Bà Nội Của Tĩnh Tĩnh - Chương 2
4
Tôi không ngờ vào năm tôi học lớp ba, bà nội lại tự mình mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ trong làng.
Dân làng qua lại đông đúc, nhưng cũng không phải là cửa hàng chính quy gì cả, bà chỉ dọn dẹp căn phòng ngoài của nhà tôi, rồi dựng lên một cái kệ từ một tấm ván dài.
Lúc đầu việc kinh doanh không tốt lắm, nhưng bà rất thông minh, bà tranh thủ lúc học sinh tan học, mang một gùi đầy đồ ăn vặt đến bán ở cổng trường, dần dần bà kiếm được tiền.
Cứ một thời gian, bà lại đạp xe xuống thị trấn lấy hàng. Mỗi lần như vậy, tôi đều giúp bà đẩy xe lên núi, đi mãi cho đến khi ra đến con đường lớn.
Trên đường gặp bạn bè, tôi luôn tự hào nói: “Bà tôi đi lấy hàng đấy, các cậu thích ăn gì cứ bảo bà tôi nhé!”
Bà mở cửa hàng tạp hóa với một lý do rất đơn giản.
Khi bà vừa bày tấm ván ra, vừa cười nói với tôi: “Nếu không hỏi giá nhập hàng, bà còn chẳng biết mấy món ăn vặt đó lời đến thế! Một gói que cay có thể lãi mấy hào, chi bằng bà tự mở tiệm, ngày nào con cũng có đồ ăn vặt.”
Bà không biết rằng, ngoài việc được ăn vặt thoải mái làm tôi vui, việc nhà có cửa hàng tạp hóa và nhìn thấy ánh mắt ghen tị của các bạn cũng làm tôi hạnh phúc.
Trước đó, tôi thường cảm thấy tự ti và buồn bã vì không có ba mẹ bên cạnh chăm sóc
Nhưng việc chia kẹo trái cây cho các bạn — dù chỉ là loại kẹo nhỏ hai cái một hào — nhận được lời cảm ơn và sự thân thiện của họ vẫn khiến tôi vui sướng rất lâu.
Ở ngôi làng này, nếu trong nhà có một tiệm bán đồ ăn vặt, thì thực sự rất oai trong đám trẻ con.
Khi đó, người dân khắp mười dặm tám làng đều nghe nói về bà tôi, ai cũng khen bà là một cụ già nhỏ bé mà không hề tầm thường. Dù tóc đã bạc phơ, nhưng vẫn có thể đi xe đạp lấy hàng và tự mình mở quầy bán đồ.
Chỉ có một đứa cháu gái bên cạnh, vậy mà bà vẫn cố gắng sống tốt.
Lúc ấy, tiệm tạp hóa nhỏ của bà trở thành niềm tự hào lớn nhất của tôi, và bà cũng trở thành điểm tựa vững chắc nhất trong cuộc đời tôi.
Bà rất tiết kiệm và biết dành dụm tiền. Món lời từ cửa hàng tạp hóa là rất nhỏ, chỉ tính từng hào từng xu, nhưng suốt một năm trời bà vẫn có thể tích góp được cả ngàn đồng.
Năm đó, vào dịp Tết, lần đầu tiên bà dẫn tôi đến tiệm quần áo ở thị trấn. Bà nói muốn mua cho tôi một bộ quần áo mới để đón Tết thật vui vẻ.
Vừa ngắm những bộ quần áo đẹp mà trước giờ chỉ thấy trên TV, tôi vừa thận trọng hỏi bà: “Thế còn mấy tấm vải mà bà mua trước thì sao? Chẳng phải phí tiền rồi à? Hay là mình không mua nữa, bà nhé.”
Bà cười, cầm một chiếc áo khoác bông màu hồng ướm lên người tôi, rồi nói: “Vải đó bà sẽ may cho bà một chiếc áo gile bông, còn dư sẽ làm một đôi giày.”
Tôi vẫn còn do dự khi thử nó, tôi đút tay vào túi áo khoác và không chịu lấy ra. Bà quỳ xuống và ngước nhìn tôi.
“Chẳng phải cún con không thích màu hồng sao? Bà sẽ chọn cái khác.” Tôi nhìn rõ ràng, nhân lúc đổi chiếc áo khác, bà đã quay lưng lại lau nước mắt.
Bóng lưng của bà tôi lúc nào cũng gầy yếu như vậy. Gầy yếu đến mức tôi sợ sẽ tiêu tốn thêm của bà dù chỉ một đồng cũng sẽ làm cong cái lưng cứng cỏi, thẳng thắn ấy của bà.
Vì bị ba mẹ ruột bỏ rơi, tôi luôn coi mình là một gánh nặng. Đặc biệt khi đối diện với người bà đã nhận nuôi tôi vô điều kiện, tôi càng sợ làm phiền bà hơn.
Cuối cùng, dưới sự kiên quyết của bà, bà đã mua cho tôi một chiếc áo bông mới màu xanh da trời.
Tôi sợ mình lớn quá nhanh, nên đã đặc biệt nhờ nhân viên bán hàng lấy cỡ dành cho người cao 1m6.
Lúc đó mặc vào trông tôi như mặc một cái bao tải lớn, nhưng tôi nghĩ, ít nhất cũng có thể mặc được mười năm.
Tôi hiểu sự khó khăn của bà, còn bà thì thương tôi vì sự hiểu chuyện.
Những năm đó, chúng tôi cứ dựa vào tình yêu luôn nghĩ cho nhau như thế, cùng nhau vượt qua những mùa đông lạnh giá và những ngày hè khắc nghiệt.
5
Mặt hướng về đất, lưng quay lên trời, vào những ngày nóng nhất của tháng bảy, tháng tám, khi được nghỉ hè, tôi vừa hay có thể giúp bà nhổ lúa mì.
Nhưng bà không nỡ để tôi xuống ruộng làm việc, ban đầu bà luôn cố đuổi tôi về nhà. Bà bảo tôi đọc sách, làm bài tập, nhiều nhất là giúp bà nhào bột, cắt mì, và đợi bà về nấu.
Nhưng chỉ vài ngày sau khi nghỉ hè, tôi đã vội làm xong hết bài tập, mỗi ngày chỉ cần học thuộc vài từ vựng mà cô Dương giao cho, cốt yếu là tôi vốn định dành thời gian rảnh để giúp bà làm việc.
Thế nên, mỗi ngày khi bà vừa ra khỏi nhà, tôi liền lén lút theo sau, đi vòng đến đầu kia của ruộng lúa, lặng lẽ nhổ.
Vùng chúng tôi phát triển khá lạc hậu, mãi đến tận sau này người ta vẫn dùng tay để nhổ lúa. Nhà không có găng tay nên mỗi lần nhổ lúa vài tiếng, ngón út tay phải của tôi đau như thể bị cắt đứt.
Sau khi xong việc, đêm muộn dưới ánh trăng, bà thương xót xoa dầu lên tay tôi – đó là loại dầu bôi mặt rẻ nhất mà chúng tôi có thể mua được.
Chất dầu như loại vaseline loãng, một hộp to chỉ mười đồng, tính ra mỗi thanh chưa đến năm hào. Tôi sợ lãng phí dầu, bảo bà bôi ít thôi.
Bà nhìn tôi rất lâu, rất lâu, chỉ còn lại những tiếng thở dài dài dằng dặc.
Tôi biết bà lại đang tự trách mình, nên vội nói: “Bà ơi, vài ngày nữa có người bán dưa tới, chúng ta mua vài quả dưa hấu ăn nhé, con thích ăn dưa hấu lắm.”
Những năm đó, thường có những người nông dân chở đầy ắp dưa hấu trên xe ba bánh đến làng bán.
Vào những đêm hè trong lành, tôi và bà ngồi trên đống rơm, vừa ăn dưa hấu vừa đếm sao.
Tôi chỉ cho bà thấy chòm sao Bắc Đẩu, bà tôi cười đến híp cả mắt: “Ôi dào! Nhiều sao thế này, bà nhìn làm sao ra được cái gì là ‘Bắc Đẩu’ chứ!”
Sau này, tôi rời khỏi vùng núi sâu, đến thành phố lớn với những tòa nhà chọc trời, và không còn thấy bầu trời đêm lung linh đầy sao như vậy nữa.
Những vì sao dày đặc như cái bát úp trên đầu thật khiến người ta biết khiêm nhường.
Tôi thích nhất những quả dưa hấu có giá còn rẻ hơn cả rau cải, đó là loại trái cây duy nhất mà tôi với bà có thể ăn thoải mái mà không cảm thấy tiếc.
Quan trọng nhất là, mỗi khi mua dưa hấu, bà cũng chịu ôm nửa quả nhỏ, dùng muỗng lớn mà xúc từng miếng ăn.
Không giống như mỡ lợn, không giống như thịt muối, cũng không giống như bát sủi cảo đêm giao thừa.
Không giống những thứ mà bà luôn lấy cớ “không thích ăn”, rồi để hết lại cho tôi ăn.
Nhờ có túi dưa hấu, tôi mới có được cơ hội theo bà ra ruộng nhổ lúa mì.
Bà còn mua cho tôi một đôi găng tay mới – bà tôi quả thực là một người rất khôn ngoan, bà nhập giá sỉ một lần 20 đôi, đưa cho tôi một đôi, còn lại đem bán, không chỉ thu hồi vốn mà còn kiếm thêm được mấy đồng.
Số tiền đó bà dùng để mua vải và bông, tự tay may hai miếng đệm gối đầu gối cho tôi, để tôi đeo vào khi quỳ nhổ lúa mì.
Đôi đệm gối ấy tôi giữ lại nhiều năm. Cho đến tận khi tôi kết hôn và sinh con, tôi vẫn luôn để ở tủ đầu giường của tôi.
Nhiều năm sau, khi tôi cũng đã trở thành bà của một đứa cháu, mỗi lần chạm vào từng đường kim mũi chỉ trên đôi đệm gối ấy, dường như tôi vẫn có thể cảm nhận được hơi ấm của bà.
Là hơi ấm từ những ngón tay chai sạn, thô ráp và cứng đờ của bà.
Là hơi ấm từ đôi tay nhỏ bé nhưng mạnh mẽ của bà, đã chở che cho tôi, để tôi được lớn lên trong một bầu trời trong lành.
6
Ba năm rưỡi sau khi bỏ rơi tôi, ba tôi cuối cùng cũng trở về thăm quê một lần. Lần này ông đến, mang theo một người phụ nữ mà trước đây tôi chưa từng thấy qua.
Người phụ nữ ấy họ Trần, trông có chút giống mẹ tôi, mãi nhiều năm sau tôi mới nhận ra rằng ba tôi thật đê tiện.
Cô Trần đối xử với tôi rất lịch sự, nhưng có lẽ vì chê tôi bẩn, ban đầu định đưa tay nắm tay tôi nhưng cuối cùng lại rụt tay về, chỉ nói vài lời khách sáo với tôi.
Ba tôi vuốt đầu tôi rất ân cần, bảo tôi gọi cô Trần là “mẹ”.
Bà nội tôi vừa làm đồng xong, bước đến gạt tay ông ra, tức giận nói: “Đừng nói mấy lời như thế với Tĩnh Tĩnh.”
Tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng tôi giả vờ như không biết gì, chỉ vì không muốn đối mặt với tình cảnh đó.
Ba tôi cuối cùng cũng có chút lúng túng, ông đánh trống lảng bằng cách hỏi tôi: “Tĩnh Tĩnh, có nhớ ba không?”
Câu nói ấy khiến sống mũi tôi cay xè.
Dù ba mẹ không thương tôi nhiều, nhưng năm đầu tôi trở về nhà bà, tôi vẫn không thể ngăn mình nhớ họ.
Lúc đó tôi mới có sáu tuổi, ở cái tuổi ngây thơ nhất, chẳng màng đến được mất, tôi tin tưởng dựa dẫm vào họ hoàn toàn, như một chú chó con trung thành.
Thế nhưng, vào cái thời điểm tôi yêu họ nhất, họ lại bỏ rơi tôi.
Trong viễn cảnh tương lai tươi đẹp mà họ mong muốn, vẫn luôn không có tôi.
Giống như khi người ta bỏ rơi một chú chó con, sẽ chẳng mấy đau lòng.
Vì vậy, tôi nghĩ một lúc lâu, dù đang đầu thu vẫn còn nóng, nhưng tay chân tôi lạnh ngắt đến tê dại.
Tôi ngẩng đầu, nhìn lên ba mình, chỉ nói: “Ba gầy hơn rồi, gầy hơn lần trước con gặp ba.”
Lần trước con gặp ba đã là ba năm trước, ba còn nhớ không?
Cuối cùng, trên gương mặt ông cũng hiện lên chút vẻ áy náy.
Khoảnh khắc đó, tôi rất muốn hỏi ông rằng, nếu tôi gọi cô Trần này là “mẹ”, liệu ông có đưa tôi về nhà không?
Không phải vì tôi muốn đi theo ông, mà tôi chỉ muốn biết liệu ông có coi tôi là con gái ruột nữa hay không.
Nhưng tôi không hỏi, hôm đó tôi ngoan ngoãn rót nước, nấu cơm cho hai người họ, chẳng nói thêm một lời nào nữa.
Vì tôi biết rõ câu trả lời của ông.
Bà tôi cũng không nói nhiều với họ.
Ba tôi nói muốn cưới cô Trần, bà chỉ bảo: “Mày tự quyết đi.”
Ba nói sẽ sinh thêm con trai để nối dõi, bà liền nói: “Tĩnh Tĩnh là đứa trẻ ngoan, cũng có thể quản việc nhà.”
Mãi đến khi ba tôi chuẩn bị đi và để lại hai nghìn tệ, bà mới chủ động nói: “Số tiền này mẹ sẽ giữ, không phải vì mẹ ham tiền, mà là để sau này lo liệu cho Tĩnh Tĩnh đi học đại học. Đó là số tiền một người làm ba phải lo được cho con bé. Mẹ sẽ không tiêu một xu nào.”
Một bà lão với thân hình nhỏ bé, gầy gò, nhưng cái khí phách kiêu hãnh ấy, thật như cây cổ thụ sừng sững.
Nhiều năm sau, tôi vẫn luôn nghĩ, chính bà – một người phụ nữ nông thôn không biết chữ – đã dạy tôi cách lạc quan, kiên cường và không khuất phục.
Những bài học từ hành động và lời nói của bà chẳng hề thua kém những đạo lý lớn lao trong sách vở của các danh gia.