Bên Nhau Trọn Đời - Chương 5
16
Ta kéo Dư Đình Ân, để chàng nằm trên đùi ta, xoa bóp vai cho chàng, thỉnh thoảng lại nói chuyện phiếm.
Giúp chàng thư giãn thần kinh căng thẳng và cơ thể mệt mỏi, không đến nửa canh giờ, hơi thở của chàng dần đều, ngủ say.
Đái Hỷ vội vã chạy vào phòng, thấy Dư Đình Ân đang nghỉ ngơi, nhẹ nhàng ôm đến một chiếc chăn nhỏ, mới nhỏ giọng nói: “Phu nhân, nhà chúng ta có mấy tiểu nhị đến, nói là đến tặng đồ trang sức cho người, nô tỳ đã xem qua rồi, từ đầu đến chân đều có đủ cả.”
Nàng đưa cho ta mấy tờ hóa đơn, giá cả và chủng loại đều khiến ta kinh ngạc, bộ trang sức này không hề rẻ.
Nhìn thấy tên của Dư Đình Ân trên hóa đơn, ta mới hiểu ra là chuyện gì, trong lúc cảm động lại thấy buồn cười.
Ta nói sao hai năm nay chàng không viết sách làm lời tựa cho nhà này thì lại đề chữ lưu danh cho nhà kia, đều tính giá mười lượng nhưng vẫn luôn rỗng túi, hóa ra là để mua bộ đồ này.
Năm đó, sự chậm trễ trong tiệc ngắm trăng, ta đã quên sạch rồi.
Chỉ có chàng vẫn giữ chặt trong lòng, một mực nhớ ky.
17
Sau sự kiện xin chức quan lần đó, công chúa không còn rảnh để để ý đến ta mà lo đấu với Thám Hoa lang và họ hàng trong nhà đến chết đi sống lại.
Ta nhân cơ hội này mở xưởng dệt, nghe nói bến tàu đã đậu đầy những con thuyền lớn nhỏ, liền cùng Đái Hỷ đến Vọng Giang lâu để xem.
Kiếp trước ngoài thanh lâu, ta còn bị nhốt trong hậu trạch của phủ công chúa, căn bản không biết thế giới bên ngoài lại náo nhiệt đặc sắc như vậy.
Đái Hỷ cũng từ nhỏ đã bị ca tẩu bán làm nha hoàn, mấy năm nay theo ta học được chữ, thỉnh thoảng còn có thể đọc được vài câu thơ.
Ngay cả Dư Đình Ân cũng kinh ngạc trước sự ham học của nàng, lúc canh gác cũng không quên ôm sách.
Ta biết nàng thông minh lanh lợi nhưng ta không biết nàng có thể thông minh lanh lợi đến vậy, chỉ cùng ta ở Vọng Giang lâu ngắm thuyền một lúc, đã học được vài câu tiếng nước ngoài.
“Phu nhân, nô tỳ là nha hoàn, đương nhiên phải học cách quan sát sắc mặt người khác, vừa vào Vọng Giang lâu, nô tỳ đã thấy ở đây có nhiều người nước ngoài, có người tóc vàng vàng, có người râu cong cong, nói toàn là thứ tiếng líu lo không hiểu nhưng sau đó nhìn biểu cảm và động tác của họ, nô tỳ đoán câu này có thể là chào hỏi, câu kia có thể là tạm biệt, không ngờ lại đoán đúng.”
Đái Hỷ có chút ngượng ngùng lắc đầu: “Nô tỳ cũng chỉ đoán đúng hai câu này thôi, những câu khác thì thật sự không hiểu.”
Ta vô cùng khâm phục nàng, hai tháng trước ca tẩu của nàng đến tìm mấy lần, nói là đã nói chuyện cưới xin cho nàng, nhà trai là một người bị ho lao nhưng trong nhà có chút tiền, muốn nàng gả qua đó làm thiếu phu nhân.
Đái Hỷ không muốn, bọn họ liền tìm mấy người gọi là tộc lão cô bà, vừa gây áp lực vừa khóc lóc chửi bới, còn muốn cưỡng ép bắt nàng về nhà.
Ta ra mặt cứng rắn giữ người ở lại Dư gia, cũng bị phun mấy bãi nước bọt, chỉ vào mặt ta mắng không biết giữ đạo làm vợ, cả ngày ở ngoài phao đầu lộ diện, cố tình giữ nha hoàn lại để làm thông phòng cho phu quân.
Chiêu này của bọn họ có thể nói là trăm phát trăm trúng, bất kể là đại cô nương hay nàng dâu mới, ngay cả bà già cũng có thể bị cái miệng của bọn họ làm cho choáng váng, thậm chí là ép đến mức treo cổ tự vẫn.
Ta vô cùng ghê tởm những kẻ này, trực tiếp cáo buộc bọn họ xông vào nhà quan, mỗi người bị thưởng mười roi, nằm trên giường hơn nửa tháng.
Lại lấy ra khế ước bán thân năm đó, trên đó viết rõ ràng “Tiền bạc đã thanh toán xong”, không còn liên quan gì nữa.
Nếu ca tẩu của Đái Hỷ còn dám đến quấy rối hoặc đòi tiền, đừng trách ta không khách sáo, theo luật pháp Đại Hạ sẽ cáo buộc bọn họ mưu đồ bất chính, cướp đoạt tài sản.
Đây là trọng tội có thể bị tống vào ngục.
Hai người kia vốn dựa vào việc ta nổi tiếng là quả hồng mềm mới dám gây chuyện, nghe nói sẽ bị tống vào ngục thì chỉ còn cách sờ cái mông đã bị đánh nát, xám xịt bỏ đi.
Sau chuyện đó, Đái Hỷ coi như hoàn toàn hết hy vọng với gia đình, phần lớn tiền công được thưởng hàng ngày cũng không còn gửi cho ca tẩu nữa.
Nàng giữ chặt số tiền riêng tích cóp được, tính toán vài năm nữa có thể cùng các tỷ muội mở một tiệm trà nhỏ.
Ta cũng hứa nếu nàng có được người nam tử tình đầu ý hợp, sẽ trả lại khế ước bán thân cho nàng, rồi chuẩn bị của hồi môn thật hậu hĩnh.
18
Trong Vọng Giang lâu người ra vào tấp nập, đương nhiên cũng không thiếu thị phi.
Ta và Đái Hỷ đang ngắm nghía hoa văn ở trang phục của những người ngoại bang đó thì nghe thấy tiếng bàn tán từ bàn bên cạnh sau bình phong.
Giọng nói còn khá quen, chẳng phải là những quý phụ quý nữ luôn đi theo sau công chúa sao?
Nhưng lần này bọn họ không chế giễu người có xuất thân thấp hèn là ta, mà lại là công chúa vốn được mọi người tung hô.
Hóa ra là đứa con trai mà nàng ta tự hào mắc phải căn bệnh lạ, thám hoa lang cũng vì lần vào ngục đó mà sợ mất mật.
Hắn thẳng thắn nói rằng mình làm phò mã chỉ vì hận gia tộc đấu đá không ngừng, cha mẹ thiên vị ấu tử, bản thân lại chán ghét quan trường, chỉ muốn sống một đời tiêu dao khoái hoạt.
Thám Hoa lang một không cờ bạc, hai không ham sắc dục, chỉ thích uống rượu, làm thơ, vẽ tranh, đặc biệt là bức Bạch hạc đằng vân đồ vẽ vô cùng sống động.
Có người biết sở thích của hắn nên tặng cho hắn một đôi bạch hạc nuôi trong nhà, công chúa tức giận vì hắn không chịu tiến thủ, chê bai hắn chơi bời lêu lổng, liền nói rằng những
thứ này khắc con, đập vỡ đàn cổ của hắn, đốt bản nhạc phổ hiếm mà hắn khó khăn lắm mới tìm được, giết chết bạch hạc lột da, treo lên đầu giường.
Phò mã mở mắt ra, nhìn thấy đôi bạch hạc máu me đầm đìa thì đau đớn tột cùng, suýt ngất đi, cãi nhau với công chúa ầm ĩ, muốn uống rượu thì phát hiện vò rượu đã rỗng, rượu đều đổ hết lên tranh vẽ và bản nhạc của hắn.
Công chúa nói hắn là gối thêu hoa, là kẻ nhu nhược dựa vào quyền thế hoàng gia, nàng ta lo liệu mọi chuyện cho hắn nhưng hắn lại vô dụng.
Công chúa chắc chắn phò mã không dám động đến nàng ta một ngón tay nhưng không ngờ hắn lại ngày càng lạnh nhạt với nàng ta, gần như trở thành người xa lạ.
19
Ta uống hết nước trà ấm, vội vàng cùng Đái Hỷ rời khỏi Vọng Giang lâu, không phải vì lý do gì khác.
Mà là mấy bà tám này nói đi nói lại rồi lại nói đến ta, kể chuyện Dư Đình Ân bán chữ để lấy tiền làm đồ trang sức, lại nói ta tinh thông ngự phu chi đạo.
Một người trong số họ đề nghị đến hỏi ta xin lời khuyên, mấy người còn lại bàn tán rôm rả định đến xưởng dệt đặt vải để gần gũi hơn.
Nghe mà ta giống như là Đường Tăng rơi vào động Bàn Tơ, da đầu tê dại, lúc xuống cầu thang còn suýt trượt chân.
Dư Đình Ân biết chuyện thì đắc ý vô cùng, liên tục lén lút vui vẻ mấy ngày, Dư bá mẫu nói chàng giống như con chó sói đen to lớn, nhìn thì nghiêm chỉnh nhưng thực ra đuôi đã vẫy thành vòng tròn rồi.
Trên bàn ăn, mẹ ta nâng niu bưng ra một đĩa cá kho dấm, nói là do một cô nương nhà họ Tống sáng tạo, chỉ nhờ món ăn này mà trong vòng một năm ngắn ngủi đã mở được một tửu lâu nhỏ, ngay cả hoàng đế cũng khen ngợi món cá này, bà phải nhờ vả mấy người bạn mới đặt được.
Một nhân vật oai phong lẫm liệt như vậy, ta đương nhiên cũng biết nhưng dạo gần đây việc làm ăn của tiệm gạo và xưởng dệt rất bận rộn, còn nhận thêm một đơn hàng vải bông từ tiệm may Kiến Châu.
Theo lý mà nói thì nhân lực đã đủ nhưng tốc độ và sản lượng vẫn chậm chạp, khiến ta đau đầu, ngay cả khẩu vị cũng kém đi nhiều, đến cả món trân châu viên yêu thích cũng không ăn nổi.
Ta gắp một miếng cá bỏ vào miệng, lúc mới ăn thì thấy chua ngọt rất ngon miệng nhưng hậu vị lại nồng nặc mùi tanh của cá, ta vừa nuốt xuống thì những miếng cá mềm mại đó lại trào ngược lên theo cổ họng nhưng những người khác lại ăn rất ngon lành, không có gì khác thường.
Tiếng nôn của ta thu hút sự chú ý của cả nhà, Dư bá mẫu và mẹ ta nhìn nhau, vui mừng kéo ta sang một bên, úp mở hỏi ta ngoài việc chán ăn thì kinh nguyệt có bị chậm không?
Ta gật đầu, sau đó mới sực nhớ sờ bụng, ta… ta có phải có thai rồi không?
Mấy năm nay, bất kể là lễ tết hay mùng một, ngày rằm, ta đều đến chùa thắp hương cầu xin Trùng nương có thể trở về bụng ta.
Ta hít mũi, đây là lần đầu tiên ta khóc vì vui mừng, lần đầu tiên không phải là tiếng nức nở nhỏ mà là tiếng khóc òa lên.
Mẹ ôm ta vào lòng lau nước mắt, Dư bá mẫu gọi Dư bá phụ mời đại phu, cha ta vẫn là lão già hồ đồ không đứng đắn, cầm một cái bánh bao nói: “Có phải bị mắc xương cá rồi không? Ăn một miếng bánh bao cho trôi xuống, không cần mời đại phu đâu.”
Mẹ ta ở với Dư bá mẫu lâu rồi, cũng học được một hai câu cửa miệng, nói: “Sao ta thấy ông chướng mắt thế nhỉ?”
Ông gãi gãi gáy, vô tội nói: ” Tính tình lúc nhỏ của Từ Quân nhà chúng ta không phải như thế này sao? Cắn lưỡi, mắc xương,… Ai ui, lão già ta được làm ngoại tôn rồi, không phải, làm ngoại công rồi!”