, sau thời gian ở bệnh viện, tôi có phần mệt mỏi, nên hỏi Tạ Chí: “Phòng ngủ của tôi ở đâu?”
Anh nhìn tôi với ánh mắt ngờ vực, như thể đang đánh giá xem tôi có nói dối không, có thực sự mất trí nhớ hay không.
Anh dẫn tôi đến cửa phòng ngủ, rồi đứng tựa vào khung cửa, nhìn tôi chằm chằm.
Tôi lục tìm trong tủ một lúc lâu cuối cùng cũng thấy được đồ ngủ của mình, cũng thấy cả của Tạ Chí.
Hai bộ là đồ đôi, chỉ có điều bộ của anh ta rất mới, trông như chưa mặc bao giờ.
Nhưng tôi vẫn xếp gọn gàng và đặt cạnh nhau.
Tôi bước qua bộ đồ đó, lấy một chiếc váy ngủ.
“Tôi thay đồ đây, anh định nhìn đến bao giờ?”
Tạ Chí nhướng mày, rồi nhắc nhở tôi: “Đừng quên sáng mai đi ly hôn.”
Tôi giơ điện thoại lên: “Yên tâm, tôi đặt lịch hẹn rồi.”
Anh ấy ngạc nhiên: “Em đặt khi nào?”
Tôi nhún vai: “Ngay lần đầu tiên gặp anh, tôi đã có ý định ly hôn.”
2
Có vẻ như Tạ Chí rất tức giận, anh ta mím môi, cau mày, nhìn tôi rất lâu, cuối cùng không nói gì mà quay lưng bỏ đi.
Tôi đóng cửa lại, nằm trên chiếc giường mềm mại.
Ánh đèn phòng khách chiếu qua khe cửa, tôi định đứng dậy tắt đèn, mở cửa thì phát hiện Tạ Chí đang gõ bàn phím lạch cạch trong phòng khách.
Đèn phòng khách là ánh sáng trắng lạnh, phủ lên người Tạ Chí, như càng thêm khoảng cách giữa chúng tôi.
Tựa như hai thế giới.
Anh bất ngờ quay đầu lại, lạnh lùng hỏi tôi: “Sao còn chưa ngủ? Hối hận rồi à?”
Tôi thản nhiên đi tới bếp rót ly nước ấm, tiện tay lấy cho anh ta một lon cà phê từ tủ lạnh.
Anh nhận lon cà phê với ánh mắt nghi ngờ, uống một ngụm, lông mày ngay lập tức nhíu lại.
“Trần Nguyên, em đang làm gì vậy?”
Ừm, xem biểu hiện của anh ta, có vẻ không thích cà phê.
Tôi uống một ngụm nước ấm, nói: “Để anh tỉnh táo đấy.”
Tạ Chí nhíu mày nhìn tôi: “Tôi đã đủ tỉnh táo rồi!”
Tôi cười: “Vậy thì tốt, tôi còn tưởng anh đang sống trong mơ, có thể nói ra những lời như thế.”
Tạ Chí lại mím môi, không nói gì nữa.
Tôi nhận ra anh đang cố ý tránh tranh cãi với tôi.
Là sợ tôi hối hận sao?
Tôi không nhớ Tạ Chí trước đây thế nào, có lẽ từng phong độ, hoặc bình tĩnh và nội tâm.
Nhưng chắc chắn không phải như thế này, khiến tôi cảm thấy chán ghét.
Sự chán ghét của tôi với Tạ Chí kéo dài đến tận sáng hôm sau, khi anh chở tôi đến cơ quan chức năng để ly hôn.
Dậy quá sớm, tôi bị tụt huyết áp, dựa vào ghế xe chợp mắt.
Tạ Chí không biết lấy đâu ra hứng thú, cứ phải kể lại chuyện cũ của hai chúng tôi.
Anh nói từ lúc tôi theo đuổi anh, đến lúc hai người đăng ký kết hôn, rồi đến lúc sửa sang nhà cửa, lảm nhảm mãi không ngừng.
Tôi nghe đến nhức đầu, không chịu được nữa mà ngắt lời: “Anh nói nhiều thế, không bằng kể luôn xem anh với người thứ ba quen nhau thế nào.”
Tạ Chí im bặt.
Anh ta cũng ngầm thừa nhận, đúng là anh ta đã thay lòng.
Tôi cũng đã nghe qua câu chuyện của chúng tôi, qua lời kể của Tạ Chí.
Trong câu chuyện đó, tôi từng ngưỡng mộ anh ta, thậm chí hạ thấp bản thân, như một kẻ hèn mọn ngước nhìn thần tượng.
Bây giờ, không còn bộ lọc của quá khứ, tôi mới nhận ra, hóa ra Tạ Chí thật phiền phức.
3
Cuối cùng cũng vào được Cục dân chính, người tiếp đón chúng tôi là một cô gái trẻ. Cô liếc nhìn qua Tạ Chí hai lần, rồi mỉm cười nhìn tôi: “Hai anh chị, bên em có yêu cầu phải trải qua 30 ngày suy nghĩ trước khi hoàn tất thủ tục ly hôn nhé.”
Cô cười dịu dàng, nhưng ánh mắt lại truyền cho tôi một tín hiệu khác.
Cô gái dường như đang nhắn nhủ tôi: *Chị đừng hối hận đấy.*
Tôi ngẩng đầu nhìn Tạ Chí. Người đàn ông cao ráo, dáng người chuẩn, khuôn mặt ưa nhìn, diện vest bảnh bao, tóc tai cũng được chải chuốt gọn gàng. Nhìn qua là biết anh là người có học, lại có tiền.
Có điều, cô ấy đã nhìn nhầm rồi, có học thức không có nghĩa là sống tử tế.
Tạ Chí có vẻ sốt ruột, cau mày hỏi: “Bắt buộc phải có thời gian suy nghĩ à?”
Cô gái nhìn vào máy tính, mỉm cười: “Xin lỗi anh, đó là quy định ạ.”
Tôi nhún vai tỏ ý hiểu.
Tạ Chí thở dài, lấy lại giấy tờ của chúng tôi rồi lạnh nhạt buông một câu.
“Tôi có cuộc họp, đi trước đây.”
Tạ Chí lái xe đi, tôi chỉ còn cách ngồi xe buýt đi làm.
May là Cục dân chính cũng gần bến xe buýt, chỉ cần đi bộ qua một ngã rẽ là đến nơi.
Đúng giờ cao điểm, tôi thấy một đám người chen chúc ở bến, định lùi lại một chút.
Lùi lại mà suýt dẫm phải đuôi một con mèo nhỏ.
Tôi cúi xuống xin lỗi con mèo, ngẩng đầu lên lại thấy chủ của nó đang nhìn mình.
Cậu ta trông khoảng hai mươi, da tái nhợt, chân tay gầy yếu, như vừa trải qua một trận bệnh nặng.
Cậu nheo mắt cười: “Lần đầu tôi thấy có người xin lỗi mèo đấy.”
Tôi ngồi cách xa cậu một chút, giữ khoảng cách.
“Lần đầu tôi thấy có người dắt mèo đi dạo đấy.”
Mèo của cậu ấy là giống mèo mây đen đi trên tuyết, thân đen nhưng bốn chân trắng như đeo bốn chiếc găng tay.
Con mèo rất gần gũi với chủ, nằm ngoan dưới chân cậu, không động đậy.
“Mèo của cậu quấn người nhỉ.”
Cậu cười nhẹ: “Động vật có linh tính, chắc nó cũng biết tôi sắp chết rồi.”
Tôi giật mình: “Cậu còn trẻ thế mà!”
Cậu ngẩng đầu nhìn trời, đôi mắt sáng tối lập lòe.
“Trẻ không có nghĩa lý gì, sống mới quan trọng.”
Những lời an ủi vừa ra đến miệng, nhưng bắt gặp đôi mắt của cậu, tôi lại không kìm được mà nén lại.
Xe buýt đến chuyến này rồi chuyến khác, người ở bến dần thưa thớt.
Cuối cùng, chỉ còn lại hai chúng tôi.
Cậu vẫn ngẩng mặt nhìn trời, ánh nắng vỡ vụn nhảy múa trên đôi mày cậu.
“Tôi cũng mắc bệnh.” Tôi bình tĩnh nói, “Tôi mất trí nhớ, nhớ tất cả mọi người, chỉ quên mất một người.”
Sau một lúc lâu, giọng nói của cậu vang lên.
“Người đó quan trọng với cô lắm đúng không?”
Rất quan trọng.
Chỉ quên mất người ấy, trái tim tôi đã như thiếu mất một phần.
Rõ ràng trời nắng rực rỡ, nhưng tôi càng lúc càng lạnh, không kìm được mà thu người lại.
Tôi cố chấp nói dối: “Không quan trọng đâu, tôi ghét anh ta.”
Mèo con cọ vào mắt cá chân tôi, tôi không kiềm được mà vươn tay ra xoa đầu nó.
Cậu thiếu niên nghiêng đầu nhìn tôi, đôi mắt sáng, bên khóe miệng có hai lúm đồng tiền mờ nhạt.
Cậu đưa tay về phía tôi: “Tôi tên là Trình Dũ, “Dũ” trong ‘bệnh mãi không khỏi’. Đây là mèo của tôi, nó tên là May Mắn.”