A Vũ - Chương 4
6.
Khi ta vừa dứt lời, cả Mạnh Từ Quân và Hoàng thượng đều ngỡ ngàng bất động.
Không hiểu sao, sắc mặt của Mạnh Từ Quân bỗng trở nên vô cùng khó coi. Còn Hoàng thượng, ngay cả kỳ săn mùa thu cũng không buồn nghĩ đến nữa.
Trong tẩm cung Hoàng thượng, ta bất an nhìn người đang trầm tư im lặng, rồi lại nhìn Mạnh Từ Quân đang quỳ dưới đất: “Chẳng lẽ A Vũ đã lỡ lời chăng…”
“A Vũ không nói sai đâu, đừng sợ.” Hoàng thượng vẫn nhìn ta bằng ánh mắt dịu dàng, chiếc ngọc bội phượng hoàng yên lặng nằm trong lòng bàn tay người.
“A Vũ có hiểu được ý nghĩa của chiếc ngọc bội phượng hoàng này không?”
Ta gật đầu: “Hiểu chứ ạ, vì ngọc bội của A Vũ đã vỡ, nên người tặng cho ta một cái mới, có phải không?”
Hoàng thượng sững sờ hồi lâu, nở nụ cười nhưng lại ẩn chứa nỗi buồn khó tả: “A Vũ nói đúng, là ý đó.”
Nhìn thấy nỗi cô đơn trong ánh mắt người, lòng ta tựa như bị gai nhọn đ//âm vào, đau nhói và nặng nề. Giống như bị dây leo gai quấn quanh cổ, còn bị chim nhạn mổ vào mắt thêm hai cái.
“Vậy nên A Vũ vào cung lần này, là muốn tâu với trẫm, mong Mạnh Từ Quân cưới nàng, có phải không?”
Ta nhìn vào ánh mắt Hoàng thượng, không hiểu vì sao A Vũ bỗng muốn nói dối, muốn nói rằng không phải, muốn để ánh mắt người bớt vẻ u buồn.
Nhưng cha đã dạy không được nói dối, không thể làm kẻ bội tín bội nghĩa, điều đã hứa phải làm được.
Năm năm trước ta đã hứa với tổ mẫu, cũng hứa với Mạnh Từ Quân sẽ gả cho hắn.
Đã hứa thì phải làm được, không thể đổi thay.
“Phải.”
Thấy ta bất an, Hoàng thượng muốn đưa tay xoa đầu ta, nhưng chợt ngừng lại rồi thu tay về.
“Trẫm hiểu rồi.”
Người đặt chiếc ngọc bội phượng hoàng cùng với chiếc còi lá bẻ được trong cuộc săn vào tay ta: “Tâm hồn của A Vũ tựa như cánh nhạn trời xanh, muốn bay đến đâu thì cứ bay đến đó.”
“Trẫm và A Cảnh, đều mong A Vũ luôn được tự do và vui vẻ.”
Mấy ngày trước, Hoàng thượng từng dặn riêng ta, đừng gọi người là Hoàng thượng mà cứ gọi là A Cảnh cũng được.
Chiếc ngọc bội phượng hoàng người đã giữ rất lâu trong tay, khi chạm vào vừa ấm áp vừa mềm mại.
Ta ngỡ ngàng nhìn Hoàng thượng, không hiểu sao nước mắt bỗng trào dâng.
Ta còn muốn đưa tay áo lau mắt, nhưng chợt nhớ ra, Hoàng thượng sẽ không ban cho ta y phục mới nữa.
Đây là y phục người đã ban, phải quý trọng mà mặc, không được dùng để lau nước mắt.
Thế là người đưa ta một chiếc khăn tay, dịu giọng an ủi: “A Vũ đừng khóc, A Vũ không làm gì sai.”
Hoàng thượng nhớ đến chuyện xưa, tha thứ tội lỗi cho Mạnh Từ Quân: “Trẫm từng nuôi một chú mèo nhỏ, nhưng mẫu hậu không thích, bảo rằng đã làm vua thì không nên bận tâm đến thú vật.”
“Vậy nên trẫm lén nuôi trong tẩm điện, nhưng về sau, mẫu hậu kiểm tra bài vở, trẫm bèn giấu mèo trong rương.”
“Mẫu hậu dường như biết chuyện, cố ý ở lại rất lâu, đợi khi mẫu hậu rời đi, mèo con cũng bị ngộp mà chet.”
“Từ đó trẫm hiểu ra, dù là mèo nhỏ, báo đốm hay phi tần, cũng không hợp ở lại hoàng cung, lại càng không nên ở bên cạnh trẫm.”
Lúc Mạnh Từ Quân cùng ta rời cung, trời đã chạng vạng, lại còn lất phất tuyết rơi.
Gió cuốn theo tuyết thổi vào xe ngựa, Mạnh Từ Quân sợ ta lạnh, muốn hạ rèm xe xuống. Ta nhất quyết không chịu, chỉ đau đáu nhìn tường thành ngày một xa.
Mạnh Từ Quân nắm chặt tay ta như giữ một báu vật quý giá vừa tìm lại được.
Hắn nói, khi về sẽ thành thân ngay, áo cưới sẽ dùng lụa tốt nhất, điểm tâm sẽ dùng mật và đường đủ đầy, rượu đãi khách sẽ chọn loại thơm ngon và lâu năm nhất.
Hắn nói những điều ấy, nhưng ta chẳng nghe lọt một chữ. Ta chỉ lặng lẽ nghĩ, giờ ta đã đi rồi, đêm nay ai sẽ kể chuyện cho A Cảnh đây?
Ngày thành thân gần kề, nhìn thấy Mạnh phủ trang hoàng từng chút một, khắp nơi rộn ràng vui vẻ.
Bệnh tình của tổ mẫu cũng đỡ đi phần nào. Nhưng ta lại đổ bệnh.
Từ khi rời cung, ngày đêm ta cứ sốt cao, chẳng thể ăn uống gì.
Dù đã thay đến bảy, tám lang trung nhưng ai cũng bảo, không phải bệnh, chỉ cần tiểu thư chịu ăn thì sẽ khỏi.
Mạnh Từ Quân nghĩ đủ cách mua đồ ngon về cho ta. Nào là bánh hoa đào, nào là thạch hạnh nhân.
Đều là những món ta thích nhất.
Mạnh Từ Quân ngồi bên giường, kiên nhẫn từng chút một đút cho ta ăn. Nhưng chỉ cần ngửi thấy, ta liền nôn nao, gục bên giường nôn thốc nôn tháo.
Vài ngày ta đổ bệnh, thợ thêu đã đo người ba lần, kích cỡ cứ gầy bớt rồi lại gầy đi. Lang trung bảo không phải hoài thai, cũng chẳng phải lao phổi.
Họ không nói rõ được, nhưng ta thì tự biết.
Có lẽ là gió tuyết ngày rời cung hôm ấy, đã thổi vào tận sâu trong tim. Vì cơ thể quá yếu, ta thường không phân biệt được mình đang tỉnh hay là mơ.
Rõ ràng thấy mùa xuân ấm áp, đàn nhạn từ phương Nam lướt qua đầu.
Khi ta cầm chiếc còi lá khô, chạy đuổi theo đàn nhạn, mới giật mình nhận ra mình chỉ khoác y phục mỏng manh, chân trần đứng giữa trời tuyết.
Lang trung từ trong cung đến bảo là chứng “ly hồn”, phải lấy m//áu người làm thuốc.
Cánh tay của Mạnh Từ Quân chẳng còn chỗ nào lành lặn. Hắn nóng lòng hỏi thầy thuốc: “Bệnh này có chữa khỏi được không?”
“Trước đây Thái hậu cũng từng mắc chứng ly hồn, uống thuốc rồi thì khỏi.”
Tay lang trung khựng lại khi châm kim, rồi lại nói rằng hiện nay Hoàng thượng cũng mắc bệnh tương tự, mà Hoàng thượng giống như A Vũ, cũng không chịu uống thuốc.
Ta như con tằm trong kén quá lâu, đã nghe chẳng rõ người khác nói gì, nhưng lại nghe được câu này, Hoàng thượng cũng mắc bệnh, mà không chịu uống thuốc.
Ta ngẩn ngơ nhìn tuyết rơi ngoài cửa, chẳng hiểu sao nước mắt tuôn rơi đầy mặt.
Trong tiếng gió tuyết than thở khắp trời, bệnh ta lại phát nặng. Bỏ qua mọi lời ngăn cản của thị nữ và Mạnh Từ Quân, ta loạng choạng bước ra ngoài.
Họ nói dối ta, nào có tuyết rơi.
Trước mắt không gió cũng chẳng tuyết, thời tiết tốt lành, thích hợp đi gặp A Cảnh.
Trăng trên cao chiếu sáng cho ta một con đường nhỏ yên tĩnh chảy dài.
A Cảnh của ta, Hoàng thượng của ta đang ở cuối con đường, người mỉm cười dịu dàng với ta.
Mạnh Từ Quân cố sức giữ lấy ta, nhưng tổ mẫu ngăn hắn lại: “Con không để A Vũ đi, e rằng sẽ mất m//ạng đấy!”
Mạnh Từ Quân ngỡ ngàng nhìn theo bóng lưng ta. Sốt cao khiến ta thấy Vương bá bá lái xe ngựa đến.
Ta loạng choạng nắm lấy vạt áo của ngài, khóc đến nỗi không thở được: “Vương bá bá, A Vũ nhớ Hoàng thượng quá.”
“Nhưng A Vũ là người nói lời không giữ lời, Hoàng thượng chắc chắn ghét ta rồi.”
Vương bá bá đau xót ôm ta vào lòng, liên tục vỗ lưng an ủi, giọng cũng nghẹn lại: “Hoàng thượng không ghét người đâu, không hề.”
7.
A Vũ có lẽ sắp phải chet rồi. Bởi vì A Vũ đã gặp được Hoàng thượng.
Năm xưa, khi cha bệnh mà qua đời, ta đã khóc mãi không thôi. Cha nói rằng, cha thấy sơn quỷ nương nương dẫn theo báo đỏ tới đón cha đi rồi, cha muốn đi đến nơi mà từ trước đến giờ cha chưa từng đến, được sống tiếp những ngày yên vui.
Vậy nên, có lẽ A Vũ cũng sắp chet rồi, thì mới gặp được Hoàng thượng, người mà chỉ trong mộng mới có thể gặp.
Nhưng tại sao trong mộng, Hoàng thượng lại bệnh tật đến thế?
Hoàng thượng nắm tay ta, cùng nằm ngủ.
Hoàng thượng chìm trong hôn mê, tay người dù gầy gò nhưng vẫn ấm áp, lại khiến ta ngủ một giấc yên bình.
Ngày hôm sau tỉnh dậy, đến cơm hay thuốc ta cũng nuốt trôi. Thậm chí, thái y còn nói mạch của Hoàng thượng đã ổn định lại rồi.
Ngày thứ ba, Thái hậu triệu ta vào cung.
Bà nhìn ta bằng đôi mắt lạnh lùng, khẽ thở dài:
“Quả thực ta quá dung túng cho con và Hoàng thượng rồi.”
Nhìn gương mặt gầy gò, tiều tụy của ta, Thái hậu rốt cuộc cũng không nói lời quá nặng nề, chỉ nhẹ nhàng thở dài: “A Vũ, làm Hoàng hậu rất khổ cực, con có hiểu không?”
Ta gật đầu thật mạnh: “Chỉ cần có thể ở bên cạnh Hoàng thượng, A Vũ nguyện ý học!”
Thái hậu nhìn ta nghiêm khắc: “Làm Hoàng hậu phải trang nghiêm, giữ lễ nghi, khuyên nhủ Hoàng thượng, nửa đời sau sẽ phải sống trong cung cấm, không thể tự do tự tại.”
“Ta không muốn nhìn thấy một Hoàng thượng hưởng tất cả lễ vật của thiên hạ mà không màng đến bách tính, cũng không muốn thấy một Hoàng hậu ngồi giữa châu ngọc cao lương mà lại đòi tự do như dân dã.”
“Ta tin con có thể học, nhưng đến khi hậu cung có hàng ngàn giai nhân, con có oán hận không, hay lại phải học cách chịu đựng từng người một?”
Những lời này, lúc mơ hồ vì bệnh ta đã nghĩ rõ ràng cả rồi.
“A Vũ không nói được nhiều đạo lý.”
“A Vũ chỉ biết, ngày trước khi theo cha lên núi săn bắn, rất ngưỡng mộ những người nông phu dưới núi, vì họ không cần dựa vào vận may, mong đợi thỏ và lợn rừng mắc bẫy, vì đất đai không bao giờ dối gạt người, gieo hạt là sẽ mọc ra hoa màu, nông dân sẽ không như thợ săn, vận xấu là sẽ đói bụng.”
“Về sau nông phu dưới núi lại bảo với A Vũ rằng, họ ngưỡng mộ cha con ta, bởi thú rừng trên núi tự lớn lên, giăng bẫy cũng dễ dàng, lông da có thể giữ ấm, chẳng phải lo cẩn thận từng chút một như hoa màu, vừa phải phòng thiên tai côn trùng, vừa phải lo thuế cao gạo rẻ, mùa đông không có áo ấm mà mặc.”
“A Vũ hiểu rõ trong lòng, bất kể là nông phu hay thợ săn, là thê tử của bách tính bình thường hay là Hoàng hậu trong cung, trên đời này không ai có thể một tay chiếm trọn cả hai thứ tốt. Được thấy Hoàng thượng mỗi ngày, được ăn gạo trắng, mặc áo đẹp, đã là phúc phận lớn lắm rồi, tham lam nữa sẽ bị trời đánh đấy.”
Còn chuyện hậu cung hàng ngàn giai nhân, A Vũ cũng đã nghĩ kỹ cả rồi. Lòng A Vũ như cánh nhạn, muốn bay đến đâu thì bay đến đó.
“Mẫu hậu, hậu cung ba ngàn giai nhân, người nghĩ A Cảnh tệ bạc như vậy, cũng nghĩ A Vũ thấp kém thế sao?”
Ta giật mình quay đầu lại.
Hoàng thượng của ta, A Cảnh của ta, khoác tấm áo mỏng, yếu ớt được cung nhân dìu đỡ, đứng đó trong ánh nắng mùa đông dịu dàng, mắt không giấu được vẻ tán thưởng, mỉm cười nhìn ta: “A Vũ nói rất hay, A Cảnh đều nghe thấy cả rồi.”
Nước mắt ta lại không nghe lời mà tuôn rơi.
Hoàng thượng nhìn ta cười: “A Vũ đừng khóc nữa, khóc thành mèo con rồi kìa.”
Thái hậu giữ ta ở lại dùng cơm tối, còn nghiêm túc hạ lệnh Hoàng thượng phải về tẩm cung nghỉ ngơi, uống thuốc.
Thái hậu quả là một người lợi hại, ngay cả việc ta thích ăn bánh hoa đào và chè hạnh nhân cũng biết.
Thấy ta nhìn bà với ánh mắt ngưỡng mộ, Thái hậu khẽ nhếch môi cười lạnh: “A Vũ thích ăn những thứ ấy không sao, nhưng tuyệt đối không được ăn cá tẩm rượu.”
Vì sao lại không thể ăn cá tẩm rượu? Cá nhỏ chiên lên rồi tẩm rượu, thơm ngon biết bao!
“Mèo con nếu tr//ộm ăn cá tẩm rượu, sẽ say đến giống như đã chet rồi.”
Thái hậu uống hơi nhiều, nâng chén rượu mà tay cũng không vững, để lộ vết thương chưa lành nơi cổ tay.
Bà thở dài, vẻ mặt đượm buồn: “A Cảnh, con cũng nghĩ mẫu hậu là người tệ bạc đến thế sao.”
8.
“Thái hậu có gây khó dễ gì cho nàng không?”
“Thái hậu là người rất tốt, rất tốt. Người đã suy nghĩ nhiều điều cho A Vũ.”
“Những quy tắc mà mẫu hậu nói, A Vũ không muốn học thì không cần học.”
Ánh nến lấp lánh trong Kiêm Gia cung, chiếu rọi Hoàng thượng của ta, từng nét mày, nét mắt đều đẹp đến khiến lòng người thổn thức.
“Thái hậu muốn A Vũ học quy củ, A Vũ không buồn đâu.” Ta cúi đầu, bỗng nhận ra giọng mình cũng hơi lắp bắp: “Nhưng khi người bảo A Vũ đừng nên thích Hoàng thượng, A Vũ rất buồn.”
Thị nữ Thiêm Hương cúi đầu, không nhịn được mà mỉm cười.
Hoàng thượng của ta thoáng đỏ mặt, khẽ ho một tiếng, rồi cho lui tất cả thị nữ hầu hạ.
Trong điện lại chỉ còn ta và A Cảnh.
Ta nhớ đến lời lang trung nói, rằng Hoàng thượng không chịu uống thuốc.
“Đã bệnh rồi, sao lại không uống thuốc? A Cảnh đang nghĩ gì vậy?”
Hoàng thượng mỉm cười nhìn ta: “Những khi bệnh nặng, thường hay mơ thấy A Vũ.”
“Mơ thấy bị rắn độc cắn một phát, A Vũ ở Đại Trạch liền đem thuốc đến cho A Cảnh.”
“Lại mơ thấy xuân đến hoa nở, A Vũ hái một lá khô, thổi thành tiếng sáo cho A Cảnh nghe.”
Những giấc mộng ấy, chẳng khác gì với mộng của ta.
“Một đời một kiếp bên A Cảnh, làm Hoàng hậu của A Cảnh.”
“A Vũ hiểu ý nghĩa ấy chứ?”
A Vũ hiểu.
Không phải là nhận lấy phượng bội, cũng chẳng phải khoác lên mình y phục của Hoàng hậu. Mà là A Vũ sẵn lòng học, là A Cảnh sẵn lòng dạy.
Là A Vũ kể cả đời cũng không chán, A Cảnh nghe cả đời cũng chẳng phiền.
A Cảnh dạy nghiêm, A Vũ học nghiêm…
Ta chợt nhớ, hôm đó khi nghe ta kể chuyện, Hoàng thượng bỗng quay về tẩm cung.
Ngày hôm sau, Chu cô cô cho ta một cuốn sách, nói rằng nếu học được những thứ trong đó, Hoàng thượng sẽ thích A Vũ hơn.
Trong sách là những hình người nhỏ đủ dáng vẻ đang đánh nhau, ta xem không hiểu, bèn từ dưới gầm giường lôi ra và hỏi A Cảnh: “A Cảnh, dạy ta đi.”
A Cảnh đỏ mặt, định đè tay ta lại, ho nhẹ một tiếng: “Nàng không cần hiểu những thứ này, cứ thuận theo tự nhiên là được.”
Ta dĩ nhiên không đồng ý, học theo hình đầu tiên, xoay người đè lên A Cảnh, như một chú báo con, kiêu hãnh mà oai phong nhìn ngài: “Không, A Vũ muốn học ngay bây giờ!”
“A Vũ chịu học, A Vũ cái gì cũng chịu học!”
[HẾT]