Bà Nội Của Tĩnh Tĩnh - Chương 5
13
Ba tôi nghe tin chạy thì bà đã được an táng. Là người cuối cùng trong hộ khẩu của gia đình, tôi đã cùng dân làng lo liệu tang lễ cho bà.
Khi ba tôi đến, ông khóc lóc thảm thiết, đưa rất nhiều thuốc lá cho dân làng.
Đêm thức canh linh, ông quỳ bên cạnh tôi, hỏi: “Tĩnh Tĩnh à, nghe nói con đã đỗ vào đại học ở Bắc Kinh rồi?”
Tôi thật sự không ngờ, vào những ngày bà vừa mới mất, trong chính linh đường của bà, ông ta lại có gan hỏi chuyện muốn đưa tôi đi.
Nếu ông ta nói điều này 10 năm trước, cũng đã là quá muộn rồi, huống chi là bây giờ.
Tôi cười nhạt hỏi ông: “Sao vậy? Muốn cho con trai ông có một người chị đang học ở Bắc Kinh à?”
Khoảnh khắc đó, biểu cảm của ông ta rất kỳ lạ.
Cái giọng khóc giả tạo cũng không còn nữa, ông ta vuốt cái đầu hói đã trơn nhẵn hơn nửa, cười gượng đáp lại tôi: “Cô Trần của con sức khỏe yếu, mãi chưa mang thai.”
“Ba à,” đó là lần cuối cùng tôi gọi ông ta là “ba”: “ông đáng đời không có con nối dõi.”
Ông ta trừng mắt nhìn tôi, theo phản xạ định giơ tay tát vào mặt tôi.
Nhưng tôi ngay lập tức chỉ vào di ảnh của bà, mắt đẫm lệ, chất vấn ông ta: “Trước mặt bà, ông thực sự có gan hạ cái tát này xuống sao? Ông không chăm sóc mẹ, bỏ rơi con gái, giờ ông thực sự có gan đòi đón tôi về để lo cho ông lúc già à?”
Tôi thừa biết, đạo đức không thể trói buộc loại người như ông ta.
Nhưng trong linh đường có nhiều người nghe thấy những lời này của tôi, và danh dự sẽ ngăn cản hành vi bạo lực của ông ta.
Ông ta lại một lần nữa vội vàng bỏ đi, nói rằng sẽ tìm thời gian sau để nói chuyện với tôi.
Tôi biết ông ta đã bàn bạc với cán bộ thôn về việc chuyển hộ khẩu của tôi, nhưng tôi đã trưởng thành, và tôi kiên quyết giữ hộ khẩu của mình tại nhà bà.
Tôi không quan tâm đến cái gọi là “hộ khẩu nông thôn” hay “hộ khẩu thành phố”. Ngoài nhà bà tôi ra, tôi không có nhà nào khác, nơi đây chính là nhà của tôi.
Cái ngôi làng nhỏ này, ngôi nhà nhỏ này, mỗi lần điền đơn hay đăng ký thông tin, tôi đều tự hào viết địa chỉ này.
Người mà tôi yêu thương nhất đang yên nghỉ tại đây, nếu tôi không ở lại đây, thì hồn phách bà trở về cũng không thể tìm thấy nhà nữa.
Sau khi đuổi ba tôi đi, mẹ tôi cũng đến quấy rối tôi.
Bà đã sinh một cậu con trai, nhà bà giàu có, ăn no rồi lại bắt đầu tìm cách tô điểm danh tiếng, thực sự muốn “cho con trai bà nhận một người chị đang học ở Bắc Kinh.”
Có lẽ bà còn muốn tôi làm gia sư miễn phí, hoặc thậm chí chờ tôi thành công để giúp đỡ con trai bà trong tương lai, chắc chắn không phải vì hối hận.
Vì vậy, khi nghe nói bà đến, tôi cầm cây gậy đang dùng để đốt vàng mã xông ra ngoài.
Suốt 16 năm sau, đây là lần đầu tiên tôi gặp lại người mẹ ruột của mình.
Trong ký ức của tôi, rõ ràng bà là một người phụ nữ đẹp và đoan trang như cô Dương, nhưng khoảnh khắc này, khi bà đi giày cao gót, trang điểm đậm, tôi thậm chí không nhận ra đó là bà.
Cay nghiệt và chua ngoa, có lẽ thật sự có câu ” tâm sinh tướng.”
Khi tôi vung gậy lửa về phía bà ta, cả hai cánh tay đều run rẩy.
Tôi hét lên: “Nếu bà dám bước vào linh đường của bà nội tôi, tôi sẽ lấy m//ạng bà!”
Bà ta tái mặt, nói với tôi: “Tĩnh Tĩnh, là mẹ đây, con không nhận ra mẹ sao?”
“Tôi làm gì có mẹ!” Lúc đó, tôi òa khóc nức nở, một người chú giằng lấy cây gậy từ tay tôi, cô Dương vội vàng đến ôm tôi vào lòng.
Tôi gào thét trong tuyệt vọng: “Bà thử hỏi đi! Ai biết tôi còn có ba mẹ ruột không? Tôi chỉ có một mình bà nội thôi!”
Tôi không thấy rõ bà ta có khóc không, tôi chỉ nghe giọng bà run rẩy hỏi: “Tĩnh Tĩnh, mẹ khi đó cũng bất đắc dĩ, con tha thứ cho mẹ được không?”
Tôi cố giữ bình tĩnh rất lâu mới trả lời: “Tôi sẽ không tha thứ cho các người. Nếu tôi nói tha thứ, thì tất cả những gì tôi và bà đã trải qua đều đáng bị như vậy sao?”
Sau đó, tôi khóc đến mức mắt tối sầm lại, quỳ xuống trong linh đường, có lẽ mọi người đều thương cảm cho tôi, nên đã giúp tôi đuổi bà ta đi.
Về sau, ba tôi tìm gặp tôi vài lần, còn mẹ tôi, tôi không bao giờ gặp lại.
Suy cho cùng, lựa chọn của các người lúc đó đã chính thức chấm dứt mọi liên hệ với tôi rồi mà.
Tôi không thể buông bỏ được.
Cả đời tôi, đó sẽ mãi mãi là một vết thương hằn sâu trong cuộc đời, bà đã chữa lành tôi, nhưng vết sẹo để lại sẽ không bao giờ biến mất.
Vì thế, tôi sẽ không hòa giải. Con đường duy nhất của tôi là mang theo nỗi nhớ về bà, sống một cuộc đời trân quý mà bà đã dùng cả m//ạng sống để đổi lấy cho tôi.
14.
Cuốn sổ tiết kiệm của bà, tôi chưa bao giờ sử dụng đến.
Dường như dòng chữ in trên đó dừng lại ở ngày bà gửi tiền lần cuối, khiến tôi cảm thấy vẫn còn cơ hội để đợi bà tự mình đến rút tiền.
Sau này tôi có dọn dẹp lại ngôi nhà ở quê, những căn nhà được xây từ đất vàng, dù cũ kỹ, nhưng rất vững chắc.
Bởi vì trong đó có kỹ thuật và cả tâm huyết của bà: những chi tiết tỉ mỉ và tay nghề chắc chắn, nụ cười của bà khi xây xong phòng đọc sách nhỏ cho tôi, tôi sẽ mãi mãi không quên được.
“Tĩnh Tĩnh, căn nhà bà xây, con cứ yên tâm mà ở, trăm năm cũng không sập đâu!”
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào lời nói ấy của bà tôi.
Và cũng giống như ngôi nhà, sức mạnh mà bà để lại trong cuộc đời tôi sẽ không bao giờ suy tàn.
Sau này, tôi đã nhiều lần đưa con gái Thanh Miêu trở về làng, trở về ngôi nhà chất chứa cả tuổi thơ của tôi.
Tôi dẫn con bé đi viếng mộ bà, dạy con nói: “Bà cố ơi, con là Miêu Miêu, con đi cùng mẹ về thăm bà đây!”
Tôi xoa đầu Miêu Miêu, giống như những năm tháng bà từng trao yêu thương cho tôi.
Bà ơi, bà thấy không, đến hôm nay, con cũng đã trở thành người có thể che chở cho người khác rồi.
Từng là một đứa trẻ không có gì trong tay, bị ba mẹ bỏ rơi, cuối cùng tôi cũng đã có được gia đình của chính mình.
Tôi nhìn con bé con đùa nghịch vô tư với đất trước mộ bà, trong khoảnh khắc đó, tôi bất chợt đau đớn đến mức không chịu nổi, phải quay vội đi để giấu dòng nước mắt chảy ra.
Bà ơi, bà có biết không? Ngay trong học kỳ đầu tiên của năm nhất đại học, con đã đi làm thêm và kiếm được số tiền đầu tiên trong đời.
Con đã bướng bỉnh mua một đôi bông tai bạc kiểu người già hay thích, con biết bà chắc chắn sẽ thích. Bà không thể dùng câu “Bà không thích” để lừa con được nữa rồi.
Nhưng khi tôi ôm chặt đôi bông tai ấy, bước đi giữa thành phố xa lạ đầy những khối bê tông và thép, tôi biết rằng mãi mãi sẽ không thể tự tay đeo nó lên cho bà được nữa.
Tôi đã mua một món quà mà không bao giờ có thể trao đi.
Suốt sáu năm trời trước khi tôi kết hôn, mỗi đêm giao thừa đều chỉ có mình tôi ở nhà.
Tôi ngồi trước bếp lửa, gói sủi cảo…Bà ơi, bà có về thăm con không? Tôi vừa khóc vừa gói bánh, dường như tôi đã gói cả nước mũi của mình vào trong đó.
Cửa tiệm tạp hóa đã đóng cửa, cái cánh cửa ấy sau khi khóa quá lâu, tôi không còn dám mở ra nữa.
Tôi sợ nếu mở ra, nhìn thấy chiếc ghế cao mà bà vẫn hay ngồi, tôi lại không kìm được mà òa khóc.
Tôi vốn là một người rất cứng cỏi, nhưng tất cả những gì liên quan đến bà, chỉ cần nghĩ thêm một giây thôi cũng đủ làm tôi rơi nước mắt.
Những năm đó, mỗi lần tôi về quê, cô Dương đều đến thăm tôi.
Tôi biết, cô ấy luôn sợ tôi sẽ làm chuyện dại dột, hoặc nếu tôi khóc một mình trong nhà thì sẽ chẳng ai biết mà lo cho tôi.
Trước mặt cô ấy, dường như tôi luôn tìm kiếm tình thương của một người mẹ bị thiếu hụt.
Càng ép bản thân phải tỏ ra bình tĩnh và chín chắn, tôi càng dễ bật khóc ngay trước mặt cô ấy.
Mỗi lần như thế, mắt cô ấy lại đỏ lên, cô nắm chặt tay tôi, không nói được một lời nào.
Bà ơi, con thực sự rất nhớ bà.
Nỗi nhớ này giống như một cây kim chạy dọc theo mạch máu của con, buộc con phải khóc đến khi đầu óc quay cuồng thì mới có thể ngủ yên.
Bà luôn nói con đã trưởng thành, bà luôn nói con hiểu chuyện quá sớm.
Nhưng thật ra, trong những năm bà còn sống, con chưa bao giờ xem mình là người lớn cả.
Tôi ngậm kẹo, trong túi có mấy gói que cay, từ xa nhìn thấy làn khói xanh bốc lên từ ống khói nhà mình, tôi luôn có cảm giác mình vẫn là một đứa trẻ—là đứa trẻ cần trở về nhà, cần quấn quýt bên bà.
Tôi chỉ thực sự trưởng thành khi bà rời xa tôi, buộc tôi phải lớn lên.
Tôi không còn cách nào để không lớn nữa rồi.
Tôi nằm trên giường, đắp lên mình chiếc áo bông dày mà bà từng mặc.
Áo bông lạnh lẽo, không thể hỏi tôi rằng: “Tĩnh Tĩnh, con có lạnh không? Con có đói không?”
Bà ơi, sao bà không thể ở bên con thêm một chút nữa? Bà ơi, sao con lại bất lực đến thế, chẳng thể khiến bà ở lại với con thêm chút nào…
Miêu Miêu nhận ra điều khác lạ ở tôi, con bé đứng dậy nắm lấy tay tôi. Tôi vội lau đi những giọt nước mắt.
Lại một mùa đông lạnh giá nữa đến, giống như ngày bà đi bộ hơn hai giờ đồng hồ để đón tôi về nhà.
Tôi hỏi Thanh Miêu có muốn đi tiếp không, tôi muốn dẫn con bé đi dạo thêm chút nữa.
“Con đi được, con sẽ đi cùng mẹ.”
Khi chúng tôi leo lên ngọn đồi, Miêu Miêu ngây thơ thốt lên: “Mẹ ơi, chỗ này hóa ra lại nhỏ như vậy!”
Từ trên cao nhìn xuống, thung lũng nhỏ bé này chỉ như một bàn tay.
Cả cuộc đời của bà tôi, đã an nghỉ trọn vẹn trong lòng bàn tay nhỏ bé này.
Miêu Miêu lại nói: “Mẹ ơi, nơi này sao trơ trụi, vàng úa hết vậy.”
Tôi hỏi con: “Con có thích đến đây không?”
Miêu Miêu mới sáu tuổi, nhưng tôi cứ cảm giác như có điều gì đó mơ hồ, đầy ý nghĩa, con bé từ từ gật đầu và nói với tôi: “Đây là nhà của mẹ mà!”
Đúng vậy, đây chính là nhà của tôi.
Ở thung lũng nhỏ hẻo lánh thuộc vùng Tây Bắc khô cằn này, chính là nơi tôi và bà nội đã gọi là nhà.
Tây Bắc cằn cỗi, nhưng vẫn luôn có những con người kiên cường, nở ra những bông hoa không chịu khuất phục.
[HẾT]